Trên Văn nghệ Thái Nguyên (số 29/21.7.2015), mục “Giữ gìn tiếng Việt trong sáng”, (ngày 23.7.2015 website) có bài của Nguyễn Đình Hưng (NĐH) đưa ý kiến về hiện tượng “đọc thơ của một vài tác giả, rất ngạc nhiên vì thấy từ “thao thiết” xuất hiện thay cho từ “tha thiết” thông dụng”. Tác giả cho biết, tra các cuốn Từ điển tiếng Việt không thấy có từ “thao thiết”; tra các từ điển Hán Việt, Hoa Việt thấy từ “thao thiết” có những nghĩa : “thiếu suy nghĩ, vội vàng”, “tên một giống ác thú”, “làm việc quá gắt gao, quá nóng nẩy”. Tác giả nhận xét: “Sáng tạo, làm mới ngôn ngữ trong thơ văn là cần thiết, nhưng phải tôn trọng ý nghĩa đích thực của ngôn ngữ, không nên làm “méo mó” sự trong sáng của tiếng Việt”.
Có phải từ “thao thiết” thay cho “tha thiết”? Dùng từ “thao thiết” là làm “méo mó” tiếng Việt? Xin trao đổi với tác giả NĐH như sau:
Do bài viết không trích dẫn “văn cảnh”, chỉ nói chung “đọc thơ của một vài tác giả”, nên người đọc không biết việc dùng từ “tha thiết” và “thao thiết” sai , đúng như thế nào!
1. Về từ “tha thiết”
Trước hết, mục từ “tha thiết” trong các Từ điển Tiếng Việt, đều chú nghĩa: “tha thiết” như “thiết tha”: 1. Quyến luyến và săn sóc; 2. Hết lòng; Thắm thiết làm cho gắn bó hết lòng, luôn nghĩ quan tâm đến…Ví như câu thơ Hàn Mặc Tử: “Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi”(Lưu luyến), “Cùng tình em tha thiết như văn thơ”; Xuân Diệu: “Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ”( Phải nói); Tố Hữu : “Tiếng ai tha thiết bên cồn”( Việt Bắc); hay câu văn: “Họ yêu nhau tha thiết.”
Thứ hai, trong Từ điển Hán Việt, “tha thiết” có nghĩa: “nói tắt câu: như thiết như tha, ý sửa trị dồi mài, như hình đã cắt rồi mà lại dũa (“Từ điển Hán Việt” của Đào Duy Anh, q. Hạ, nxb KHXH, 1992, tr 356); “THIẾT 1) cắt 2) khắc, sách Đại học nói: như thiết như tha, học phải nghiền ngấu như thợ làm sừng, đã khắc rồi lại mài cho bóng, vì thế nên bạn bè cùng gắng gỏi gọi là thiết tha (“Hán Việt Tự điển” của Thiều Chửu, Nxb Văn hóa thông tin, 2005, tr 46) (không hiểu sao NĐH lại ghi “Từ điển Hoa Việt” của Đào Duy Anh, “Hán Việt từ điển” tác giả Thiểu Chỉu ?!- ĐTB gạch dưới ). Ví dụ, câu thơ “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế”, trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều; chú thích có ghi: “…sự thế thiết tha nghĩa là cuộc đời như cắt như cứa vào lòng người”(“Những khúc ngâm chọn lọc”, nxb ĐH và THCN, 1987, tr 125); câu “Cảnh buồn người thiết tha lòng” (“thiết tha lòng”: lòng đau đớn như bị cắt cứa chà sát- Chinh phụ ngâm tr 48 s.đ.d); “u ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng” (“Văn chiêu hồn”, Nguyễn Du); “Tưởng lời di chúc thiết tha” (Tự thán, Lê Ngọc Hân)
Như vậy, “tha thiết” (hay “thiết tha”) là một từ gốc Hán (磋 切 - “tha”: mài dũa, nghiên cứu kĩ; “thiết”: cắt, khắc vào) đã được “Việt hóa” – “thiết tha”: quyến luyến, săn sóc; hết lòng. Chữ Nôm ghi “tha thiết” cũng có tự dạng như chữ Hán (磋 切). Trong tiếng Việt còn nhiều trường hợp như thế (như “thủ đoạn”, “cường điệu”, “đáo để”, “tử tế”, đinh ninh”, “lịch sự”,v.v…)
Đây là một sự biến đổi nghĩa khi vay mượn từ tiếng Hán.
2. Về từ “thao thiết”
Trong các Từ điển Hán Việt có từ “thao thiết” với các hàm nghĩa như NĐH nêu ra. Nhưng khi xem Từ điển Hán Việt phải xét từng yếu tố của từ: “thao” và “thiết”; âm “thao” có 8 đến 11 chữ Hán . Từ “thao thiết” 操切 “làm việc quá gắt gao, quá nóng nẩy “, (HVTĐ của Đào Duy Anh) theo mặt chữ: “thao” thuộc bộ thủ, “thiết” thuộc bộ “đao”; “thao thiết” 饕餮 “một giống ác thú”(TĐHV, Thiều Chửu), các chữ đều thuộc bộ “thực”. Ngoài ra còn chữ “thao” 滔, thuộc bộ “thủy”, với các nghĩa: “thao thao”: mênh mông, nước chảy cuồn cuộn; đầy rẫy, tràn ngập, không dứt;… Từ “thao” này “kết hợp với “thiết” (切) để thành một từ “mới” được không?
