Thứ bảy, 20/04/2024,


Những vần thơ đánh thức "Nỗi buồn hoa sữa" của Ngọc Thanh (08/07/2015) 

   Đâu phải vô cớ mà sau rất nhiều trăn trở, Ngọc Thanh lại quyết định đặt tên cho tập thơ thứ năm của mình là Hoa sữa ngủ quên. Có lẽ, cũng như nhiều bạn yêu âm nhạc khác, từ khi bài hát Hoa sữa của Hồng Đăng ra đời và trở thành giai điệu tự hào, thì như một mặc định, trong trái tim mẫn cảm của anh loài hoa nồng nàn trinh trắng ấy đã trở thành biểu tượng của mối tình đầu trong sáng đẹp như cổ tích tuổi phượng hồng.


   Nhưng do sự sắp đặt trớ trêu của tạo hóa mà hầu như chúng ít khi đơm hoa kết trái. Cái điệp khúc “Có lẽ nào em (anh) lại quên anh (em), có lẽ nào ta lại quên nhau” không lời đồng vọng rung lên trong ngập tràn nuối tiếc, đẫm màu nhung nhớ… nghe thật thấm thía và mang mang nỗi buồn. Song, càng buồn lại càng đẹp, bởi mỹ học bao giờ cũng là sự gặp gỡ giữa hai thái cực.


   Thời gian như một liệu pháp nhiệm màu tưởng sẽ giúp con người quên đi những kỷ niệm, xóa sạch những vết thương lòng, nhưng với Ngọc Thanh hình như không phải vậy.
Độc giả dễ dàng nhận thấy, sau hàng đống công việc của một người chiến sĩ An ninh và sau khi vẹn tròn trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, anh lại phân thân, lạc về miền ký ức, phiêu lãng trong khoảng lặng của riêng mình, với niềm khắc khoải, khôn nguôi về một ngày xưa:


Ngày xưa ơi…đã xa rồi
Bới tìm kỷ niệm một thời đã qua(Ngày xưa)

 

   Trong bầu khí quyển linh diệu của thi ca, tắm mình giữa dòng sông sắc màu, tách khỏi những lo toan, tạm quên đi những áp lực của cuộc sống thường nhật, người lính ấy lại bồi hồi lặng lẽ tự ru mình bằng những vần thơ lãng mạn đẹp như những giấc mơ khi còn thức:

 

Gặp em nũng nịu …ngẩn ngơ
Bờ vai nũng nịu…giấc mơ tình hồng(Nũng nịu)

 

   Trong vai một kẻ mộng du anh tìm đến cái góc khuất đáng yêu trong tâm hồn mình, đánh thức những kỷ niệm dấu yêu, để được sống lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (Lưu Trọng Lư). Nơi bến sông thơ vẫn còn nguyên “những nụ hôn vụng dại”, đôi mắt bùa mê, nụ cười rạng rỡ như búp sen tỏa nắng và làn tóc mềm ngan ngát mùi hương bưởi…


   Dù thời gian qua đi, những kỷ niệm thời hoa đỏ vẫn không chịu ngủ quên, thậm chí vẫn tỏa ra một từ trường mạnh làm ngẩn ngơ chàng trai năm ấy, giờ đã trở thành một người lính phong trần mái tóc điểm sương. Như một chiếc đũa nhiệm màu, nghệ thuật đã làm cho miền thiêng nhớ trở nên huyền ảo, để người thơ được sống lại quãng đời thần tiên một thưở và có thể sẻ chia nỗi cô đơn, nhân thêm niềm hạnh phúc.

 

   Khảo sát toàn bộ năm tập thơ tác giả xuất bản trong vòng 10 năm gần đây, ta dễ dàng nhận thấy: anh là người có bút lực dồi dào, đam mê thơ, song tinh lực của anh lại dành chọn cho đề tài tình yêu vĩnh cửu. Thế giới thơ Ngọc Thanh hình như chỉ gói gọn trong chu vi của một chữ yêu. Luôn sống trong mặc cảm “nợ một chữ yêu”, nên nhân vật trữ tình trong thơ Ngọc Thanh suốt đời không ra khỏi cuộc hành trình đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất. Dưới ánh sáng của trái tim mẫn cảm, tình yêu được anh thiêng hóa, được anh tâm niệm là “tinh hoa của toàn bộ nhân cách con người” (MaoThuẫn). Không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, với Ngọc Thanh tình yêu còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao qúy, còn là niềm khát khao được hoàn thiện chính mình. Dĩ nhiên, vọng vào thơ anh còn có những âm thanh khác của cuộc sống.

 

   Trong Hoa sữa ngủ quên vẫn có bài Mẹ tôi dành cho bậc từ mẫu (Mẹ tôi), vẫn có những bài dâng lên Bà mẹ Tổ quốc (Tạm xa em, Thư tình Trường Sa). Có bài thuộc cảm hứng thế sự (Tiếng rao đêm), có bài viết về những địa danh nơi anh đã đi qua (Nhớ Đại Lải, Phú Quốc bình yên), có bài làm để tiễn biệt bác Tô Hoài vào cõi vĩnh hằng (Dế mèn tiễn đưa). Có tác phẩm ngợi ca những lương y áo trắng (Bài ca bluse trắng).

 

    Có đôi bài anh viết bằng giọng hài hước dí dỏm (Hai đàn ông) hoặc dùng giọng điệu trào phúng để diễu nhại những nhí nhố sự đời (Nhí nhố)… Nhưng có thể nói Hoa sữa ngủ quên là một tập thơ tình, bởi số bài thuộc đề tài tình yêu chiếm một tỷ lệ áp đảo (58/66, chiếm 87,9%). Và quan trọng hơn những bài ca hay nhất, (trong đó hàng chục bài được phổ nhạc: Giao mùa, Đêm Tây Hồ, Viếng mộ tình, Thu vàng, Em mãi là mùa xuân, Đôi mắt em, Lối cũ, Dòng sông sắc màu, Thư tình Trường Sa, Chợ Giời…) chủ yếu là những thi phẩm thuộc chủ đề này.

 

   Tình yêu trong thơ anh thật sống động với bao cung bậc, bao nhiêu sắc thái: khi đắm say hạnh phúc trong khát khao, dâng hiến; khi thương nhớ, đợi chờ, lúc phi phỏng lo âu, trăn trở... Nhưng trước sau, đó là một tình yêu lý tưởng, một tình yêu duy nhất. Đúng như câu thơ ai đó từng viết:


Anh chỉ có một tình yêu duy nhất…
Anh trao cho em, anh mất đi rồi…


    Người ta bảo: Văn là người (Valery) thì đằng sau những vần thơ nặng tình nặng nghĩa của Ngọc Thanh, người đọc có thể thấy rõ hơn vẻ đẹp khác trong bức chân dung tâm hồn người chiến sĩ thế hệ 5X, 6X. Ngoài lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm trước quân thù, ngoài tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với cộng đồng và đức hy sinh, sự nghiêm cẩn trong công việc… trong chàng trai mộc mạc ấy lại là một tâm hồn đẹp, phong phú, tinh tế với những mối tình vô cùng lãng mạn.

 

 

   Nếu dấu hiệu đầu tiên của yêu là nhớ thì có thể nói thơ Ngọc Thanh được dệt bằng muôn ngàn nỗi nhớ - những sợi nhớ sợi thương óng ánh sắc màu. Nỗi nhớ giăng mắc khắp nơi, ẩn tàng trong từng con chữ, với bao nhiêu là trạng thái, với những biến tấu dịu dàng mơ hồ mà đầy sức gợi: nhớ em, nhớ người dưng, nhớ dịu êm, nhớ tiếng em cười, nhớ bóng, nhớ hình, nhớ ánh mắt, nụ cười, nhớ đong đầy, nhớ khát, nhung nhớ, nhớ mối tình đầu dang dở, nhớ bàn tay, nhớ bờ môi, nhớ kỷ vật, nhớ hương bưởi trong làn tóc, nhớ chiếc khăn em tặng vì thương nhớ ai mà rơi xuống đất hoài… Dường như chạm vào đâu cũng như chạm vào muôn nỗi nhớ!



   Giống như bạn bè cùng trang lứa (thuộc mô hình con người đạo đức và con người của cộng đồng, dân tộc), khác với kiểu công dân toàn cầu(mang đặc điểm của con người cá nhân và con người kinh tế), tình yêu trong thơ người trí thức bình dân Ngọc Thanh không nhuốm màu sắc dục, không chỉ thuộc về thì hiện tại mà hướng về quá khứ, nghiêng về sự dâng hiến, thủy chung và trĩu nặng ân tình:


Vay em trọn một nụ cười
Anh xin trả cả cuộc đời …ngẩn ngơ(Vay nợ)


     Mang đậm những mã văn hóa truyền thống: “Vay chín thì ta trả mười” (ca dao), những khúc tự hát từ trái tim yêu thương của Ngọc Thanh thường thấm đẫm chất dân gian và rất giàu tính dân tộc. Chất liệu dân gian xuất hiện với một tần số lớn trong mọi yếu tố của thơ anh: từ thể loại, tư duy đến ngôn ngữ, giọng điệu…


   Vì thế mà không có gì bất ngờ khi ở tập thơ nào thì lục bát cũng vẫn là thể thơ anh gặt hái được nhiều thành công nhất. Thi phẩm Hoa sữa ngủ quên có tới 43/66 bài lục bát, chiếm tỷ lệ 65,15%. Kèm theo kiểu thơ 6/8 là lối tư duy dung dị đầy cảm tính nhưng thông tuệ và minh triết của dân gian. Hầu như ở tất cả những bài thơ hay của anh (Chợ Giời, Nũng nịu, Thà rằng, Thế là, Lẽ nào, Giá như…) đều được triển khai trên cùng một cấu tứ. Mỗi cặp lục bát, hoặc mỗi khổ thơ đều điệp lại cái mẫu đề, cái ý tưởng đã được cô đọng thành tít của bài, nhờ thế mà có thể khảm vào trí nhớ bạn đọc, nên thật dễ thuộc, dễ nhớ. Chẳng hạn:


      Chợ Giời bán gió bán trăng (khổ 1)
            Chợ Giời bán cánh chuồn chuồn (khổ 2)
Chợ Giời bán cái lập lờ (khổ 3)
  Chợ Giời bán cái ngây thơ (khổ 4)
            Chợ Giời bán cả đôi bờ (khổ 5)(Chợ Giời)


Thậm chí có bài trong mỗi câu thơ đều lặp lại ý ấy, từ ấy. Ví dụ trong bài Thế là, cả 8 cặp lục bát gồm 16 dòng thơ đều xuất hiện từ

 

     “Thế là…” ở vị trí đầu câu:
           Thế là lạc tiếng dương cầm…
                Thế là bỏ mặc cho mây lạc đường
Thế là bến vắng con đò
                  Thế là hưu quạnh quanh co một mình


    Chất dân gian trong lối viết hài, hóm đầy tinh quái ỡm ờ kiểu câu đố dân gian (Hỏm hom be bé chút ấy thôi), trong cách sử dụng thủ pháp ngoa dụ, nhân hóa (được sử dụng khá đắc địa), lối chơi chữ, trong cách kể lể giải bầy, trong ngôn ngữ có phần quê kiểng khi anh hồn nhiên đưa vào thơ mình lớp từ dân dã với không ít thành ngữ tục ngữ: “vung tay quá trán”,“tòm tem”, “của chua”, “của nợ”,” bùa mê”, “kiếm xiền”...


    Tổng hợp một hệ thống biểu tượng quen thuộc: hoa cỏ may đồng nội, cánh cò trắng nghiêng chao, chú nhện giăng tơ, câu lý đợi chờ, câu hát mười thương, nỗi buồn chú dế, những bến, những thuyền, chú Cuội, chị Hằng, ánh mắt lúng liếng của cô Màu… Đặc biệt hát ru xuất hiện với một tần số rất lớn (Ru tình, Lời ru phiêu bạt, Ru hời, Ru em, Ru mình…).


     Khi những trầm tích văn hóa dân gian ấy đồng loạt phát sáng đã góp phần mang lại không ít thành công cho tác giả, làm cho thơ anh gần gũi, giản dị giàu chất nhạc, hợp với gu thẩm mĩ của nhiều người, nhưng điều này cũng làm cho thơ anh nhiều khi dễ dãi, ít chất chuyên nghiệp, chưa tạo ra được những vần chữ của riêng mình.


    Nhưng với những gì Ngọc Thanh làm được cũng đủ khẳng định những cống hiến đáng quý của tác giả cho phong trào thơ ca không chuyên đương đại. Dù chỉ khiêm tốn ở vị trí người hát bè trầm, người chiến sĩ làm thơ ấy đã góp phần tô đậm thêm kiểu mô hình người nghệ sĩ kép khá độc đáo của Việt Nam (nghệ sĩ - chiến sĩ), góp phần làm phong phú thêm bức chân dung tâm hồn người chiến sĩ An ninh trong vẻ đẹp rạng rỡ tỏa sáng của trí tuệ “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.


Với năng lực thiên bẩm và lòng đam mê văn chương, những người chiến sĩ - nghệ sĩ như Ngọc Thanh đã góp phần tạo nên dòng chảy thi ca đất Việt thấm đượm chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tinh thần nhân văn sâu sắc, bởi mỗi số phận đều chứa một phần lịch sử.

 

PGS.TS.Bùi Thị Trâm
Hà Nội, tháng tư năm Ất Mù
i

                                                                                          ======


Ơ KÌA...


Ơ kìa... hoa sữa ngủ quên
Cỏ may thức giấc bắt đền đêm đông
Ơ kìa... môi thắm má hồng
Mắt tình lúng liếng... mặn nồng mộng mơ...

Ơ kìa... dáng đẹp như thơ
Dương cầm thánh thót bến bờ yêu đương
Ơ kìa... ước được mười thương
Dìu em khắp nẻo con đường em qua

Ơ kìa... cau đã trổ hoa
Cơi trầu thắm ngõ... hoan ca duyên đời
Ơ kìa... rượu ngọt đôi môi
Sóng tình nghiêng ngả... nụ cười ngất ngây

Ơ kìa... trái đất đừng quay
Nụ hôn ngọt lịm... đắm say tình đời...
Ơ kìa... đã thắm duyên trời
Thuyền trăng cặp bến... rối bời trong nhau...

Ngọc Thanh 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Tiến Bình - tienbinh_nguyen@yahoo.com.vn - 01686711077 - Hà Nội  (Ngày 17/07/2015 20:03:18)


Ngọc Thanh ở ngành công an
Tâm hồn nồng cháy, lòng chan chứa tình!

Các bài khác: