Chủ nhật, 22/12/2024,


Hội thảo về bộ sách “Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút” (13/06/2015) 


   Sáng 11/06/2015, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam (số 9, Nguyễn Đình Chiểu) đã diễn ra Hội thảo về bộ sách “Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý I năm 2015).


   Đây là bộ sách gồm hai tập, chia làm hai mảng chính là văn xuôi và thơ, tập hợp những sáng tác ưng ý nhất của các nhà văn nữ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam do chính các nhà văn tự chọn và giới thiệu. Đặc biệt, in kèm với tiểu sử tác giả và tác phẩm là những bài viết, phê bình về chính tác giả, tác phẩm của những nhà nghiên cứu lý luận phê bình chuyên và không chuyên trên cả nước.

 

     Với 10 tham luận được viết công phu, cùng những ý kiến phát biểu, các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ đã đem đến hội thảo một không khí trao đổi ấm áp, thân tình. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng, trong tham luận “Văn chương mang gương mặt nữ” đã viết: Trong 35 năm cầm bút viết phê bình văn chương, tôi đã thực sự tri âm tri kỉ với phái đẹp, vì thế nhiều người cho rằng tôi “khuynh nữ”. Nhưng nếu khuynh nữ được thì càng tốt, có sao đâu. Viết về các nữ sĩ, tôi nghĩ, là để tôn vinh phái đẹp, những người nhẫn nại bồi đắp vẻ đẹp của đời, đã đành, đồng thời cũng là những người xây đắp vẻ đẹp văn chương nữ Việt Nam vốn có truyền thống lâu đời từ thời đại của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đến những tác giả thế kỉ hai mươi. Tôi thiển nghĩ, văn chương nữ, trong bản chất của nó, là nhằm xoa dịu và hơn thế thuần hóa những nỗi đau của kiếp người, là để nâng đỡ con người, là để chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. Và điều này là tối quan trọng: Văn chương nữ có cái khả năng giúp con người tìm lại được thế cân bằng trong tâm thế giữa một cõi trần lắm bể dâu. Và đôi khi là liệu pháp tinh thần cho những hoạn nạn cá nhân.”

 



 

 

     Cũng là “tôn vinh” phái đẹp, nhà thơ Y Phương lại có lối ví von gây sốc. Ông ví phái đẹp là “giống má”: Tôi vô cùng ngưỡng mộ phái đẹp. Nhưng đẹp không ăn được, chỉ no con mắt, không no bụng. Phải sống đã chứ. Vì thế, tôi gọi chị em là giống má. Đời người giống như trôi trên cánh đồng hoa màu, không có hoa màu chúng ta sẽ chết. Do đó, người Tày, Nùng chúng tôi trân trọng giống má, hạt giống sau vụ thu hoạch luôn được hong khô và bảo quản cẩn thận để giữ cho mùa sau no ấm.


   Nhà văn Văn Giá và các sinh viên khoa Viết văn – Báo chí – Đại học Văn Hóa Hà Nội đã tham dự hội thảo này. Theo nhà văn Văn Giá: Những nhận diện về số lượng, chất lượng, đóng góp của đội ngũ nhà văn nữ đã được đánh giá chu đáo tại hội thảo này. Tôi nghĩ, nhìn vào những đóng góp của nhà văn nữ ở nước ta, thì thời nào cũng có những đỉnh cao. Những năm chiến tranh, văn học nữ biểu hiện rõ rệt nhất của hiện tượng “mất phái tính”. Chỉ sau Đổi mới đến nay, các nhà văn nữ đã tự vận động, đổi mới và trở thành / trở lại những nhà văn mang đặc điểm nữ. Họ biểu đạt con người như là con người, họ biểu đạt người nữ như là người nữ, và cái tôi trong văn học nữ hôm nay là cái tôi đa diện, đa ngã.

 



  Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam


    Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì: Nhà văn nữ là ai? Họ là những người đã từ bỏ ngai vàng mẫu hệ để trở thành những cô tấm trong nhà. Có lẽ cống hiến lớn nhất của nhân loại chính là những người nữ từ bỏ ngai vàng mẫu hệ, và văn học nữ ám ảnh, tiếc nuối thời vàng son mẫu hệ đã mất. Nhưng đó là con đường tất yếu của lịch sử nhân loại.


     Nói về các nhà văn nữ của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Nhà văn nữ chỉ chiếm 20% hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lại chiếm 50% đóng góp cho nền văn học nước nhà. Vì họ đứng ở nửa thế giới để nhìn một nửa còn lại.
Ông cũng nói: Ban Nhà văn nữ là một trong những ban hoạt động hiệu quả nhất Hội Nhà văn Việt Nam, và nhiệm kỳ IX của Hội, Ban Nhà văn nữ phải được củng cố vị thế.

 



Nhà văn Lê Thị Bích Hồng


     Dự kiến, tháng 10/2015, nhân dịp kỉ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cuốn thứ 3 của bộ sách “Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút” sẽ chính thức ra mắt đồng nghiệp và độc giả trên cả nước.


     Hội thảo về bộ sách “Phái đẹp – Cuộc đời & Cây bút” đã đón nhận sự tham dự của đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, các bạn sinh viên trường Đại học Văn Hóa Hà Nội và rất đông các nhà văn nữ hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội và các khu vực lân cận. Theo mong muốn của các nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam, thì sau khi cuốn sách thứ 3 của bộ sách ra mắt, sẽ lại có một cuộc hội thảo về bộ sách này ở khu vực phía Nam.


Nguồn VanVN.Net

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: