Thứ hai, 16/09/2024,


Vai trò của ốp ở và chợ đối với sinh kế của người Việt tại Nga (06/02/2009) 

Đối với gần 100 ngàn người Việt đang làm ăn và sinh sống tại Liên bang Nga, ốp ở (ký túc xá) và chợ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Từ năm 1981, khi Chương trình Hợp tác Lao động giữa Liên Xô và Việt Nam được thực hiện, đã có hơn 200 ngàn công nhân Việt Nam làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy của các nước Cộng hoà trong Liên bang Xô Viết. Tất cả công nhân Việt Nam thời đó đều sống trong các ốp (từ rút gọn gọi theo chữ đầu của tiếng Nga)...

 

            Sau khi Liên Xô tan rã, mặc dù Hiệp định Lao động vẫn chưa kết thúc, nhưng do hầu hết các nhà máy đều đứng trước nguy cơ phá sản, không có khả năng trả lương cho công nhân, đại bộ phận công nhân Việt Nam hoặc về nước, hoặc ở lại vì lý do cá nhân. Số ở lại mưu sinh chủ yếu bằng việc kinh doanh hàng vải. Trong bối cảnh thiếu thốn của thời hậu Xô Viết, công việc kinh doanh ban đầu của người Việt Nam cực kỳ thuận lợi, coi như họ chiếm một trận địa bỏ không. Và khi đó, ốp ở của người Việt trở thành những căn cứ địa, đại bản doanh, tiền thân của những trung tâm thương mại.

Có ba hình thức, một là ốp ở như Xtuzen, Sài Gòn, Ốp Giầy, Rư băc; hai là vừa là ốp ở, vừa là chợ. Các ốp-chợ như Đôm 5 cũ, Nagor, Ốp Zin, Ốp Lốp, Búa liềm cũ và sau này là Đôm 5 mới, Búa liềm mới, Xôkôn, Xaliut 1, 2 ,5, Sông Hồng 1,3,5, Tôgi, An Đông; hoặc là chợ đơn thuần như Lion, Xaliut 3.

Ốp ở-chợ thường có từ năm bảy trăm tới hai ngàn người trú ngụ. Với một diện tích chừng 12 đến 16m2, một gia đình hoặc hai gia đình vừa ở vừa buôn bán. Ốp ở và ốp-chợ là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội Việt Nam. Trong các ốp đều có kênh truyền hình, báo chí, có các sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá. Sau gần một phần ba thập kỷ tồn tại, trong các ốp đã có tới ba thế hệ sinh sống.

 

  Chợ Cherkizov - người Việt quen gọi là Chợ Vòm vì có mái vòm che

 

Hình thức sống co cụm theo mô hình ốp là một sự chọn lựa rất hiệu quả đối với người Việt, tương đối phù hợp với thói quen, tập quán và hoàn cảnh hiện tại. Phải sống ở nước Nga vào đầu những năm 90, khi các băng đảng cướp bóc hoành hành, khi luật pháp Nga chưa ổn định, khi hàng hóa đang khan hiếm, khi cộng đồng người Việt còn ở dạng sơ khởi, mới thấy hết sự ưu việt của nó.

Cuối những năm 90 là những năm tương đối hưng thịnh của người Việt, giá nhà ở còn rất rẻ, việc buôn bán, làm ăn còn thuận lợi, tình hình an ninh đã khá lên đôi chút, mặc dù các vấn đề xã hội vẫn còn bức xúc. Lúc này, các ốp của người Việt vẫn tiếp tục được mở mang, đến đầu năm 2001, ở Matxcơva tính sơ qua đã có tới 16 ốp ở và chợ.

Trong khi ở các nước Âu Mỹ đều có luật về cư trú và quốc tịch rõ ràng cho người Việt cũng như những người nhập cư từ các nước khác, thì ở Nga, suốt một phần tư thế kỷ trôi qua, vẫn không có một quy chế và một văn bản luật nào tạo điều kiện cho việc hợp thức hoá người nước ngoài nhập cư. Những người Việt, từ những người mới sang cho đến những người đã sống trên hai chục năm có lẻ, vẫn phải đăng ký hộ khẩu theo từng năm một với hình thức đăng ký tạm trú. Người nước ngoài tại Mỹ, Pháp, Úc, Đức và gần đây là ở Séc..., nếu có năng lực, có thể trở thành thẩm phán, nghị sĩ, cảnh sát…, còn người Việt tại Nga thì đó là điều chưa thấy bao giờ. Có tới hơn 90% người Việt tại Nga đều mưu sinh bằng việc chạy chợ, dịch vụ và đánh hàng hoá; số còn lại là sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ công tác.

Nếu như 5 năm trở về trước, một nửa người Việt kinh doanh tại các ốp, thì bắt đầu từ cuối năm 2003, lần lượt các ốp Xaliut 2, Xaliut 3, Sông Hồng, Togi, Sài Gòn, Oxtankinô… bị đóng cửa, có khoảng 3/4 các doanh nhân rời ốp-chợ ra kinh doanh ở chợ Vòm. Do các ốp-chợ không được đầu tư nâng cấp, mô hình này đã trở nên không phù hợp với sự văn minh thương mại của nước sở tại, không đủ khả năng cạnh tranh với các siêu thị đang mọc lên như nấm ở Nga.

 

 

                     Cảnh dọn hàng ở 'ốp' Togi

 

Theo ước tính, có chừng 25.000 người Việt kinh doanh trực tiếp và gián tiếp ở chợ Vòm. Nằm ở phía Đông Bắc thành phố, gần các trục đường giao thông, trên một diện tích hơn 60 ha, chợ Vòm trở thành một chợ quốc tế, người Việt chiếm khoảng một phần sáu số hộ kinh doanh tại đây theo như thống kê của báo Nga. Có thể nói chợ Vòm đã giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận người Việt tại Nga. Từ chỗ 16 ốp, chợ, hiện tại ở Matxcơva chỉ còn tồn tại mỗi chợ Vòm và TTTM Emeral nữa, mặt bằng mưu sinh của người Việt đang bị thu hẹp lại.

Từ năm 2002, đã có một số thông tin về việc giải toả chợ Vòm do nhiều lý do khác nhau. Nhưng đến 14/11/2007, Thủ tướng Nga đưa ra quyết định về người nhập cư, sau đó Matxcơva có lệnh  chấm dứt hoạt động của chợ Vòm. Do nhiều lý do khác nhau, lệnh này đã được gia hạn thêm.

Trong giai đoạn khủng hoảng này, cộng đồng người Việt phải gánh chịu một thử thách rất lớn. Hàng vạn doanh gia đang làm ăn ở chợ đang phải đối mặt từng ngày với sự trượt giá. “Bần cùng sinh đạo tặc”, càng khó khăn thì càng nhiều vấn nạn nảy sinh, như nạn trộm cắp của những phần tử xấu người bản xứ, thanh niên thất nghiệp lang thang nhiều sẽ gây ra những sự xung đột với người nước ngoài với lý do là vì người nước ngoài chiếm mất việc làm của họ… Còn như sự chiếm dụng hàng hoá, không thanh toán tiền nợ, kiện tụng, hàng tồn kho không bán được và bao vấn đề an ninh khác… cũng là những vấn đề gay cấn xảy ra như cơm bữa. Và điều cơ bản là hàng ngàn người Việt đã phải rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là công nhân xưởng may và công nhân xây dựng.

      Từ đầu năm 2006 đến nay, giá thuê nhà ở Matxcơva tăng lên tới 3,2 lần theo lý thuyết, thực chất có những vị trí tăng lên tới năm lần. Khi các ốp người Việt bị đóng cửa, một số công ty của người Việt tìm cách khai thác thêm chỗ ở tại các khu ngoại giao, nhưng số lượng cũng có hạn, điều kiện khá ngặt nghèo. Tại các khu ngoại giao, vấn đề an ninh được đảm bảo, những tiện nghi thiết yếu như điện, nước, lò sưởi ấm và các dịch vụ viễn thông đều rất tốt. Do nhu cầu quá lớn, các công ty muốn có được một hợp đồng thuê mướn cũng phải đấu giá với các công ty của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… và phải chấp nhận với giá rất cao. Các khu ngoại giao đang và đã thay thế vai trò các ốp ở của người Việt trước đây. Những khu Đakutraev, Obolen, Leninxki, Rijxki, Timiriazevxki… thực sự là những ký túc xá lớn của người Việt. Các công ty thuê nhà của người Việt đã đóng vai trò như những chủ ốp, tổ chức chỗ ở cho người Việt. Hiện tại, giá nhà ở căn hộ một buồng tại Matxcơva khoảng 700 $ đến 1000 $, còn hai buồng đều từ 1200$ trở lên, nhưng người nước ngoài, đặc biệt là người Việt thuê được cũng là cả một vấn đề nan giải.

      Đánh giá đúng vai trò của những ốp, chợ người Việt tại Nga là để cho chúng ta có ý thức tự hiểu biết, nâng cao ý thức về văn hoá và văn hoá thương mại, tính sách kế lâu dài hoà nhập vào cuộc sống của nhân dân Nga, thực chất là tự bảo vệ mình, tạo ra sự ổn định cho công cuộc mưu sinh lâu dài trên đất bạn.

 

                                      Nguyễn Huy Hoàng (LB Nga)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: