Thứ bảy, 20/04/2024,


Sức hấp dẫn của tác phẩm đã khiến tôi không bỏ cuộc (06/12/2015) 



IMG 2173

NGUYỄN THỊ MINH THƯƠNG:
 
- Sinh năm 1986
- Học đại học và cao học tại Đại học Sư phạm Hà Nội
- Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc
- Hiện là giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội
- Đã dịch: Trăm phần trăm hạnh phúc  (tuyển tập truyện ngắn của Lao Mã, 2012); Tình kiếp tam sinh (tiểu thuyết mạng của Cửu Lộ Phi Hương, 2013); Văn sĩ điên cuồng (tiểu thuyết mạng của Điệp Chi Linh, 2014); Kiên ngạnh như thủy, (tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, 2014)





 

- Chúc mừng chị với giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội vừa rồi. Với bạn đọc cả nước thì có thể nhiều người còn chưa biết đến Kiên ngạnh như thủy nhưng chắc hẳn với chị thì đã có một khoảng thời gian dài đồng hành với nó trước khi giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam. Chị có thể chia sẻ cơ duyên đến với bản thảo này?
+ Tôi đến với Kiên ngạnh như thủy đúng là một cơ duyên. Năm 2011, tôi sang Bắc Kinh du học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ai cũng biết việc làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài thì vấn đề đầu tiên mà nghiên cứu sinh phải vượt qua là ngoại ngữ. Bài học nhập môn mà giáo sư hướng dẫn dành cho tôi là phía sau ngôn ngữ là cả một nền văn hóa, cho nên, muốn thực sự giỏi ngoại ngữ thì phải hiểu nền văn hóa ẩn sau nó. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, dịch tác phẩm văn học là con đường thuận lợi nhất để đạt được mục đích trên. Giáo sư hướng dẫn đã giới thiệu tôi với nhà văn Diêm Liên Khoa và khuyến khích tôi tìm hiểu các tác phẩm của ông.

- Diêm Liên Khoa có một loạt tác phẩm gây được sự chú ý cả trong và ngoài nước, nhưng chị đã chọn một cuốn “chưa có tiếng vang mấy” của ông để dịch. Tại sao vậy?

12115758 1059282984082232 3051317950952143148 n

Kiên ngạnh như thủy của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa là một tác phẩm mang tính hài hước, giễu nhại về một thực tại thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua nhưng đến nay vẫn rất cần và vẫn được các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm văn chương. Nghệ thuật viết truyện của tác giả ở cuốn tiểu thuyết này khiến cười mà đau, làm hài mà xót…
Đọc ông không chỉ thấy hiện thực lịch sử của đất nước láng giềng chúng ta, mà còn biết thêm một cách viết, một cách tiếp cận văn học đối với hiện thực. Bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Minh Thương là một nỗ lực lớn, một công lao, trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của tác giả.
 
 

(Nhận định của Hội Nhà văn
Hà Nội tại Lễ trao giải 2015)


+ Nói Kiên ngạnh như thủy “chưa có tiếng vang mấy” cũng chưa chính xác. Bởi năm 2001, khi tác phẩm
này ra đời ở Trung Quốc, đã nhận được sự quan tâm rất lớn, được giới phê bình cho rằng đây là tác phẩm độc đáo nhất viết về Cách mạng văn hóa, hiện nay nó đã trở thành tài liệu bắt buộc phải đọc trong không ít trường đại học ở Trung Quốc. Chỉ có điều khối lượng sáng tác của Diêm Liên Khoa khá đồ sộ, không ngừng có tác phẩm mới chào đời, ông được thế giới quan tâm bắt đầu từ tác phẩm Vì nhân dân phục vụ (xuất bản năm 2004, Việt Nam dịch dưới tên Người tình phu nhân sư trưởng), mà Vì nhân dân phục vụ lại là một mảnh vỡ phát triển từ Kiên ngạnh như thủy. Theo xu hướng chung, nước ngoài thường quan tâm đến tác phẩm mới của một nhà văn, sau khi Vì nhân dân phục vụ xuất hiện, Diêm Liên Khoa liên tục viết Đinh trang mộng, Thụ hoạt, Phong nhã tụng, Tứ thư, Tạc liệt chí…, cứ 2 năm xuất bản một bộ trường thiên tiểu thuyết, cho nên, Kiên ngạnh như thủy xuất bản trước (2001), nhưng trong việc dịch giới thiệu ra thế giới lại muộn hơn, so với các tác phẩm khác nó có phần “thiệt thòi”. Hiện nay, Kiên ngạnh như thủy đã được dịch ra tiếng Hàn và có ảnh hưởng rất tốt. Pháp cũng đang dịch. Hi vọng việc bản dịch ở Việt Nam đoạt giải sẽ góp thêm động lực thúc đẩy việc dịch tác phẩm này trên thế giới. Bởi sau khi biết tin Kiên ngạnh như thủy đoạt giải Văn học dịch ở Việt Nam, nhiều dịch giả nước ngoài đã viết thư chúc mừng tôi và chia sẻ dự định sẽ dịch tác phẩm này.

- Dịch văn học không đơn thuần chỉ là biết ngoại ngữ là điều mà người dịch nhập môn nào cũng thấu hiểu. Là một người trẻ mới chỉ “bập” vào việc dịch đã chọn ngay một đối tượng nặng kí, trong quá trình dịch, có khi nào chị thấy nản trước những khó khăn gặp phải? Có khi nào chị nghĩ, lẽ ra mình nên chọn một cuốn khác sẽ “vừa sức” hơn?
+ Đã nhiều lần tôi muốn buông bút khi dịch tác phẩm này. Bởi Diêm Liên Khoa thường viết những câu văn dài và khó, nhiều phương ngữ, dụ ngôn, nhưng khó khăn hơn cả khi dịch Kiên ngạnh như thủy là làm sao chuyển tải được sắc thái giễu nhại đậm nét trong tác phẩm. Tôi phải tra cứu và lần theo những tác phẩm kịch, thơ gốc thời Cách mạng văn hóa, bởi không ít câu thơ, câu văn trong tác phẩm là sự giễu nhại những lời kịch, lời thơ trong thời kì đó. Ở Việt Nam thường chú trọng dạy văn học cổ điển, văn học thời đầu thế kỉ và văn học đương đại Trung Quốc chứ ít chú trọng đến văn học Cách mạng thời Mao. Bởi vậy, việc tra cứu mất không ít thời gian và tâm sức. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của tác phẩm đã khiến tôi không bỏ cuộc. Tôi đã dịch tác phẩm ròng rã gần nửa năm trời. Trước khi dịch Kiên ngạnh như thủy, tôi đã dịch một vài tác phẩm vừa tay khác, nên cũng có kinh nghiệm hơn khi xử lí bản thảo.

- Có thời gian khá dài học tập tại Bắc Kinh và tìm hiểu về nhà văn Diêm Liên Khoa, chị có thể cho biết ở Trung Quốc, Diêm Liên Khoa được giới nghiên cứu đánh giá, nhìn nhận thế nào?
+ Diêm Liên Khoa là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Trung Quốc đương đại, ông được giới nghiên cứu văn học Trung Quốc đánh giá là nhà văn có khả năng giành giải Nobel văn học nhất sau Mạc Ngôn. Trong khi nhiều nhà văn trốn tránh các vấn đề xã hội, lựa chọn con đường an toàn hơn, nhẹ nhõm hơn thì Diêm Liên Khoa bằng dũng khí và tinh thần trách nhiệm của một nhà văn đã đối diện với rất nhiều vấn đề xã hội. Ông được đánh giá là nhà văn đầy dũng khí, thực lực và đầy sức tưởng tượng. Ngoài ra, mỗi tác phẩm mới của Diêm Liên Khoa khi ra đời đều làm bùng nổ tranh luận trong giới văn học Trung Quốc, bởi mỗi tác phẩm của ông đều đụng chạm đến những vấn đề nhức nhối của xã hội và thử nghiệm lối viết mới. Không ít nhà phê bình cho rằng, tác phẩm của Diêm Liên Khoa có khả năng nâng cao chuẩn thẩm mĩ xã hội và góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học.

- Đọc Kiên ngạnh như thủy tôi có cảm tưởng mọi biên độ đều bị phá vỡ, mọi vùng cấm đều bị xới tung, mọi kiêng khem đều bị vứt bỏ… Dường như người viết, và cả người đọc Việt Nam chưa quen lắm với điều này thì phải. Khi dịch cuốn sách, có khi nào chị nghĩ nó sẽ khó khăn trong việc xuất bản tại Việt Nam?
+ Thực ra, tôi cảm thấy Kiên ngạnh như thủy không phải tác phẩm được viết ra với mục đích “gây hấn”, hay nói cách khác, “gây hấn” không phải là mục đích chính của Diêm Liên Khoa khi viết tác phẩm này. Đối với nhà văn, điều đáng sợ nhất là lặp lại chính mình và viết ra những cái không có gì mới mẻ. Đối với người đọc, điều đáng chán nhất là phải ăn mãi một món. Lạ mà không phá phách, lạ và hấp dẫn là điều cần thiết cho cả người sáng tác và người tiếp nhận. Nhà văn phải không ngừng phát hiện ra tiềm năng trong mình, và cũng phải không ngừng phát hiện ra tiềm năng trong người đọc. Bất kì ai khi dịch tác phẩm văn học đều phải nghĩ đến khâu xuất bản, tôi cũng không ngoại lệ. Cũng có ý kiến này ý kiến khác, nhưng tôi luôn tin vào bạn đọc nước nhà, tin vào giới nghiên cứu phê bình nước nhà, hơn nữa, tôi nghĩ một tác phẩm đậm chất nhân văn và hấp dẫn, thì nó có thể được đón nhận ở bất kì quốc gia nào.

- Dịch giả Trần Đình Hiến khi dịch Báu vật của đời đã phải sang tận Trung Quốc tìm hiểu về kinh kịch để bám tốt hơn tinh thần tác phẩm của Mạc Ngôn. Với chị thì sao, chị có phải thâu nạp thêm kiến thức liên quan đến tác phẩm?
+ Tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng dịch giả Trần Đình Hiến. Những gì ông làm khi dịch Báu vật của đời, Đàn hương hình đã thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm của một dịch giả. Tôi may mắn là đã tiến hành dịch Kiên ngạnh như thủy ngay trong thời gian còn ở Trung Quốc, tức là đang được đắm mình trong bầu không khí ở đó, sở hữu kho tư liệu khổng lồ, hằng ngày trực tiếp làm việc với những người cùng ngành và đặc biệt là được tiếp xúc với tác giả. Đó là một lợi thế mà ngay bản thân tôi cũng khó có lại lần thứ hai khi dịch. Thực ra, tất cả những thứ đó cũng đã là “nạp” thêm rồi, chưa nói đến việc phải tra cứu và lần theo những tác phẩm kịch, thơ gốc thời Cách mạng văn hóa.

- Việc giới thiệu các nền văn học khác với bạn đọc Việt Nam thông qua nhiều kênh, và đội ngũ dịch giả đóng góp một phần quan trọng vào việc sẽ giới thiệu những tác phẩm như thế nào. Nhưng trên thị trường người ta vẫn thấy một sự hỗn tạp, và sách “bình dân”, sách “thị trường” luôn lấn lướt những tác phẩm văn chương đích thực, đồng nghĩa với việc các dịch giả đã mang về nội địa những sản phẩm thứ cấp hơn là chính cấp. Là một người dịch, chị có thể chia sẻ đôi chút về hiện trạng này?
+ Đây là một câu hỏi rất thú vị, nhưng cũng là một câu hỏi mà mỗi cá nhân rất khó có thể trả lời được một cách viên mãn, bởi vì nó chạm đến rất nhiều vấn đề mang tầm vĩ mô, chẳng hạn như: hoạt động xuất bản, hoạt động dịch thuật, thị hiếu độc giả, xu hướng phát triển của thời đại…, tất cả những yếu tố đó liên quan, ràng buộc lẫn nhau. Nhưng tôi nghĩ: không thể bắt những người thích nhạc trẻ phải thích nhạc giao hưởng, không thể bắt những người thích vũ quảng trường thích vũ ba lê… Người dịch cũng có tự do lựa chọn của mình, có điều, người đọc và cả người dịch cần tránh, đó là những tác phẩm độc hại.

- Trong phát biểu nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội chị bày tỏ mong muốn góp phần giới thiệu văn học Trung Quốc với độc giả Việt Nam. Có thể hiểu chị muốn nói đến những tác phẩm văn chương đích thực. Nhưng chị thấy thế nào nếu như nhìn từ phía người đọc, những tác phẩm ấy luôn ít bạn đọc hơn truyện ngôn tình cũng từ Trung Quốc?
+ Một sự thực không thể lảng tránh và cũng không thể ngăn cản trong thời điểm hiện nay, đó là sự bùng nổ của văn hóa đại chúng. Những gì thuộc về đại chúng, bao giờ cũng có số lượng người tiếp nhận đông đảo, nhưng có khả năng nâng cao thị hiếu thẩm mĩ, kinh nghiệm nghệ thuật của công chúng lại thuộc về cái kinh điển. Và tôi biết rằng, đi trên con đường này, không phải chỉ có một mình tôi.

- Chắc hẳn chị cũng từng nghĩ đến việc ngược lại, giới thiệu văn học Việt Nam đến bạn đọc Trung Quốc? Chị có thể chia sẻ về điều này?
+ Đúng là về cơ bản, quan hệ văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc là quan hệ một chiều, đặc biệt là sau năm 1979. Chính vì thế mà năm 2013, khi một tập truyện ngắn đương đại Việt Nam được dịch ra tiếng Trung, giới truyền thông Việt Nam đã reo lên vui sướng, giật tiêu đề “Truyện ngắn đương đại Việt Nam xuất ngoại” (hanoimoi.com.vn). Cho nên, tôi thực sự muốn văn học Việt Nam được giới thiệu nhiều hơn, ra nhiều nước trên thế giới hơn nữa, trong đó có Trung Quốc. Có điều, việc “dịch ngược” như vậy đối với người Việt Nam không hề dễ dàng, và lí tưởng nhất là có sự hợp tác giữa người Việt giỏi ngoại ngữ và người nước ngoài giỏi tiếng Việt. Tuy nhiên, để việc này có thể được triển khai tốt hơn, thì cần phải có sự hỗ trợ của chính phủ về nhiều mặt, trong đó có mặt tài chính. Tôi được biết, ở Trung Quốc và Hàn Quốc đều có quỹ hỗ trợ cho việc dịch sách ra tiếng nước ngoài, và hoạt động rất hiệu quả.

- Cũng xoay quanh truyện ngôn tình, xin mở rộng câu chuyện một chút, cách đây ít lâu, Cục Xuất bản đã phải ra văn bản cấm xuất bản dòng sách này cùng với truyện đam mĩ. Là người hoạt động gần với quỹ đạo văn chương tiếng Trung, chị có bình luận gì về điều này? Liệu nó có góp phần “nắn dòng” để dòng chảy văn học Trung Quốc tại Việt Nam lành mạnh hơn cũng như thanh lọc “sự đọc” của một bộ phận người Việt, nhất là người đọc trẻ?
+ Tất nhiên, việc cấm xuất bản truyện ngôn tình, đam mĩ chắc chắn sẽ làm cho loại sách này hạn chế xuất hiện ở Việt Nam. Còn những thứ khác, có lẽ phải để thời gian trả lời.
- Con đường trở thành một dịch giả chuyên nghiệp đang mở ra trước mắt chị với “viên gạch” đầu tiên khá ấn tượng. Chị sẽ bước tiếp trên con đường ấy thế nào?
+ Tôi không quan tâm nhiều đến việc mình có thể trở thành dịch giả chuyên nghiệp hay không. Điều tôi quan tâm là làm thế nào giới thiệu được với độc giả Việt Nam những tác phẩm ưu tú của Trung Quốc, bởi tôi tin rằng, giao lưu, đối thoại sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển.
- Cám ơn chị đã chia sẻ với VNQĐ!

Nguồn Vannghequandoi
 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: