Chủ nhật, 22/12/2024,


Góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (11/11/2015) 

   Vòng chung kết xếp hạng chương trình “Thi giọng hát hay dân ca Quan họ Bắc Ninh 2015” vừa khép lại trên quê hương quan họ Bắc Ninh. Đêm chung kết đã mang đến cho người xem những làn điệu dân ca quan họ mộc mạc, trữ tình, ấm nồng hơi thở nguồn cội trong một không gian âm nhạc truyền thống giàu chất thơ.

 

    Canh hát “đặc biệt”

 

    Buổi tối cuối tuần, không gian Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc náo nhiệt, rộn ràng như bước vào ngày hội. 20 giờ, chương trình bắt đầu, nhưng trước đó khoảng một tiếng, người xem đã đến chật kín hội trường có sức chứa 1.200 chỗ ngồi. Trong những bộ quần áo đẹp, ánh mắt rạng ngời, tươi vui, khán giả chờ đón một chương trình nghệ thuật đặc sắc, một “canh hát” quan họ đặc biệt giữa trung tâm TP Bắc Ninh.

 

   “Thi giọng hát hay dân ca Quan họ Bắc Ninh 2015” là chương trình thường niên của Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Bắc Ninh, tổ chức từ tháng 5-2014 đến tháng 9-2015. Qua sơ tuyển, Ban tổ chức đã lựa chọn 70 thí sinh dự thi đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trước đêm chung kết, đã có 12 chương trình thi tháng và 4 chương trình thi quý được ghi hình. Hội đồng nghệ thuật trong đêm chung kết đều là những nghệ sĩ lớn của dân ca quan họ Bắc Ninh: NSND Thúy Hường, NSƯT Khánh Hạ, NSƯT Lan Hương và nghệ sĩ Phạm Đăng Mùi.

 

   Chương trình năm nay có nhiều điểm mới so với các lần thi trước. Để tạo sân chơi cho đông đảo người yêu quan họ, ban tổ chức chương trình đã mở rộng độ tuổi dự thi. Chương trình năm nay cũng là năm đầu tiên 11 thí sinh phải thi đấu đêm chung kết vòng loại để chọn ra 7 gương mặt xuất sắc nhất vào đêm chung kết xếp hạng. Trong 7 thí sinh góp mặt tại đêm chung kết xếp hạng, có hai thí sinh ngoại tỉnh là Hoàng Thúy Ngần (Hà Nội) và Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Giang). Thí sinh nhiều tuổi nhất tham gia cuộc thi là Nguyễn Phúc, sinh năm 1982, hiện đang công tác tại Tổng cục An ninh (Bộ Công an), thí sinh ít tuổi nhất là em Nguyễn Thị Quỳnh, sinh năm 1998, học sinh Trường Trung học phổ thông Quế Võ 1, Bắc Ninh.

 

 

Nguyễn Thị Hương Liên, thí sinh đoạt giải nhất.

   Mỗi gương mặt một ngoại hình, tính cách, nhưng khi mang trên mình trang phục truyền thống của liền anh, liền chị, các thí sinh như đắm mình trong lề lối quan họ và không khác mấy những nghệ sĩ dân gian thực thụ. Những liền anh khoan thai, điềm đạm trong bộ áo the khăn xếp, liền chị duyên dáng, thướt tha trong tà áo năm thân, nghiêng nghiêng vành nón quai thao. Các thí sinh tham gia đêm chung kết xếp hạng biểu diễn hai làn điệu dân ca quan họ cổ. Mỗi làn điệu là một cung bậc tình cảm khi buồn vui, khi nhớ nhung, thầm yêu trộm nhớ, khi giận hờn, trách móc. Nguyên tắc chọn làn điệu là không chọn những bài có cùng màu sắc, cùng tiết tấu để tránh sự nhàm chán.

 

   Sau gần 3 tiếng đồng hồ, “canh hát” quan họ đặc biệt của những nghệ sĩ trẻ cũng đến phần kết thúc. NSƯT Lan Hương khen ngợi các thí sinh biết cách chọn làn điệu một cách hợp lý. NSƯT Khánh Hạ khẳng định, đêm càng về khuya, giọng hát của các thí sinh càng “vang, rền, nền, nảy”. Còn nghệ sĩ Phạm Đăng Mùi không giấu được niềm vui: “Chưa có canh hát quan họ nào mà số lượng khán giả đông và “lòng vẫn đợi chờ” kết quả đến gần nửa đêm như vậy". Kết thúc chương trình, hội đồng nghệ thuật đã chọn lựa để trao 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các thí sinh.

 

 “Bệ phóng” cho tiếng hát quan họ thêm bay xa

 

    Sau khi hội đồng nghệ thuật, người thân tặng hoa chúc mừng Nguyễn Thị Hương Liên, người đoạt giải nhất trong đêm chung kết, chúng tôi mới có thể tiếp cận với Hương Liên. Chia sẻ về niềm vui của mình, Hương Liên nói: “Sau cuộc thi, em nhận thấy không chỉ cá nhân mình mà tất cả các thí sinh đều có sự trưởng thành vượt bậc. Đầu tiên là sự tự tin, đĩnh đạc trong phong cách biểu diễn. Thứ hai là kỹ thuật thanh nhạc, giọng hát, cách phát âm nhả chữ để đạt được độ “vang, rền, nền, nảy” của quan họ; đồng thời hiểu rõ hơn từng câu chữ trong các làn điệu, qua đó nhận thức sâu sắc hơn về dân ca quan họ Bắc Ninh”. 

 

   Khi đặt câu hỏi về dự định tương lai sau thành công của cuộc thi, Hương Liên chỉ cười khiêm nhường: “Em sẽ cố gắng học hỏi thêm kiến thức, kỹ thuật về dân ca quan họ để hát quan họ ngày càng hay hơn”. Với tuổi đời rất trẻ, mới 22 tuổi, có lẽ đặt câu hỏi về bảo tồn, phát huy giá trị quan họ cho Hương Liên còn quá sớm. Nhưng những gì em và các thí sinh thể hiện trong đêm chung kết đã giúp khán giả thấy được tâm huyết của giới trẻ khi lựa chọn bước vào nghề chơi quan họ.

 

  Chương trình “Thi giọng hát hay dân ca Quan họ Bắc Ninh 2015” ghi nhận thành công của Ban tổ chức khi mang đến không gian quan họ của giới trẻ trên sân khấu tràn đầy màu sắc và nhạc trữ tình dân gian. Đúng như lời tâm sự của ông Nguyễn Xuân Khi, Giám đốc Đài PT-TH Bắc Ninh, Trưởng ban tổ chức: “Chương trình góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời khẳng định cam kết của tỉnh Bắc Ninh trong việc tiếp tục lưu giữ, quảng bá những giá trị độc đáo của loại hình âm nhạc này đến với đông đảo công chúng không chỉ trong phạm vi tỉnh Bắc Ninh, mà còn đến với đông đảo người yêu dân ca Quan họ trong cả nước”.

 

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC HÀ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: