Chủ nhật, 22/12/2024,


Suất cháo dinh dưỡng - Truyện ngắn-của Phan Văn Hòa (27/05/2015) 


  Cửa hàng bán cháo dinh dưỡng "Mai Hoa" mở tại vị trí trung tâm một quận nội thành hôm nay đông khách hơn mọi ngày. Thực đơn bao gồm thịt, cá, rau, quả ...đã nghiền nhỏ và có định lượng được đóng sẵn trong những hộp nhựa rất tiện lợi cho các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ. Suất cháo đã có đủ thành phần dinh dưỡng, khách mua về chỉ việc san ra bát là có thể cho bé ăn ngay, bảng đơn giá thấy cũng vừa phải. Cụ thể như sau: đặc sản cá, tôm, sò, cua biển hoặc chim bồ câu, gà ác...giá : 25.000 đồng; thịt bò, lươn, ếch...giá : 20.000 đồng; chỉ có món thịt lợn say giá bình dân : 15.000đồng, là được tiêu thụ nhiều hơn cả.

   

   Hàng tươi sống chế biến tại công ty, thời hạn sử dụng trong ngày, đóng thành từng kiện chở xuống hệ thống chi nhánh bán hàng trong khắp thành phố. Sản phẩm đã được cơ quan kiểm định công nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối ngày hàng tồn ế không tiêu thụ hết thì trở lại công ty tận thu để gia súc...
    Cơ chế thị trường "tiền nào của nấy", ai chọn loại gì, bao nhiêu?, chỉ cần xướng lên là "tiền trao cháo múc". Khách vào mua hàng, có chỗ giữ xe không mất tiền, dịch vụ xem ra thật chu đáo.
    Trên mặt kính cửa còn có thông báo, nếu ai có nhu cầu đặt mua theo quí theo tháng thì cũng sẽ được nhân viên lưu động của công ty đưa cháo đến tận nhà, tiền bạc theo thoả thuận giữa hai bên...!
Phương châm phục vụ của cửa hàng được quảng cáo: "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", hàng khẩu hiệu nổi bật được treo cao trước lối ra vào trông rất bay bướm. Ngoài ra còn có một dòng chữ in nghiêng trên tường lưu ý khách hàng : " Quí vị nếu có vướng mắc gì, xin liên hệ với công ty theo số máy 04...hoặc trao đổi qua hộp thư điện tử của công ty: CTMAIHOA@GMAIL.COM...,thì chỉ sau ít phút, chúng tôi sẽ giải quyết triệt để mọi yêu cầu phản ảnh của quý khách ...".
Hình như cửa hàng còn bố trí cả hệ thống CAMERA theo dõi thái độ phục vụ của nhân viên và quản lý hàng...

 

   *. *. *.

     

     Cô nhân viên bán hàng trẻ trung tươi tắn đeo tạp giề trắng có thêu bông mai vàng viền chỉ hồng trông thật duyên dáng. Miệng cô nói tay cô làm, thoăn thoắt nhịp nhàng giao hàng cho khách và nhận tiền theo biển niêm yết giá. Ai cần nấu chín đem về cho trẻ ăn ngay thì chờ cô thi công trên bếp ga tại chỗ. Ai thích mang về tự nấu hoặc để dự trữ buổi chiều thì nhận hộp nhựa đã chế biến sẵn, cùng hộp cháo đặc và hộp rau quả nghiền nhỏ kèm theo...Ai muốn say nhuyễn thành bột cho trẻ tập ăn thì đã có máy quay điện mi ni chạy rèn rẹt, chờ một phút là có thể nhận ngay sản phẩm bốc khói nóng hổi, mùi nước mắm toả hương vị đậm đà...
 

    ...Một bà già dáng vẻ nhà quê đang thập thò ở ngoài cửa, chờ đến khi vãn khách mới bẽn lẽn ướm hỏi mua một suất cháo cho cháu, có lẽ bà ta là người vùng Xứ Đoài nên giọng nói lạc dấu, đặc chất địa phương thánh thót như tiếng chim :
- Cô làm ơn bán cho tôi một suất cháo thịt lợn say, mười ngàn!
- Ở đây cháu chỉ được phép bán hàng theo đơn giá do công ty quy định, mức thấp nhất đã là mười năm ngàn rồi bà ạ!- cô gái ôn tồn trả lời.
     - Tôi chỉ mang theo trong mình có đúng mười ngàn! Ở quê tôi cũng có hàng bán cháo cho trẻ ăn dặm, giá chỉ có năm, sáu ngàn đồng! Tôi nghĩ ngoài này cao gấp đôi là cùng!...?- Bà khách ngập ngừng bày tỏ.

   

     ... Cô gái tạm dừng quấy cháo, nhấc máy điện thoại treo tường liên hệ xin ý kiến chủ hàng. Đầu máy bên kia trả lời là cứ làm đúng nguyên tắc, nhất quyết không được giảm giá - Điện thoại để ở chế độ mở loa ngoài (MIC-SP-PHONE ) nên nghe rất rõ cả tiếng người hỏi và tiếng người trả lời. Nội dung cú trả lời đại để như sau:

 

    - ...Công ty không phải là nhà tế bần! Phải lấy lợi nhuận làm mục đích kinh doanh . Ai cũng xin giảm giá thì công ty sẽ bị phá sản, không nể nang gì hết, chuyện giảm nghèo xoá đói cho thiên hạ, đã có Nhà nước lo!...- Lời trì triết vọng qua loa khiến cho người nghe trở lên thất vọng, ngược hẳn với tiêu chí mà người ta trưng trên biển hiệu nhằm lôi kéo khách hàng.
Cô gái đặt máy điện thoại, mặt đỏ bừng vì xấu hổ rồi quay ra phân trần với khách hàng cũng đang thẫn thờ không kém:
    - Đấy, bà đã nghe rõ sếp của cháu trả lời rồi nhé! Cháu chỉ có thể linh động tăng thêm một chút cháo chứ suất thức ăn đã đóng trong hộp không thể san sẻ được như hàng tự chế ở quê mình đâu bà ạ! Cháu mà làm sai quy định thì lập tức sẽ bị công ty cho nghỉ việc và bị phạt toàn bộ số tiền đặt cọc khi làm hợp đồng lao động cháu đã cam kết với họ- Cô bán hàng nhẹ nhàng giải thích cho khách hàng hiểu rõ cơ chế ràng buộc giữa người làm thuê với chủ cửa hàng...
     - Khổ quá! Cháu nội tôi mới được năm tháng tuổi, nó bị viêm phổi khó thở phải cấp cứu bệnh viện gấp. Mẹ cháu lo lắng quá đâm ra đột ngột mất sữa, từ tối qua cháu tôi chưa có gì vào bụng, cô làm phúc gia giảm bán cho tôi một suất- Bà nông dân năn nỉ thêm vài nhời tuyệt vọng.
      - Vâng ạ, thế thì cháu xin ứng tiền bán chịu cho bà, mai bà trả sau cũng được! ...Ngày hôm qua mưa gió, ít người mua cháo, cháu đã bị chịu phạt mất năm chục ngàn vì không bán đủ mức doanh thu theo quy định. Cháu cũng chỉ là sinh viên tranh thủ đi làm thêm ngoài giờ học để thêm thắt thuê nhà trọ. Mỗi ca làm việc, tiền công họ trả cho cháu cũng chỉ tương đương bằng ba suất cháo...Thôi thì "bầu ơi thương lấy bí cùng" bà nhé!- Giọng cô bán hàng chùng hẳn xuống, nét nhân hậu thể hiện trong ánh mắt dịu hiền ngước nhìn bà già rầu rĩ.
      - Cám ơn tấm lòng của cô nhiều lắm! Nhưng thôi, tôi cũng không mua cháo nữa vì chưa chắc ngày mai tôi đã quay lại đây để hoàn lại tiền được cho cô, tôi về nhà trọ nấu cơm rồi gạn nước hồ pha thêm tí đường cho cháu tôi uống tạm. Nếu chỉ vì thương bà cháu tôi mà cô bị phạt tiền và mất việc làm thì tôi sao lỡ cho đành!- Bà khách buông lời rồi tất tả đội nón bước ra, nước mắt giàn giụa.

 

   

     Cô gái tỏ ra băn khoăn, ngấn lệ cô cũng trào ra trên khuôn mặt trái xoan thanh tú, làm nhạt nhoà chút son phấn buộc phải trang điểm mỗi khi đứng trước khách hàng. Cô nâng dải vạt tạp giề thấm nước mắt rồi nghẹn ngào níu gọi:
- Này bà ơi! Cháu xin biếu bà suất cháo này, bà hãy nhanh đưa về cho cháu bé ăn kẻo tội nghiệp...Giọng nói cô bán hàng bỗng nghẹn lại khi hiểu được tình thế khó xử của người mua cháo, có lẽ cô đang nghĩ tới hình ảnh mẹ cô ở quê nhà cũng chật vật túng thiếu có khác gì bà khách hàng đang hiện hữu trước mặt cô đây.
    Cô cấp tốc chế biến suất cháo 20.000 đồng, rồi vội vàng nồng vào túi ny lông đưa cho người nông dân với nỗi xót thương người cùng cảnh ngộ.
    Hai người một già một trẻ cứ đưa đẩy nhau suất cháo tình nghĩa. Người nông dân thì cố dúi trả số tiền ít ỏi mang theo, cô gái thì dứt khoát không chịu nhận, một mực xin giúp bà mang về đỡ đần thêm cho cháu bé.

 

  *. *. *.

 

   Thời điểm hai người phụ nữ đang đối thoại với nhau thì trong cửa hàng đã xuất hiện một người Thương binh già, cũng là khách hàng đi mua cháo cho cháu. Ông mặc bộ quân phục màu xanh sờn vai đã phai bạc. Mắt ông cũng đỏ hoe dớm lệ vì vừa được chứng kiến hành vi của hai người. Ông rút vội tờ hai mươi ngàn đưa cho cô bán hàng và chậm dãi bày tỏ nguyện vọng:
   - Tôi thành thật xin được có ý kiến thế này!...Tôi còn có lương hưu nên cũng ít khó khăn hơn, hãy ưu tiên để cho tôi được trả tiền suất cháo này nhé!
     Lời nói chân tình của ông đã thuyết phục được bà nông dân và cô gái trẻ, giải toả được tình huống ai cũng muốn nhường nhịn phần hơn cho người khác...
      Sau giây phút ngỡ ngàng cảm động là những lời cám ơn quý hoá lạy giời lạy phật của bà nông dân đôn hậu lần đầu ra tỉnh cùng cô sinh viên nghèo khó nhưng thánh thiện, người cựu binh xua tay đáp từ cử chỉ hàm ơn bằng câu nói cửa miệng quen thuộc: "Không có gì, không có gì!". Sau đó ông mua tiếp suất cháo cho cháu mình rồi cũng vội vã rời cửa hàng.

 

*. *. *.

 

   ... Ngoài vỉa hè gió se lạnh, người chở xe ôm vẫn choãi chân chèo chống chiếc xe máy cà tàng từ đời "kim vàng giọt lệ", kiên nhẫn chờ đợi ông cựu binh. Anh ta vừa từ chối một khách hàng cuốc xe chở ra ngoại ô thành phố bằng một khoản tiền đáng kể so với mức bình thường.
      Người cựu binh đã trả tiền công chuyến chở đi từ đầu bến, còn chuyến về ông đành xin lỗi thịnh tình chờ đợi của người chở xe ôm để đi bộ ( với lý do vì không mang theo khoản tiền dự phòng).
      Anh xe ôm nổ máy xe dong duổi theo người cựu binh bằng một thái độ hết sức thiện chí, lúc đứng ngoài hành lang chờ khách, anh đã nghe hết sự thể câu chuyện trong hàng cháo và phần nào đoán được tâm trạng của người lính già, giọng nói của anh khẩn khoản như con làm nũng bố:
     - Bác ơi! Mời bác cứ lên xe để cháu đưa bác về nhà, khi nào gặp trả cháu sau cũng được! Cứ coi như tiện thể cháu đưa bác về cùng một chặng đường, bác giúp người khác được thì sao lại từ chối cháu? bố cháu cũng có một thời đi bộ đội ...- Rồi anh ta chống xe chắn ngang đường mời mọc ông lính già lên xe, trông đến tội nghiệp...
      - Cháu đã có lòng tốt thì bác xin cám ơn! Nhờ cháu đưa giúp bà lão kia kịp mang suất cháo cho cháu bé trong bệnh viện có được không?- Người cựu binh chỉ tay về hướng bà nông dân vừa hớt hải bước chân ra khỏi cửa hàng "Mai Hoa" áng chừng mới được khoảng mươi mét.
      - Thế thì bác chịu khó đi bộ vậy nhé! Cháu xin chào và hẹn gặp lại bác sau vậy!
     Dứt lời, người lái xe quay đầu tăng ga đuổi theo bà nông dân đang tất tả đi như chạy để kịp thời đưa suất cháo còn nóng hổi cho cháu bé...Tất cả bốn người đều không ai biết tên và địa chỉ của nhau...
     Cô gái cũng vừa hết ca trực, vội cởi bộ tạp giề bán hàng, khoác chiếc áo sinh viên có gắn tên S.V trường KTQD trên mình. Cô bước ra khỏi chi nhánh Mai Hoa để nhường chỗ cho một bạn sinh viên khác cũng vừa tan trường vào trực ca bán hàng buổi chiều.
     

    Bóng mọi người hoà chung vào dòng chảy đời thường, phố xá tấp lập người xe qua lại. /.

 

Tháng 5- 2015
PHAN VĂN HOÀ
SĐT: 0913309685 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: