Nhìn danh mục những chương trình nghệ thuật mấy năm gần đây, gần như thiếu vắng đề tài thương binh, liệt sĩ, cho dù năm nào cũng có kỷ niệm ngày này và nhiều kỷ niệm khác có liên quan. Phải chăng đề tài này bị bỏ lơi hay vì không thể cạnh tranh bởi các đề tài “thị trường” ăn khách khác nên trở thành một thứ “lễ” cho có?
Làm cho có hay chỉ là phong trào rồi bỏ?
Khi ban tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài “Thương binh, liệt sỹ và Người có công”, tổng kết và trao giải cho các tác giả, tác phẩm đoạt giải, người ta thấy nhiều tác phẩm dự thi mang tinh thần anh hùng ca, ca ngợi những thương binh vượt lên trên số phận, góp phần xây dựng cuộc sống. Trong 411 tác phẩm của 258 tác giả gửi đến tham dự cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn 16 tác phẩm để trao giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Tác phẩm “Tháng Bảy” của tác giả Lê Mây (Hà Nội) được trao giải nhất; hai giải nhì là các tác phẩm “Đồng đội” của Đặng Nhất Mai (Hà Nội) và “Em ở nơi nào Cô gái Trường Sơn” của Lê Quang Vũ (Phú Thọ). Và có lẽ những tác phẩm này chỉ có một đêm trao giải là được biểu diễn cho công chúng nghe vào hôm đó, rồi sau thì gần như không ai biết, ai nghe, hay đã bị lãng quên ngay sau đó, bởi những ca khúc “thị trường” khác. Ngay cả các đoàn nghệ thuật của quân đội, công an, nhà hát ca múa nhạc VN, những đơn vị ca múa nhạc thuộc diện nhà nước quản lý như đài phát thanh, truyền hình… cũng không thấy đơn vị nào dựng hay biểu diễn phổ biến cho công chúng nghe những tác phẩm này.
Và có lẽ đây cũng là cuộc thi duy nhất về đề tài này cho cả mảng văn học nghệ thuật nói chung trong vòng 10 năm trở lại đây. Trừ một cuộc phát động sáng tác văn học về đề tài thương binh, liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình vào năm 2007, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thương binh, liệt sĩ.
Bao nhiêu năm nay, cứ vào ngày kỷ niệm 27/7, những tác phẩm nghệ thuật về đề tài này của nhiều năm trước cứ được “tua” đi “tua” lại. Không thể phủ định giá trị của những tác phẩm này, nhưng cứ “tua” như thế hết năm này qua năm nọ mà không có cái gì mới, phải chăng chúng ta đã lạnh nhạt với đề tài thương binh, liệt sĩ. Như về âm nhạc có những ca khúc đã trở thành “tượng đài” của âm nhạc cách mạng Việt Nam, như: Màu hoa đỏ (Nguyễn Đức Mậu - Thuận Yến), Đồng đội (Hoàng Hiệp), Tình ca (Hoàng Việt), Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), … Một số tác phẩm gọi là mới nhưng cũng đã vài năm rồi như: Tổ quốc gọi tên mình (Đinh Trung Cẩn) và Linh thiêng Việt Nam (Lê Quang)…. Về điện ảnh, một số phim đã đoạt giải cao trong các LHP quốc tế và VN như: Phim “Nguyễn Văn Trỗi” - Đd Bùi Đình Hạc và Lý Thái Bảo, “Bao giờ cho đến tháng 10” - Đd Đặng Nhật Minh, “Cỏ Lau” - Đd Vương Đức, “Ngã ba Đồng Lộc” - Đd Lưu Trọng Ninh, “Đời cát” - Đd Nguyễn Thanh Vân, Ngoài ra còn một số phim khác như: “Ai xuôi vạn lý”, “Anh chỉ có mình em”, “Người cộng sản trẻ tuổi”, “Người con gái đất đỏ”, v.v. Gần nhất có lẽ là phim “Ngã ba Đồng Lộc” - Đd Lưu Trọng Ninh, “Chớp mắt cùng số phận” - Đd Lê Ngọc Linh), “Đừng đốt” - Đd Đặng Nhật Minh, “Mùi cỏ cháy” - Đd Nguyễn Hữu Mười… Và chờ đợi thêm một tác phẩm điện ảnh nữa, đến 1/9 năm nay mới ra mắt “Những người viết huyền thoại” - Đd Bùi Tuấn Dũng. Còn lĩnh vực sân khấu, các tác phẩm đề tài truyền thống cách mạng, hình tượng về người thương binh còn thưa vắng hơn và gần như vắng bóng hoàn toàn, cả với sân khấu nhà nước lẫn tư nhân. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nhận định: “Đây là đề tài mà người làm sân khấu phải làm để tri ân, là trách nhiệm với các thế hệ đi trước. Đặc biệt, trong thời bình, hình ảnh nhiều thương binh tham gia lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn là những hình tượng rất cao đẹp, nếu được đưa lên sân khấu càng có tính giá trị, giáo dục cao. Nhưng tiếc là sân khấu chưa khai thác được”. Về mỹ thuật và nhiếp ảnh thì đề tài này xem ra không còn thấy “mặt mũi” kể cả trong sáng tác, triển lãm. Những tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi hàng năm ở cả trung ương, địa phương, câu lạc bộ, nhà văn hóa, hội, nhóm… đều không hề thấy đề tài này có mặt.
Ảnh minh họa: Nghĩa trang Hạ Mỗ -Đan Phượng - Hà Nội
Phải chăng, đề tài này không thể thu lợi nhuận trong guồng quay thị trường của tất cả các sản phẩm nghệ thuật? Phải chăng vì lợi nhuận mà chúng ta đã “cư xử” không phải “đạo” với những người đã khuất vì nên độc lập tư do hòa bình cho tổ quốc. Phải chăng vì những thị hiếu giải trí theo trào lưu của một bộ phận công chúng mà chúng ta đã “ngoảnh mặt” với những người có công, đã hy sinh một phần thân thể vì cuộc sống bình yên hôm nay?
Làm gì để khơi lại đề tài này cho hợp đạo lý “Tổ quốc ghi công”?
Không phải không có nhu cầu ở mảng đề tài này. Còn nhớ, cách đây 6 năm, khi bài thơ Đồng đội ơi của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn được Nguyễn Giang phổ nhạc, sức sống của nó như một sự thần kỳ, không cần phải PR của bất cứ hệ thống truyền thông nào mà nó chỉ được truyền miệng, truyền tai nhau, mà chưa đầy nửa năm nó đã lan truyền hầu khăp các tỉnh thành, ở gần như tất cả các câu lạc bộ, các hội cựu chiến binh trong toàn quốc. Rồi sau đó nó mới được VOV, HTV1 - Hà Nội quảng bá trên sóng phát thanh, truyền hình… Và bây giờ, suốt 6 năm nay, nó vẫn vang lên mỗi khi những cượu chiến binh gặp nhau, mỗi khi có các đoàn khách thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 …
Và cũng không thể nó rằng, công chúng thời nay không còn thích đề tài này vì chiến tranh đã lùi xa, không ai muốn gợi quá khứ đau buồn… Bởi vì hàng năm, công chúng vẫn tìm đến những tác phẩm nghệ thuật cũ về đề tài này để nghe, xem, đọc… và vẫn có nhiều cảm xúc. Với lớp trẻ thì tác động còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ví dụ rõ rệt nhất là khi tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” của NXB CAND mở đầu bằng Nhật ký Nguyễn Văn Thạc rồi sau đó là Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, và “hiệu ứng” của phim “Đừng đốt” tạo một sức nóng “đốt” công chúng độc giả tìm đến tác phẩm, thành một kỷ lục không chỉ từ phim từ sách mà còn thành phong trào học tập trong tuổi trẻ về nghĩa vụ, trách nhiệm công dân, tạo nên những hành động thiết thực góp phần xây dựng lối sống có hoài bão, lý tưởng với tuổi trẻ hôm nay.
Đã đến lúc các nhà hoạch định chiến lược về sáng tác văn học nghệ thuật trong tương lai nên có một chủ trương về đề tài này như một chủ trương lớn, quan trọng. Nếu không có sự đầu tư, định hướng tốt từ nhà nước, khó mong sẽ có những tác phẩm nghệ thuật thật sự có giá trị, chất lượng về đề tài này được sản xuất hàng năm, và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, xã hội.
Việc “Uống nước nhớ nguồn”, “Tổ quốc ghi công” là trách nhiệm, nghĩa vụ không thược về cá nhân ai, mà là của toàn dân, toàn xã hội. Trong đó, những tác phẩm nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng, hiệu quả, dễ đi vào lòng người và có đời sống lâu bền nhất đối với mọi thế hệ, mọi thời đại. Đó cũng là một cách thể hiện được tấm lòng tri ân, thành kính với các anh hùng liệt sĩ và những người đã hiến dâng một phần xương máu của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc của văn nghệ sĩ chúng ta hôm nay.
Đắc Lộc