Đúng là các Từ điển Tiếng Việt chưa thấy đưa từ này. Nhưng có phải chờ trong Từ điển đưa vào thì mới được dùng không?
Hãy xem những trường hợp sử dụng từ “thao thiết” trong thơ văn như thế nào:
Du Tử Lê trong bài “Người nhón gót: thả vầng trăng thứ nhất và Australia”:
“Chào tinh khiết! – Giữa chiều/ tôi/ xế bóng
Như tấm lòng thao thiết cũng gieo neo”
Một bạn viết trẻ là Ngưng Thu, trong bài “Lá gọi gió quên về”:
“Đêm nặng hạt rớt lên ngày khuất nắng
Đêm hình như thao thiết gọi thu về”
Đó là thơ, còn ở văn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong các truyện ngắn, dùng từ nàymột cách “bền bỉ” như sau:
“Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển…Thời gian cũng thao thiết trôi. Hơn mười năm nữa đến năm 2000…”( truyện “Con gái thủy thần”, báo Văn nghệ số 6-7/ 6.2.1988; tập truyện “Những ngọn gió Hua Tát”, nxb Văn hóa, 1989, tr 120);
“Trước mặt tôi là dòng sông. Sông chảy ra biển…Thời gian cũng thao thiết trôi. Chỉ ít năm nữa đến năm 2000…” (“Con gái thủy thần”, phần II, báo Văn nghệ, số 6/ 10.2.1990); tập truyện “Con gái thủy thần”, nxb Hội nhà văn, 1993, tr 33)
“Tôi cứ đi, đi mãi…Trước mặt tôi là dòng sông thao thiết. Sông chảy ra biển…”(“Con gái thủy thần III”, báo Văn nghệ, số 25/ 20.6.1998)
Trong thời gian mười năm, nhà văn đã dùng từ “thao thiết” trở đi trở lại; cụm từ “thao thiết chảy”, “thao thiết trôi”, “thời gian cũng thao thiết trôi”, “dòng sông thao thiết”, như thế hẳn có dụng ý. Nó có thể tạo ra các trường liên tưởng ngữ nghĩa nơi người đọc: “dòng sông cuộn chảy không dứt, mải miết trôi…”, hay: “thời gian cũng trôi đi không dứt, lại khắc ghi ngày tháng…”. Hoặc là sự kết hợp của từ “thao thức” và “tha thiết” (tiếng Việt): “thao thiết” vừa trăn trở, không yên, vừa quyến luyến, cố lưu giữ, khắc ghi…”. Như vậy, liệu có thể thay “thao thiết” bằng “tha thiết” không? Mỗi từ có một trường ngữ nghĩa riêng, săc thái riêng. Hay đây là từ ‘mới”, chưa đủ thời gian “sống” trong ngôn ngữ, nên nhà làm từ điển Tiếng Việt chưa đưa vào? Trường hợp này cần ghi nhận đóng góp của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Các nhà phê bình khi bàn, đánh giá về văn chương Nguyễn Huy Thiệp cũng đã chú ý đến đoạn văn này, hiểu được ý đồ của nhà văn: “Và dòng sông thao thiết chảy, thời gian thao thiết trôi”. “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” tôi thấy “những giọt vàng” thơ ca và triết lý”( Đỗ Đức Hiểu, “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”, nxb Văn hóa Thông tin, 2001, tr 485); Nguyễn Thanh Sơn, sau đoạn trích “Trước mắt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy…Thời gian cũng đang thao thiết trôi…Chỉ ít năm nữa đến năm 2000”, đã cảm nhận và cắt nghĩa: “Hình ảnh những con sông chảy về với biển cứ trở đi trở lại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp chính là dòng suy tưởng lặng lẽ của nhà văn, là nỗi khao khát cồn cào muốn tận hưởng cuộc sống, muốn đo được đáy sâu của thời gian. Bởi vì thời gian đang trôi đi, thời gian đang giục giã…”(bài “Đọc tuyện Nguyễn Huy Thiệp”, tr 117, s.đ.d)
Nhà văn, nhà thơ là người sáng tạo từ người làm giàu cho vốn từ dân tộc, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…đến Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân v.v…và đến những năm cuối thế kỉ XX là Nguyễn Huy Thiệp.
Những ý kiến, gợi ý, bình luận trên là suy nghĩ cá nhân, mong được mọi người quan tâm, trao đổi.
Đỗ Tiến Bảng
Ngưng Thu - thanhha0406@gmail.com - 0977364255 - Binh Thuan
(Ngày 08/11/2015 12:43:05)
Kính gởi BTC Lucbat.com, NT cũng có nhớ anh Đỗ Tiếng Bảng sửa giúp hai câu dẫn mà anh ấy đã dùng trong bài viết. Anh ấy đồng ý rồi. xin BTC sửa lại trên lucbat.com dùm NT với nhé. |