Thứ bảy, 20/04/2024,


Hội thảo “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại” (14/10/2015) 

 

   Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015), sáng 13/10/2015, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo mang tên “Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại”.

 

 

   

    Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Hội Nhà văn; các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn hóa - văn học uy tín và các nhà văn đang sinh sống tại Hà Nội.

  

 

    Hơn 200 năm qua, Nguyễn Du đã ảnh hưởng đến các nhà văn nhà thơ Việt Nam mọi thế hệ bởi nhân cách sống và sự sáng tạo, nhất là văn bản Truyện Kiều. Trong hơn 200 năm, số người viết về Nguyễn Du không lúc nào ngừng nghỉ, người ta đọc Truyện Kiều ở khắp nơi, từ vua chúa đến các tầng lớp bình dân. Đối với người Việt Nam, Nguyễn Du là đại thi hào, còn Truyện Kiều là một kiệt tác.

  

 

    Các tham luận tiếp cận Nguyễn Du và Truyện Kiều ở nhiều khía cạnh, góc độ mới, đặc biệt là tham luận của nhà thơ Đỗ Trung Lai: Truyện Kiều là sự chuyển dịch thần kỳ của một văn bản: Sự kỳ diệu tuyệt đỉnh của ngôn ngữ lục bát. Từ một văn bản rất bình thường của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du qua tiếng Việt và thể thơ lục bát đã biến Truyện Kiều thành một tác phẩm kỹ vĩ. Nguyễn Du là người đầu tiên đưa tiếng Việt đỉnh cao vào văn chương: Tiếng Việt nghệ thuật, và đây là tiểu thuyết đầu tiên được viết bởi thể loại thơ lục bát thuần Việt.

   

 

   Nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt BTC cảm ơn các nhà nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, các nhà văn đã tham gia và đóng góp những ý kiến và tham luận quý báu cho thành công của Hội thảo:  Tôi thấy các tham luận hôm nay rất có giá trị, hàm lượng trí tuệ rất cao, mặc dù không phải hầu hết tác giả tham luận là nhà nghiên cứu. Truyện Kiều có giá trị vượt thời gian, nên ta mới bàn đến ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại, vì ông là nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại ở cuối thế kỉ 18. Ông theo dõi số phận con người ngay cả khi con người đã ở thế  giới bên kia. Nguyễn Du đã tìm thấy ở đáy xã hội bao nhiêu vấn đề, là những mảnh vỡ của xã hội ông đang sống.

   

 

    Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có sự đánh giá tổng quát về Truyện Kiều. Theo ông: Ở thế kỷ 18, 19, ở ta xuất hiện vô số truyện Nôm khuyết danh, các truyện này đều đơn tuyến, nhưng Nguyễn Du đã xây dựng tác phẩm và nhân vật theo kiểu phức hợp, chính điều đó ảnh hưởng đến văn chương hiện nay. Thúy Kiều đáng yêu, đáng trọng, đáng thương nhưng cũng đáng giận. Đây là sự đi trước thời đại về xây dựng nhân vật. Chúng ta nói đến văn chương tâm linh, nhưng thời Nguyễn Du đã tâm linh, đồng hiện rồi. Nhiều yếu tố chứng minh Truyện Kiều có sức sống và ảnh hưởng đến hiện đại.

   

 

    Hội thảo đã nhận được 8 tham luận được viết bởi các nhà văn, các nhà nghiên cứu, các nhà Kiều học: Giáo sư Phong Lê, nhà văn, nhà thơ Hoàng Quốc Hải, Vũ Quần Phương, Đỗ Trung Lai, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Thị Minh Thái, Lại Nguyên Ân. Lê Thành Nghị…Các tham luận và ý kiến phát biểu được trình bày tại hội thảo thể hiện những cái nhìn mới mẻ về Nguyễn Du và Truyện Kiều, song đều đi đến một thống nhất: Truyện Kiều là kiệt tác chói lọi, còn Nguyễn Du, nếu để ca ngợi ông, thì không ai có đủ ngôn từ.

  

 

   Các tham luận tại Hội thảo này sẽ lần lượt được đăng tải trên Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, Website Vanvn.net. Riêng tạp chí Thơ sẽ dành riêng một số chuyên đề về Nguyễn Du và Truyện Kiều, để đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu và bạn đọc trên cả nước tiếp cận.



                                                       Nguồn VanngheVN

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: