Trong khi một số nhà văn khác, sau chiến tranh, phần nào thể hiện sự lúng túng trước đòi hỏi nhập cuộc với hiện thực mới, thì Nguyễn Minh Châu đã lặng lẽ, bằng trang viết của mình, chứng minh rằng nhà văn muốn tồn tại trước hết phải bám vào hiện thực bằng những khắc khoải minh triết về con người. Người ta gọi Nguyễn Minh Châu là người mở đường tài năng và tinh anh cho văn học sau 1975 phải chăng bởi ông thuộc số ít người đầu tiên dám và biết nhìn sâu, nhìn thẳng và khám phá những vấn đề thuộc chiều sâu của suy tư, từ đó nói được những vấn đề cốt thiết, khiêm nhường nhưng phổ quát về con người, mở ra một cách tiếp cận mới vào bản chất của hiện thực. Quan niệm về “hiện thực”, Nguyễn Minh Châu viết: “Sự chân thực trong văn học là ở chỗ cái làm ra chứ không phải ở chỗ cái dùng đến, ở chỗ cái toàn thể toát ra từ trong nội dung tác phẩm chứ không phải ở một vài chi tiết sử dụng”(1).
Lá thư vui là một truyện ngắn thuộc dòng trữ tình rất hiếm gặp trong bối cảnh chiến tranh. Truyện kể về những câu chuyện giản dị ở một lớp mẫu giáo nơi sơ tán. Trong bối cảnh lịch sử và văn học đương thời, việc để ý đến một góc nhỏ khiêm nhường của đời sống đã có thể coi là một ý tưởng táo bạo từ cái nhìn hiện thực khá bao quát và có chiều sâu nhân văn của tác giả.
Chất trữ tình của tác phẩm trước hết phải kể đến cái cốt truyện khá mờ nhạt, viết về việc một cháu bé tên là Thơm theo vườn trẻ quân y viện rời thành phố về làng. Ở đây, ngày ngày có từng đoàn xe quân sự đi qua, các cháu bé rất yêu quý các chú bộ đội. Thơm cũng yêu quý một chiến sĩ, nhưng đấy là một bác bộ đội già “không có súng mà có những ba cái bút”(2). Bác bộ đội già có mái tóc bạc thường hát, kể chuyện cổ tích cho Thơm nghe. Một lần, bác dạy Thơm viết thư cho các chú bộ đội, cho ba bằng cách ghé môi nói thầm điều mình muốn nói vào những chiếc lá để bác chuyển tận tay cho (vì Thơm không biết chữ). Truyện kết thúc bằng giấc mơ của Thơm với tiết trời xuân.
Việc tìm đến một tình huống truyện nhỏ bé, xinh xắn như thế trong chiến tranh không phải là dễ, nó đòi hỏi nhà văn có đủ bản lĩnh để biết chiết xuất trong đời sống những vấn đề mà nền văn học cách mạng, trong cái đà chạy hối hả của nó đã gạt ra ngoài lề, để lại phía sau; và bên cạnh đó là một tâm hồn tinh tế, biết quan sát, biết chiêm nghiệm và điều quan trọng là phải dám chấp nhận một phút giây “đi lạc” so với xu thế chung.
Tình huống truyện đặc biệt dường như đã quy định tính chất đặc biệt của hệ thống nhân vật. Khác với xu thế phổ biến của các tác phẩm văn xuôi thời bấy giờ là cố gắng xây dựng cho được những nhân vật mang phẩm chất có tính đại diện cho cộng đồng, Lá thư vui xoay quanh hai nhân vật chính là Thơm và bác bộ đội già. Họ vốn là hai người xa lạ nhưng đã trở thành những người bạn thân thiết - tình cảm ông cháu: “Hai bác cháu dắt tay nhau đi thong dong bên đường, lề đường bên kia đậu từng hàng ô tô”; “Cái Thơm vòng hai cánh tay mềm mại quanh cái cổ rám nắng của bác, áp má vào má bác. Nó yêu bác bộ đội tóc bạc biết bao nhiêu, bởi lẽ bác rất yêu nó và bác có nhiều chuyện kể… Hồi ấy thỉnh thoảng bác bộ đội đến thăm bố mẹ nó. Lần nào đến, bác cũng hát cho nó nghe, rồi kể chuyện cổ tích, rồi dắt nó đi chơi trên con đường rải nhựa có rất nhiều gió…”.
Đặt trong hoàn cảnh bình thường, những chuyện trên đây có thể chẳng có gì đáng nói, nhưng trong điều kiện chiến tranh, tác phẩm gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. Chiến tranh bao giờ cũng đồng nghĩa với mất mát, chia lìa. Có thể trong khi cả nước đang tiến về phía trước, người ta đã không nghĩ về điều này hoặc chưa muốn nói đến nó. Nhưng Nguyễn Minh Châu, với sự tinh tế của mình, đã nghĩ đến và thể hiện nó một cách nhẹ nhàng mà da diết. Với các em thơ, được lắng nghe một bài hát, được nghe một câu chuyện cổ tích từ chính miệng những người thân (thường là từ ông, bà) là một quyền lợi hết sức giản dị và bình thường, nhưng cũng là thiết yếu và lớn lao. Nhưng chiến tranh đã cướp đi những quyền lợi và mong ước giản dị đó. Vấn đề không phải ở chỗ ca tụng phẩm chất của bác bộ đội già, không phải ở chỗ miêu tả vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng của tâm hồn em bé mà là Nguyễn Minh Châu đã chỉ ra bi kịch và những hệ lụy của chiến tranh. Ở đó, Thơm và các bạn của em thiếu thốn một vòng tay nâng niu của bố mẹ, của ông bà. Hành động vòng cánh tay quanh cái cổ rám nắng, áp má vào má bác bộ đội của Thơm gợi cảm giác ấm áp nhưng xót xa làm sao! Và không ai có thể biết được, bố của Thơm, một bộ đội hải quân liệu có trở về, hay cuối cùng Thơm sẽ lớn lên như những đứa trẻ mồ côi. Và biết đâu, ông của Thơm cũng đã gửi thịt xương ở một mặt trận nào đó. Bác bộ đội cũng vậy, hẳn rằng trên con đường thiên lí, luôn canh cánh nỗi nhớ về một mái ấm thân thương, nơi những đứa cháu đang đợi chờ bàn tay chăm sóc. Lí do gắn kết hai con người một già một trẻ ấy có lẽ không chỉ là thứ tình cảm yêu thương thông thường của con người đã được nhân lên trong điều kiện đặc biệt của chiến tranh, mà còn là những khát vọng mơ hồ, những thiếu thốn, những bất an của con người buổi loạn lạc. Có lẽ chính vì những cảm giác mơ hồ và nỗi khát khao ấy mà họ tranh thủ từng giây phút quý hiếm gặp nhau để dành cho nhau trọn vẹn sự ấm áp, sự sẻ chia. Riêng ở cách cảm nhận về mất mát bởi chiến tranh như thế này, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy tư cách của một người mở đường “tài năng và tinh anh”. Những điều ông đã viết trong Lá thư vui đã được chính ông tiếp tục đẩy lên cao hơn, da diết hơn trong những sáng tác sau 1975, và không chỉ Nguyễn Minh Châu, nhiều nhà văn khác cũng đã làm điều đó.
Bên cạnh hai nhân vật chính là bé Thơm và bác bộ đội già, trong tác phẩm còn xuất hiện một số nhân vật khác, đấy là cô giáo, là các cháu ở lớp mẫu giáo và những con người nơi tản cư. Điều đáng chú ý là tất cả các nhân vật ấy đều thuộc giới nữ: “Trong hiên nhà trẻ, lúc bấy giờ lũ con gái tán chuyện gẫu với nhau đã chán, chúng lại bắt đầu bày lại cái trò chơi đã cũ rích”; “Trong số người ở trong ba gian nhà ngói nằm bên cạnh đường cái, gồm ba bà già nấu ăn, một cô gái và gần ba chục cháu bé”. Hình ảnh này, một mặt tái hiện không khí những vùng hậu phương u buồn thời chiến tranh. Phần lớn đàn ông con trai đều lên đường ra mặt trận, ở nhà chỉ còn lại con trẻ và đàn bà. Những người đàn bà mỏi mòn chờ chồng, ngày cúi mặt trên đồng ruộng, tối cồn cào bỏ lúa vào xay, hay cuốc đất trong đêm cho đỡ những nhớ nhung, khao khát. Các thế hệ nối tiếp nhau trông chờ với nỗi mòn mỏi, đằng đẵng… Đấy là hiện thực phổ quát của chiến tranh: nàng Hélène (Thần thoại Hi Lạp), nàng Liza của L.Tolstoy (Chiến tranh và hòa bình), những người đàn bà “chỉ biết khóc chờ đợi chồng con” trên bến không chồng của M.A.Sholokhov (Sông Đông êm đềm), nàng Pelenope của G.G.Marquez (Trăm năm cô đơn), người đàn bà hóa đá trong truyền thuyết Vọng phu, người chinh phụ của Đặng Trần Côn (Chinh phụ ngâm)… Những người phụ nữ trong Lá thư vui cũng vậy. Họ chờ đợi một điều gì đó xa xăm, mơ hồ ở những lá thư, và gửi nỗi niềm của mình vào những lá thư. Điều đặc biệt là ở đây, Nguyễn Minh Châu thể hiện sự cảm thông và trân trọng vô ngần đối với những người đàn bà buồn bã và thiệt thòi kia, khi những người ấy hiện lên bao giờ cũng với một vẻ đẹp nào đó, dù là vẻ đẹp hiếm hoi trong tăm tối: “Trong làng, các bà mẹ, các chị í ới gọi nhau đi cấy lúc trăng còn đậu nóc cây đề. Về sáng, cánh đồng càng nhiều sương giá. Những người đàn bà đi cấy trông thấy ánh lửa bập bùng trong bếp liền chạy vào hơ tay một lát cho đỡ cóng rồi lại trở ra tiếp tục làm việc. Bóng những người đàn bà cứ chập chờn trong ánh trăng bạc”.
Thể hiện ngay ở cách đặt tên truyện, lá thư đã trở thành hình ảnh xuyên suốt tác phẩm. Lá thư, đấy là chiếc cầu nối tình cảm giữa con người với con người trong điều kiện xa cách. Nó vốn dĩ đã trở thành một biểu tượng của tình cảm nhớ mong trong những khoảng cách không gian, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh. Lá thư đã từng xuất hiện trong văn học Việt Nam trung đại với nỗi nhớ nhung phấp phỏng hay tuyệt vọng (Thư thường tới người không thấy tới - Chinh phụ ngâm; Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm – Truyện Kiều…). Hình ảnh lá thư trong điều kiện chiến tranh hiện đại cũng đã trở đi trở lại trong nhiều sáng tác của các nhà văn cách mạng (Lá thư Bến Tre của Tố Hữu, Thư nhà của Hồ Phương, lá thư trong sáng tác của Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh…). Bao giờ xuất hiện, nó cũng mang theo tín hiệu của sự sẻ chia, an ủi. Lá thư trong truyện này của Nguyễn Minh Châu cũng vậy. Song song với hình ảnh lá thư là hình ảnh những lá đề, là cây đề. Cây đề gắn với tình cảm tuổi thơ trong sáng và mong manh. Hình ảnh lá đề cứ trở đi trở lại trong tác phẩm với một sắc màu da diết: “đỏ rực”, “đỏ tía”, “đỏ thắm”, “đỏ và đẹp”… Những chiếc lá ấy có thể cũng mang chở niềm tin lí tưởng, nhưng bên cạnh đó, cho ta thấy một sự da diết của những nỗi niềm riêng tư, trong đó có cả niềm riêng của một cô bé. Và dù rất mạnh mẽ, nhưng trong sắc đỏ ấy ta vẫn thấy một cái gì đó khắc khoải, rưng rưng…
Là một truyện ngắn giàu tính hướng nội, Lá thư vui, bên cạnh sự giản dị của cốt truyện, của hệ thống nhân vật, là sự nhẹ nhàng, tinh tế trong ứng xử của con người với nhau. Ở đó, vắng hẳn những tiếng bom rơi đạn nổ, vắng đến cả tiếng hô xung phong của chiến tranh, vắng cả tiếng ồn ào của những công trường, vắng cả tiếng máy cày xình xịch trên những cánh đồng... Tất cả những gì liên quan đến mặt trận chỉ là những đoàn xe đi qua quân y viện và những người lính hiền lành, đáng yêu, hay tiếng loa thông báo về tin chiến thắng. Giữa góc nhỏ của hiện thực ấy, chỉ có những người đàn bà đi cấy, các chú bộ đội cùng vui với các cháu nhà trẻ hoặc một lớp nhà trẻ với cô giáo chưa đầy hai mươi tuổi vừa chăm sóc những “đứa con”, vừa mong chờ một cánh thư ở nơi nào đó thật xa… Tất cả những hình ảnh ấy phát đi thông điệp của nhà văn trong một thứ văn phong giản dị và nghiêm trang. Cùng với những tình cảm, khát vọng thầm kín mà da diết, khi đọc Lá thư vui, rất dễ có cảm giác chúng ta đang đối diện với Chiếc lá cuối cùng của O.Henry, hay một truyện nhỏ xinh của Andersen, để rồi đầy lên trong chúng ta một cảm xúc đượm buồn nhưng vẫn đầm ấm, một tình cảm nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thấm thía, một chân lí khiêm nhường nhưng phổ quát.
Lê Thanh Nga