Thứ năm, 18/04/2024,


Nhìn lại từ một trại viết (Nam Trần) (01/10/2015) 

          Tiếp nối thành công từ cuộc thi viết truyện ngắn 2013 – 2014, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (Tổng cục chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam) tiếp tục mở cuộc thi thơ năm 2015 – 2016, với mong muốn tiếp tục là cầu nối giữa các tác giả với bạn đọc và là nơi được vinh dự công bố những tác phẩm mới nhất của các nhà thơ chuyên và không chuyên trên cả nước.


Chụp hình lưu niệm ngày bế mạc


          Vừa qua, từ ngày 11 đến ngày 27.9.2015 Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp tổ chức trại sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thành công tốt đẹp trên quê hương sen hồng. Tổng trại viên là 23 người. Có 15 tác giả được mời dự trại từ Bình Định trở vào, riêng đơn vị sở tại Đồng Tháp có 8 tác giả dự trại. Tác giả ở thành phố Hồ Chí Minh về dự trại có 7 người, khá đông so với các tỉnh bạn.

          Trong hơn nửa tháng, các trại viên được tắm mình cùng đất và người Đồng Tháp nói riêng, hương vị đồng bằng sông Cửu Long nói chung; những câu chuyện sử, những người của hôm qua và hôm nay đã gieo bao vương vấn và đọng lại tâm hồn người. Con người được hòa mình cùng thiên nhiên với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm Chim. Trại viên được biết thêm về sinh hoạt và những vất vả trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời bình của những chiến sĩ biên phòng – Đồn Biên phòng Dinh Bà; giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, Công an tỉnh Đồng Tháp. Trại viên cũng có buổi gặp gỡ với sinh viên Đại học Đồng Tháp để thấy được trí tuệ và những ước vọng của tuổi trẻ, những chủ nhân rất gần của nước nhà. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và Làng hoa Sa Đéc đã làm nhiều người xao xuyến về câu chuyện tình và kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ. Khu di tích Xẻo Quýt, Gò Tháp và lăng mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã dựng lại những thước phim lịch sử bi hùng của quê hương – đất nước. Những địa danh, những con người như còn khắc lại, sống động thêm qua gần 100 tác phẩm của trại viên hoàn thành khi kết thúc trại. Chủ yếu là thơ. Tuy vậy, mảng văn xuôi cũng có bút kí và truyện ngắn góp vào làm cho phong phú và đa sắc hơn.


          Mới ngày nào còn là xa lạ, chỉ biết nhau qua tác phẩm mà sau khi bế mạc trại, 23 nhà văn, nhà thơ ấy đã quyến luyến như không nỡ rời. Vòng xe đã lăn bánh, nhịp thời gian đã ghi lại khoảnh khắc đẹp ấy với bao hứa hẹn còn quay lại!
Được biết, những tác phẩm dự trại lần nầy sẽ được in thành tuyển tập thơ văn và biểu diễn nhân dịp Nguyên tiêu – Ngày thơ Việt Nam 2016 ở Đồng Tháp. Mọi người còn nhớ mãi hình ảnh gần gụi, yêu văn chương, cả quyết của ông Bí thư tỉnh ủy Lê Minh Hoan và ông Lê Minh Trung – Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp.


           Nhìn lại từ một trại viết, cái đọng lại nhất vẫn là tác phẩm, thử điểm qua tôi thấy:
Trần Hữu Dũng với chùm thơ mang âm hưởng sông nước miền Tây với cách viết mộc mạc, giản dị nhưng giàu triết luận. Đó là các bài: Mùa nước nổi; Kiếp thương hồ; Nhật ký ở sân chim Đồng Tháp Mười; Đáy mộ; Về miền Tây; Giấu ngấn nước nơi cột nhà; Chiều hôm trên núi Cấm; Luân chuyển mùa.
Trần Huy Minh Phương - một “hoạt náo viên” của trại đã bất ngờ có chùm thơ khá vững vàng, có giọng điệu riêng, và là nhà thơ có tác phẩm gửi sớm nhất, đó là: Dáng người xưa trong chiều Cao Lãnh; Gáo Giồng; Miên man Đồng Tháp; Hẻm tắt; Miền xa lắc...
Thai Sắc - một tác giả quen thuộc của Đồng Tháp gây ấn tượng bằng sự chắc chắn, chỉn chu đầy chất chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người qua chùm thơ 5 bài: Con sông ấy có ta về khỏa sóng; Miền chưa gọi tên; Kìa dòng sông vẫn chảy; Sương lá; Hoa mưng rụng; Bữa cơm chiều của mạ.
Nữ nhà thơ ở đất Đồng Tháp Trần Bạch Phần, ngoài bút kí và tản văn, chị còn gửi tới trại viết chùm thơ tươi mới giàu chất sống: Cánh đồng và mẹ; Hoa Trường Sa; Gởi anh chiến sĩ Biên phòng; Mẹ quê hương.
Trần Võ Thành Văn gửi chùm thơ 6 bài bằng lối viết mới mẻ, sắp xếp những ẩn dụ một cách có ý thức đã cho người đọc sự cảm nhận tinh tế. Đó là các bài: Khúc trăng; Đừng là gì; Hòa bình không quên tiếng súng; Vua sen Tháp Mười; Trăng hay những đám mây rung động; Hoa xuyến chi cuối mùa.
Nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng gửi một xêri thơ cho thấy sức trẻ luôn ào ạt. Đó là: Gọi bạn theo về; Đêm Đồng Tháp; Giấc mơ; Hóa Trang; Khuya nay; Dư âm sau buổi chiều; Khi chúng ta trở về; Ba người đàn bà; Lặng im; Tưởng…
Cũng trẻ trung nhưng thêm sự lắng sâu, ngẫm ngợi và biết đặt ra, biết khơi gợi những vấn đề khác nhau đang diễn ra trong đời sống, nhà thơ trẻ Kai Hoàng tỏ ra vững tay trong chùm thơ: Súng nở trong súng; Về Đồng Tháp; Thuyền giấy; Cánh cò; Thương ca cánh đồng; Mùi mưa.
Nhà thơ Lê Hào đến từ vùng đất Phú Yên với phương châm chậm chắc, sau hơn hai tuần ở trại, anh gửi chùm thơ viết về chính những vùng đất anh cùng các trại viên đi thực tế với những cảm nhận tươi mát, chân thực. Đó là: Gáo Giồng; Những người đàn bà miệt vườn; Yêu những miệt vườn; Dẫu đến ngày cây mất.
Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã sau cuộc thực tế đến với bộ đội Biên Phòng đã viết chùm thơ về những người lính: Tản mạn dọc đường biên; Người gác biên cương; Nghiệm sông; Giang hồ hoa; Người em xứ Tháp… - đã cho thấy sức hút từ đời sống luôn hấp dẫn các nhà thơ. Một điều bất ngờ, nhạc sĩ kiêm MC Thanh Hà (Đồng Tháp) đã hòa cảm và phổ bài thơ Tiếng đàn nơi biên giới của Nguyễn Thánh Ngã thành bản nhạc khá hay.
Nhà thơ quân đội Nguyễn Minh Đức miệt mài với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, mà trong đó những hình ảnh gần gũi, thiết thân của bậc lãnh tụ đến người chiến sĩ thời bình được thể hiện bằng xúc cảm của một người lính. Đó là các bài: Về Đồng Tháp nhớ Bác Hồ; Bàn tay trước bến Nhà Rồng; Đêm thu Dinh Bà; Đêm diễn tập; Bình minh Gáo Giồng; Sự tích một cuộc đi săn ở Gáo Giồng; Đất thiêng Gò Tháp…
Nhà thơ quân đội Phan Tùng Sơn với chùm bài: Lời con chim tràng diệc ở Gáo Giồng; Cột mốc; Trước biển; Tiền cheo.
Với cảm hứng và cách viết truyền thống, nhà thơ nữ Nguyễn Thị Thanh Long với chùm thơ: Đi tìm anh mùa nước nổi; Điên điển vàng mênh mông, đã cho thấy sức hấp dẫn từ những chiến đấu hi sinh trong chiến tranh vẫn luôn là nỗi trăn trở, day dứt ngòi bút mỗi nhà thơ.
Ở một cung bậc khác, nhà thơ đến từ Gia Lai, Ngô Thanh Vân đã liên tiếp đặt ra những câu hỏi đồng thời tự trả lời dưới nhiều góc độ về chiến tranh, về cuộc sống thường ngày, về những gì đang diễn ra, đang va đập trực diện với mỗi ngòi bút. Đó là các bài: Hỏi; Đêm Ya pô; N cảm xúc.
Nhà thơ Vũ Thiên Kiều đặc sắc với chùm thơ sen: Gặt chữ ở lưng sen; Giao hưởng sếu và sen; Buồm sen và chiếc cũi; Vũ điệu sen Đồng Tháp; Về với Gáo Giồng.
Nhà thơ Trương Nam Chi góp vào một tiếng nói riêng nhuần nhụy chùm thơ lục bát: Như có như không; Tìm người; Đồng Tháp và em.
Nhà thơ trẻ Lê Quang Trạng đã tỏ ra khá chắc tay nhưng vẫn mới mẻ về ngôn ngữ, nhịp điệu với chùm thơ: Hàng cây bên sông; Lối gió; Nghiệm; Hỏi mình; Hố bom; Mùa; Hóa kiếp; Dầu…
Nhà thơ Phan Trung Thành tiếp tục giọng thơ riêng của anh với chùm: Thán ca buổi mai; Tàu chậm; Vảy hiện thực; Nghĩ và viết; Bầy ong chữ đi chơi.
          Ở mảng văn xuôi, các tác giả dự trại sáng tác Đồng Tháp đã có nhiều tác phẩm bút ký và truyện ngắn. Tác giả Bạch Phần với bài viết về Mùa cá ăm ắp những kỷ niệm ấu thơ; bút ký Người phụ nữ anh hùng của Phạm Thị Toán viết về người mẹ Lê Thị Huệ cả đời hi sinh vì cách mạng và tản văn Thư gửi con dâu đầy những trăn trở; bút ký Những nốt trầm trong bản trường ca tranh đấu của Nguyễn Trọng Quí viết về đồng chí Trần Anh Điền - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiến Phong (Kiến Phong là Cao Lãnh khi xưa; Đồng Tháp gộp lại từ Sa Đéc với Kiến Phong (Cao Lãnh) bây giờ) với rất nhiều tư liệu, kỉ niệm về một thời đấu tranh gian khó; truyện ngắn Trận đấu của tác giả Lê Hào miêu tả về những trận đấu võ đầy kịch tính; hai truyện ngắn Ngủ đi quá khứ; Ngoại với cách viết hồn nhiên, trong sáng của tác giả Thu Truyền
Một trại viết về văn chương diễn ra nghiêm túc, nghĩa tình. Hi vọng độc giả sớm được đón nhận những tác phẩm có giá trị từ một trại viết – một cuộc thi và những tâm hồn đẹp đáng trân trọng!


Các trại viên tham quan khu du lịch Gáo Giồng



Với TBT tạp chí VNQĐ - Đại tá  Nguyễn Bình Phương

Nhận quà của Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Tháp



Bông tràm trắng còn sót lại cuối mùa



Khu di tích Xẻo Quýt  thuộc huyện Cao Lãnh - Đồng Tháp

.28.9.2015.

Nam Trần
ĐT: 0969.929.512.
Tuần Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
81. Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: