Thứ năm, 25/04/2024,


Đọc tập thơ Gió từ chân sóng (Lâm Xuân Vi) (31/10/2015) 

            Tháng 8 năm 2015, Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam đã ấn hành tập thơ Gió từ chân sóng, của cô giáo, nhà thơ Đặng Diệu Thoa, hội viên Hội VHNT Ninh Bình, đây là tác phẩm đầu tay của chị.



Bìa tập thơ Gió từ chân sóng của nhà thơ Đặng Diệu Thoa


            Kinh nghiệm mách bảo, tôi tìm bài thơ được lấy làm tên chung cho tập đọc trước, thử xem những tín hiệu có làm nên mối liên hệ xuyên suốt nội dung tập thơ không? Nếu có được ý tưởng và cách tổ chức thực hiện ấy, chứng tỏ người viết đã vững tay nghề và chắc chắn tập thơ sẽ cho người đọc những cảm nhận bổ ích lý thú. Và người phê bình cũng hướng đó mà tìm ra những cung bậc đồng điệu. Ngày nay, có nhiều tập sách với cái tên rất kêu, lại được một nhà xuất bản có tiếng gắn nhãn mác, nhưng làm người đọc thất vọng. Do vậy, dù văn hóa đọc ở tầm, mức nào? thì những tập sách như vậy cũng khó đến được người đọc, vì những giá trị thẩm mỹ bị đánh tráo.


            Gió từ chân sóng chưa phải là bài thơ hay trong tập, nhưng nó lại hội đủ và hàm được nội dung làm nên kết cấu một tập thơ. Nhất là tập thơ đầu tay ghi đậm dấu ấn, ở bước ngoặt đầu đời về: tình yêu lứa đôi, cha mẹ, quê hương... Ở những nội dung: gần gũi, giản dị và thiết cốt ấy, người viết dễ tạo được sự bùng nổ nội tâm, sở trường để làm nên hồn vía, chất liệu sống cho thơ mình.... “ Tiếng trăng dào tiếng biển hát trong khuya/ Anh lại kể về những ngày bão đến/ Về những ngày theo mùa cha đi biển/ Về những đêm bão dập tiếng gọi làng/... Em thầm hỏi đời mình như con sóng/ Vỗ tan rồi có tới được anh không?" Đó là câu hỏi đâu chỉ cho thơ, mà là cuộc đời trước nhiều chiều biến động. Nên không chỉ một tập thơ, mà có lẽ cả đời thơ, Diệu Thoa cũng đâu đã dễ trả lời. Câu hỏi được chính nhà thơ đặt ra cho mình, đã manh nha xác lập được trường thơ phức hợp giàu thi cảm. Một dự cảm hứa hẹn người thơ sẽ có sức đi dài.


            Tên một bài thơ, được lấy làm tên chung cho tập thơ, là câu chuyện tình trên bãi biển quê hương vào một đêm trăng sáng trong lành trước ngày anh đi xa. Tình và Cảnh ấy, hẳn chỉ có thể dành cho họ những thổ lộ tâm tình sâu nặng, chân thành, những điều hệ trọng thiêng liêng nhất. Thế mà những giây phút ấy, họ lại lần giở lại những kỷ niệm, bày tỏ lòng mình bằng sự gắn bó keo sơn, có nguồn gốc sâu xa, từ cảnh ngộ thân gần của cha mẹ, từ nghĩa xóm tình làng trong thương khó gian lao. Đây là cách chọn lựa thông minh dẫn dắt người đọc vào thế giới thơ mình một cách tự nhiên, dung dị dễ đồng cảm, đồng tình.


           Mỗi nhà thơ đều có những bài thơ, những câu thơ thật xúc động, dễ lay động tâm thức, dành viết về cha mẹ, người thương yêu ruột thịt của mình.
Diệu Thoa cũng đã rất thành công khi hình tượng hóa tình thương yêu vô bờ của cha mẹ dành hết thảy cho mình. Đó là những câu thơ chất chứa nỗi niềm, giàu liên tưởng: “Bao luống cày dệt hình giấc mơ cha/ Luống cày nào sơ sinh, luống cày nào không tuổi?/ Mồ hôi rụng chát chao sương muối/ Ủ mầm phiến nõn mùa con” (Mùa Thương).


           Còn cơ hội nào hạnh phúc, sung sướng hơn, khi đứa con gái yêu, sau bao nhớ mong xa cách, được trở về sà vào lòng mẹ? Phải là sự xúc động mãnh liệt, đặc biệt lắm, thì những ký ức nồng ấm, ngây thơ, những cử chỉ nũng nịu như còn tươi mới ấy có cơ: trỗi dậy, tràn về: “Nén thầm những nhớ, những mong /Thẩn thơ bóng mẹ lặng trong ráng chiều... Sả, hồi, hương bưởi, hương chanh/ Tìm đâu trong gió thị thành mẹ ơi?...Gục đầu ngực mẹ nồng thơm/ Nghe lòng dịu bớt nguồn cơn vơi đầy.../ Bồng bềnh cánh võng thơ ngây/ Ngân nga lời mẹ tháng ngày con vin.”(Bên mẹ một chiều). Gục đầu ngực mẹ ..., Lời mẹ tháng ngày con vin... là những ngôn từ: gần gũi, giản dị, chân thành, bằng một cách nghĩ khác, nói khác đã đẩy thơ trở nên biến ảo, hàm xúc.


         Tình thương yêu, công đức sâu nặng, cao dày của cha dành cho chị, đứa con hiếu nghĩa, chưa kịp đền đáp đã lại phải gánh chịu cảnh tang tóc thương đau. càng xót thương cha. Trong côi cút bơ vơ, càng hẫng hụt, suy sụp trước nỗi mẹ, cảnh nhà. Thời gian cũng không thể khỏa lấp được trống vắng, xót thương, thì làm sao con có thể tìm được nơi nương tựa nguôi khuây? “Một mùa hè nữa vắng cha/ Tháng ngày côi cút bặt qua âm thầm...Vườn chiều ngân ngấn mắt na/ Bầu buông tay vịn nhớ cha neo giàn...Đầu hồi trống trếnh hàng cau/ Hoa thiên lý thả nỗi đau vào chiều...Xót lòng nỗi mẹ, nỗi quê/ Nỗi cha... Mỗi bước con về bơ vơ…"(Vắng cha). Những bầu, bí, thiên lý, mắt na... thiếu hơi ấm, tình cha chừng cũng đau đớn, héo mòn, ẩn chứa trong u uẩn nỗi buồn thơ chị.


            Công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại, song cũng phải gánh chịu tổn thất hết sức nặng nề. Hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh, trong đó có anh ruột của Diệu Thoa. Chịu đựng sự mất mát của cha mẹ, người thân là nỗi đau dứt ruột, giằng xé âm thầm. Riêng bé Thoa, non nớt tội nghiệp, sợ không đủ sức vượt qua, nên “bị” cả gia đình giấu kín. Đằng đẵng suốt mười năm trời, chị chỉ gặp người anh “máu chảy ruột mềm” của mình trong ác mộng, trong điềm báo tâm linh, trong thần giao cách cảm. Diệu Thoa không hề hay biết nguyên nhân đau đớn, sụy sụp của cha mẹ, người thân, do một biến cố khủng khiếp đã ập xuống gia đình mình. Đó mới là điều thật sự bất hạnh đối với chị, vốn đa cảm, dễ rơi nước mắt khi đã mang tâm thế nhà thơ, khì sự thật nổ tung, vỡ òa. Ta hãy nghe tiếng lòng thơ chị: 
Chẳng ai nói em nghe/ Về nỗi đau mười năm chưa ráo vỏ/ Về cái đêm bàn tay em lạnh gió/ Cứ bấu chặt vào đêm réo gọi anh về...Cái đêm nhà mình bão dội trong khuya/ Mười năm bão qua chưa đêm nào mẹ ngủ/ Tóc trên đầu mẹ bói không còn sợi cũ/ Theo lá vàng rụng trắng gốc thời gian/ Cha đi ra từ bom dội, lũ càn/ Bữa ấy tim cha hằn thêm vết cửa/ Bóng cha đổ gục bên phên cửa...Anh đi rồi mây xám nghẹn mùa trăng/ Áo trắng cô dâu chưa lần ướm thử/ Tháng tốt ngày lành vùi tro quá khứ/ Cất buồn vui chị gói lại tuổi mình...Đến tận giờ ai kể với em đâu...Khoảng vắng anh cứ chật vào ý nghĩ...(Những điều chưa ai nói em nghe)


          Viết trong nỗi đau tột cùng, những cảm xúc khác thường, bằng những ngôn ngữ sáng tạo, đắc địa nên bài thơ làm người đọc thắt lòng. Viết về nỗi đau mất anh nhưng thơ dành nhiều lo lắng cảm thông cho sự lỡ dở, nhỡ nhàng đời người con gái, đã hẹn ước gửi gắm thân phận với anh mình, làm người đọc chùng xuống, lặng đi. Những câu chữ “...Tháng tốt ngày lành vùi tro quá khứ/. Cất buồn vui chị gói lại tuổi mình”. Làm gì có tro quá khứ, tro tương lai. Và làm sao cất được buồn vui, làm sao gói được tuổi xuân...??? Về nghìa bóng, cuộc đời trần thế còn có nghĩa gì? Đó là cách liên tưởng độc đáo, sắc sảo, phi lý đến tận cùng, khiến lòng người đọc không yên. Đó cũng là phẩm chất nhận hậu của ngòi bút thơ biết nhập thế hóa thân vào cảnh ngộ, thân phận giới mình.


            Diệu Thoa có nguồn cội quê hương xứ Quảng. Cha là bộ đội tập kết ra Bắc, về xây dựng nông trường Bình Minh, rồi ở lại lập gia đình, lấy Ninh Bình làm quê hương thứ hai. Người thơ đã thổ lộ: “Em vẫn em - Con tim mặc định dòng máu hai miền” (Ảnh cưới). Có xuất sứ này, nên quê hương trong thơ chị bao giờ cũng gắn bó với hình bóng cha mẹ, người thân: “ Chiều nay trở lại vườn nhà/ Chỉ hương hoa bưởi nhận ra em về...Bâng khuâng chạm nhánh cây gầy/ Liêu xiêu dáng mẹ những ngày đông ken...Bập bùng đốm lửa bà nhen/ Nôn nao mái rạ quẩn lên khói chiều (Vườn xuân). Tình quê chỉ được “mặc định bằng dòng máu hai miền". Chị không được chôn nhau cắt rốn, không được nuôi dưỡng khôn lớn trên đất Quảng. Nên quê trở thành điều khắc khoải mỗi khi nhâc tới tên quê: “Ta gặp quê phía chiêm bao/ Gió thở vào ta mùi cát bỏng...Tiếng quê đau mỗi chiều biển động...Men bóng con đồ đổ dọc triền quê/ Cánh đồng xưa tìm mót câu thề/ Gặp dấu chân cha bỏ quên bên luống cầy tứa màu/ Bàn tay mẹ bỏng trưa tháng sáu/ Đợi nây tròn, trĩu trịt mùa ta (Quê). Lời xưa “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chỉ dẫn ra mấy câu thơ trong hai bài thơ ngắn, ta đã thấy chan chứa tình quê, tình nhà, và có lẽ, rồi nó thành động lực, nguyên nhân nhập vào, và khơi sâu mạch nguồn thơ chị.


            Thơ tình cũng là mạch chủ đạo của tập thơ. Có đủ các trạng huống, cung bậc: thầm kín, đắm say, chân thành, tinh tế mà “đáo để”, sâu sắc, khó “bị lộ”, nên “lời yêu” luôn ẩn chứa sức mạnh vô hình. Ví như trong cuộc hẹn, bất chợt trời đổ mưa, thông thường cả hai bị động, lúng túng. Nhưng người thơ đã cao tay, biến trở ngại của hoàn cảnh, thành lợi thế tâm trạng tỏ bày trần tình. Cách ứng xử như vậy, chẳng những “anh” mà bạn đọc cũng dễ mềm lòng:
“Nợ gì kiếp trước người ơi/ Hẹn nhau gặp đúng khi trời đổ mưa/ Áo người từng mỏng thế chưa/ Để em ướt tự ngày xưa ướt về...?Phải vì sấm sét kề đôi/ Mà đây cứ thế rối bời vào nhau/ Dùng dằng biết gỡ từ đâu/ Giọt mưa như rót từ sâu mắt trời (Mưa). Sấm sét còn biết kề đôi, thì sợi mưa, chính là sợi tình trời ban, mắt trờì nhìn thấu. Những sinh linh bé nhỏ chỉ còn biết vâng mệnh trời chứ sao khác được. Như vậy trận mưa vô giá, còn gì hơn khi cả hai được chứng kiến, được se duyên chính bởi ông trời.
Trong tuổi tìm yêu, cũng có những ước mộng không thành, nguyên do tại mình cũng có, lại có khi vì sự bồng bột, đơn giản của người ấy để rồi mãi mãi tiếc nuối:
“Nào em đã nói "không" đâu/ Sao người vội vã ngoảnh đầu bước đi?...Giờ em tay bế tay bồng/ Biết đâu còn sợi tơ lòng ngày xưa/ Thế mà hôm ấy…Lạ chưa!/Ai xui con sáo ngày xưa...bay về? Và thật tinh tế khi chia tay bằng lời khuyên người, cũng là tự khuyên mình: “Chân trần thôi chớ mải mê/ Kẻo em quên lối nhà quê gọi mình” (Gửi người trong mộng). Chân trần mà cứ mải mê di mãi cùng nhau thế thế rồi bỏng rát, xéo phải gai. Và "nguy hơn" quên lối nhà quê gọi mình thì rồi lộ mất. Đó là lời cảnh báo giản dị mà ma mị khố gọi thành tên.
Còn đây là lời tự thán, tự “phê”, tự thú, pha chút biện minh:
“Rong ruổi mãi một ngày chồn gối/ Ta trở về quỳ lặng trước trái tim/ Nài ân xá cho ngày xưa ngạo nghễ/ Trót ngoảnh lòng...trước lay gọi phím quên...Chẳng đẵm đuội mơ tìm đâu kiệt tác/ Ngõ đời quen, vô cảm lạc chính mình...Đáng trách lắm cả trên tường con nhện/ Cứ chùng chình buông vó suốt mùa tơ...”(Tạ lỗi trái tim)


Trong quan hệ vợ chồng, người vợ nào chả có chút máu “Hoạn Thư”. “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình". Người ta còn nói: yêu mới ghen. Nhưng chắc mức độ ghen chỉ vửa đủ làm gia vị cho tình yêu thêm thi vị mà thôi. Thơ ghen của Diệu Thoa chừng như cũng phân kỳ, có mức độ, lộ trình hẳn hoi đấy:
Cái “chiêu” ghen khéo léo, “ngọt lịm”, ngăn chặn từ xa “anh” đừng “giàu trí tưởng bở ”:
“Anh đi công tác xa nhà/ Cầu Giời mưa thuận gió hòa vài hôm/ Sẵn người rót nước đơm cơm/ Quạt nồng, ấp lạnh...vợi cơn nhớ nhà/ Mai anh đến tận rẻo xa/ Nghe đâu vào cữ đào hoa rất nhiều/ Vườn xuân ong bướm dập dìu/ Thôi anh, bó buộc gắng chiều bước chân/ Một mai ra khỏi mùa xuân/ Đào xa có bứng về gần được đâu?...Thôi thì... khuất nẻo đường xa/ Nắm nem, bầu rượu, hương hoa xứ người (Lòng em). Lòng em “rộng” thế cơ mà. Nhưng tai vách, mạch rừng, anh ơi! Đừng dại…


Theo lộ trình, ghen được nâng cấp. Từ những dấu hiệu hiện hữu mà linh cảm mách bảo “em”:
“Em sợ/ Có ngày chiếc bình ấy vỡ tan/ Khi một trong hai ta vô tình chạm khẽ...Vết rạn kia hiện hữu lâu rồi/ Vết rạn âm thầm tự phát, nhỏ thôi/ Khéo léo ẩn tàng sau loáng sơn diễm lệ/ Ngày lại ngày em kỳ khu nương rẹ/ Vết rạn mơ màng/chầu chực cớ/ toang ra...Đừng khi nào chạm vào đó nhé anh/ Sắt nguội hay đồng hun đâu?/ Thủy tinh giòn lắm... (Vết rạn)
Những câu chữ ẩn dụ tràn đầy nội lực và hóm hỉnh, lại được đặt trong phép so sánh, liên tưởng hư ảo, sáng tạo thì “vết rạn” mơ hồ kia như gặp được “Hoa Đà tái tạo hoàn”. Cao hơn nữa là phẩm hạnh, lòng kiên nhẫn, nhân hậu của “em” chắc sẽ “giữ được lửa tình và xây nên tổ ấm”...


            Có cùng chủ đề, bài thơ (Ảnh cưới) cũng quyết liệt, cảm thương, chắc bạn đọc sẽ dành cho nó tình yêu không kém. Nói thế để khẳng định năng lực thơ tình sung mãn đến đáng nể của người thơ.
Diệu Thoa là nhà thơ xuất thân từ một cô giáo: giản dị, đam mê, yêu nghề. Lại dấn thân vào con đường thơ nhiều hoa hồng nhưng cũng lắm gai nhọn, Bài thơ "em" như chân dung tự họa:
“Em, có lẽ chẳng thể nào khác được/ Buồn vui em rất đỗi đời thường/ Nỗi ao ước cũng khiêm nhường đến lạ/ Bộn rộn đời muôn ngả yêu thương/ Cũng hờn dỗi bởi những gì nho nhỏ/ Cũng ghen tuông khi anh chẳng mặn mà/ Chiều quay quả tan trường ùa ngang chợ/ Quen nhu mì tan loãng giữa người ta...Dòng mực đỏ mài tim mình ra viết/ Lạc lõng hoài với bóng bẩy xa hoa... Nào hay biết đời ngoài kia sóng dội/ Vuốt ve mềm những khao khát đam mê...Chẳng phải gió chẳng chẳng phải mây lúng liếng/ Biết bao giờ neo nổi trái tim anh!” (Em).
Dòng mực đỏ mài tim mình ra viết, chứng tỏ người yêu nghề đến "tử vì đạo" chứ nào phải thường. Và chị tự khẳng định, mình là người giản dị, nhu mì. Đến ước mơ, khao khát, vui buồn cũng nho nhỏ đời thường..Đây chỉ là cách nói khiêm nhường của một thục nữ, nhà giáo, còn khi là nhà thơ chị đã phân thân, hiểu mọi cảnh ngộ, giai tầng của đời sống xã hội và phận người.


            Thơ Diệu Thoa có tứ, ưu thế mạnh trong cách lập ngôn, giàu có ngôn ngữ hình tượng, dư dật vốn từ, độc đáo trong cách so sánh, hư ảo trong liên tưởng, đã thành công ở mọi loại thể tài. Đặc biệt, hiện đại được ở chính thơ truyền thống. Đúng về vần luật, sâu sắc vể nội dung, ngôn ngữ mang sức sống, hơi thở của thời đại. Ngay thơ tự do chị cũng rất coi trọng tới nhạc điệu và tổ chức âm thanh. Bởi vậy, người đọc dễ thấm lắng và rung động được cái tình thơ chị - gốc muôn đời phải được mặc định trong thơ.
Tuy vậy, thơ Đặng Diệu Thoa chưa mở rộng, khơi sâu nơi thế thái nhân tình. Đòi hỏi thơ phải dối diện, tham gia nhiều hơn vào mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần xây dựng xã hội và hoàn thiện con người. Điều mà Đảng và Nhân dân kỳ vọng ở các nhà thơ "Nhà thơ cũng phải biết xung phong". Trong tập, cũng còn có bài thơ mới chỉ dừng lại ở cái đẹp hình thức câu chữ, chưa mang chở, sẻ chia được những nhu cầu bức thiết cuộc sống đặt ra. Kiểu như thơ thù tạc, ngâm vịnh xưa... Đôi bài thể nghiệm, cách tân hình thức chưa thành công, Cũng phải thôi, có người mất cả hàng chục năm tiêu phí cho cuộc "chơi" này. Nói thế để biết con đường thơ thậm khó. Ngay cố nhà thơ gạo cội Phạm Ngọc Cảnh khi sinh thời chia sẻ:"Thơ càng đi càng xa vời cái đích"


          Gió từ chân sóng mới chỉ là tập thơ đầu tay, Diệu Thoa cũng đã để lại được dấu ấn trên thi đàn. Mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan để có được trường thơ rộng lớn hơn, dẫu phải nỗ lực không biết mệt mỏi, cũng chỉ còn là thời gian đối với chị.
Chuyện “bếp núc” của nghề thơ rất khe khắt, thì người thơ đã thành thục, am tường. Những bài thơ thành công đã phát lộ tín hiệu thiên bẩm. Năng lực thơ đang sung sức đứng ở tốp đầu thơ nữ của quê hương. Những tiềm năng, lợi thế quan trọng đó, là cơ sở để củng cố niềm tin, hi vọng mà đồng nghiệp và bạn đọc trông đợi ở Đặng Diệu Thoa./.



Ninh Bình, ngày 25/10/ 2015
Nhà thơ Lâm Xuân Vi
Hội VHNT Ninh Bình

(Email: xuanlamvi@yahoo.com)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: