Thứ hai, 29/04/2024,


Hội làng trong thơ Nguyễn Bính (07/02/2009) 

     'Xuân tha hương, xuân lại tha hương, xuân vẫn tha hương...' - đó là câu kết cho một đời giang hồ Nguyễn Bính. Ấy vậy mà vẫn bị dằn vặt về những ấm lạnh của tình đời, tình người. Ấy vậy mà vẫn khao khát đi tìm mạch sống văn hóa đang lặng lẽ chảy trôi trong lòng chế độ phong kiến và thuộc địa ở vào những ngày lụi tàn. Giữa bộn bề yêu thương, giữa phong phú niềm vui và cũng nhiều cay đắng... Nguyễn Bính lại lắng lòng tìm về với 'chân quê', về với hội làng với bao xúc cảm.

 

     Với Nguyễn Bính, viết về quê hương là một phong cách đặc trưng. Trong mênh mang cảnh và tình ấy, những bài thơ viết về hội làng chiếm vị trí quan trọng góp phần tạo nên một mạch ngầm riêng cho thơ anh. Trong bài viết 'Mã ngữ nghĩa của vốn từ vựng hay văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính', TS Nguyễn Nhã Bản đã có con số thống kê như sau: Vốn từ mà nhà thơ giành cho hội hè chiếm 6,7% vốn từ vựng thơ Nguyễn Bính. Đó là con số biết nói đã gợi cho tôi cảm hứng khám phá hội làng trong thơ 'người nhà quê' này. Trong tâm thức người dân Việt, làng đóng một vai trò rất quan trọng. Hướng về làng là một cuộc hành hương không bao giờ dứt trong văn hóa ứng xử của bao thế hệ con Lạc cháu Hồng. Và Nguyễn Bính cũng lặng lẽ tìm cho mình một lối đi trong cuộc hành hương ấy - lấy thơ để gom nhặt hương quê, giữ lấy chút quê mùa.

 

     Trong thơ Nguyễn Bính, hội làng được thi sĩ định vị trong một không gian, thời gian xác định. Không gian lớn và bao trùm lên tất cả đó chính là làng quê Việt Nam, cụ thể hơn chính là quê hương Nam Hà - nơi sinh thành và đồng thời là cảm hứng bất tận của đời thơ Nguyễn Bính. Ở tại nơi đây, vào những ngày lễ quan trọng của dân tộc, của quê hương hay sau những vụ mùa lao động vất vả, hội làng lại được mở ra. Điều đó đã trở thành thói quen sinh hoạt, thành tín ngưỡng văn hóa của một vùng quê. Thường thì Nguyễn Bính chọn mùa xuân làm phông nền cho những ngày hội. Mùa xuân đồng nghĩa với mùa vui, với sự hồi sinh và đoàn tụ. Ý niệm đó đã tồn tại vĩnh hằng trong tâm linh người dân đất Việt và trở thành nỗi chờ đợi thiêng liêng. Hội làng phải được mở trong sự chờ đợi và trong những ý niệm ấy để có cơ hội thăng hoa và tỏa sáng. Bởi vì đó là nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong những ngày vui.

 

     Chờ đợi hội làng - đó là tâm lí chung của người dân quê hương này. Những cô gái đã chắt chiu, vất vả bao ngày để có đôi khuyên bạc làm duyên trong ngày vui. Họ từ giã những chiếc áo nhuộm bùn, rạng rỡ trong 'yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa'. Và lập tức họ đã trở thành trung tâm cho mọi lời khen:

 

Khen ai tóc thẳng đường ngôi

Ấm hơi trầu quế, thơm mùi hương nhu

Khen ai áo kép quần hồ

Hội làng mê mải sớm trưa đi về.

 

      Trong quan niệm của người bình dân ta, linh khí của hội làng được gửi vào tiếng trống. Và thi sĩ đi ra từ đồng quê ấy đã không quên được tín ngưỡng tinh thần này. Để rồi từ thơ anh, tiếng trống không hẹn mà cứ gióng lên, giục giã lòng người vào những ngày, những mùa hội làng:

 

Hội xuân gió loạn đuôi cờ

Làng xa đêm vắng nhặt thưa trống chèo

Hội làng đèn đuốc như sao

Đêm chèo tiếng trống giáo đầu nổi lên

                        (Tiếng trống đêm xuân)

 

     Tiếng trống ấy là khởi nguồn cho mọi sinh hoạt, cho mọi niềm vui và cũng sẽ đi theo ngày xuân để duy trì sinh khí của hội làng. Khi tiếng trống thôi giục giã hoặc thưa thớt đi thì đó là dấu hiệu báo hiệu cuộc vui đã tàn. Chính vì sự thật đó mà người bình dân đã lấy tiếng trống làm tín hiệu cho những thăng trầm của cuộc đời và của cả duyên tình. Ở bài thơ 'Hết bướm vàng', ta bắt gặp một hình ảnh thơ tội nghiệp:

 

Năm nay vườn cải nở hoa vàng

Bướm lại sang mà em chẳng sang

Thui thủi một mình em bắt bướm

Trống chèo thưa thớt đám làng Ngang

 

     Hội đã rã đám, trống chèo đã thưa thớt... còn duyên đôi ta thì xa xôi. Em đã sang ngang rồi, có một người đã 'theo chồng bỏ cuộc chơi' rồi. Biết đến bao giờ làng Ngang mới động tiếng chèo lại đây?

 

     Hội Xuân trong thơ Nguyễn Bính đã ghi dấu ấn biết bao nhiêu sinh hoạt văn hóa dân gian. Nhưng cái hồn quê sâu đậm nhất làm nên khuôn mặt văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà Nguyễn Bính đặc biệt nâng niu chính là nghệ thuật chèo. Mỗi vở chèo đã mở ra bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình. Và điều thú vị của nghệ thuật chèo là đã tái hiện trong một thời gian ngắn rất nhiều cảnh đời, rất nhiều tâm trạng:

 

Mười lăm năm của cô Kiều

Xảy ra trong một buổi chiều mà thôi

 

     Điều mà Nguyễn Bính chắt lọc được từ hội làng chính là giá trị thanh lọc và bồi đắp tâm hồn người bình dân từ sinh hoạt dân gian thuần hậu này - bồi đắp từ chính những vở chèo vang lãn từ nguồn phù sa văn hóa ngọt lành:

 

 

Vào đám làng tôi mở hội chèo

Bay cờ, lộng gió đỏ đuôi nheo

Lớp mà thị Kính nuôi con mọn

Tôi biết người xem chảy lệ nhiều

                            (Trở về quê cũ)

 

     Giữa không khí của hội hè ấy, tâm trạng con người thật nhiều cung bậc. Từ trong 'Tiếng trống đêm xuân', ta nghe dậy lên niềm náo nức của bao trai gái và cả khoảng lặng của những tâm hồn lặng lẽ, tha thiết yêu thương:

 

Hội đông đông chật đình làng

Đêm càng khuya khoắt, tình càng thiết tha

 

     Mối dây tình cảm mặn nồng ấy vượt lên cả không gian và thời gian. Không phải chỉ trong đêm xuân này đâu mà sau này khi đi xa quê, những con người ở hội làng hôm nay vẫn bâng khuâng tìm về quê hương bằng hoài niệm. Hội xuân đóng vai trò quan trọng là thế nên người dân quê trong thơ Nguyễn Bính không thể không mang trong lòng nỗi nhớ hội xuân khi đi xa:

 

Nhớ thuở hội xuân chèo gióng trống

Xin mình giấy đỏ đánh môi son

                        (Trở về quê cũ)

 

     Mười năm xa quê - mười năm biết mấy là mất mát, đau thương. Vậy mà vẫn còn nguyên đó hoài niệm tinh khôi về những ngày vui xa xưa. Vậy mà vẫn còn nguyên đó nỗi mừng tủi, bâng khuâng và phơi phới tình quê. Tuồng như mọi chuyện chỉ mới là hôm qua đây thôi. Gần lắm và nhớ lắm! Với Nguyễn Bính, viết về hội làng là cơ hội để con người giang hồ này tìm lại bóng quê hương trong hành trình phiêu phạt. Hóa ra chàng trai ấy dẫu có rong ruổi một đời ở chốn thị thành vẫn không nguôi nhớ về hương quê dịu ngọt vẫn thoảng lên từ những đêm, những mùa hội làng.

 

     Dường như hội làng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho một nét văn hóa đẹp, cho những phút giây yên ấm và hòa bình trong cảm quan của thi nhân. Để rồi, giữa những tháng ngày chiến tranh khốc liệt, nhà thơ đã canh cánh gói vào 'Gửi người vợ miền Nam' khát vọng cháy lòng:

 

Mẹ đi hội vui bầy cháu nhỏ

Em bên anh má đỏ bóng cờ

Tưng bừng tiếng trúc tiếng tơ

Đầu thôn trăng mọc tròn như mâm vàng.

 

     Đó là tiếng vọng của ước mơ thống nhất Bắc Nam để thực hiện mộng đoàn viên, cùng nhau ôn lại 'năm tao bảy tuyết' - ôn lại từ những đêm hội ngan ngát hương cau và đượm ân tình.

 

     Đến 'Bài thơ quê hương' thì tình cảm ấy đã phát triển ở một tầm cao mới với niềm tự hào dân tộc. Thi sĩ đã không ngần ngại ngợi ca kho tàng nhạc thơ, văn hóa dân gian đồ sộ của quê hương:

 

Quê hương tôi có múa xòe hát đúm

Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo

 

     Cùng với múa xòe hát đúm, cùng với cây bầu cây nhị, cùng với một dĩa muối mang nặng tình chồng vợ, một dây trầu nhắc chuyện lứa đôi, cùng với lịch sử chống ngoại xâm hào hùng và dòng sông thơ ca bất tận... thì hội làng đã góp phần kiến tạo nên những thiên đường trên mặt đất. Đời trước và đời nay đã có một bước chuyển dài. Người dân quê không còn ngủ vùi trong giấc mơ xây dựng thiên đường từ những cõi hư vô nữa. Thi sĩ đã nhân danh họ, dõng dạc khẳng định:

 

Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất

Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa...

 

     Bước phát triển kì diệu về đời sống tâm hồn ấy thiết nghĩ cũng có nền tảng từ những hội làng.

 

     Tình yêu là mối tâm tình nặng nhất mà Nguyễn Bính đã cưu mang giữa lênh đênh mười hai bến nước đời thơ. Vì thế, hội làng với Nguyễn Bính không chỉ đơn giản là sinh hoạt văn hóa dân gian mà còn đóng vai trò như là nhịp cầu duyên. Đêm hội xuân là 'diễn đàn' để người dân quê bày tỏ tình cảm, cách ứng xử của mình với cộng đồng, với thiên nhiên và với cả cội nguồn văn hóa dân tộc. Đó cũng là cơ hội để trai gái đến với nhau, làm quen và hò hẹn. Ngay lập tức hội làng trở thành chứng nhân cho mối duyên tình của họ, chứng nhân cho lời hò hẹn ngọt ngào, cho caí nỗi buồn lỗi hẹn, nỗi cay đắng vì lỡ làng. Cô gái trong 'Mưa xuân' đã đến với tiếng trống hội bằng cả niềm tin, bằng sự nhiệt tình của trái tim thiếu nữ. Vậy mà:

 

Đợi mãi anh sang anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng lỡ làng

 

     Nỗi cay đắng bẽ bàng ấy đã tự lòng người chảy vào đất trời, loang ra thành cơn mưa xuân nặng hạt trong buồn tủi. Thế mới biết sự cảm ứng và tương thông giữa con người với thiên nhiên kì diệu đến chừng nào. Và đây cũng là một nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam ta trong cách ứng xử với tự nhiên.

 

     Nhưng thường thì kẻ thất tình trong thơ thi sĩ họ Nguyễn là những đấng mày râu. 'Đêm cuối cùng' đã chứng kiến sự tương phản trớ trêu. Giữa mùa thu này, tình tôi đã mở không chút e ngại. Đất trời biết, giăng cũng sáng như ban ngày để soi tỏ tình tôi. Thế mà 'tình em lẳng lặng kín như buồng tằm'. Hội làng chỉ còn đêm nay nữa thôi. Ngày mai là chúng ta đã quay về với cuộc sống riêng của mỗi người rồi. Cơ hội nối nhịp cầu duyên mong manh lắm. Vậy mà:

 

Phường chèo đóng Nhị Độ Mai

Sao em lại đứng với người đi xem?

Mấy lần tôi muốn gọi em

Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ.

 

     Lớp chèo ấy là một dự cảm cho mối tình không thành. Đêm hội làng cuối cùng vì thế mà trở thành chứng nhân cho một tình yêu đơn phương và vô vọng.

 

     Hội làng đã in dấu trong thơ Nguyễn Bính như một ám ảnh nghệ thuật thi vị. Từ một sinh hoạt dân gian mang tính chất truyền thống, chúng ta đã nhận diện được những mảng văn hóa còn nguyên giá trị thẩm mỹ trong đời sống tinh thần của những người dân bình dị sau lũy tre làng. Hội làng là nhịp cầu nối vô hình nhưng bền chặt giữa hoài niệm và tâm lòng thi nhân với chính những phong tục thuần hậu, những nét đẹp văn hóa dân gian. Xét cho cùng, hành trình về với hội làng mà Nguyễn Bính đã mải miết theo đuổi suốt cuộc đời thơ là minh chứng cho một tình yêu nước thầm kín, một sự ngưỡng vọng về hồn quê, về với cội nguồn văn hóa dân tộc...Tất cả đã làm nên một thi sĩ của đồng quê Việt Nam, một 'nhà văn hóa làng' có khả năng 'đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta'.

Tác giả Nguyễn Thanh Tâm

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: