Trên cái nhìn lịch sử, truyện đồng thoại những năm đầu thế kỉ XXI là sự tiếp nối tự nhiên dòng chảy thể loại vốn được khơi nguồn từ Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài (1941). Ngoài ý nghĩa đảm bảo tính liên tục cho tiến trình thể loại, sự tiếp nối này còn chứng tỏ truyện đồng thoại có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới văn học thiếu nhi trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Với hình thức nhân cách hoá loài vật, truyện đồng thoại được xem là một thể loại rất thích hợp với trẻ em, nhất là các em ở lứa tuổi nhi đồng. Vì thế, qua nhiều giai đoạn lịch sử, truyện đồng thoại đã không ngừng phát triển, thực sự là một dòng chảy mạnh mẽ, tạo được ảnh hưởng rộng rãi ở cả trong lẫn ngoài nước.
Vào những năm cuối thế kỉ XX, trong tình trạng khủng hoảng chung của văn học thiếu nhi, truyện đồng thoại cũng không tránh khỏi những khó khăn do sự xâm nhập mỗi lúc một mạnh mẽ của văn học thiếu nhi nước ngoài. Tuy nhiên, bước vào thế kỉ XXI, thể loại này tìm được những điều kiện thích hợp để hồi sinh, và do vậy, đã trở lại với công chúng nhỏ tuổi một cách đĩnh đạc hơn.
Theo quan sát của chúng tôi, hoạt động sáng tác truyện đồng thoại trong hơn mười năm qua diễn ra sôi nổi với nhiều sự kiện đáng nhớ:
- Năm 2002, tác phẩm Làm mèo của nhà văn Trần Đức Tiến đoạt giải thưởng Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2001 – 2002 do nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức. Thiên đồng thoại này là một tác phẩm giàu triết lí nhân văn, không chỉ hấp dẫn bạn đọc mà còn kích thích cảm hứng viết tiếp, đưa đến sự ra đời của Phép lạ của Mèo con không lâu sau đó (Tô Hải Vân, 2004);
- Từ năm 2007 đến năm 2014, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xuất bản liền ba tác phẩm đồng thoại dài hơi: Tôi là Bê tô (2007), Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (2012) và Chúc một ngày tốt lành (2014). Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, ông chuyển sang viết đồng thoại vì muốn trải nghiệm thử thách mới ở một thể loại vốn rất quan trọng của văn học thiếu nhi. Viết về đề tài thế giới loài vật, Nguyễn Nhật Ánh vẫn thể hiện được thế mạnh của một ngòi bút tài năng thiên phú, thực sự là nhà văn best seller;
- Năm 2008, cuốn Ngàn dặm xa của nhà văn Nguyễn Đình Chính được xuất bản, thu hút dư luận trước hết bởi “lịch sử” hình thành tác phẩm khá đặc biệt. Cụ thể, tác phẩm này được Nguyễn Đình Chính viết từ năm 1961 (lúc mới 16 tuổi), song do hoàn cảnh chiến tranh, tác giả nhập ngũ nên bản thảo dang dở. Mãi đến năm 2008, tác giả mới quyết định hoàn chỉnh và xuất bản, góp vào kho tàng đồng thoại Việt Nam hiện đại một câu chuyện thú vị về những chuyến phiêu lưu của loài vật;
- Một cuộc chạy tiếp sức khác trong văn học thiếu nhi Việt Nam đầu thế kỉ XXI này cũng diễn ra ở lĩnh vực đồng thoại. Đó là việc nhà văn trẻ Miên Di quyết định viết Tân Dế Mèn phiêu lưu ký. Tuy cuộc phiêu lưu mới này chưa đến hồi kết nhưng qua một vài chương sách công bố trên trang web cá nhân tác giả cũng phần nào gợi được trí tò mò, tăng thêm không khí hào hứng cho đời sống văn chương;
- Nằm trong số những giải thưởng của Cuộc vận động sáng tác “Vượt qua sợ hãi” do Hội Nhà văn Đan Mạch – Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức, năm 2012 – 2013, có tập truyện đồng thoại Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh của Trương Huỳnh Như Trân. Theo đánh giá chung, tập truyện này được viết bằng một lối văn nhẹ nhàng, dễ thương, đã xây dựng nên một thế giới đồng thoại với những con vật hết sức ngộ nghĩnh, đáng yêu.
