Nhà văn – dịch giả Lê Bầu (tên thật là Lê Văn Bầu, bút danh khác là Phan Hà, Thanh Lịch) sinh năm 1930 tại tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp đại học Trung văn tại Trung Quốc, có thời gian đi dạy học ở cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Tác phẩm đầu tay của ông là tập truyện và ký Thông reo (được xuất bản vào năm 1962). Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm: Đi thực tập, Dòng sữa trắng, Hoàng hậu Vàng Anh, Đèn kéo quân, Sau mươi ngày đêm giữ chợ Đồng Xuân, Ngã ba cô đơn, Độc hành...
Lê Bầu cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc nổi tiếng, đặc biệt là các tác phẩm như: Tể tướng Lưu Gù, Quê cũ, Thành phố hoa, Hoài niệm sói, Trở về, Hoạn quan Trung Hoa, Nỗi hoài hương dằng dặc, Đội vi trùng 731, Hồn hoa đào, Truyện Mạc Ngôn, Truyện ngắn của ba nhà văn nổi tiếng, Phố Cửa Giấy... Tác phẩm văn học dịch Quỷ thành của ông cũng đã nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2004. Ngoài ra, nhà văn Lê Bầu còn nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm văn học Người ở buồng bên kia và tác phẩm văn học dịch Trở về.
Đặc biệt, nhân vật dịch 'Ô Sin' của ông đã được 'Việt hóa', trở thành tên gọi chung của những người giúp việc…
Nhà văn Lê Bầu đã từ trần hồi 15 giờ 15 phút ngày 7-2 tại Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo.
Lễ truy điệu và lễ viếng nhà văn Lê Bầu bắt đầu từ 7 giờ hôm nay, 10-2, tại nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Sau lễ truy điệu, linh cữu của nhà văn sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang Tân An – TP. Bắc Giang.
Sinh thời, nhà văn – dịch giả Lê Bầu từng tâm sự với bạn văn rằng: “Điều quan trọng nhất đối với nhà văn là lòng yêu nghề, yêu từ ruột yêu ra, nếu không sẽ không duy trì được nghề nghiệp, dù dùng nghề nghiệp của mình vào việc làm báo kiếm sống. Lòng yêu nghề có thể chưa là yếu tố để có văn hay, nhưng trước nhất, cần nhất vẫn là lòng yêu nghề”.
Vĩnh biệt một nhà văn, dịch giả tài hoa và giàu tâm huyết với cuộc đời, Lucbat.com xin gửi tới gia đình ông lời chia buồn sâu sắc nhất.
Lucbat.com (tổng hợp)