Thứ năm, 28/03/2024,


Thơ Chử Thu Hằng vật vã nở hoa... (Paul Nguyễn Hoàng Đức) (04/12/2015) 
 Tôi đọc kỹ hai tập thơ “Cõi riêng” và “Khoảng trời hoa nắng” của nữ nhà thơ Chử Thu Hằng, đều được ra mắt vào năm 2011. Cảm giác đầu tiên là hay, đẹp, tinh tế và ý nhị. Làm sao chị lại có thể làm được những vần thơ giầu cảm xúc và nhiều cái đẹp như vậy? Không có cách nào chính đáng hơn là chúng ta hãy bắt đầu từ “nhìn cây biết quả”. Lẽ nào cây xấu mà lại ra trái tốt được ư?
Chử Thu Hằng là một phụ nữ đẹp, theo cách khuôn trăng đầy đặn. Thực ra khuôn mặt này rất có hại cho thơ cũng như nghệ thuật. Vì thơ ưa thích những vóc dáng hao gầy hơn, bởi những khuôn mặt hóp lại kiểu trái xoan, giống như lửa sẽ làm tinh thần bốc lên. Dẫu vậy khi đọc những vần thơ tinh tế của chị, ta lại thấy rõ một điều, đó là con người luôn tìm cách chắt lọc tâm hồn mình sao cho nó trở nên thanh cao hơn. Chử Thu Hằng là gái phố cổ Hà Thành, đây cũng một nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm. Người ta thấy một Napoleon là người đảo Corse là Hoàng Đế, chứ thấy mấy người ở Paris là hòang đế? Ở Việt Nam người ta thấy Phạm Thị Hoài rồi Nguyễn Ngọc Tư viết văn hay, chứ mấy khi thấy những cô gái ưỡn ẹo điệu đàng ưa son phấn và trưng diện dập dình các quán nhảy có thể suy tư thành thơ phú? Còn đàn ông Hà Nội ư, mặc quần sooc, cầm vợt tennis, la cà quán cà phê tán gái mấy ai mà ưu tư tầm vóc của đại văn hào?! Nghĩa là người phố lớn có nguy cơ suy đồi, như phương ngôn“nhà giầu khoe của, nhà nghèo khoe chí”. Người phố thị nếu không cẩn thận, chỉ ảo tưởng tự hào “nhà giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”, sẽ suy đồi chìm mình trong hưởng thụ nhỏ bé không thể vươn cao. Đặc điểm này, soi vào Chử Thu Hằng thì thấy, chị là một tâm hồn rất biết thừa kế cái tinh hoa của đất kinh kỳ, ngàn năm văn hiến, nhưng cũng rất biết vật vã trăn trở tinh lọc chính mình để vươn lên. Chính thế mà thơ chị đã thừa hưởng và ra hoa đủ sắc hương rất tinh tế và lộng lẫy.
Có khá nhiều người viết về Chử Thu Hằng, nhưng hình như chưa ai phát hiện điều này: Chử Thu Hằng là một cây bút luôn phản tỉnh, dằn vặt, sám hối đến mức nóng rát với bản thân. Triết gia Nietzsche có nói “Vẻ đẹp của một cá nhân và một dân tộc, phải vất vả lắm mới thủ đắc được”. Chị đã không ngừng gạn lọc chính mình để có được vẻ đẹp như vậy. Sự gạn lọc đó đầy ắp trong hai tập thơ của chị. Chúng ta hãy xem cách nhà thơ đi tìm cái tôi của mình:
Tôi tìm lại những buổi chiều
Nước Hồ Gươm mặn
Bao nhiêu lệ đầy
Tìm trong màu nắng màu mây

Tôi tìm 
chẳng biết tìm chi
tim hoài ảo vọng
còn gì cho tôi
(Tìm, tập “Cõi Riêng”).
Chử Thu Hằng, không lúc nào ngơi nghỉ suy tư về bản thân mình, ngay cả lúc hong tóc, chị cũng vấn hỏi tra cứu những hoài niệm của mình:
Em ngồi hong mớ tóc mây
Gỡ từng sợi một
Gỡ ngày tháng qua

Sợi này gầy mỏng hanh hao
Bão giông cuộc sống thủơ nào đi qua
(Gỡ tóc, nt)
Với sự tìm kiếm không ngừng, dường như có lúc nhà thơ đã vẽ được mình là ai trong bài “Tôi là” (nt):
Ngập ngừng cầm bút vẽ mình
Vẽ chi? 
Vẽ dáng
Vẽ hình
Vẽ tâm

Tôi như chiếc bóng nhạt nhòa
Hồn tôi vật vã
Mới là chính tôi
Những suy tư luôn vật vã ám ảnh ảnh nữ nhà thơ, ngay cả những buổi chiều đẹp cũng đè trĩu nặng trên vai nữ nhi những tư duy về cuộc đời, thế sự hay thân phận:
Chiều buông...
Nặng trĩu hai vai
Ơ hờ phố vắng nối dài suy tư
Tìm trong làn gió giao mùa
Chút nhung nhớ
Chút hương thừa ngày
qua 
(Hoàng hôn, nt)
Nhà thơ suy tư qua hoàng hôn cho đến tàn ngày, khi đêm buông và trăng đang nhú, dường như nếu không suy tư thì chử Thu Hằng không thể nào sống nổi:

Ngày tàn bối rối nguồn cơn
Thuyền neo bến lặng… dạ còn tái tê
Một lần thôi, hãy trở về
Kẻo đau lạc lối cõi mê kiếp người
(Dặn, nt ).
Nhà thơ ưu tư vượt trên những giới tính và son phấn cuộc đời. Ưu tư về một cuộc chuyển dạ của thời gian, trở mình từ tuổi hoa sang tuổi sầu:
Chiều nghiêng… ngắm bóng sững sờ
Phấn son khôn phủ dấu mờ thời gian

Đắng lòng giã biệt tuổi hoa
Ôm vầng trăng khuyết, bước qua tuổi sầu


(Nghiêng chiều, nt).
Hai tập thơ của Chử Thu Hằng, có thể nói đó là chuỗi dài liên tục trăn trở tìm kiếm cũng như thanh tẩy chính bản thân mình. Đây là một điều hiếm có với cả những cây bút nam ở ta. Nhà thơ, học giả lớn Phan Khôi (nếu tôi nhớ không nhầm) đã viết: viết nhật ký là thước đo của trình độ phản tỉnh của tâm hồn. Người phương Tây thường viết nhật ký, còn người Nam ta, rất hiếm viết nhật ký.
Người làm thơ thường hay mụ mị ảo tưởng về mình, thường cầm tóc nhấc mình lên mong gặt hái những vinh quang bánh vẽ, chứ ít khi chịu lầm lũi sám hối cầm thước đo đúng tầm vóc của mình. Cây bút nam đã vậy, cây bút nữ lại càng hiếm hơn, ấy vậy mà nữ sĩ họ Chử lại thường xuyên cầm gương sáng soi ngược chính bản thân mình. Từ chiều, qua tối, qua đêm, chị chẳng bỏ qua bất kể thời gian dù sớm hay muộn để phản tỉnh chính mình:
Những đêm thật dài
Ra sân ngắm thành phố ngủ
Hàng cây bên đường khẽ nghiêng trong gió
Những ngọn đèn nhấp nháy âu lo
(Đêm, tập “Khoảng trời hoa nắng”).
Nhưng Chử Thu Hằng không dằn vặt như một con người chung chung, mà chị nhắm tới một tầm vóc được chắt lọc cho ngòi bút. Viết rõ ràng là thông điệp với đời, là để lại cho đời, “không ai có thể dạy cái mà mình không có” đó là phương ngôn bất hủ, vậy thì cũng chẳng ai có thể viết cái mà mình chẳng biết, Kinh Thánh có câu “lòng có đầy miệng mới nói ra”. Nhà thơ đã từng tra hỏi mình như tra hỏi một gốc cây liệu có ra được quả:
Một đời ếch ngồi đáy giếng
Làm sao biết rộng dài trời
Ti toe dăm điều cóp nhặt
Đâu là tim óc riêng tôi
(Tự Ngẫm, tập “Khoảng trời hoa nắng”).
Đâu là tim óc riêng tôi”, đó là cách nhà thơ trăn trở, muốn có sáng tạo của riêng mình, là cái đã thăng hoa bên trên những gì mình tích tụ. Trong bài Dã Hương ở cùng tập, tác giả như còn muốn nhìn mình thật thấu đáo, một cái nhìn tổng duyệt tất cả xem ta có xứng đáng để phát tiết tinh hoa chữ nghĩa:
Còn lại những gì sau tất cả
Ta nhỏ nhoi. Mờ mịt luân hồi
Tiến đã khó nhưng biết lùi càng khó
Sống sao đây cho trọn vẹn kiếp người
Quả thật có rất ít đào tơ liễu yếu đặt những câu tra vấn theo kiểu “binh pháp”của giới mày râu “tiến và lùi” như vậy. Nhưng nữ sĩ muốn lao vào trường văn trận bút nên chẳng quản phải sôi kinh nấu sử và tổng duyệt tâm hồn mình như một cuộc dấn thân vào cuộc kinh bang tế thế vẫn được xem như quyền ưu đãi của giới đàn ông. Phái đẹp họ Chử còn lục lọi tra cứu đòi thanh toán với chính bản thân ngòi bút của mình:
Đã nín được chưa, câm được chưa
Bao nhiêu bút mực nữa cho vừa
Chở làm sao hết BUỒN – THƯƠNG – GIẬN
Trăng của ngày xưa… hoa ngày xưa…
(Tự Bạch, tập “Cõi riêng”).
Làm nghệ thuật luôn gặp một vấn nạn hay thử thách ngang trái, đó là “tác giả có vinh quang không?” Nhà nông cần có thóc, nhà buôn cần có tiền, nhưng là tác giả thơ thì dứt khoát phải có danh. Đó chính là câu hỏi nhức nhối thường trực với tất cả những ai muốn dấn thân làm tác giả. Ai cũng cần vinh quang, nhưng với nghệ thuật thì vinh quang là một nhu cầu rát bỏng hơn nhiều. Và nữ thi sĩ cũng muốn cán đích tận cuối con đường nghệ thuật mong kiểm duyệt vinh quang cho ngòi bút của mình:
Đọc và suy nửa đời
Chưa thấu lẽ nhục vinh
Chưa dám viết
Đắn đo bao nhiêu lẽ
Sức mọn tài hèn, cuộc đời bao la thế
Ta đứng ở góc nào 
Giống ếch đáy giếng không?
(Nhớ mẹ, tập “Khoảng trời hoa nắng”).
Chúng ta đã phần nào lặn lội theo con đường chiều dọc đằm mình suy tư phản tỉnh rất có hệ thống của nhà thơ Chử Thu Hằng, giờ chúng ta bước sang đặc điểm khác mà có rất nhiều người đã khen ngợi, chị là cây bút vừa dồi dào, vừa thâm sâu, lại vừa mãnh liệt về tình yêu. Có thể nói một câu thế này, thơ tình của họ Chử giống như một “cánh đồng nhiễm phóng xạ”, nó không ồ ạt lộ liễu nhưng mà thấm nhiễm và làm mủn mục những tế bào muốn cách ly yêu thương và nhung nhớ:

Thiếu một người, trái đất hoang vu, mưa bụi giăng giăng
Bải hoải lê chân, trong mưa lạnh, lòng bỗng dưng muốn khóc
(Buồn, tập “Cõi riêng”).
Người ta chỉ có thể tin, người biết nâng tầm của đối tượng lên ngang tầm vóc với tình yêu, thì mới biết yêu. Chử Thu Hằng rất trân trọng đối tượng yêu của mình, tôn trọng một cách phổ quát:
Không có đàn ông…
Sẽ không có bâng khuâng và hờn giận
Không có nhớ vu vơ
Không có buồn bất tận
Khi không đi hết cuộc tình


(Không có đàn ông, nt).
Từ cái nhìn khao khát bao la về đối tượng của tình yêu mà nhà thơ luôn muốn dõi nhìn một tình yêu được vĩnh cửu hóa qua thời gian năm tháng:
Một nghìn năm qua, một nghìn năm nữa
Trong trái tim mình tình yêu vẫn tinh khôi
(Đợi anh về, nt).
Về bút pháp, Chử Thu Hằng luôn tìm tòi thể nghiệm mọi loại hình, từ thể thơ truyền thống lục bát, biến cải lục bát, đến thơ tự do, thơ xếp chữ… Và trong sự thể nghiệm đó, ở nhà thơ không thấy sự lên gân học đòi sống sít mà nó rất nhuần nhuyễn tự nhiên, như thể chị đã thống nhất được nội dung và hình thức. Chúng ta thử nghe:
Hơi may run rẩy bóng Hằng
Sương thu đẫm tóc, buồn giăng mi sầu
(Tháng Mười, nt).
Hai câu lục bát có rất nhiều ý tứ cổ nhưng mà lại rất tươi mới, tươi mới như gió ngàn xưa đang thổi trên phố mới vậy. Với thơ văn xuôi, nhà thơ cũng trôi chảy những âm điệu thật mềm mại:
“Qua đi bao khao khát, đam mê, gió hoang hoải quét qua miền ký ức, trái tim rỗng thoát vòng ma lực, đôi cánh sáp tình yêu tan chảy dưới mặt trời”
(Dư âm, nt).
Hồn thơ của Chử Thu Hằng rất giầu chất thơ và nhạc. Có một câu nói cửa miệng của giới làm nghệ thuật là “ensemble” – đó là tính hợp lý và đồng điệu, giữa cái này và cái kia, giữa nội dung và hình thức, chúng ta thử nghe cái tài rất ăn khớp của nhà thơ giữa nhịp điệu và tu từ:
Bất ngờ trên phố chiều mưa
Giọt to, giọt nhỏ, giọt vừa… đuổi nhau
(Mưa, tập “Khoảng trời hoa nắng”)
Hai câu thơ này đã thể hiện nhịp điệu tự thân (nhịp điệu cũng là thứ khó bậc nhất của thơ), sự kỳ công, và tiếng lòng trộn lẫn khả năng tu từ rất chắt lọc và kỹ tính của tác giả. Riêng hai câu này, người ta có thể nói “nhìn cánh én thấy mùa xuân”.
Nhiều người khen thơ Chử Thu Hằng hay. Tôi cũng khen hay. Nhưng tôi có thói quen nhận định bằng lý trí xét đoán. Tôi thấy thơ nữ sĩ họ Chử hay, vì đầu tiên và trước hết chị đã nghiêm khắc chắt lọc chính bản thân mình. Những vần thơ của chị là do kết quả của nhiều năm tâm hồn vật vã thanh tẩy, phản tỉnh và đào luyện nghiêm cẩn chính mình. Một sự đào luyện chẳng kém gì các mày râu, và không hề dễ dãi hời hợt nhẹ bẫng chút nào. Đấy là sự hệ trọng của một tâm hồn muốn vươn cao. Và chính tâm hồn đó đã ra hoa kết quả những bài thơ hay như vậy. Thơ chị, trước hết là cái Chân, sau mới dành cho cái Đẹp. Một cái đẹp tinh tế, sâu lắng, chân chất, thật thà và nồng hậu. Đó là cái đầu tiên cần cho tất cả những nhà thơ. Thơ Việt bé và vừa, bởi nhiều phần trăm nhà thơ thích khôn ngoan hơn là chân thật. Nhưng chớ trêu thay, người Việt có câu “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Đó cũng là lý do cốt tử làm cho một cô nàng liễu yếu đào tơ có những bài thơ mà nhiều mày râu dù gân guốc cũng chẳng thể nào sánh nổi. Xin chúc mừng Nhà thơ Chử Thu Hằng!
Hà Nội 08/07/2014
Paul Nguyễn Hoàng Đức
 

*Viết thư pháp: Văn Thùy (Ân Thi, Hưng Yên); thơ của Chử Thu Hằng.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 28/12/2015 14:12:24)

CÔ ĐƠN
(Tặng Chử Thu Hằng)

Cô Đơn chiếc bóng gì đâu ?
Đóa hoa hồng vẫn đượm màu tươi xinh
Có ai thấu hiểu chữ tình
Nén lòng đau để cho mình gượng vui

Một mai ai cũng về trời
Việc gì phải khóc cho đời sầu đau
Này ơi bể rộng sông sâu
Sóng đâu vùi hết nỗi sầu cô đơn

Cuộc đời “ngàn sáng vẻ tươi”
Mà sao em vẽ “nét cười buồn tênh”
Xuân Ngọc

Các bài khác: