Lần đầu tiên tôi được biết nhà thơ Mai Ngọc Thanh là khi tôi còn là học sinh lớp 5. Hồi đó có sự kiện I.Gagarin bay vào vũ trụ, thầy giáo dạy văn Mai Ngọc Thanh đã có bài thơ gửi in trên báo Sao Đỏ của Liên Xô (cũ) được phát hành ở Việt Nam cùng tờ Sự Thật của Đảng ta. Bài thơ được đọc trong các lớp khiến tất thảy học sinh của trường đều tự hào về thấy Mai Ngọc Thanh, và tôi là một trong số học sinh ấy. Do gia cảnh riêng, tôi không được học nhiều với thầy Thanh. Sớm phải mưu sinh, cuộc sống cuốn cuộn đưa tôi đi… Gần mười năm sau, tôi cũng bắt đầu viết bài thơ của mình, và thật hay, cuộc đời cho tôi được gặp lại thầy, hơn thế, từ năm 1973 còn được công tác cùng thầy trong Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa. Khi ấy, vào tuổi 40, phong thái rất hào hoa, tươi trẻ, nhà thơ Mai Ngọc Thanh bảo tôi đừng gọi ông bằng thầy nữa, làm văn nghệ mà em, gọi bằng anh thôi… Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó là một ân huệ ông đã cho tôi. Và rồi, hơn bốn mươi năm qua, tôi được gắn bó với ông, với tấm tình như vậy, luôn dõi theo đường thơ của ông.
Sau bài thơ viết về sự kiện I.Gagarin, bài thơ quan trọng đối với nhà thơ Mai Ngọc Thanh là Gửi em, cô mậu dịch viên bán vải, đăng báo Văn nghệ số Xuân năm 1965 mà sau này ông tâm sự, bài thơ ấy là cái chứng chỉ ghi dấu việc ông bước vào làng thơ Việt Nam hiện đại. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ, đó là bài thơ của một người lạc quan sáng tác với xúc cảm thực sự bay bổng. Vào thời điểm đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ bắt đầu lan rộng ra miền Bắc, mà Thanh Hóa là một vùng chiến địa, thơ ông có sự biến chuyển nhiều về chất. Quy luật văn chương là vậy, đời sống nào thì nảy sinh thơ ca ấy. Có thể nói, từ vị thế mơ mộng, bay bổng Mai Ngọc Thanh đã hạ xuống cuộc sống trần đời, có cả đạn bom, máu lửa, và có thật nhiều sự sống gan góc, can trường, khiến ông viết các bài Con đường bom, Ngôi nhà của tôi, viết cả bài thơ Những con búp bê Mỹ với xúc cảm căm phẫn; còn viết cả bài Những ngày giặc Mỹ đánh đê, nhìn mưa tầm tã, nhìn con đê mình với mọi người đang đắp, ông thầm nói với con trai những điều day dứt trong lòng. Tháng sáu mẹ đắp đê sông Mã/ Tháng tám cha đắp đê sông Chu/ Ta nâng đê bằng từng xẻng đất/ Một quả bom Mỹ khoét sâu 15 thước… Thêm nữa, hồi 1972 khi pháo đài bay của không lực Mỹ đánh vào Nam Ngạn, Hàm Rồng, Đình Hương của Thanh Hóa, Mai Ngọc Thanh đã bất ngờ viết thơ văn xuôi, thứ thơ khi ấy còn chưa nhiều người viết. Bài Trên bãi bom B52… xin trích một đoạn: Căn nhà tranh không rõ mấy gian. Còn hai phần mái sau đổ gục. Đuôi mái bíu vào phần bức vách/ ngã siêu. Trên cái bàn tre dùng ăn cơm hàng ngày đã gãy võng xuống, một con gà mái đang nằm. Thấy người nó chạy vụt ra. Tiếng cục tác xôn xao quả đồi… Một quả trứng trắng hồng, tôi cầm, hơi ấm nồng nàn thấm vào da thịt. Và đây là quả trứng đầu tiên tôi được thấy trên bãi bom B52… Ngôn ngữ thơ của Mai Ngọc Thanh bình dị nhưng lại chất chứa thật nhiều sự sống. Tôi vẫn nghĩ ngôn ngữ là thứ bị thời gian xói mòn thật nhanh còn sự sống thì rất khó bị héo úa. Vậy nên, có thể nói, đó là một thành công thi ca của ông!
Mỗi nhà thơ có xuất phát điểm riêng khi đến với thơ ca, có một ngôn ngữ với những âm luật, tiết tấu riêng để biểu đạt cái tôi trữ tình của mình. Mai Ngọc Thanh cũng vậy. Cái tôi trữ tình của Mai Ngọc Thanh có được không do tài hoa bẩm sinh “hạ bút như thiên thành”, mà là bởi ông đã khổ công tìm kiếm được trong cuộc sống rộng lớn mà ông yêu tự đáy lòng và diễn đạt nó lên trang giấy bằng ngôn ngữ thơ ca mộc mạc, trầm sâu. Trong đời sống rộng lớn ấy, có người bạn đời, khiến ông có thơ. Đi đâu về mở cửa là gặp/ Anh run rẩy trước em đầy ấm áp (Bài Từ khi có em). Trong cuộc đời rộng lớn ấy, có những người bạn sống gắn bó cùng ông từ thời bom đạn, thiếu thốn cho đến lúc “được mở mày mở mặt” vẫn chỉ chút thương nhau, khiến ông viết được câu thơ đơn sơ mà đẹp như một chân lý. Bạn là một nửa cuộc đời ta (Bài Bạn). Trong cuộc đời thẳm sâu có một nữ thanh niên xung phong đã gửi hết tuổi xuân ngoài chiến trường, sau chiến tranh ngoài bốn mươi tuổi mới được mang thai. Và cô phải sống thế này:
Chín tháng liền giấu mình trong khói bếp cây vườn
Việc phải đi thì đi khuya đi vòng đi tắt
Vậy mà gió cũng ác
Cứ lật tà áo cô lên
Vuốt nhọn thêm những lời cay độc
Từng có lúc thìa thuốc sâu chập chờ trong óc buốt…
(Bài Chúa hài đồng)
Với sáu dòng thơ, Mai Ngọc Thanh cho người đọc thấy một bi kịch đau đớn ở cái thời luật pháp ta còn chưa bảo vệ quyền được có con của người phụ nữ. Nhà thơ thì coi đó là một thành công của một người mẹ đã sinh ra đứa bé đẹp Như chúa hài đồng/ Mọi trả giá nặng nề mẹ đã trả/ Bú no rồi chân đạp tứ tung như múa/ Và cái chim phóng một cầu vồng. Trong đời sống rộng lớn và sâu thẳm, có người con gái bị câm: Khi em mắt ướt/ ngây khờ/ Khi tay xoắn, vặn/ Khi bờ vai chao/ Một câu/ nào/ chỉ một câu/ Rồi có chết cũng thôi đau một đời. Với bài thơ Hai người câm này, cái tội trữ tình của Mai Ngọc Thanh chất chứa một nỗi đau nhân bản:
Chim còn nói được tiếng người
Em muốn xé ngực cho lời tuôn ra
Giữa yêu thương của cả nhà
Em không tiếng nói vẫn là đơn côi…
Trong đời sống rộng lớn, cuồn cuộn, có một người tên là “Sơn ti”. Sơn tỉ sống bằng nghề gánh thuê ở thị xã Thanh Hóa trong những năm 1955 đến 1987, bị người đời coi là dở hơi, là hâm nặng. Mai Ngọc Thanh làm thơ về người ấy, bài Trường ca Sơn tỉ. Tên là Trường ca nhưng đây là một bài thơ kể chuyện về Một con người vừa có lại vừa không/ Giữa thị xã cuộc đời ngược xuôi bận rộn. Mai Ngọc Thanh dùng thơ để miêu tả nhân vật thật sắc sảo, người đọc thấy được một thân phận đã năm mươi tuổi mà con nít cũng gọi là thằng. Tôi cũng nhiều lần gặp Sơn, có khi đang cười tự dưng bật khóc “Này em đi sao lại bỏ anh đi”, và chỉ một lúc sau Sơn đã hát nghêu ngao “Em ơi em mùa xuân đến rồi…”. Sơn bị người đời coi là dở hơi, nhà thơ Mai Ngọc Thanh thì áy náy về Sơn: Có cô gái nào ngày xưa bội ước với Sơn chăng/ Để rồi mãi Sơn cười Sơn khóc/ Để rồi mãi Sơn buồn Sơn hát/ Mà người đời thì lấy đó nhạo chơi. Cả ngày đi gánh thuê, kiếm từng đồng bạc vụn, vậy mà năm 1960 Sơn nhặt được món tiền 1000 đồng (tương đương 20 tháng lương của một người thợ cơ khí bậc 2). Sơn đem hết tiền đó nộp công an. Sơn sống tự nhiên nhi nhiên, mùa hè mặc quần đùi, mùa đông mặc quần lửng, áo thì không cài khuy, suốt ngày phơi bụng giữa nắng, mưa. Đêm Sơn ngủ ở ga tàu, bến xe, quán chợ, ngày thì Chiếc đòn gánh cuộn thừng, vác ngược, đi gánh thuê ở Bến Cốc cầu Săng quán Mặt phố Nhổi… Sơn không hộ tịch, không chứng minh nhân dân, không tem phiếu, như không lại như có trong cuộc đời này. Đến lúc Sơn mất, người đời tối mặt lo chuyện đởi mình, ai để ý đến Sơn. Nhà thơ Mai Ngọc Thanh đã nhận thấy, Bọn trẻ con lớn lên ngơ ngẩn nhớ một người/ Nhớ cả cái phần người không hoàn thiện. Và ông khép lại bài Trường ca Sơn tỉ với những câu thơ thấm thía nỗi buồn nhân sinh:
Đâu chỉ có những tên tuổi lón
Để lại trong ta khoảng trống lúc không còn
Tôi cảm thấy từ hôm Sơn tỉ vắng
Thị xã mình bảng lảng… buồn hơn.
Với nhiều nhà thơ, thành công chủ yếu của đời thơ thường được họ tạo lập từ những năm tuổi trẻ. Với Mai Ngọc Thanh thì có khác, càng có tuổi thơ ông càng sâu sắc hơn, những bài như: Chúa hài đồng. Hai người câm. Trường ca Sơn tỉ là ông viết khi vào tuổi 60 đến tuổi 65. Có thể nói, ông là người coi thơ là mục đích, là lý tưởng của đời mình, điều đó phần nào biểu hiện qua những câu, Những ngày/ Sự nhàn rỗi bút/ hành tôi bơ thờ (bài Những ngày). Tôi biết gặp phải những ngày như thế là Mai Ngọc Thanh đi, có khi lên thuyền theo người dân chài ra khơi, nên mới viết được bài Ngoài khơi, bài Người đánh cá ấy. Có khi, ông đi tìm hiểu xem dưới những mái nhà lụm cụm người ta sống như thế nào, nên mới có bài thơ Người đàn bà đạp xich lô, những câu đặc tả mà gieo vào lòng người đọc một mối thương cảm trước một thân phận khổ nhọc nhưng sống kiên cường. Đôi chân gầy như ống nứa tép/ Mà nuôi sống cả nhà. Có khi ông tìm tới một ngôi đền ở nơi u tịch, nên lại có bàiTrong đền thờ Vua Đinh với suy cảm thật sâu, Nhân dân hoàn toàn có lý/ Không đặt tượng Dương Vân Nga bên Đinh Tiên Hoàng. Với cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng do bị hành thích và sự kiện Dương Vân Nga trở thành vợ vua Lê Hoàn, cơn biến động của lịch sử ấy cũng làm nên bi kịch của một gia tộc. Suy cảm của Mai Ngọc Thanh thật dân dã và cũng rất trần đời:
Thì dẫu thế… người đời sau đến
Gặp mỗi mình Vua với ba đứa con…
Con mồ côi, cha thì góa bụa
Cả bốn linh hồn ngồi giữa cô đơn.
Quả thực là Mai Ngọc Thanh đi vào cuộc sống thì mới có được thơ. Đi như thế, ông ngày càng nhiều thêm những kinh nghiệm nhận biết những giá trị nhân bản trong đời sống. Hồi còn trẻ, từng được học Trung văn bên Trung Quốc nên Mai Ngọc Thanh cũng sớm có được vốn hiểu biết về văn hóa Trung Hoa. Không chỉ có vốn văn hóa ấy, ông còn thật nhạy cảm về những giá trị nhân sinh, nên khi đến thăm Vạn Lý Trường Thành, thấy trên tờ quảng cáo phát cho du khách có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” ông đáp lời, Tôi đã đến/ Nhưng chẳng thích nhận mình là hảo hán. Và Mai Ngọc Thanh viết tiếp,Di tích này từ mặt trăng cũng thấy/ Xây cả Trường thành hùng vĩ vậy/ Mà quên xây chiến lũy lòng dân/ Nên đế nghiệp nhà Tần/ Chỉ vẻn vẹn mười năm thì đoạn. Bài thơ Vạn Lý Trường Thành viết trong chuyến tham quan một di tích lịch sử nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc, mà buồn, một nỗi buồn lịch sử:
Thời gian ngủ lâu rồi trong đá
Những oan hồn có hóa thạch không?...
Tôi đứng ngẩn trên Trường Thành Vạn Lý
Gió cuồng thổi bạc xóa ngàn lau buồn.
Ngoài thơ, Mai Ngọc Thanh còn dịch một số tác phẩm văn học Trung Quốc, viết ký, viết truyện thiếu nhi. Nhưng tôi biết thơ ca mới là mục đích sống, là lý tưởng của ông. Những bài thơ tiêu biểu trong 7 tập thơ ông đã xuất bản ghi giữ thật nhiều những dấu ấn đời sống của bản thân nhà thơ. Từng dấu ấn là từng khúc đường đời, là từng bước ông tìm cho thơ mình những giá trị nhân bản. Trong những bước đó, có một buổi sớm mai, Mai Ngọc Thanh nhặt được xác con ve với cái bụng rỗng không trên hè phố. Và bước ấy khiến ông tìm được bài thơ Ve sầu. Bài thơ này không phải sự tức cảnh viết về những cái đèm đẹp kiểu chim muông hoa lá. Mà, bởi những chiêm nghiệm về những sự đời sâu sắc chất chứa trong lòng cộng với một khát khao sáng tạo vụt bùng lên, nên thi sĩ mới viết được bài thơ chứa đựng tình cảm nhân văn thật đẹp. Những câu thơ mộc mạc cảm động, Giã biệt trời trong/ Giã biệt vòm xanh…/ Con ve chết/ Vẫn hình hài nguyên vẹn. Ve sầu là ca sĩ của cây xanh, trời trong và nắng sáng. Ai cũng qua tuổi thơ, nên đều thương yêu ca sĩ ve sầu. Bản tráng ca vừa xong/ Hè đã chín trên tầng tầng phượng vĩ/ Và quả vườn thơm lịm những môi người. Thơ như thế, người đọc nhận ra ve sầu là một thành viên trong cuộc đời này. Một thành viên sống tận lực giữa đời:
Rút hết ruột gan
Cho bản tráng ca mùa hạ
Rồi rơi nhẹ nhàng hơn chiếc lá…
Dõi theo đường thơ hơn nửa thế kỷ của nhà thơ Mai Ngọc Thanh, tôi thường hình dung ông, một thi nhân luôn cắm cúi đi trong thường đời. Ông đi, để tìm cho thơ mình có được những ý nghĩa với đời. Và ông đã tìm thấy, những bài thơ của ông tôi vừa điểm qua ở trên chứng tỏ điều đó.
Anh Chi
(Văn nghệ)