Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, thành "người của công chúng", Chu Lai từng là diễn viên Đoàn kịch nói Quân đội, sinh viên Trường Y và lính Đặc công. Thấy anh có tài diễn xuất, hỏi tại sao không theo nghề diễn viên, anh nói:
Tại cái dáng "bặm trợn" của tớ, không đạo diễn nào cho đóng vai chính diện, vở diễn nào cũng bắt thủ vai lính ngụy. Chán bỏ mẹ!
Chu Lai tự nhận mình có dáng "bặm trợn", kể ra cũng không sai. Người không to con nhưng cơ bắp cuồn cuộn, tóc quăn xù lên làm cho cái đầu quá cỡ, đôi mắt to, khi nào cũng nhìn thẳng như có sức thôi miên mục tiêu. Dáng anh không lẫn giữa đám đông và ai đã gặp anh một lần thì dễ dàng nhận ra khi gặp lại. Anh bảo rằng chính đặc điểm này đã từng làm hại, không cho anh làm việc mình ưa thích. Đó là ngày vừa giải phóng miền Nam, nghe tin có cơ quan tổ chức tuyển điệp viên, anh tìm đến tận nơi nộp hồ sơ và đợi ngày phỏng vấn. Anh tin rằng mình đã từng nhiều năm làm lính đặc công, vào sống ra chết vùng ven đô Sài Gòn, lý lịch đó sẽ hấp dẫn những người tổ chức xét tuyển, không ngờ vừa thấy mặt anh, đồng chí phụ trách công việc xét tuyển không hề phỏng vấn một câu nào, mà đem hồ sơ trả lại, khuyên anh nên làm nghề khác, với lý do ở ngoại hình của anh. Với điệp viên, người ta cần những khuôn mặt trung tính, gặp rồi gặp lại khó nhận ra, khi muốn phác thảo chân dung thì chỉ vẽ ra một con người...tổng quát. Chu Lai thì ngược lại những cái họ cần, nên bị loại ngay từ "ngoài cổng"!
- Nghề y hay thế, sao anh không theo học tận cùng?
- Tớ vào trường Y là để thoát khỏi cảnh phải liên tục đóng vai lính nguỵ trên sân khấu, chứ cái tính của tớ làm sao đủ kiên nhẫn, tỷ mẩn để mổ xẻ, khâu vá như tính của người thầy thuốc? Hơn nữa lúc đó cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra, ghế trường Y nên nhường lại cho đám con gái chân yếu tay mềm, cánh con trai sức dài vai rộng thì nên ra mặt trận!
Mười năm làm lính đặc công ở vùng ven đô Sài Gòn, từ binh nhì anh đã trở thành đại đội trưởng. Chu Lai thường đọc câu thơ " Nhất tướng công thành vạn cốt khô" khi kể về sự hy sinh của đồng đội. Cái khoảng thời gian để anh thành người đại đội trưởng, đơn vị đặc công của anh hy sinh không biết bao nhiêu đại đội. Khi gặp gỡ ngót ngàn sinh viên đại học ngồi kín hội trường lớn, để mô tả sự lhốc liệt của chiến tranh, anh nói:
- Lái Thiêu chỉ cách Sài Gòn mười lăm cây số, thế mà đơn vị tôi phải hành quân mười năm trời mới đến nơi, và trên đường hành quân đã để lại số liệt sĩ nhiều đến mức nếu sống lại sẽ ngồi chật hội trường này!
Chu Lai là người hoạt ngôn, kể chuyện chiến tranh hết sức hấp dẫn. Chuyện của anh được lấy từ thực tế chiến đấu đã tiểu thuyết hoá nên đạt độ điển hình rất cao, nghe rồi không ai quên nổi. Câu văn mà anh tâm đắc nhất, được "tái bản" nhiều lần trong các buổi nói chuyện, làm nhiều người nghe thuộc lòng là:" Bắp chân con gái trắng ngần sáng lên dưới vầng sáng hoả châu". Có thể nói câu đó là hồn vía các tác phẩm Chu Lai viết về chiến tranh: trận mạc và tình yêu. Trong các chuyện kể của anh về cuộc chiến thường có bóng dáng một người phụ nữ nào đó, lúc là đôi mắt cô người yêu nhìn anh đắm đuối vào một đêm ở cổng trường Y trước ngày anh lên đường vào Nam chiến đấu, khi là một chị huyện uỷ viên cùng anh trong một căn hầm bí mật chật chội. Anh còn giải thích rằng, chính vì hơi nóng của người đàn bà chung hầm bí mật đó mà tóc anh quăn tít như ngày nay! Hội trường cười vang. Chu Lai không cười, rút khăn tay lau kính rồi chuyển sang chuyện khác.
Người ta bảo rằng, khi yêu thì ai cũng có thể làm thơ được. Chu Lai bảo khi sắp yêu làm thơ dễ hơn. Đó là năm 1978, lớp viết văn quân đội đi xe ô tô từ Hà Nội vào Đà Lạt mở trại viết. Trong xe có một cô gái là biên tập viên của nhà xuất bản Quân đội cùng đi để nghiệm thu các phẩm của trại. Không biết do ngẫu nhiên hay cố ý mà Chu Lai ngồi cạnh cô gái độc nhất đó suốt cả cuộc hành trình mấy ngày liền. Xe qua đèo Hải Vân vào buổi sáng biển xanh nắng đẹp, Chu Lai hết nhìn biển lại nhìn vào đôi mắt cô gái bên cạnh và bỗng dưng làm được già nửa câu lục bát! Vâng, đúng già nửa câu, vì chỉ một câu "bát" mà thôi: " Biển xanh đong nắng đổ vào mắt em"! Cô gái ấy ngồi thu người lại, khép mắt vào không biết để giữ lấy cái nắng vừa đổ vào hay tránh cái nhìn thôi miên của một cây bút trẻ "bặm trợn" nổi tiếng...dám yêu! Vào Đà Lạt, Chu Lai viết tiểu thuyết " Nắng đồng bằng". Anh tâm sự: " Trong cái cảnh sương mù Đà Lạt ấy, không có tình yêu thì thà cắn lưỡi mà chết đi còn hơn", nên viết được chương tiểu thuyết nào là đợi đêm khuya, tác giả lại lặng lẽ mang bản thảo vượt khu vườn đầy sương, leo qua cửa sổ vào biệt thự nhờ cô biên tập viên thẩm định hộ. Không biết quá trình thẩm định diễn ra như thế nào mà khi kết thúc trại viết, tiểu thuyết "Nắng đồng bằng" cũng hoàn thành, và anh chị chuẩn bị đăng ký kết hôn! Cô biên tập viên đó không phải ai xa lạ, sau này là Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng, trong nhiều năm là Trưởng ban Phụ nữ Quân đội.
Chu Lai cho rằng mình là người của trận mạc, có mặc lễ phục thì người ta vẫn có cảm giác như mình vừa từ chiến hào bước lên. Vậy nên com lê, cà vạt làm chi, cứ bộ quân phục (thường là xuân hè) sẫm màu, vai đeo túi mìn Clay-mo đựng bản thảo, đến cơ quan cũng như khi họp báo. Sự thực, "máu trận mạc" của nhà văn này không chỉ ở cách ăn mặc, và đã thấm vào người. Năm 1979, khi anh đang học trường Viết văn Nguyễn Du thì chiến tranh biên giới phía bắc xẩy ra. Chu Lai xin phép nhà trường đi thực tế, và cách đi thực tế của anh cũng khác xa những học viên khác. Anh gia nhập vào một đơn vị đặc công đến chiến trường, chân tay mặt mũi bôi đầy đất bùn, lọ nghẹ...với lựu đạn, AK báng gập... ban đêm bò vào tận nơi đóng quân dã chiến của đối phương trên đất Cao Bằng. "Thế là anh trực tiếp chiến đấu chứ đâu đi thực tế sáng tác?". Nghe tôi hỏi, Chu Lai nói: " Lúc đầu tớ cũng nghĩ chuyện đi thực tế để lấy tài liệu sáng tác, nhưng khi đến Cao Bằng chứng kiến cảnh làng bản, phố phường bị tàn phá, tức thì "máu lính" nổi lên, bàn tay muốn cầm súng và lựu đạn hơn là cầm bút". Sau chuyến đi đó, ngoài những trang viết đầy chất trận mạc, Chu Lai còn được đơn vị đặc công đó đề nghị Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công vì thành tích tham gia chiến đấu!
Năm 1991, Chu Lai cùng tôi ra Móng Cái để viết về một đơn vị bộ đội rà phá bom, mìn. Thị xã hoang tàn, cỏ gianh mọc tràn trên cả mặt đường nhựa. Lính ta phải chia đất thành từng mét vuông rồi dùng thuốn và máy dò để tìm mìn. Khi máy dò kêu o o hay mũi thuốn "kịch" một tiếng là dừng tay lại để đào bới, moi móc, mọi động tác cần nhẹ nhàng, thận trong cho đến khi quả mìn đen trũi được đưa lên mặt đất. Với nhiệm vụ đi thực tế để viết bài, nhưng nếu ai gặp Chu Lai ở đây thì không thể biết anh là một nhà văn, nhà báo...hay là một người lính gỡ mìn thực thụ, nếu có khác so với những người lính gỡ mìn của đơn vị là bộ quân phục sẫm màu hơn và hình như râu, tóc không đúng điều lệnh quân đội lắm! Sau này tôi mới biết đó là một cách "đi thực tế" của Chu Lai. Anh rất ghét cái kiểu ghi ghi, chép chép...trong khi người được hỏi thì đầm đìa mồ hôi, quần áo bê bết bùn đất, còn người phỏng vấn thì áo quần thẳng nếp, mặt "bia" béo tốt. Ngay chuyến đi đó, đêm thắp ngọn đèn dầu leo lét trong căn phòng duy nhất còn lại của ngôi nhà đổ nát trên thị xã Móng Cái, Chu Lai viết bài bút ký "Dưới cỏ là mìn" thật sinh động, viết theo cách nhìn của người trong cuộc.
Trong số nhà văn Việt Nam, Chu Lai là một trong ít người có thể sống được từ nghề viết. Có người khen anh tài "thâm canh", riêng tôi lại nghĩ rằng, anh là người đa khả năng. Với các nhà văn khác, khi tiểu thuyết của mình ra mắt bạn đọc thì coi như hoàn thành công việc, Chu Lai thì chưa: anh còn phải chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và sân khấu. Và lắm khi từ một tác phẩm gốc, anh nhận được giải thưởng từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau mang lại. Với anh, viết văn là nghiệp nhưng cũng là một nghề. Đã là một nghề thì có nhận đơn đặt hàng của ai đó cũng không có gì là lạ. Ngoài những tập tiểu thuyết khá hoành tráng anh viết theo "nghiệp văn" đưa anh tới GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, say mê đón nhận, anh còn là tác giả của những tập truyện dài viết về một số vị giám đốc nào đó mà anh không bao giờ liệt kê vào danh sách tác phẩm của mình.
Nhìn vể bề ngoài, nhiều người nghĩ rằng con người này dư thừa máu "bất phục tùng", "bất chấp hành". Điều đó hoàn toàn sai. Chu Lai thích tự do phóng túng nhưng bao giờ cũng có ý thức trách nhiệm. Việc gì được cơ quan giao cho, bao giờ cũng hoàn thành tốt và vượt thời gian quy định. Khi biên tập cũng như khi làm phóng viên, không một Tổng biên tập nào có thể trách anh một lời về chuyện bài vở. Được đi công tác cùng Chu Lai, ai cũng thích, không chỉ vì anh vui chuyện rút ngắn độ đường, mà nhỡ ra nếu ô tô chết máy giữa vùng rừng núi, anh em vẫn thấy yên tâm vì Chu Lai đã có cách từ việc tổ chức những bữa ăn dã chiến đến chuyện liên hệ một nơi nào đó cho anh em nghỉ tạm, có khi là một trường cấp hai có sự đón tiếp của các cô giáo mến mộ văn chương. Có Chu Lai trong đoàn nhà văn quân đội đến thăm, lính biên phòng rất khoái, lúc đầu hơi ngạc nhiên, tưởng rằng có một "bưởng" ở vùng đào vàng đi nhờ xe của Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhưng sau biết là nhà văn mình từng yêu mến thì tranh nhau đọc trầm từng trang tiểu thuyết của anh, từ "Nắng đồng bằng" đến "Ăn mày dĩ vãng"...Nhưng Chu Lai xắn tay áo để phô bắp tay cuồn cuộn, nói:
- Có em nào trong đồn này dám vật tay với ta không? Ta đi suốt "bốn vùng chiến thuật" mà không thấy một ai đương đầu nổi!
Rồi những cuộc vật tay xẩy ra giữa chủ và khách khi chưa kịp làm quen nhau. Không biết "bốn vùng chiến thuật" là những đâu và kết quả ra sao, chứ ở vùng Lục Khu, Cao Bằng thì nhà văn "bặm trợn" này chỉ toàn chiếm...giải nhì!
Chu Lai sống trong thời bình nhưng tâm hồn vẫn mang nặng cuộc chiến, trăn trở, nghĩ suy trước những hy sinh mất mát. Khi trở lại chiến trường xưa, trong tâm trí anh lại hiện lên hình ảnh những cô gái địa phương một thời đã phối hợp với đơn vị đặc công chui rào thép gai trinh sát đồn bốt giặc. Anh từng tiếc cho màu da nõn nà con gái phải bôi bùn đất, lọ nghẹ để hoá trang. Và trong đêm tối từng người một lặng lẽ bò về phía mục tiêu, anh bảo rằng, với những thân thể mang màu bóng đêm bò phía trước, anh vẫn dễ dàng nhận ra đâu là con gái bởi đường cong đặc trưng của giới tính hiện lên đứt nối trong quầng sáng hoả châu. Năm 2005, Chu Lai cùng đoàn nhà văn quân đôi tham dự trại viết ở tỉnh Bình Dương. Ngày nghỉ nhiều anh em rủ nhau đi tham quan các thắng cảnh, riêng Chu Lai nhờ một người quen dẫn đến nhà các cô gái một thời đã từng tham gia chiến đấu với anh. Tối về, Chu Lai buồn lặng, khác hẳn tính sôi nổi vốn có. Anh nói: " Mình không buồn vì các cô gái xinh đẹp xưa kia đã trở thành các bà má, bởi sự tàn phá của thời gian trên ba mươi năm chẳng trừ một ai, mà buồn vì nhiều chị đã hy sinh cả tuổi xuân cho cuộc chiến, khi đất nước hoà bình lại không thể xây cho mình một tổ ấm, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần"! Lại nhớ lần vào Quảng Nam thăm bà mẹ Thứ, người mẹ có mười một liệt sĩ là chồng, con, rể, cháu, khi trở ra Hà Nội,Chu Lai buồn lặng suốt cả tuần với điều tự vấn: trên trái đất này có bà mẹ của dân tộc nào gánh chịu sự mất mát hy sinh như bà mẹ Việt nam này? Và rồi đêm đêm anh chong đèn tận sáng...
Đã qua cái tuổi sáu mươi lăm, nhưng nét già chưa hề chạm tới Chu Lai. Và vầng sáng hoả châu cùng bắp chân trần con gái còn lâu mới bước ra ngoài tác phẩm của anh!
Vương Trọng