Chủ nhật, 22/12/2024,


Nghệ nhân gần 50 năm “duyên nợ” với trò Kiều ở Hà Tĩnh (11/11/2015) 

     Đêm tối tĩnh mịch, âm thanh vang vọng từ nhà cụ Nguyễn Huýnh dường như nghe rõ hơn từng câu, từng chữ “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đó là đối đáp theo lối ví dặm dân ca Nghệ Tĩnh của đôi nam - nữ đang biểu diễn ở nhà cụ Huýnh, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân.

 

 
Cụ Huýnh đang biểu diễn một trích đoạn trong Truyện Kiều

 

 

Duyên nợ với truyện Kiều

 

   Khác với các vùng quê khác, ở xã Xuân Liên người dân giải lao sau những giờ lao động mệt nhọc là hát ví, diễn trò từ những câu đối đáp trong truyện Kiều, và người thổi hồn trò Kiều vào đời sống người dân Xuân Liên chính là Nghệ nhân dân gian Nguyễn Huýnh, cụ năm nay 70 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 50 năm “duyện nợ” với trò Kiều.

 

   Cụ chia sẻ, ngay từ những ngày còn nhỏ, cụ được nghe cha ngâm, vịnh, bói Kiều như thú chơi không thể thiếu trong đêm giao thừa, trong những ngày hội xuân, nghe mẹ hát ru bằng những câu Kiều ngọt ngào và sâu lắng. Từ những ký ức đó, truyện Kiều đã thấm đẫm vào máu thịt trong con người nghệ nhân dân gian Nguyễn Huýnh. Niềm say mê với trò Kiều của ông cũng xuyên suốt trong những năm tháng ở chiến trường, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, những câu Kiều của ông vẫn ngân vang, để rồi “tiếng hát đã át tiếng bom” giúp ông cùng đồng đội vững vàng tay súng.

 

    Trò Kiều có không gian diễn xướng ở cả 3 miền của đất nước, nhưng đối với người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Du, trò Kiều luôn sống trong lòng họ không phải vì thiếu cái đễ diễn, để hát, cũng không phải diễn để kiếm tiền, mà vì lòng đam mê nghệ thuật, vì yêu đứa con tinh thần của cụ Nguyễn Du.

 

   Những vở kịch được các nam thanh, nữ tú, các bậc lão làng diễn xướng thông qua loại hình nghệ thuật như tuồng, chèo, ngâm, lẩy, ca Huế… xoay quanh truyện Kiều. Những câu chuyện là đời sống thường ngày, là tình yêu đôi lứa, là trăn trở của cuộc sống, là ái, ố, hỉ, nộ trong câu truyện Kiều của Nguyễn Du được cụ Huýnh truyền đạt lại cho bà con láng giềng.  

 

   Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình cụ, cũng như người dân Xuân Liên trò Kiều đã ăn sâu vào tiềm thức. Họ hát Kiều, diễn trò Kiều lúc làm đồng, lúc đi biển, lúc mò cua bắt ốc, khi ngồi đan lưới… Mọi vui buồn, tình cảm của cuộc sống đều có thể vận các câu Kiều để thể hiện, khi con người đau khổ, buồn tủi, khi chia ly, khi mùa màng thất bát, được các “diễn viên” làng thể hiện thông qua những điệu bi ai:

 

“Ơ hò…, bóng chiều như giục cơn buồn

Khách đà lên ngựa người còn ghé theo

Dưới lòng nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.”

Truyện Kiều cũng đã “vẽ” nên những bức tranh đẹp đẽ về một xã hội đổi thay. Thông qua lời ru, lời ví cụ Huýnh và các thành viên câu lạc bộ đưa câu chuyện về giao thông nông thôn, về kinh tế mới, về xây dựng nông thôn mới… diễn tác theo trò Kiều. Ngôi nhà của gia đình ông Huýnh cũng chính là sân khấu, nơi mà suốt mấy chục năm qua các thành viên của câu lạc bộ trò Kiều của xã Xuân Liên sinh hoạt và tập luyện. Những người dân làng chài nơi đây vốn quen “ăn sóng, nói gió”; thế nhưng khi hòa mình vào không gian diễn xướng của Trò Kiều, họ lại như những nghệ sĩ thực thụ.

 

Thắp lửa cho trò Kiều cháy mãi

 

   Một thành viên câu lạc bộ cho biết, trước nguy cơ mai một của Trò Kiều, năm 2000, cụ Huýnh cùng với những người tâm huyết đã nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung, hoàn thiện kịch bản và bắt đầu tiến hành khôi phục lại câu lạc bộ trò Kiều.

 

   Hiện, cụ là chủ nhiệm, chỉ đạo, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật cũng như làm dụng cụ cho đội Kiều xã nhà. Buổi đầu mới khôi phục câu lạc bộ chỉ có 10 người, chủ yếu là con cháu. Nhưng với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết muốn khôi phục lại những câu hò, điệu Kiều mộc mạc, giản dị nên câu lạc bộ được người dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình, mỗi tuần 2 buổi các thành viên “hẹn hò” tập luyện, thường là vào những buổi tối cuối tuần từ 7h30 đến 10h.

 

   Gian nhà nhỏ của cụ hiện đang là nơi để dụng cụ của câu lạc bộ. Những thanh gươm, gậy tre, áo quần, tranh vẽ đều do đích thân cụ Huýnh thiết kế. Chưa hết ông Huýnh còn tự tay viết kịch bản, dàn dựng câu chuyện, chọn diễn viên diễn xuất hợp với vai diễn nhất. Sau khi ai tập xong vai của mình sẽ tự đi đến nhà ông để kiểm tra, nếu hát chưa được, điệu bộ chưa được, làm chưa có diễn cảm trên sân khấu thì phải về nhà tập lại. Tuy vất vả là thế nhưng mọi người không ai bỏ vai mà ngược lại luôn nổ lực để hoàn thành tốt vai diễn của mình.

 

   Ông Huýnh cho hay việc truyền lửa trò Kiều cho lớp trẻ hiện nay là một điều rất khó khăn bởi lẽ, lớp trẻ hiện nay không say mê trò Kiều như thế hệ ông cha. “Trước tiên, muốn đến với trò Kiều người đó phải có niềm say mê với bộ môn này, nếu không có niềm đam mê sau một thời gian ngắn sẽ bỏ giữa chừng. Một điều nữa, bạn phải là người có năng khiếu hát Kiều, nếu không sẽ rất khó khăn.” - cụ Huýnh tâm sự.

 

  Bên cạnh đó, kinh phí cho các buổi diễn xa của đoàn cũng là một khó khăn lớn, chủ yếu là bỏ tiền túi ra thuê xe, nếu không có thì tự chở nhau đi, diễn với lòng đam mê, với tình yêu trò Kiều nên dàn diễn viên của cụ cũng chẳng so đo, tính toán gì.

 

   Với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình đối với bộ môn trò Kiều, ngày 19/7/2012 cụ Nguyễn Huýnh đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, được tỉnh và huyện nhà trao tặng nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý.

 

   Một đời gắn bó và luôn cháy bỗng tình yêu dành cho trò Kiều, người nghệ nhân dân gian Nguyễn Huýnh đã và đang tiếp tục duy trì, góp phần vào việc gìn giữ bảo tồn một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Hiện tại, cụ Huýnh cùng câu lạc bộ trò Kiều xã Xuân Liên đang tích cực tập luyện, chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 250 ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, sẽ được tổ chức tới đây tại khu tưởng niệm Nguyễn Du.

 

   Với khát khao phục dựng và gìn giữ loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo này, với nỗ lực của ông Huýnh và những ngư dân đam mê hát kiều ở Xuân Liên, môn nghệ thuật cổ này sẽ bén rễ và ngày càng lan tỏa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân xứ Nghệ./.

 

Bài& ảnh: Ngân Nga


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: