TIẾNG VỌNG MIỀN QUÊN LÃNG
LÀ TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Tập thơ tiếng vọng miền quên lãng của nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng, với 71 bài thơ, được kết cấu thành 3 phần riêng biệt: Miền quên lãng; Ô cửa nắng gió; Tiếng vọng nẻo thời gian.
Trong tập thơ có 7 bài viết theo thể thơ lục bát, còn lại đa số là thơ tự do, lối viết đương đại. Chứng tỏ nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng có nhiều khả năng nổi trội về thể thơ này, nghiêng về duy lý hơn duy cảm. Thể hiện nội tâm sâu nặng của nhà thơ trước thế thái nhân tình, đó là cuộc đời sóng gió, ba chìm bảy nổi, giành giật cho một miếng cơm manh áo.
Từ một sinh viên tài năng, đoạt giải nhì toán quốc tế, rồi trở thành nhà khoa học thành đạt, hy vọng sẽ có cuộc sống giàu sang phú quý. Bỗng nhiên, buồn thay cho số phận hẩm hiu ập đến, thi sĩ đã gặp cảnh đời bất trắc, gia sản thành con số 0 phải làm lại từ đầu. Từ nhà khoa học chân chính lại trở về với cuộc sống của người dân lao động, trở về với trang trại xanh, thấm đẫm nỗi gian truân vất vả, một nắng hai sương, lấy thơ là người bạn tri kỷ trong góc khuất tâm hồn mình để giải sầu, để vượt lên, hy vọng một ngày mai. Tôi biết anh vẫn lạc quan yêu đời, vẫn sáng tác thơ ca đều đặn. Mới ngày nào nhận giải 3 (không có giải nhất) của cuộc thi thơ “ Nhịp sống mới trong thơ” do báo Người Hà Nội tổ chúc, nay anh đã có thêm một tập thơ nữa.
“Tiếng vọng miền quên lãng” là tiếng nói chân thật nhất từ trái tim của người thi sĩ, như nói về cuộc đời anh, nói về cuộc đời của những số phận long đong trên bước đường đời vô cùng gian nan và khấp khểnh, gập ghềnh. Tài năng của họ chưa gặp thời, “Tài không được gặp gỡ, tình không được hả hê, đó là nguyên do của đoạn trường tân thanh” và dường như bị người đời bỏ rơi, quên vào dĩ vãng. Số phận của những con người rủi ro ấy, chỉ biết miệt mài lao động ngày đêm để vượt lên chính mình.
Tập thơ “Tiếng vọng miền quên lãng” đã đánh thức cả một vùng âm u bừng sáng bởi chân lý cuộc đời, bởi tình yêu con người vô bờ bến. Tiếng vọng còn vọng mãi trong tôi, vọng mãi không phải chỉ cho một vùng miền Hưng Yên thơ mộng, trù phú đáng yêu mà còn có sức lan tỏa rộng tới mọi vùng xa xôi của đất nước.
Tuy nhiên, vì thời gian có hạn, tôi xin được cảm nhận với 2 bài thơ mà tôi thích nhất trong Tập thơ, đó là bài thơ “Ngày U Minh cháy”, nhà thơ đã hết sức cảm thông và quằn quại với số phận những người sống chết với rừng, nỗi đau cháy rừng như thấm vào máu thịt mà người đời vẫn còn dửng dưng lãng quên, chỉ còn ánh mắt đứa trẻ chưa biết nói cứ da diết, khắc khoải trong tâm chí nhà thơ.
…Lửa đã tắt chỉ còn khói và bụi
không một ngọn gió
không một tiếng chim
đất trơ gốc cây đen dấu chấm than
“tự nhiên cần hai trăm năm
để khôi phục hệ sinh thái rừng nguyên sinh ngập mặn”
… Mọi chuyện lãng quên
chỉ còn trong tôi
ánh mắt đứa bé U Minh
chưa biết nói.
“Tiếng vọng miền quên lãng”
Câu thơ rất kiệm lời mà sức truyền cảm lớn lao đến thế, cứ gợi cảm, cứ day dứt mãi đến tận tâm khảm người đọc.
Còn Bài thơ “Im lặng” cũng là 1 bài thơ hay mà tôi cảm nhận. Người đời thường nói im lặng là vàng…
“ Im lặng
Cho dòng sông chảy mãi
Bờ bãi chìm theo điệu nước trôi
Rừng ngủ gục đầu về ký ức
Mấy vì sao liệng xuống góc trời…
“Tiếng vọng miền quyên lãng”
Tuy nhiên, trong cuộc sống muôn vẻ, muôn màu ấy, không thể im lặng mãi, vô cảm trước nỗi đau của con người, của cánh rừng thương tâm bị thiêu cháy.
Riêng vạt rừng, góc đêm hoang ấy
Bao giờ
Im lặng
Người ơi!
“Tiếng vọng miền quên lãng”
Đau lòng lắm, xót xa lắm thi sĩ ơi! Câu thơ ngắn gọn súc tích, hàm ý sâu sắc, giàu hình tượng cứ găm mãi trong lòng tôi.
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thanh Tùng và chúc mừng anh với tập thơ “Tiếng vọng miền quên lãng” đầy nhân văn sâu sắc.
Hà Nội, 31/7/2015
Nhà thơ Đặng Cương Lăng
Nhà thơ Đặng Cương Lăng phát biểu trong buổi ra mắt thơ "Tiếng vọng miền quên lãng"
BTV Chử Thu Hằng và tác giả Nguyễn Thanh Tùng