- Ngày 20/11/2011, Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức kỉ niệm 70 năm ra đời của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký (1941 – 2011). Sự kiện này, ngoài ý nghĩa tôn vinh tài năng, giá trị tác phẩm của Tô Hoài còn cho thấy sức sống của thể văn đồng thoại qua thời gian.
Điểm qua một số sự kiện như thế để thấy vai trò của truyện đồng thoại trong việc làm nên không khí, sắc màu cho đời sống văn học thiếu nhi nước nhà những năm đầu thế kỉ mới này. Cố nhiên, chúng ta không nghĩ đơn giản rằng, ảnh hưởng của truyện đồng thoại chỉ nhờ vào mấy tác phẩm kể trên. Bởi trên thực tế, giai đoạn này, chúng ta có nhiều, rất nhiều tác phẩm đồng thoại khác nữa. Thống kê cho thấy, qua gần 15 năm, số đồng thoại được viết ra là 569 tác phẩm, gần bằng số đồng thoại được viết ra trong thế kỉ XX (656 tác phẩm).
Có thể nói, đồng thoại đã trở lại một cách mạnh mẽ, bắt đầu có những bứt phá khá ấn tượng. Kết quả này, trước hết, do những thôi thúc nội tại của nền văn học. Như đã biết, trong thế kỉ XX, truyện đồng thoại đã lập thành một dòng chảy liên tục, do đó, đã tạo nên một quán tính văn hoá cần thiết cho thể loại khi bước vào thế kỉ XXI. Rõ ràng, những thành công cũng như hạn chế của truyện đồng thoại thế kỉ XX luôn đem lại cho người sáng tác hôm nay một số gợi ý nghề nghiệp thiết thực. Ở khía cạnh thành công, với đỉnh cao là Dế Mèn phiêu lưu ký, nó đảm bảo về khả năng thể loại giúp người viết tiếp tục gặt hái những thành công mới. Ở khía cạnh hạn chế, đồng thoại thế kỉ XX là một dấu chỉ, lưu ý về nguy cơ thất bại nếu “phạm” vào những hình thức đã từng làm xơ cứng thể loại. Nói tóm lại, đồng thoại thế kỉ XX là một quá khứ nhiều ý nghĩa, cả về lí luận lẫn kinh nghiệm sáng tạo.
Trong sự thành bại của văn chương bất kì giai đoạn nào, vai trò của người viết bao giờ cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Lưu ý điều này để thấy, lực lượng người viết đồng thoại những năm đầu thế kỉ XXI khá đông đảo, gồm nhiều thành phần khác nhau. Bên cạnh những cây bút đã thành danh như Trần Đức Tiến, Nguyễn Nhật Ánh, Lưu Thị Lương, Nguyễn Trí Công, Nguyễn Châu, Nguyễn Thái Hải, Trần Hoàng Vy…, chúng tôi thấy còn có rất nhiều những người viết trẻ (chủ yếu ở khu vực TP. Hồ Chí Minh) tham gia. Họ mang đến cho công chúng trẻ thơ những tác phẩm thanh thoát, nhẹ nhàng, đầy ắp trải nghiệm tuổi thơ và một tình yêu thương loài vật vô bờ bến. Có thể kể đến Quân Thiên Kim với Những cuộc phiêu lưu của Kiến Nhóc (2008), Nguyễn Trần Thiên Lộc với Cuộc phiêu lưu của Mũi đỏ và Răng nhỏ (2012), Trần Huyền Trang với Cậu ấm đi bụi (2012), Đào Thu Hồng với Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng (2013)… Cũng phải kể đến những tác giả như Trần Kim Lung, Nguyễn Đình Quảng, Hoàng Trọng Thắng… là những người khi viết văn đã ở vào cái tuổi làm ông, làm bà, mong muốn qua thể truyện đồng thoại truyền tải bài học giáo dục cho tuổi thơ.
Trong đội ngũ những người viết đồng thoại hôm nay, chúng ta cũng ghi nhận sự góp mặt của hai cây bút trẻ người Việt sinh sống ở nước ngoài. Đó là Vũ Phương Nghi (Canada), tác giả Voi cà chua (Nxb Phụ nữ, 2012); và Farnhammer Mai Clara, viết cùng mẹ là Nguyễn Phan Quế Mai truyện Chạy đi, Mun ơi (Nxb Văn nghệ, 2012).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hoạt động sáng tác của các nhà văn nói chung, các tác giả đồng thoại nói riêng ít nhiều đều có chịu ảnh hưởng từ những nền văn học lớn. Đúng vậy, trong nhiều năm qua, không ít đồng thoại thế giới nổi tiếng đã được giới thiệu ở Việt Nam. Có thể kể đến Gió qua rặng liễu của Kenneth Grahame (Anh), Những cuộc phiêu lưu của cô gà mái Emma của Claudine Aubrun (Pháp), Sắc màu đồng thoại của Vương Nghi Chấn (Trung Quốc), và mới đây là Chó dẫn đường phiêu lưu ký của thần đồng văn chương Nga Mikhail Samarsky… Những đồng thoại nổi tiếng của H. Andersen, G. Rodari… cũng được tái bản, khiến cho khối sách đồng thoại thế giới ngày một thêm bề thế.
Trong công tác phát hành, các nhà xuất bản đã sử dụng tối đa nghệ thuật quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Một ví dụ, năm 2009, cuốn Chuyện đồng thoại Nhật Bản của Midorikawa Shinichiro được xuất bản đúng vào dịp kỉ niệm 36 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Hay với Gió qua rặng liễu, nhà xuất bản Hội nhà văn không quên “đính kèm” bức thư của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt gửi tác giả cuốn sách, bày tỏ lòng yêu thích câu chuyện thú vị của nhà văn.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều tác phẩm đồng thoại thế giới như vậy đã góp phần thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của các em. Mặt khác, đó cũng sẽ là một tham khảo tốt đối với nhà văn Việt Nam. Tuy chưa có những khảo sát cụ thể song có thể nói rằng, nhà văn Việt Nam đã tiếp thu được không ít kinh nghiệm sáng tạo từ bên ngoài. Những đồng thoại sử dụng cốt truyện phiêu lưu, chuyện con mèo Gấu si tình con chuột trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh… là những biểu hiện sinh động về mối quan hệ ảnh hưởng giữa văn học Việt Nam và thế giới.
Như vậy, hoạt động sáng tác truyện đồng thoại của các nhà văn đầu thế kỉ XXI diễn ra dưới tác động từ nhiều nguồn khác nhau. Với ưu thế của một thể loại giàu tưởng tượng, có khả năng mô tả thế giới tự nhiên lẫn đời sống xã hội, truyện đồng thoại đã đáp ứng tốt tiêu chí của công cuộc đổi mới văn học thiếu nhi những năm đầu thế kỉ mới này. Nhờ đó, nó được coi trọng, có cơ hội để “lên ngôi”, trở thành một thể loại yêu thích nhất của công chúng, không riêng trẻ em mà còn cả với người lớn. Qua hơn 10 năm, kho tàng truyện đồng thoại của chúng ta đã giàu có hơn rất nhiều, cho thấy có sự đổi thay cả về số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật.
Sự phát triển của đồng thoại những năm đầu thế kỉ XXI bao hàm cả việc kế thừa lẫn đổi mới, cách tân. Theo nhìn nhận của chúng tôi, nét mới của đồng thoại hôm nay thể hiện ở việc chủ động mở rộng đối tượng độc giả, dung lượng tác phẩm, đồng thời gia tăng chất tưởng tượng, chất hài và phiêu lưu. Trước đây, đồng thoại chủ yếu dành cho lứa tuổi nhi đồng nên nhà văn thường viết những tác phẩm nhỏ, gọn, chăm chú vào việc truyền đạt một bài học giáo dục nào đó cho các em. Vì thế, đã có không ít đồng thoại trượt ra khỏi đường ray thể loại, dịch chuyển sang khu vực ngụ ngôn. Gần đây, nhiều truyện đồng thoại có dung lượng lớn liên tục được xuất bản như: Chuyện kể của Tun (Võ Văn Trực), Khu vườn hạnh phúc (Nguyễn Thái Hải), bộ ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh… Với quy mô như vậy, người viết thuận lợi hơn trong việc miêu tả, khắc hoạ tính cách nhân vật, đưa vào tác phẩm nhiều lớp nội dung khác nhau…
Kiểu truyện loài vật phiêu lưu cũng là một điểm mới, nổi bật của đồng thoại những năm đầu thế kỉ XXI này. Kiểu truyện này, như đã biết, dễ gây được hứng thú “nhập cuộc” đối với trẻ em, những người vốn hiếu động, thích được dấn thân vào các thử thách. Khác Tô Hoài, nhà văn hôm nay không mô tả nhân vật đi tìm lý tưởng, hô hào cổ vũ cho một xã hội lí tưởng cụ thể nào đó. Phiêu lưu trong cảm hứng chung là hành trình khám phá thế giới, khám phá ý nghĩa cuộc sống xuất phát từ những thôi thúc bên trong của lứa tuổi.
Trước đây, nhất là vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX, do yêu cầu chung, truyện đồng thoại của ta rất chú trọng tới việc đưa hiện thực đời sống vào trong tác phẩm. Những người viết đồng thoại như Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương… đều rất trăn trở trong nhiệm vụ này. Phương pháp đưa hiện thực trực tiếp vào tác phẩm ít nhiều đã lấn lướt, làm lu mờ đi giá trị ẩn dụ của các hình tượng đồng thoại, khiến cho không ít tác phẩm không còn thú vị như trước nữa. Truyện đồng thoại Tô Hoài sau 1945 là một ví dụ điển hình.
Có thể nhận thấy, các tác giả đồng thoại hôm nay đã tìm cách xử lí vấn đề một cách mềm mại, khéo léo hơn, do đó, vẫn đưa được nhiều mảng hiện thực sáng tối, hạnh phúc, bi kịch… vào tác phẩm. Đặc biệt, nhờ chú ý đến cuộc sống tuổi thơ nên đồng thoại thế kỉ XXI đã thực sự là thế giới nghệ thuật của các em, không phải là vỏ bọc cho những câu chuyện, những vấn đề của người lớn.
Truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại khởi đi với Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, năm 1941. Tính đến nay, lịch sử thể loại đã có gần ¾ thế kỉ phát triển, đã đi qua nhiều giai đoạn lịch khác nhau, thăng trầm vận động. Tuy vậy, đây vẫn là thể loại có vị trí và thành tựu quan trọng hơn cả trong văn học thiếu nhi Việt Nam. Với khả năng “lúc nào cũng thích hợp”(Tô Hoài), truyện đồng thoại đã chứng tỏ sức mạnh, khả năng hồi sinh vào những năm đầu thế kỉ XXI. Trong những năm tới, đồng thoại Việt sẽ còn gặt hái thêm nhiều hoa thơm trái ngọt mới…
Lê Nhật Ký
(Đại học Quy Nhơn)