Chủ nhật, 22/12/2024,


Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 831 (cuối tháng 10/2015) (21/10/2015) 

 Mở đầu, như thường lệ, chuyên mục đối thoại, số này là cuộc trò giữa các nhà văn quân đội với vị Chính ủy Quân khu 3 – Trung tướng Đỗ Căn - diễn ra ngay tại số 4, Lý Nam Đế. Tiếp nối với cuộc trò chuyện số trước với Tư lệnh BTL Thủ đô sẽ cho độc giả một hình dung về những ngày đầu xây dựng LLVT 3 thứ quân sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Quân khu 3 cũng là nơi nổi tiếng với phong trào “Vươn ra biển Đông, làm giàu đánh thắng” những năm đầu khi đất nước vừa giải phóng. Ngày nay cán bộ chiến sĩ LLVT Quân khu vẫn giữ vững truyền thống trung dũng kiên cường giữ vững địa bàn 9 tỉnh vùng Đông Bắc, đồng bằng ven biển Bắc Bộ. LLVT Quân khu có nét đặc thù gì và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được họ thực hiện như thế nào sẽ có một phần câu trả lời trong bài đối thoại.

 





           Như một ngụ ý, phần văn xuôi số này gương mặt các nữ tác giả chiếm tuyệt đối: H’Linh Niê, Ý Nhi, Nguyễn Thu Phương, Kiều Bích Hậu, Đỗ Thị Hồng Vân. Mỗi tác giả là một màu sắc, một cung bậc. Xưa nay chợ tình Khau Vai vẫn được biết đến là nơi dành cho những đôi lứa yêu thương lỡ dở người dân tộc H’mông gặp gỡ trong một ngày duy nhất của năm, nhưng trong “Đêm tình Khau Vai” của Nguyễn Thu Phương độc giả thấy không gian huyền ảo này đã được tác giả dùng như một liều thuốc thử cho tình yêu, thử cảm xúc của một cô gái người Kinh cùng một chàng trai miền xuôi khác tìm đến nơi này mang theo những trắc trở duyên mình khi cuộc hôn nhân của cô vừa rạn vỡ. Cô nhận ra, thà rằng một năm chỉ sống một ngày với tình yêu đích thực, được yêu thương và thực sự là của nhau còn hơn cả chuỗi ngày lê thê trong nhợt nhạt với những tiếng kêu đòi hạnh phúc.

             Nữ nhà văn của Tây Nguyên H’Linh Niê trở lại với độc giả VQNĐ qua truyện ngắn “Tháng tư mùa bướm bay” với một câu chuyện hậu chiến như quen, như lạ, như huyền thoại mà cũng như hiển hiện đâu đây giữa đời sống này. Cuộc tìm về chiến trường xưa của sư thầy Thanh cũng là một cuộc hoàn tục, cuộc tìm về cái phần trần tục ông chưa làm hết để đến với cõi chân tu, tìm về nơi có cô giao liên người dân tộc có tên Y Van Ly với tình cảm trong sáng đậm chất dâng hiến, hi sinh khi ông còn là chiến sĩ tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Ngoài tình cảm, Y Van Ly còn là ân nhân của anh chiến sĩ tên Thanh, sau đó do chiến tranh, như bao mối tình vừa nhen lên khác, họ đã thất lạc nhau. Sau chiến tranh Thanh vì vết thương, không muốn Y Van Ly chịu thiệt thòi nếu gắn bó với mình nên anh đã đi tu để người thương tìm hạnh phúc khác. Giờ đây, khi sư thầy Thanh về lại cõi tục thì Y Van Ly đã sang một cõi khác kết thúc chuỗi ngày chờ đợi mỏi mòn để thấy sự hi sinh vì người khác không hẳn lúc nào cũng như ý muốn chủ quan của ta, đôi khi lại là mở ra một bi kịch cho người khác.

“Ám thanh” của Ý Nhi cho thấy một ngòi bút giàu nội lực với cách viết mới, đề tài mới của tác giả gắn với những vấn đề thời sự của xã hội hôm nay. Một căn bệnh lạ, một “khả năng lạ” của nhân vật chính như một dự báo của những biến động. Trong khi dường như những người xung quanh đều không nghe thấy những gì xung quanh đang lên tiếng thì có một người lại nghe thấy những thứ mà nó chẳng diễn ra. Khi mà người ta vô cảm, người ta dường không nghe thấy tiếng kêu của mọi sự vật hiện tượng, những bất cập đang rên xiết, những giá trị bị đảo lộn xung quanh với họ đều “vô thanh” thì sẽ có âm thanh khác dữ dội bội phần dội lại như một quy luật nhân - quả, như những tiếng gọi “đòi nợ” của tương lai.

             Phần thơ số này tiếp tục với những sáng tác từ trại viết VNQĐ 2015 tại Đồng Tháp, những cảm hứng từ vùng quê cách mạng cuối trời Nam của Trương Nam Chi, Trần Minh Tạo, Nguyễn Minh Đức, Lê Hào... Bên cạnh đó VNQĐ cũng giới thiệu đến bạn đọc những giọng điệu trẻ đã hoặc đang dần khẳng định phong cách như Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Nhựt Hùng, Hữu Vi. Hai tác giả trẻ đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu có sự hội ngộ tình cờ trong phần thơ số này. Kai Hoàng vừa dự trại viết VNQĐ với những ngẫm ngợi của một người trẻ hậu chiến, về đất nước, về nhân dân bên cạnh Nguyễn Nhựt Hùng với những đổi mới cách thể hiện, tìm tòi về câu chữ, những cảm xúc được sắp đặt kì khu bởi một người “vẽ thơ”. Trở về từ Đồng Tháp sau trại viết, nhà văn Phùng Văn Khai – Trưởng ban Thơ của VNQĐ chọn giới thiệu chùm thơ của nhà thơ An Giang Trịnh Bửu Hoài trong tập thơ “Ngoài em ra anh còn ai nữa” của anh.

             Phần phê bình, VNQĐ số này giới thiệu bài viết “Hướng tới tiêu chí nhân dân trong đánh giá văn học” của GS Trần Đình Sử, người vừa đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội cho công trình nghiên cứu “Trên đường biên của lí luận văn học” mà VNQĐ cũng đã giới thiệu. Cùng với đó là bài viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của nhà văn, TS giáo dục Thụy Anh ở một cự li gần với tác giả và quan trọng hơn là với tác phẩm đặt trong những nhìn nhận về đời sống văn học chung hôm nay. VNQĐ số này tiếp tục giới thiệu nhà thơ Mai Văn Phấn với bài thơ “Thuốc đắng” như một mốc giới văn chương đánh dấu bước ngoặt trong sáng tác của tác giả, tiếp nối một số câu chuyện khác đã đăng tải, như một “nẻo vào văn học” của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

            Cuộc trò chuyện thú vị với nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần cùng tác phẩm mới nhất của anh có tên “Về cô gái này” cho những người đọc trẻ thấy một cách viết, một cách chiêm nghiệm, một cách ứng xử với nghề độc lập của tác giả với những chủ kiến thuyết phục.

 Văn
Nguyễn Mạnh Hùng
Trung tướng Đỗ Căn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 3: Căn cốt người lính là phải giữ lòng dân
Nguyễn Thu Phương
Đêm tình Khau Vai
H’Linh Niê
Tháng tư mùa bướm bay
Đỗ Thị Hồng Vân
Trong hang ổ cướp biển
Kiều Bích Hậu
Mất mát
Ý Nhi
Ám thanh

Thơ
Trương Nam Chi
Như có như không; Tìm Người; Gọi anh
Trần Minh Tạo
Lửa cháy màu phượng cũ
Nguyễn Minh Đức
Về Đồng Tháp nhớ Bác Hồ; Mưa ấm
Kai Hoàng
Súng nở trong súng; Đối thoại phố
Lê Hào
Ngày cây mất; Từ cửa khẩu Dinh Bà
Đỗ Doãn Phương
Âm thanh buổi sáng; Cánh đồng; Tuyệt ca
Hữu Vi
Biển của người tuổi ngựa; Chuyện Châu Mộc
Nguyễn Nhựt Hùng
Đoản khúc cho ngày; Tìm lại được một ngày bị thất lạc
Đinh Công Thủy
Một ngày không dịu dàng; Chiếc chìa khóa hoen gỉ; Mùa này mạ lên xanh
Lê Anh Phong
Đêm trắng; Gió; Ánh sáng cho nhiều ô cửa
Nguyễn Sinh Xô
Cảm xúc đêm phục kích
Phạm Việt Đức
Tiễn con vào đại học; Thơ tình tuổi bốn mươi
Nguyễn Tấn Tuấn
Kí ức cao nguyên
Thạch Quỳ
Người lặn biển; Không đề
Nguyễn Ngọc Trìu
Nhượng lại
Phạm Tiến Triều
Nàng yêu hỡi!
Phùng Văn Khai
Ngoài em ra anh còn ai nữa (Giới thiệu tập thơ của Trịnh Bửu Hoài)

Văn học nước ngoài
JULIO CORTÁZAR
Đêm ngửa mặt

Bình luận văn nghệ
Đinh Quang Tốn
Văn chương thời mở cửa
Trần Đình Sử
Hướng tới tiêu chí tính nhân dân trong đánh giá văn học
Thụy Anh
Nguyễn Nhật Ánh, một thái độ sống và viết
Nguyễn Khắc Phê
Chiến thắng của trí tuệ và nhân cách
Nguyễn Thụy Kha
Hà Nội - thêm hai tên đường mới, thêm sự vinh danh
Mai Văn Phấn
“Thuốc đắng” khai mở thế giới thơ tôi

Quán văn
Hoàng Đăng Khoa
Nguyễn Ngọc Thuần: Tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn chính là cuộc đời của anh ta

 

(Nguồn Tạp chí VNQĐ)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: