Chủ nhật, 22/12/2024,


Chân dung Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Một khế ước văn hóa Nam Bộ (29/11/2015) 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     Mảnh đất Nam Bộ là nơi sản sinh ra nhiều nhà văn nổi tiếng như: Phi Vân, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Mạc Can, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo... Mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung họ đã để lại một diện mạo không trộn lẫn với các nhà văn ở những vùng miền khác, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

 
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ảnh: TL)

 

Một gia tài văn chương đáng nể

 

   Nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh Nguyễn Sáng, sinh ngày 12/01/ 1932, tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và mất ngày 13/2/2014. Năm 14 tuổi Nguyễn Quang Sáng đã xung phong vào bộ đội, làm liên lạc cho Liên Chi 2. Được hai năm (1948) đơn vị cho ông đi học thêm văn hóa ở Trường trung cấp kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Tốt nghiệp ông về công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu Phật giáo và đạo Hòa Hảo. Mãi đến 1955, Nguyễn Quang Sáng mới theo đơn vị tập kết ra Bắc và chuyển ngành với quân hàm chuẩn úy. Khi ấy ông về làm việc ở Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam được 3 năm, đến 1958, ông về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên ở Tuần báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học...

 

   Thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam- Bắc cam go và quyết liệt nhất, 1966, ông xung phong vào chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng. Năm 1972, ông quay trở lại miền Bắc tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn.

 

    Sau ngày đất nước thống nhất, ông về thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố các khóa I,II, III. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là lớp hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa II và III, và là Phó Tổng Thư ký Hội khóa IV.

 

   Hơn 60 năm cầm bút viết văn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ gồm 32 tác phẩm văn xuôi, trong đấy có những tác phẩm tiêu biểu như: Con chim vàng (NXB Kim Đồng, 1957); Người quê hương (NXB Văn học, 1958); Đất lửa (NXB Văn học, 1963); Câu chuyện bên trận địa pháo (NXB Văn học, 1966); Người con đi xa (NXB Tác phẩm mới, 1977); Cánh đồng hoang (Kịch bản phim, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1981); Chiếc lược ngà (NXB Văn học, 1962); Dòng sông thơ ấu (NXB Kim Đồng, 1985); Mùa nước nổi (Truyện phim, Sở VHTT Đồng Tháp, 1985); Truyện ngắn chọn lọc (NXB Hội Nhà văn, 1996); Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng, tập I, II (NXB Văn học, 1996); Con mèo Fujita (NXB Hội Nhà văn, 1990), Mùa gió chướng (NXB. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999); Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng, tập III (NXB Văn học, 2000); Nó và tôi (NXB Kim Đồng, 2002), Tạo hóa dưới trần gian (NXB Trẻ, 2003).

 

   Riêng hai kịch bản phim Cánh đồng hoang được tặng Huy chương vàng liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng liên hoan phim ở Moskva (1981) và Mùa gió chướng, Huy chương bạc liên hoan phim toàn quốc (1980) (1)

 

  Ngoài kịch bản phim tài liệu Ấn tượng Võ Văn Kiệt, trước đây khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, ông đã cùng với đạo diễn Lê Văn Duy thực hiện bộ phim tài liệu, nhưng làm xong để đó, vì, theo nhà văn: “Ông Kiệt không cho chiếu, và nói, nhiều bậc tiền bối còn chưa làm phim, nên phim cứ để đó, khi nào có cơ hội thì chiếu”. Những năm cuối đời, ông không còn viết nhiều như trước đây, nhưng cũng đã kịp hoàn thành 30 tập kịch bản phim truyền hình Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, viết về một thời điểm lịch sử bộc lộ rõ nhất phẩm chất, tầm vóc và khí phách một con người Nam Bộ hiện đại, đó là chiến trường Nam Bộ 1973, sau khi có Hiệp định Paris. Kịch bản phim truyện Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt có nhiều câu chuyện, nhiều tình tiết độc đáo, thú vị, mới lạ về vị cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những điều mà nhiều cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động chính trị của ông chưa có được. Lấy bối cảnh là thời điểm ba tháng của năm 1973 sau Hiệp định Paris, khi ấy ông Võ Văn Kiệt từ Hà Nội đi con tàu không số về nhận chức Bí thư khu ủy Khu 9. Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt là kịch bản phim mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất tâm đắc và dành nhiều tâm huyết bởi ngoài chuyện nghề còn là tình cảm của một nhà văn Nam Bộ với ông Sáu Dân, người đã rất coi trọng anh em văn nghệ sĩ (2).

 

   Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2001 cho các tác phẩm: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chiếc lược ngà, Đất lửa.

 

Một phong cách đậm chất Nam Bộ 

 

   Có thể nói phần lớn những người đã từng tiếp xúc hay đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở hầu hết mọi lứa tuổi, giới tính, ngành nghề, học vấn, địa vị xã hội... đều cho rằng ông là người mang đậm chất Nam Bộ như là một khế ước văn hóa, kể cả trong cuộc sống đời thường cũng như trong tác phẩm văn chương.

 

   Trong cuộc sống thường ngày, Nguyễn Quang Sáng bộc lộ rất rõ chất Nam Bộ trong quan hệ ứng xử với bạn bè. Nhà văn Ngô Thảo, một người bạn khá thân thiết với ông cho biết: “Tình bạn mặn nồng giữa Ông với Trịnh Công Sơn như một biểu tượng thật đẹp của sự hòa hợp. Mà không chỉ với Trịnh Công Sơn. Đã hơn một lần ông thổ lộ: Với Thu Bồn: Có người nghĩ rằng, tôi với thằng này ganh ghét nhau, nhưng không đúng vậy đâu. Tôi thương hắn lắm, mà tôi biết hắn cũng thương tôi. Nghe hắn đọc thơ, tôi thích. Tôi cũng muốn làm thơ. Có những điều chỉ nói được bằng thơ thôi. Mà không phải tôi không biết làm thơ đâu nghe. Thơ tôi đọc nghe cũng được lắm, nhưng làm hay như nó thì tôi chịu, không làm nổi. Nghe nhạc cũng vậy. Tôi thích Trịnh Công Sơn lắm. Tôi dốt nhạc nhưng thích nghe nhạc. Mà cũng nghĩ là mình làm nổi bài hát.

 

    Nhưng làm đến như Sơn thì thôi, mình không làm nổi. Thế mới giận, mới tức.

- Nhưng anh ơi, bao người đang ghen với anh, có nhiều cái chỉ có anh mới làm được, họ muốn lắm mà đành chịu.

- Đã đành. Đó là cái lẽ cho mình tồn tại. Nhưng văn xuôi làm sao sánh được với

thơ, với nhạc trong lòng công chúng.

Bạn nhậu thường nhắc bài “Rượu” của ông: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ thành nước Thánh/ Ta rót vào hồ nỗi nhớ thương” (3).

 

   Có lẽ trên đời này chỉ có nhà văn Nam Bộ duy nhất Nguyễn Quang Sáng là có một bản hợp đồng mà dưới con mắt của những người bình thường cho là kỳ quặc, độc nhất vô nhị đến như thế. Theo doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn, sau khi nhà văn ra đi về cõi vĩnh hằng, ông Toàn lục lọi tìm lại Hợp đồng uống rượu đã ký với anh Nguyễn Quang Sáng trong một bữa nhậu ngày 1 tháng 11 năm 2006. Bản hợp đồng vô cùng khôi hài với nội dung:

 

Bên A: Nguyễn Quang Sáng (đã ký)

Bên B: Nguyễn Tiến Toàn (đã ký)

Cùng ký hợp đồng uống rượu với nhau mười năm. Để chỉnh lý hợp đồng cũ đã ký từ năm 2000 đến nay đã được 6 năm.

Sau quá trình thực hiện HĐ hai bên cảm thấy chưa đã thèm.

Nay theo đề nghị của đôi bên, xin gia hạn HĐ dài dài.

Nhân chứng cùng hùa vô uống gồm có:

- Thiên Hà (đã ký)

- Hà Sơn (đã ký)

- Nguyễn Ngọc Thạo (đã ký). (4)

 

    Một sự chia sẻ về tình bạn văn chương với nhà thơ Thu Bồn, với nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn và một bản Hợp đồng uống rượu với doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn cho ta thấy tính cách của nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong sinh hoạt đời thường của một người con Nam Bộ xịn.

 

   Trong văn chương, Nguyễn Quang Sáng đã để lại dấu ấn Nam Bộ khá đậm nét. Đấy là tính trung thực, ngay thẳng, không ưa dối trá. Trong truyện ngắn “Bài học tuổi thơ”, ông đã không giấu nổi được điều ấy ở đoạn cuối câu chuyện: “Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn, là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết.”

 

   Hay như ở truyện ngắn nổi tiểng “Chiếc lược ngà”, từ lối kể chuyện mộc mạc đến giọng văn dung dị, với nhiều phương ngữ đặc sệt cách nói của người Nam Bộ, không trộn lẫn vào đâu được: “Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:

 

- Thì má cứ kêu đi.

Mẹ nó đâm nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi, nhưng lại nói trỏng:

- Vô ăn cơm!

... Nó nhìn dáo dác một lúc rồi kêu lên:

- Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái! - Nó cũng lại nói trỏng”.Trỏng” là cách nói của người Nam Bộ có nghĩa là nói trống không, không có chủ ngữ.

 

   Ở kịch bản phim truyện nhựa “Cánh đồng hoang” (sản xuất năm 1978), cũng theo tác giả Hạnh Nhân, nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ viết trong vẻn vẹn một tuần, nhưng đã có những sáng tạo độc đáo về hình ảnh. Chẳng hạn như cảnh vợ chồng anh Ba Đô đặt đứa con trên chậu thau vừa lội vừa kéo sợ máy bay Mỹ bắn trúng, giữa vùng Đồng Tháp Mười mùa nước nổi mênh mông. Nhưng xem ra như vậy cũng chưa ổn, vợ chồng người du kích này đành cho con vào túi nilon, dìm sâu xuống nước để tránh đạn của kẻ thù trút xuống như vãi thóc giống. Đây là một trường đoạn mang tính chất bi hài, nhưng đã để lại trong lòng người xem nhiều ấn tượng với bao hình ảnh nghệ thuật thật thú vị bất ngờ, giàu sức gợi, nhưng đầy tính nhân văn.

 

   Một hình ảnh khác cũng khá độc đáo, mà chỉ có Nguyễn Quang Sáng mới sáng tạo được. Để chú gà trống không thể gáy được, sợ bị lộ nơi đóng quân, các chiến sĩ giải phóng đã nghĩ ra cách khâu cổ con gà lại. Theo qui luật tự nhiên, gà trống thì phải biết gáy và được gáy, và gà mái thì phải biết đẻ và được đẻ. Nhưng trong chiến tranh không có gì là không thể xảy ra. Thà khâu cổ mày lại để mày không được gáy còn hơn vì tiếng gáy của mày mà lộ cơ sở đóng quân của chúng tao. Cuối cùng, với bản năng và sức mạnh sinh tồn, con gà trống cũng đã vươn cổ lên cất những tiếng gáy oai hùng, hào sảng, tưởng chừng như không có bất kỳ thế lực nào ngăn cản nổi, dù rằng khi rướn cổ lên gáy, ở chỗ bị khâu máu tuôn ròng ròng. Đấy là cái giá mà cả con người lẫn con vật đều phải trả cho chiến tranh. Muốn cất lên bài ca khải hoàn chiến thắng thì nhất định phải trả giá, hy sinh. Đấy là quy luật muôn đời của chiến tranh.

 

    Nhưng điều đáng nói là chỉ có những con người sống trực tiếp trong cuộc chiến tranh ấy mới có được cách nhìn như vậy. Có lẽ đây là hai hình tượng nghệ thuật độc đáo và ám ảnh nhất trong phim “Cánh đồng hoang” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Rất tiếc rằng văn chương- nghệ thuật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, những hình tượng nghệ thuật như vậy không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít. Nói vậy để thấy tài năng và đức độ của cây bút gạo cội Nguyễn Quang Sáng trong làng văn chương Việt đương đại, thời kỳ chiến tranh.

 

Đỗ Ngọc Yên

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: