Thứ bảy, 20/04/2024,


Tục ngữ, văn hóa làng quê và những giá trị thực tiễn (28/10/2015) 

 Người Việt có một kho tàng tri thức văn hóa đồ sộ được đúc kết trong tục ngữ, thành ngữ dân gian. Báu vật đó ngày nay dẫu vẫn được lưu truyền trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày nhưng dần bị mai một trước sự cạnh tranh với ngôn ngữ tiêu dùng. Bởi thế, việc sưu tầm, khảo cứu như một cách hệ thống lại, khẳng định lại sức sống và giá trị thực tiễn của văn hóa dân gian, cuốn Khảo cứu về Tục ngữ và một số chuyên luận văn hóa liên quan đến làng xã tỉnh Bắc Ninh của nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Công Hảo là một câu chuyện như thế.


  Hẳn là, khi nhắc tới những khái niệm như: tục ngữ, thành ngữ, văn hóa làng xã, chúng ta đã có rất nhiều khái niệm công cụ, công trình nghiên cứu quy mô. Ở đây, người viết sẽ không được nhắc tới nữa mà chỉ xin góp bàn về những giá trị thực tiễn của nó với thực tế đời sống. Ngõ hầu chỉ ra được vai trò và sức sống của cuốn sách với ngày hôm nay.

 


   Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ. Vì lẽ đó, ít nhiều chúng ta nhận ra khá nhiều trào lưu, xu thế trong đời sống đang hướng đến lực lượng đông đảo ấy bằng những sự khám phá, trải nghiệm - điều luôn cần với tuổi trẻ. Hẳn là, mấy thập kỉ trước khi những lớp thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực tế cuộc sống đã thành một bài học nằm lòng. Nhưng, đối với thế hệ trẻ, những cuốn sách như Xách ba lô lên và đi của Huyền Chíp lại thu hút được sự quan tâm. Và, không chỉ có thế, họ còn cần cả những chuyến đi vào tri thức dân gian. Dẫu là với hôm nay, những câu tục ngữ như thế này vẫn làm người đọc trẻ thấm thía, ngẫm ra được bao bài học trải nghiệm: “Miệng ông cai, vai đầy tớ”; “Người sống, đống vàng”; “Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại”; “Người như hoa ở đâu thơm đó”… Nhắc đến những câu tục ngữ giàu tính triết luận ấy, từ góc độ người sưu tầm, khảo cứu đã có sự đối sánh với những vấn đề nội tâm của con người hiện đại. Đặc biệt, tác giả chỉ ra những ví dụ cụ thể về vận dụng vốn tục ngữ truyền thống để sáng tạo ra những câu tục ngữ mới. Đây là một hiện tượng phổ biến trong dân gian nhưng ít được nhìn nhận nghiêm túc và thống kê đầy đủ. Đó là: “Làm việc không kế hoạch như bắt chạch đằng đuôi”; “Đi dân nhớ, ở dân thương”; “Ăn pháo thủ, ngủ lái xe”…

 

  Ở phần còn lại của cuốn sách, nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Công Hảo có những ghi chép, luận giải về kiến trúc chùa Bách Môn khá tường tận. Điều đặc biệt ở đây là người viết luôn dựa trên những cứ liệu thực tế: “Tam tòa Thánh Mẫu bao gồm: Mẫu Thiên; Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thoái ứng. Tứ phủ gồm 4 miền với các Mẫu: Mẫu đại thổ (hành thổ- màu vàng); Mẫu thủy (hành thủy- màu trắng); Mẫu thiên hỏa (hành hỏa- màu đỏ); Mẫu sơn lâm (hành kim- màu xanh). Theo các cụ cho biết việc ban thờ cộng đồng tứ phủ cũng là vận dụng triết lí theo quan điểm dân gian: Cây, đất, nước, trời được tôn làm Mẹ và cũng là triết lý sáng tạo của vũ trụ”. Lí giải về nguồn gốc các trò chơi dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Hảo cũng đưa ra những lí lẽ thuyết phục. Ví dụ như “Chấp chế đi tìm” là: “Đi tìm là “Động”, “biến”, do biến động mới sinh sôi nảy nở muôn loài. Như vậy kinh Dương Vương đã chấp nhận đi tìm đất Phương Nam đồng thời tìm một thể chế mới để xây dựng một cơ đồ bề thế vững”.

 

   Có thể thấy rằng, từ một cuốn sách khảo cứu tục ngữ và các chuyên luận về văn hóa, Nguyễn Công Hảo đã bước đầu đem tới cho độc giả những ấn tượng ban đầu về giá trị thực tiễn của tục ngữ. Không chỉ có vậy, tác giả còn đặt nó trong mối tương quan với các sự kiện, chứng tích lịch sử và tìm ra sự liên hệ khăng khít giữa chúng. Từ những địa danh, từ ngữ ẩn chứa điển tích đến việc bổ sung thông tin về lịch sử đến sự lí giải những vận dụng biến đổi trong đời sống hiện đại. Với hơn 200 trang sách được biên tập khá kĩ càng cùng các bài viết được lựa chọn, chúng ta có quyền hi vọng sau cuốn sách này sẽ còn được đón nhận nhiều công trình nghiên cứu mới của nhà nghiên cứu VHDG Nguyễn Công Hảo - người con của quê hương Kinh Bắc.


Bùi Việt Phương
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: