Chủ nhật, 22/12/2024,


"Nhớ quê" - Nỗi lòng người lữ thứ tha hương (11/02/2009) 

 

     Ai đã từng một lần không được về quê xum họp với gia đình những khi xuân về tết đến mới cảm nhận hết nỗi lòng của kẻ lữ thứ tha hương. Nỗi niềm lữ thứ tha hương ấy đã làm nên Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Xuân tha hương của Nguyễn Bính... những ca từ những vần thơ cô đơn ấy chỉ có thể viết trong thời gian những ngày cuối năm, trong gác trọ nơi đất khách quê người, với mái phố buồn, nghe sầu rụng, nghe buồn nương theo gió xuân về. Quê hương là một khái niệm vốn không dễ định danh nhưng luôn hiện diện và được cảm nhận rất rõ trong mỗi con người. Trong bộn bề công việc, tất bật với bao lo toan của cuộc sống, nỗi khắc khoải thiếu vắng quê hương ấy có thể được che dấu một nơi nào đó trong góc khuất tâm hồn để mỗi khi cái nắng hanh vàng len trong những cơn mưa phùn xuất hiện báo xuân về, nó lại trỗi dậy thao thiết khôn nguôi... Nhớ quê của Trương Nam Hương chính là nỗi lòng của những người xa quê, là hồn quê trong tâm hồn người Việt.


Nhớ quê

 

Trương Nam Hương 

Chợt thèm một chút mưa xuân

Se se mùa nhắc bao lần xa quê

Đành thôi khất lại ngày về

Lòng con gió thốc bốn bề rét non

 

Quê nghèo rơm rạ còn vương

Chiêm bao lắc thắc con đường lá xoan

Giêng, hai bờ cỏ xanh tràn

Nhòa cay khói bếp vẽ ngàn hoa văn

 

Mong về trước mẹ ăn năn

Thơ con cơm áo nặng oằn hai vai

Con xa hút tháng năm dài

Thương con tóc mẹ trắng ngoài lũy tre


Xốn xang một sớm xuân về

Nghe như có rét từ quê thổi vào

Quê nhà gần lại biết bao

Mùa hương xa ngái ngọt ngào tuổi con

 

     Suốt một năm ròng vội vã sống, tất bật sống, lênh đênh nơi góc bể chân trời chẳng ai có đủ thời gian để ngẫm lòng mình, để nhớ quê. Bởi việc đi việc ở của mỗi người dù phiêu bạt góc trời nao, nó vẫn là nỗi ngày thường, lâu dần cũng thành quen. Rồi một buổi sáng nào đó thức dậy ngỡ ngàng chợt nhận ra:

 

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong

(Xuân về - Nguyễn Bính)

 

     Lúc đó mới thấy thiếu - một cách trống vắng, hụt hẫng - một chút không khí quê nhà, dẫu chỉ là một chút mưa xuân, để nhắc mình nhớ đến thân phận xa quê:

 

Chợt thèm một chút mưa xuân

Se se mùa nhắc bao lần xa quê

 

     Một chút mưa xuân, một chút gió se se hanh hao của cái lạnh đầu xuân tưởng chừng quá đơn giản lại là điều không thể có được nơi đất khách quê người. Một ao ước rất tự nhiên và đầy những ngậm ngùi. Niềm khao khát được buột ra vào thời khắc nhạy cảm nhất, thiêng liêng nhất trong năm - giây phút chuyển giao của đất trời - mùa xuân về ! So với thời gian cả năm, nó chỉ là khoảnh khắc nhưng khoảnh khắc ngắn ngủi ấy lại đủ sức làm héo úa ruột gan tất cả những người trong cảnh xa nhà. Đó là sự giá lạnh của nỗi đơn độc, lạc lõng,của sự trống trải bơ vơ trong tâm hồn:

 

Đành thôi khất lại ngày về

Lòng con gió thốc bốn bề rét non

 

     Bao lận đận bươn chải của đời thường lại một lần nữa níu bước chân của người lữ thứ. Thế là không được chầu chực lách cách tàu xe về quê, không được ngập chìm trong không khí đón tết đầm ấm của gia đình, được gặp gỡ người thân. Quê nhà vẫn còn xa ngái nên nó mãi là nỗi niềm thương nhớ ăn sâu vào tâm thức tác giả:

 

Quê nghèo rơm rạ còn vương

Chiêm bao lắc thắc con đường lá xoan

Giêng, hai bờ cỏ xanh tràn

Nhòa cay khói bếp vẽ ngàn hoa văn

 

     Một vùng quê nghèo nhưng đẹp như thơ với mùi rơm rạ phảng phất với con đường tím ngát cánh hoa xoan như còn in đậm trong ký ức. Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ và quá đỗi thân thương ấy của quê nhà được khúc xạ qua tâm hồn thấm đẫm nỗi niềm nhớ thương của người phương xa nên đẹp đẽ thơ mộng vô cùng. Đó là miền mơ ước để khi nhớ về nó tất cả nhòa cay trong nước mắt của kẻ xa quê, trong khát khao một chút khói bếp thơm nồng vương vất mái tranh. Khi gió xuân về, quê hương càng trở nên khắc khoải đau đáu hơn bởi nơi đó còn có mẹ - cõi bình an cho con neo đậu mỗi khi gặp sóng gió cuộc đời:

 

Mong về trước mẹ ăn năn

Thơ con cơm áo nặng oằn hai vai

Con xa hút tháng năm dài

Thương con tóc mẹ trắng ngoài lũy tre

 

     Cảm nhận được nỗi lòng mong ngóng con xa của mẹ, hiểu được tình thương con vô bờ bến của mẹ, nỗi ăn năn của người con xa quê càng lớn, càng mong được về với mẹ. Về để ùa vào lòng mẹ, để được chở che ôm ấp như thuở bé thơ, để quên đi những mệt mỏi cơm áo ngày thường, quên những tháng năm đời người heo hút, bươn chãi đua chen cơm áo nặng oằn hai vai. Con người rồi ai cũng phải tiếp tục hành trình đời mình một cách cô độc, chỉ có mẹ là người luôn dang rộng đôi tay đón con về, thương con, dõi theo từng bước chân con, mong cho con chân cứng đá mềm Thương con tóc mẹ trắng ngoài lũy tre. Nếu con không về được, người đầu tiên nhắc đến sự thiếu vắng của một đứa con trong ngày xum họp bao giờ cũng là mẹ. Một lời nhắc nhiều ngậm ngùi vào thời khắc bàn tay run run thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, một lời nhắc gieo vào lòng người nỗi niềm hun hút... Nhưng mùa xuân cũng luôn mang đến cho lòng người, cho đất trời cái rạo rực khó tả:

 

Xốn xang một sớm xuân về

Nghe như có rét từ quê thổi vào

Quê nhà gần lại biết bao

Mùa hương xa ngái ngọt ngào tuổi con

 

     Nhớ quê, luôn mang theo trong tâm hồn hình ảnh quê hương, mẹ hiền, nên thấy gần quê hơn. Dường như hình ảnh quê nhà phảng phất đâu đây trong cái hanh hao khô lạnh của những cơn gió đầu xuân, tưởng chừng như trong gió có mùi hương của cỏ đồng, của nắng gió những ngày thơ dại ngọt ngào xa xưa Mùa hương xa ngái ngọt ngào tuổi con... để lại thấy tâm hồn bâng khuâng xao xuyến khi gió run run một lời xuân về, thấy cõi lòng mình ấm áp một niềm vui.

 

     Những giây phút chạnh lòng, khắc khoải nhớ quê, thèm một chút mưa xuân ở quê hương để nhắc mình nhớ bao lần xa quê ấy rồi cũng sẽ qua, con người rồi cũng sẽ bị cuốn vào dòng đời ngược xuôi với những bàn chân mang nhiều vội vã, nhưng một phút đó có thể dài hơn mùa, hơn năm, hơn tất cả niềm vui của một đời người cộng lại... Bởi không ai có thể nói trước được rằng cái cảm xúc cô liêu của kẻ đón tết xa quê lại không bao giờ đến với mình trong đời. Đó là nỗi nhớ nhung da diết tưởng như đã nằm sẵn đâu đó trong trái tim đầy thương nhớ của con người, chỉ cần một phút giây yếu lòng là nó khắc khoải vọng về, trăn trở khôn nguôi. Nỗi niềm lữ thứ tha hương ấy khẽ đến khẽ xoáy vào lòng người mỗi khi cái nắng xuân hanh vàng loang đến - một sắc màu bâng khuâng nhiều cảm xúc, không tả được. Trong cơn gió hiu hiu nhắc tết, trong sắc mai đào nhắc tết, lòng người càng xốn xang, lẻ loi, trống vắng hơn nếu đang phải lãng đãng chân trời, lênh đênh góc bể nao...

 

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang...(Thế Lữ)

Tác giả Hoàng thị Huế

 

-------------------------

Nguồn: hueuni.edu.vn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: