Tháng 10 năm 1954, chính phủ kháng chiến và những đoàn quân chiến thắng rời Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 10 tháng 10 năm 1954 là ngày chính thức đánh dấu thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết về cuộc chiến đấu hào hùng của Hà Nội bảo vệ chính quyền non trẻ:
Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời.
Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo!
Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng.
Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên chiến sĩ ta ơi!
Trời Hà Nội đỏ máu
Bụi hè đường cuốn bốc tung bay, xác thù rơi dưới gót giày.
(Ca từ bản nhạc Người Hà Nội)
Và viết về thời khắc những người chiến sĩ rút khỏi Hà Nội:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(Đất nước)
Tháng 10 năm 1954 lịch sử, nhà thơ về Hà Nội trong một ngày “mưa tầm tã”, và những cảm xúc được dạt dào tuôn chảy ngay trong giờ phút đầu tiên của ngày trở về. Tác giả viết bài thơ “Ngày về” có lẽ rất nhanh, và ghi thời gian hoàn thành ở cuối bài là ngày 8/10/ 1954, hai ngày trước khi Hà Nội sạch bóng quân thù. Ngày về:
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa
Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi
Lòng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây, Hà Nội ơi !
Hà Nội trán em còn ứa đỏ
Những áo hoa còn lấm bùn nhơ
Nhưng mỗi góc tường bao máu rỏ
Còn tươi nguyên như mỗi lá cờ
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta
8-10-1954
Viết nhanh và viết thành công ngay một bài thơ như vậy, vì tình yêu Hà Nội trong lòng nhà thơ và mọi người lúc nào cũng nồng nàn thường trực, như nhà thơ Hoài Anh thể hiện:
Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến
Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô
(Nhớ ngày thủ đô kháng chiến)
Trở về Thủ đô giải phóng trong một chiều “mưa tầm tã” là một cuộc trở về đặc biệt. Cảm xúc đầu tiên là cảm xúc vui mừng rơi nước mắt. Những phố xưa còn đó. Nước hồ như xanh dịu hơn. Và bao người rơi lệ: Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa. Nhà thơ đã nhân hóa cảnh vật, như thấy Tháp Rùa cũng rơi lệ cười, hoặc cũng có thể hiểu là người về rơi lệ, cười khi gặp lại Tháp Rùa cổ kính. Cảm động đến trào nước mắt khi về lại Hà Nội là cảm xúc của hầu như tất cả những người trong đoàn quân chiến thắng.
Nhà thơ Tố Hữu viết:
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Giàn giụa vui lên ướt mắt cười
(Lại về)
Cảm xúc vui sướng đến trào nước mắt là cảm xúc có thật của những người về. Riêng nhà thơ Nguyễn Đình Thi, còn cảm thấy một cảm xúc khác: Lòng ta như lửa đốt dầu sôi. Bởi vì có được ngày về hôm nay, là bao xương máu hi sinh của đồng đội, đồng chí, những con người vắng mặt ngày về:
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Nhưng sự đau xót, thương tiếc cũng không át được niềm vui chiến thắng. Tiếng tàu điện leng keng làm cho nhà thơ lắng lại và niềm vui trào lên như hình ảnh suối mát:
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây, Hà Nội ơi!
Điểm nhìn của tác giả di chuyển từ Tháp Rùa ra xung quanh Hà Nội. Người viết hướng tới vầng trán em, những áo hoa còn lấm bùn và những vết máu ở góc tường. Dấu vết và tàn tích đau thương, mất mát của chiến tranh, của Hà Nội trong tay giặc còn hiện lên ở vết thương trên trán em, ở những áo hoa lấm bùn, và cả những vết máu nữa. Một lần nữa cảm xúc tự hào lại vượt lên mất mát:
Hà Nội trán em còn ứa đỏ
Những áo hoa còn lấm bùn nhơ
Nhưng mỗi góc tường bao máu rỏ
Còn tươi nguyên như mỗi lá cờ
Chiến thắng Điện Biên, Nguyễn Đình Thi từng viết câu thơ ca ngợi đất nước kì diệu của chúng ta:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
(Đất nước)
Bây giờ về Hà Nội, ông ca ngợi những đứa con về từ bốn phương trời lửa đạn đã sẵn sàng cho việc xây dựng lại Thủ đô. Lời thơ trầm xuống, lắng lại, bình tĩnh, tự tin:
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta
Với Nguyễn Đình Thi, bài thơ Ngày về ghi dấu ấn Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng. Ngoài niềm vui, cảm động rơi lệ, niềm thương xót đồng chí đồng đội hi sinh, sự tự hào chiến thắng còn có thêm tinh thần sẵn sàng cho công cuộc tái thiết Thủ đô. Hơn thế nữa, viết về Hà Nội, Nguyễn Đình Thi còn có bài thơ Đất nước, có ca khúc Người Hà Nội, và sau này Chia tay trong đêm Hà Nội. Những bài thơ, ca khúc như thế là dấu mốc lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của Hà Nội, thủ đô yêu dấu, trái tim của cả nước trong hai cuộc kháng chiến trường kì.
Kỉ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, cùng với nhà thơ về Hà Nội ngày 8 tháng 10 năm 1954 qua bài thơ Ngày về thiết tưởng là một việc làm đầy ý nghĩa của mọi người./.
Vũ Nho