Thứ sáu, 29/03/2024,


Ra mắt tập sách ảnh 'Phút giây đáng nhớ' của Nguyễn Minh Vỹ (28/08/2015) 

    Sáng 27/8 tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp giới thiệu sách “Phút giây đáng nhớ” với sự hiện diện của nhiều vị khách quý: Nhạc sĩ, Nhà thơ Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Hội đồng Nhà nước; Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Lực lượng - Bộ Công an và nhiều cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị năm xưa: Nhà báo Phạm Hoạt, nguyên Trưởng phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Quảng Trị; bà Thúy Hằng, nguyên y tá Văn phòng Thị ủy Quảng Trị trong chiến tranh, người đã chăm sóc vết thương cho cựu chiến binh Nguyễn Minh Vỹ; Anh hùng LLVTND Trần Hữu Thủy…

 

Tập sách “Phút giây đáng nhớ” - Ảnh: Nguyễn Hoài.

      “Phút giây đáng nhớ” dày 168 trang, khổ 21 x 25 cm, giới thiệu hàng trăm bức ảnh chiến trường vô giá của một tay máy không chuyên. Có thể coi đây là một trong những phát hiện lớn của Nhiếp ảnh Việt Nam trong năm 2015.

     Nguyễn Minh Vỹ sinh năm 1945, tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Điện tử Tự động hóa tại Liên Xô (cũ) và là một trong ba thành viên sáng lập (cùng với Tiến sĩ Hoàng Văn Nghiên và Tiến sĩ Ninh Văn Miển) của Điện tử Hà Nội HANEL lừng danh một thời.

    Đúng ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, 22 tháng 12 năm 1966, Nguyễn Minh Vỹ đoàn cán bộ chi viện miền Nam của Ban Thống nhất Trung ương chính thức lên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Hồi đó, chiến trường bị chia cắt ra nhiều vùng, nên vô tuyến điện vẫn là phương tiện thông tin chủ yếu. Nguyễn Minh Vỹ được phân công trực tiếp làm nhiệm vụ tại Đài Vô tuyến điện Quảng Trị.

    Là một tay máy không chuyên, nhưng bằng sự đam mê nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Vỹ đã từng chụp hàng ngàn bức ảnh tại chiến trường Quảng Trị. Hàng trăm chiếc trong số đó đã được Thông tấn xã Việt Nam sử dụng và công bố thời kỳ cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

 

    Tác giả Nguyễn Minh Vỹ đã từng chụp hàng ngàn bức ảnh tại chiến trường Quảng Trị.

 

    Trong những năm tháng gian khổ, ác liệt ấy, Điện báo viên Nguyễn Minh Vỹ ngoài phương tiện thông tin liên lạc, cây súng bộ binh, ông còn luôn mang theo bên mình hai chiếc máy ảnh do Liên Xô (cũ) và Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất để ghi lại những “phút giây đáng nhớ”. Biết Nguyễn Minh Vỹ say mê chụp ảnh, có đồng đội còn tặng ông thêm chiếc máy ảnh của Mỹ, chiến lợi phẩm thu được sau một trận đánh.

    Năm 1971, sau khi Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Trị được thành lập, Nguyễn Minh Vỹ là một trong những thành viên đầu tiên và nhiệt tình tác nghiệp nhất.

   Hàng ngàn bức ảnh chiến trường Quảng Trị đã được Nguyễn Minh Vỹ ghi lại. Nhưng một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất mà ông Vỹ hay nhắc tới là lần đi chụp ảnh Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm Quảng Trị năm 1973.

 

 

    Để chuẩn bị tư liệu cho việc xuất bản cuốn sách này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ dành thời gian làm việc với bộ phận lưu trữ ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, tìm lại những bức ảnh ông đã chụp năm xưa. Sau đó, ông còn phải cất công đến nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước, tìm gặp các đồng đội cũ của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 để xác định bản quyền ảnh hợp pháp của mình.

    Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, người tổ chức bản thảo và biên soạn sách cho biết: Lần xuất bản này, dù được chuẩn bị khá công phu, nhưng chỉ được coi như “phiên bản thử nghiệm”. Ông sẽ mời cựu chiến binh trong Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và bạn đọc cả nước cùng sưu tầm và “góp cổ phần” ảnh tư liệu chiến trường Quảng Trị với Tiến sĩ Nguyễn Minh Vỹ. Hy vọng, cuốn sách sẽ có thêm hàng trăm trang nữa. Dự kiến, phiên bản chính thức của “Phút giây đáng nhớ” sẽ mắt bạn đọc tháng 12 năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị.


                                                
HÌNH ẢNH TRONG BUỔI RA MẮT SÁCH


 




















Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: