Chủ nhật, 22/12/2024,


Bế mạc trại sáng tác của Tạp chí VNQĐ tại Đồng Tháp (29/09/2015) 

  Chiều 26/9/2015, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Trại Sáng tác Văn học đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Tham dự Trại có 23 tác giả đến từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng Ban tổ chức Trại Sáng tác cho rằng với kết quả thu hoạch được, Trại Sáng tác đã thành công ngoài mong đợi...



                                

                                                        Các tác giả tham dự trại sáng tác


Dấu ấn Đồng Tháp


    Trong thời gian dự Trại Sáng tác, các tác giả đã được đi tham quan thực tế khu du lịch Giáo Giồng, di tích Gò Tháp, căn cứ Xẻo Quýt, vường quốc gia Tràm Chim, nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê, một số thắng cảnh ở Cao Lãnh và Sa Đéc. Bên cạnh đó còn tổ chức gia lưu với cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, Công an, các đồn Biên phòng và sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp. Nhà thơ Lê Hào (Phú Yên), tác giả tập thơ Tấm lòng của cây, chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi về Đồng Tháp thấy vừa xa lạ lại vừa gần gũi. Con người thì vô cùng mến khách, sống hào phóng và sảng khoái. Đặc sản thì rất phong phú. Ấn tượng nhất là đi đâu cũng gặp sen. Sen không chỉ trồng trong khuôn viên các cơ quan, ban ngành mà ngay cả trên đường phố, tạo khung cảnh vừa lãng mạn, nên thơ lại vừa hoà hợp, gắn bó với thiên nhiên”. Từ những cảm nhận tươi mát, chân thật, Lê Hào đã viết về chính vùng đất anh đi thực tế như: Gáo Giồng, Những người đàn bà miệt vườn, Yêu những miệt vườn, Dẫu đến ngày cây mất.

  Với tác giả tập thơ Gió mặn, Trần Huy Minh Phương, một người con của quê hương Sóc Trăng, hiện công tác tại Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, tâm sự: “Tôi đã nhiều lần về Đồng Tháp nhưng mỗi lần mỗi cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, lần này được đi tham quan nhiều nơi mới nhận ra rằng còn rất nhiều điều mình chưa khám phá, nhất là tình người trên vùng đất “sen hồng”. Qua buổi giao lưu với các anh bộ đội, tôi cũng có một số tác phẩm viết về người lính hiện nay như: Dáng người xưa trong chiều Cao Lãnh, Gáo Giồng, Miên man Đồng Tháp, Hẻm tắt... Hy vọng dưới góc nhìn của một người chưa từng “ăn cơm kẻng” sẽ mang đến đọc giả cảm nhận tươi mới về bộ đội thời bình”. Còn tác giả Trần Võ Thành Văn đến từ cố đô Huế, hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, bị choáng ngợp trước hệ thống sông rạch chằng chịt và những cánh đồng lúa ngút ngàn chỉ thấy chân trời. “Tôi rất thích phong cảnh thanh bình và con người chân thật ở đây. Tôi cũng học cách điều khiển xuồng bơi ngoằn ngoèo trong kênh rạch, giữa mênh mông đồng tràm. Phải nói là rất thú vị”, Văn bộc bạch.

   Trong buổi trò chuyện với các tác giả, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan giới thiệu khái quát về đất và người Đồng Tháp từ khi khai hoang đến những năm tháng kiên cường chống ngoại xâm và sự đổi mới của Đồng Tháp hôm nay. Đồng chí nhấn mạnh: “Ở đây không chỉ có những giá trị đằm sâu về lịch sử mà còn có những mảnh hiện thực tươi mới, lấp lánh, có sức khơi gợi lớn cho văn học. Tôi mong muốn các tác phẩm văn, thơ từ Trại sáng tác này sẽ giới thiệu về mảnh đất và con người Đồng Tháp đến với bạn đọc cả nước. Qua đó, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vùng đất “khuất nẻo” này đang phát triển từng ngày trong tiến trình đổi mới chung của quê hương. Hơn thế nữa, sẽ là nhịp cầu nối với bạn bè gần xa tìm về để Đồng Tháp không còn “khuất nẻo” nữa”.

Thành công ngoài mong đợi


    Có thể nói, trên 100 tác phẩm thu được từ Trại Sáng tác này là cả một thế giới hình tượng đầy sự sinh động cùng những tâm trạng, nghĩ suy, trăn trở; cũng là cả một thế giới hình thức: đa dạng về đề tài, nhiều vẻ về bút pháp, giọng điệu; phong phú về ý nghĩa. Tất cả đều muốn nói lên sự tìm tòi, mới mẻ, có bài đạt tới độ đằm sâu về ý nghĩa. Nhà thơ Trần Hữu Dũng (TP. Hồ Chí Minh) với chùm thơ mang âm hưởng sông nước miền Tây bằng cách viết mộc mạc, giản dị nhưng giàu triết luận qua các tác phẩm: Mùa Nước nổi, Kiếp thương hồ, Nhật ký ở sân chim Đồng Tháp Mười, Đáy mộ, Về miền Tây, Giấu ngấn nước nơi cột nhà, Luân chuyển mùa. Thai Sắc – một tác giả quen thuộc của Đồng Tháp gây ấn tượng bằng sự chắc chắn, chỉn chu đầy chất chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người qua chùm thơ: Con sông ấy có ta về khỏa song, Miền chưa gọi tên, Kìa dòng sông vẫn chảy, Sương lá, Hoa mưng rụng, Bữa cơm chiều của mạ.Tác giả nữ Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang) đặc sắc với chùm thơ sen: Gặt chữ ở lưng sen, Giao hưởng sếu và sen, Buồm sen và chiếc cũi, Vũ điệu sen Đồng Tháp. Với cảm hứng và cách viết truyền thống, nhà thơ nữ Nguyễn Thị Thanh Long (TP. Hồ Chí Minh) có tác phẩm: Đi tìm anh mùa nước nổi; Điên điển vàng mênh mông, đã cho thấy sức hấpphẩm dẫn từ những chiến đấu hi sinh trong chiến tranh vẫn luôn là nỗi trăn trở, day dứt ngòi bút của nhà thơ.

    Sẽ không quá lời khi các tác giả trẻ đã thể hiện sự cố gắng, miệt mài trên “cánh đồng chữa nghĩa” và có những thành công nhất định. Trần Võ Thành Văn thể hiện lối viết mới mẻ, sắp xếp những ẩn dụ một cách có ý thức tạo cho người đọc sự cảm nhận tinh tế trong: Khúc trăng, Đừng là gì, Hòa bình không quên tiếng súng, Vua sen Tháp Mười, Trăng hay những đám mây rung động, Hoa xuyến chi cuối mùa. Tác giả Trương Công Tưởng (Bình Định) gửi một xêri thơ cho thấy sức trẻ luôn ào ạt qua các tác phẩm: Gọi bạn theo về, Đêm Đồng Tháp, Giấc mơ, Hóa trang, Khuya nay, Dư âm sau buổi chiều, Khi chúng ta trở về, Ba người đàn bà, Lặng im… Cũng trẻ trung nhưng thêm sự lắng sâu, ngẫm ngợi và biết đặt ra, biết khơi gợi những vấn đề khác nhau đang diễn ra trong đời sống, tác giả Kai Hoàng (Bà Rịa – Vũng Tàu) tỏ ra vững tay trong chùm thơ: Súng nở trong súng, Về Đồng Tháp, Thuyền giấy, Cánh cò, Thương ca cánh đồng, Mùi mưa. Lê Quang Trạng – sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học An Giang, đã tỏ ra khá chắc tay nhưng vẫn mới mẻ về ngôn ngữ, nhịp điệu với chùm thơ: Hàng cây bên sông, Lối gió, Nghiệm, Hỏi mình, Hố bom, Mùa, Hóa kiếp, Dầu…

   Thượng tá Nguyễn Minh Đức (Trường Sĩ quan Lục quân 2) miệt mài với đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, mà trong đó những hình ảnh gần gũi, thiết thân của bậc lãnh tụ đến người chiến sĩ thời bình được thể hiện bằng xúc cảm của một người lính. Đó là các bài: Về Đồng Tháp nhớ Bác Hồ, Bàn tay trước bến Nhà Rồng, Đêm thu Dinh Bà, Đêm diễn tập, Bình minh Gáo Giồng, Đất thiêng Gò Tháp. Còn Trung Phan Tùng Sơn (Báo Quân đội nhân dân) với chùm bài: Lời con chim tràng diệc ở Gáo Giồng, Cột mốc, Trước biển, Tiền cheo…

   Ở mảng văn xuôi, các tác giả dự Trại Sáng tác đã có nhiều tác phẩm bút ký và truyện ngắn. Các tác giả Đồng Tháp như: Bạch Phần với bài viết về Mùa Cá ăm ắp những kỉ niệm ấu thơ; bút ký Người phụ nữ anh hùng của Phạm Thị Toán viết về người mẹ Lê Thị Huệ cả đời hi sinh vì cách mạng; bút ký Những nốt trầm trong bản trường ca tranh đấucủa Nguyễn Trọng Quí viết về đồng chí Trần Anh Điền - Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiến Phong với nhiều tư liệu, kỉ niệm về một thời đấu tranh gian khó. Hay truyện ngắn Trận đấu của tác giả Lê Hào miêu tả về những trận đấu võ đầy kịch tính; hai truyện ngắn Ngủ đi quá khứ; Ngoại với cách viết hồn nhiên, trong sáng của tác giả Thu Truyền, v.v…

    Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng Ban tổ chức Trại Sáng tác, cho rằng, dù thời chiến hay thời bình thì đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng sẽ không hề vơi cạn. “Các tác giả dự Trại sáng tác đã phấn đấu trên từng trang viết để đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa với người đọc. Nền tảng ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành, xúc cảm của nhà thơ. Mỗi người một nét riêng, một cách nhìn ở nhiều góc độ khác nhau về chiến tranh, về cuộc sống thường ngày của người lính thời bình, về những gì đang diễn ra, đang va đập trực diện với ngòi bút đều được thể hiện trong các tác phẩm. Đó chính là thành công ngoài mong đợi của chúng tôi ở Trại Sáng tác lần này tại Đồng Tháp”, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Bình Phương khẳng định.


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: