Thứ bảy, 27/04/2024,


Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” bằng hình ảnh (15/02/2009) 

Lấy nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu) làm cốt lõi, bộ phim cùng tên nằm trong kế hoạch sản xuất năm 2009 của Hãng phim Truyện VN. Sự kiện này đánh dấu sự “tái xuất” của những tên tuổi trong làng điện ảnh: đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nên hứa hẹn sức hấp dẫn đặc biệt.

 

          Hình ảnh trí thức Hà Nội lên đường đánh Mỹ

 

Theo kịch bản của Hoàng Nhuận Cầm, bộ phim sẽ mở đầu bằng những hình ảnh các anh lính trẻ nhoài người qua ô cửa, ném hàng trăm phong thư xuống cho người hai bên đường để họ bỏ giúp vào hòm thư hay chuyển hộ đến gia đình…

Là đồng môn (sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và đồng đội (nhập ngũ ngày 6-9-1971, chiến đấu cùng một mặt trận) với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm viết kịch bản này trong những ngày cả hai cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm và Mãi mãi tuổi hai mươi tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Nhưng cảm xúc trong anh dường như đã chín từ lâu, khi anh luôn lưu giữ bên mình những bức ảnh, những kỷ vật và cả những trang nhật ký đã ố vàng…

Sau khi đọc hàng chục cuốn nhật ký chiến trường, dự rất nhiều buổi nói chuyện về một thời tuổi trẻ hy sinh vì lợi ích dân tộc và chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, anh luôn đau đáu về một bộ phim tái hiện hình ảnh thiêng liêng về những đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh. Không chỉ viết về thế hệ những sinh viên mặc áo lính lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc gần 40 năm trước, kịch bản được đánh giá là “hay và xúc động” (nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát) này còn thể hiện hình ảnh những người lính trở về và gương mặt giới trẻ hôm nay.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, bộ phim sẽ tập trung khắc họa hình ảnh những người con của Hà Nội lên đường đánh Mỹ vào những năm 1970. “Tôi nhấn mạnh sự mất mát đầy linh thiêng cho độc lập dân tộc của một thế hệ học sinh, sinh viên và trí thức Hà Nội. Chúng ta thường nói, họ ngã xuống vì đất nước, quê hương mà dường như chưa hiểu hết họ là ai. Lớp trẻ hôm nay càng không biết nhiều về những con người ngày đó” - anh nói.

Đạo diễn “bật mí”, âm hưởng bi hùng sẽ xuyên suốt bộ phim. “Cái chết đẹp khi đó là cái chết lãng mạn. Cuộc sống đẹp hơn nhiều khi nó lãng mạn!” - anh nhấn mạnh.

 

            Phim sẽ như một bài thơ

 

Khẳng định sẽ bám sát nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi, đạo diễn Lưu Trọng Ninh không ngần ngại những câu chuyện tản mát hay mạch cảm xúc tuôn chảy của cuốn nhật ký khó làm nên câu chuyện phim có lớp lang và các tình huống hấp dẫn. “Ngôn ngữ điện ảnh cho phép sự sáng tạo ở nhiều hình thức thể hiện phong phú. Không nhất thiết phim truyện phải có cốt truyện. Một bộ phim có thể gồm chuỗi hình ảnh giống như một bài thơ, một phóng sự, hay như những dòng chảy cảm xúc…” - anh cho biết. Để góp phần đảm bảo tính chân thực của bộ phim và cảm xúc của người xem được trọn vẹn, anh sẽ cố gắng không chọn các gương mặt quen thuộc vào vai những nhân vật chính.

“Tôi tin tưởng Ninh sẽ làm tốt phim này và ghi thêm điểm với điện ảnh VN, sau Canh bạc, Ngã ba Đồng Lộc… Với tay nghề vững chắc, Ninh luôn tìm được ngôn ngữ riêng cho mỗi tác phẩm và mỗi lần xuất hiện đều gây được chú ý. Bạn bè và đồng nghiệp đang chờ đợi bộ phim mới này sau thời gian khá lâu Ninh không làm phim nhựa” - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ.

 

 

              Nguyễn Văn Thạc (bên phải) trước ngày nhập ngũ năm 1971.

 

Còn theo đạo diễn, thách thức lớn nhất đối với anh mỗi khi “vào cuộc” là “làm được một bộ phim thực sự đi vào lòng người xem”. “Tôi luôn làm hết mình. Còn phim sau có hơn phim trước hay không là do đánh giá của người khác. Ở tuổi này, khi tôi “chín” hơn thì nhìn nhận cuộc sống cũng sẽ “chín” hơn” - anh thổ lộ.

Những ngày này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đang miệt mài viết kịch bản phân cảnh. Bối cảnh phim trải dài từ Nam ra Bắc với những điểm nhấn, như mặt trận Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh... Bộ phim còn tái hiện Hà Nội những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 với “những phố dài xao xác heo may”. Vì vậy, kinh phí làm phim từ số tiền đặt hàng của Nhà nước khoảng 4 tỷ đồng đang khiến nhiều người lo lắng.

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm hy vọng bộ phim trở thành đài tưởng niệm những con người dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng độc lập tự do của dân tộc và “cầu chúc có đủ kinh phí để làm phim hay và… hoành tráng”.

           Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, liệu bộ phim có tìm thêm được nguồn kinh phí từ phía Hà Nội và có kịp “xuất xưởng” trước ngày đại lễ sau những “truân chuyên” của kịch bản suốt hai năm nay?.

 

Theo VÕ THÂM (Báo SGGP)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: