Thứ sáu, 19/04/2024,


Tình trong “ Ơi Sakura” của Tuyết Mai (24/08/2015) 

     Ai đó đã từng nói: Thơ là tiếng lòng. Vâng! Nhưng thơ đồng thời cũng là mối giao cảm, sự chuyển dịch tinh tế của người thơ tới bạn đọc. Và thơ cần phải đọc chậm để cảm cái cảm từ tác giả tới mọi người như sợi chỉ vô hình xuyên thấu qua thời gian, không gian... Từ đó ta sẽ cảm nhận được ý vị, sự ngọt ngào mà thơ đem lại. Và thường thường những người biết rung động trước những câu thơ hay thì tôi vẫn tin rằng những người đó bao giờ cũng là những người RẤT CHÂN - RẤT THIỆN.


    Đặc biệt lại là những người biết viết thơ thì sự thăng hoa CHÂN - THIỆN ấy sẽ vươn tới MỸ ngày một hoàn thiện hơn. Âu đó cũng là sự sáng tạo! Và chị Tuyết Mai - một tâm hồn thơ, đan áo tình hai quê hương Nhật Bản - Việt Nam với trái tim người phụ nữ luôn rung động, luôn khát khao để rồi bật ra “ Ơi Sakura”.

 

    Đọc tập thơ “Ơi Sakura” của Tuyết Mai ta thấy hai quê hương được thổi vào thơ ngồn ngộn - một quê hương Nhật Bản(quê chồng chị) là những vần thơ đắm mình với xứ sở hoa anh đào thực tại bao la, tươi sáng và một là quê hương Việt Nam với nơi chôn nhau, cắt rốn, những vần thơ da diết nhớ thương, có cánh cò nghiêng nắng, có đồng lúa, kỷ niệm tuổi thơ, bè bạn ...Quê hương Việt Nam rạt rào nỗi nhớ với những vần thơ về cha, về mẹ gắn với tuổi thơ bên dòng sông: “Ký ức về quê hương là dòng sông và mẹ”( Ký ức nào)

 

   Một dòng sông, một người mẹ đã đưa tuổi thơ của chị Tuyết Mai đi qua năm tháng, nhớ thương. Trong lòng ai cũng vậy đều có người mẹ tảo tần sớm hôm nuôi ta khôn lớn. Để rồi một mai ta bay đi, nhất lại sống nơi đất khách quê người như tác giả thì ký ức ấy, tuổi thơ ấy... làm sao mà xoá nhoà được?!

Từ miền đất lạ xa xôi
Bao đêm thức giấc bồi hồi nhớ quê
Nhớ bao con sóng vỗ về 

Khi qua đò nhỏ mải mê ngắm nhìn”


   Con đò nhỏ ấy(con đò tình yêu) đã đưa người thơ sang một miền đất xa xôi, dù đẹp, dù lộng lẫy... thì người thơ vẫn nhớ mẹ, nhớ thầy, nhớ sông:

“Cách xa Mẹ những nghẹn ngào
Chữ Thầy khắc khoải lẫn vào trong mơ
Sông Hồng thao thiết vần thơ
Dòng trong, dòng đục đón chờ Sông Thao”
( Xa quê em nhớ sông Hồng)


     Nghẹn ngào lắm, khắc khoải lắm với những nỗi nhớ diết da. Đúng, dù trong, dù đục thì quê hương vẫn là chốn đi về (dù là trong tâm tưởng). Chính bởi như vậy mà ta càng nhớ:


“Xa quê nhớ cái sân kho
Nhớ bao kỷ niệm tuổi thơ tới trường
Xa quê xa cả tình thương”
Để rồi:
“Mẹ ơi xa cách núi sông
Quê người con vẫn hằng mong tin nhà.”


    Và cái buồn cái nhớ ấy tác giả “ gói lại” đi “đổ” liệu có “bớt buồn” được không?


“Xa quê con thổn thức lòng
Gói buồn đi đổ bể sông ...bớt buồn.”
(Nỗi buồn xa quê)


    Đó thật sự là nỗi buồn của người xa quê dù muốn “đổ” đi cho nó đỡ buồn, nhưng càng “ đổ” thì lại càng buồn, càng nhớ hơn về quê hương, cha, mẹ. Vậy nên:


“Cong mình, sông Chảy nặng tình
Cây cầu treo, vắt vẻo mình ngẩn ngơ...”
( Thăm lại trường quân y)



   Tác giả không chỉ tả thực, đó cũng là nỗi lòng của người con xa quê vậy, đang “ ngẩn ngơ”, đang “ vắt vẻo mình” treo lơ lửng nhớ về quê hương bằng cả tấm lòng thổn thức nhất, thiết tha nhất, lúc nào cũng “cong mình”, “ nặng tình” không bao giờ phai nhạt. Nhưng dù có nhớ quê thì chị vẫn tin rằng quê luôn trong chị, chị vẫn luôn trong quê. Và quê hương nơi chôn nhau, cắt rốn cũng tồn tại bên xứ sở hoa anh đào(quê chồng chị) với bao la tươi sáng. Đây là Sakura (hoa anh đào) một biểu tượng của Nhật Bản:

 

“Lạ kỳ cây sakura
thân gầy thô ráp, sần sùi
khẳng khiu, cành khô trụi lá.”


    Để rồi hiên ngang bật ra “Khoe nụ hồng chúm chím”. Một loài hoa không “ chói loá” đã trở thành Quốc hoa của xứ sở Mặt trời mọc. Chẳng thế mà tác giả đã mê mẩn với loài hoa ấy để “ mơ màng”:


“Trái tháng ba em mọng chín vườn anh
Cơn gió thoảng đung đưa tình ngọt lịm
Như Sakura ngự trên cành viên mãn
Nhẹ nhàng bay cánh hồng trắng... mơ màng...”
(Anh Sakura và em)


     Đó là sự “ viên mãn” tình yêu nơi đất Nhật và cũng là quê hương thứ hai của chị. Để rồi:


“Tại nơi này vô vàn ta yêu chuộng
Nâng chén nào, cùng ngắm nhé trăng lên.”
(Anh Sakura và em)




   
   Tập thơ, với những nỗi nhớ để lại hai khoảng trời: Một - Là quê hương hoài niệm nhớ thương da diết; Một - Là quê hương với bao tươi sáng. Hai quê ấy cứ bù trì cho nhau khiến người thơ cũng thơ hơn mà phơi phới dậy niềm tin vào tình yêu thương tràn ngập. Chính bởi vì lẽ đó, ta thấy hiện lên qua những lớp sóng cảm xúc, ào ạt một tâm hồn thơ dâng trào đầy nữ tính của một người đàn bà đan áo tình đi qua năm tháng.

    Cảm xúc của người phụ nữ, rất phụ nữ khi chị viết :


“Tháng Năm cởi bỏ áo bông
Em đan ấm áp vào trong đêm hè
Thiên thần không mảnh vải che
"Tòa thiên nhiên" đẹp nở xòe đóa sen
Tháng Năm tinh khiết loa kèn
Môi hường chúm chím, nhấp men say tình”
( Tháng năm em - anh)


    Đúng vậy mỗi khi tháng 5 về thì tiết trời bao giờ cũng ấm ấp hơn và người phụ nữ “đan ấm áp vào trong đêm hè” và “ Toà thiên nhiên” đẹp ấy đã “ nở xoè đoá sen”. Đoá sen ở đây không chỉ là “đoá sen” mà nó là đoá sen của tình yêu, đoá sen của hình thể người phụ nữ muốn dâng hiến tình yêu bao la khiết trong như hoa loa kèn, có “ môi hường” đến say men tình. Và cũng bởi vì thế:

 

    “Tháng Năm ấp ủ vần thơ
Em gieo nỗi nhớ gửi nhờ vườn anh.”


   Đây gọi là cái nuôi cảm xúc, nuôi tình yêu để ấp ủ vần thơ của người đàn bà, người phụ nữ yêu người yêu của mình và đặt niềm tin nơi anh để ấp ủ những vần thơ tháng năm. Và chúng ta cũng hiểu rằng tình yêu ấy sẽ vượt qua tháng, qua năm để đến bến bờ hạnh phúc viên mãn.

 

   Đọc thơ Tuyết Mai tôi cứ bâng khuâng mãi về “ Điệp khúc xuân” của chị. Tôi cũng thầm nghĩ rằng, có lẽ chị một phần nào đó đang luyến tiếc tuổi xuân trôi đi, mặc dù xuân đang đến thấy tâm hồn mình lên phơi phới: “ rực rỡ nét hoa” và “Ngực Xuân e ấp nõn nà phây phây.” Thì chị vẫn: “Mắt Xuân ngơ ngác tan rơi lệ nhòa.” Cũng bởi vì thế chăng, mà chị:

 

    “Áo Xuân ấm áp làm sao,
Chào Xuân em hái lộc nào... cầu may!”
(Điệp khúc xuân)
Nhưng khi có anh thì bất chấp tất cả:
“Dìu dặt tơ trời níu cả giấc trưa
Run rẩy yêu, mặc mưa chiều nước dội”
Để rồi:
“Em có anh cuộc sống như thần tiên
Cây cỏ lung linh mỗi sáng tiêu phiền
Nắng nhảy múa bên thềm reo hạnh phúc
Quấn quýt đôi dòng nước đục hóa trong”
( Em có anh)


      Đúng là tình yêu đang phiêu với “ run rẩy”, “ mưa chiều” và đến lúc nó ngọt ngào lung linh “ nhảy múa bên thềm hạnh phúc.”
Vâng! Chị cứ “ nhảy múa bên thềm hạnh phúc” đi vì chị là phụ nữ đan áo tình với hai quê hương, đan áo tình với chính tình yêu nơi con tim rạt rào cảm xúc của chị.

 

   Thơ của chị Tuyết Mai không ồn ã, mà nó nền nã, “ nâu sồng” ẩn bên trong là một phụ nữ mang dáng dấp chân quê đầy chân thật. Có thể bạn sẽ gặp đâu đó trong tập thơ những câu thơ, những từ ngữ chưa được chuẩn, chưa được thơ cho lắm thì bạn cũng nên ngồi lại và đọc thêm lần nữa để thấy cái tình rất đậm đà rung cảm qua trái tim của chị gửi gắm vào thơ:


Bãi sông phơ phất cành dâu
Mo cau lá cọ đan gầu múc trăng
( Trong nhau)


   Người thơ Tuyết Mai cũng đang “ đan gàu” để múc " trăng thơ” thêm lung linh ánh vàng với những mùa màng đang tiếp tục được sinh sôi.


Thanh Lãng, tháng 6-2014
Lưu Thế Quyền
Hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc.


 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: