Bìa sách chuyển ngữ thơ chữ Hán cùa Bác: “HỒ CHÍ MINH VÀ 125 KHÚC TRÁNG CA”
NGUYỄN ĐÌNH TRỌNG - MỘT TẤM LÒNG THÀNH KÍNH
SÁNG TRONG - MỘT VIỆC LÀM ĐỘC ĐÁO, DŨNG CẢM.
Ngục trung nhật ký là một tác phẩm văn học bằng chữ Hán của chủ tich Hồ Chí Minh viết từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943. Dưới dạng một Nhật ký, Bác Hồ đã viết 133 bài thơ với 2.700 chữ, trong đó có 125 bài tứ tuyệt, 8 bài bằng các thể loại khác như Ngũ ngôn, Thất ngôn bát cú, Tứ tuyệt liên hoàn. Bác sử dụng các thể thơ một cách nhuần nhuyễn, câu thơ được kết hợp nhịp nhàng âm điệu, đảm bảo vần luật chỉn chu mà ý tứ bài thơ vẫn đảm bảo.
Bằng nhiều công trình nghiên cứu, các nhà học giả đã phân tích, tiếp cận Ngục trung nhật ký ở nhiều góc độ khác nhau với những cách thức khác nhau để tìm hiểu, khám phá cái hay cái đẹp, cái độc đáo trong thơ chữ Hán của Bác. Từ năm 1960, tác phẩm Ngục trung nhật ký được dịch ra tiếng Việt, được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu rộng rãi trong nước và nhiều nước trên thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá Ngục trung nhật ký là một tác phẩm quan trọng, có giá trị lớn về Lịch sử và Văn học, là tài sản vô giá của dân tộc. Khẳng định những đóng góp to lớn của Ngục trung nhật ký trong kho tàng thơ ca Việt Nam, rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hiện tại. Tất cả đều chung một nhận định: Tập thơ Ngục trung nhật ký bất hủ mãi cùng năm tháng. Ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tác phẩm "Ngục trung nhật ký". Để đưa Ngục trung nhật ký lên một vị trí cao như vậy có công lao đóng góp không nhỏ của đội ngũ hùng hậu các dịch giả và các nhà thơ.
Văn thơ chữ Hán của Việt Nam đã có từ lâu. Cho đến nay một khối lượng thơ chữ Hán đồ sộ vẫn được lưu giữ. Tuy nhiên số lượng người thích thơ chữ Hán vẫn còn ở mức khiêm tốn so với giá trị thực của nó, phần đa nằm ở tầng lớp trí thức, những người ít nhiều có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán. Số lượng người thích đọc thơ chữ Hán thực sự chỉ tăng lên đáng kể sau khi được "dịch Thơ" đưa Hán ngữ về Việt ngữ. Dịch thơ phải trải qua nhiều công đoạn: Từ Nguyên bản - Dịch chữ, Dịch nghĩa (kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng) dịch ý và dịch thơ. Dịch thơ là phần tương đối " thoải mái", chưa bao giờ thấy có sự quy định nào về thể loại ứng dụng. Nhưng phổ biến, phần đa người ta chỉ cố gắng đảm bảo cho thật đúng phần nghĩa của câu chữ và ý của tác giả, còn vận dụng cho thích hợp, chọn thể loại nào là tùy ở người dịch. Điều này thường thấy nhất là với dịch Thơ nước ngoài. Riêng dịch thơ có nguyên bản chữ Hán thì vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều phổ biến dùng thể Thất ngôn, Tứ tuyệt nên khi dịch thơ có nguồn gốc từ chữ Hán các dịch giả một mặt phải nắm bắt được tinh túy ngôn ngữ văn chương tiếng Hán, mặt khác phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, trật tự âm điệu và cuối cùng, phải phù hợp với ý chí, tình cảm của người Việt Nam. Chính vì vậy các dịch giả khi dịch thơ thường có xu hướng cố gắng vận dụng thể loại gốc từ nguyên bản để tận dụng và thể hiện tối đa cả phần Nghĩa, ý và khẩu khí cũng như nhịp điệu, luật thơ. Nhiều người còn chú trọng đảm bảo cả phần Ngữ âm trong nguyên tác nữa.
Ở Việt Nam, thể thơ lục bát được coi là thể thơ truyền thống của dân tộc. Hầu hết các nhà thơ Việt Nam trong suốt quá trình sáng tác của mình đều ít nhiều vận dụng thể thơ lục bát, thậm chí có người suốt đời chỉ làm thơ lục bát, không dùng bất cứ một thể loại nào khác. Các nhà thơ Việt Nam cũng có nhiều người làm thơ ca ngợi Bác. Rất nhiều các nhà thơ Việt Nam khi viết về Bác, phần đa đều đã dùng thể thơ truyền thống lục bát của dân tộc. Nguyễn Đình Trọng cũng là người làm thơ và tỏ ra khá thành thạo, đã gặt hái được một số thành công với thể thơ lục bát. Có lẽ xuất phát từ thực tế đó nhà thơ Nguyễn Đình Trọng đã nảy ra ý tưởng độc đáo mạnh dạn dùng thế mạnh này của mình dịch và chuyển 125 bài thơ của Bác, những bài chủ yếu và phổ biến nhất trong Ngục trung nhật ký dưới dạng những bài thơ lục bát và ông gọi đó là " 125 khúc tráng ca". Chưa có ai "dám" làm việc này vì thế Nguyễn Đình Trọng có thể coi là người dũng cảm, chí ít cũng là người " dám khác". Khoan hẵng nói đến chất lượng các bản dịch chỉ xin nói đến chủ đích và tấm lòng của Nguyễn Đình Trọng.
Nguyễn Đình Trọng có thời gian dài, gần như hầu hết tuổi thanh xuân để đứng trong hàng ngũ của những người lính cụ Hồ. Bốn mươi tuổi rời quân ngũ, từ chiến trường biên giới Campuchia, năm 1983 người lính ấy trở về, gia tài chỉ là vô số kỉ niệm về những ngày cùng đồng đội sát cánh bên nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Đảng và Bác giao phó. Ông đã ghi những kỉ niệm ấy thành thơ. Hai năm 2012 và 2014 hai tập thơ Ngẫu hứng lục bát và Ở Phía mặt trời lặn đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt công chúng. Đó là hai tập thơ mang đầy cảm xúc của Nguyễn Đình Trọng với tình yêu cuộc sống và tấm lòng của ông đối với đồng đội, bạn bè. Nổi trội trong tập thơ là tình cảm đối với quê hương, tổ quốc và hơn nữa, với Đảng, với Bác Hồ. Bây giờ, tình yêu ấy vẫn sáng trong và lại một lần nữa được Nguyễn Đình Trọng thể hiện bằng việc chuyển thơ Bác trong Ngục trung nhật ký thành thơ lục bát. Có thể có ai đó sẽ không đồng tình khi cho rằng làm như thế sẽ phá vỡ hơi văn, nhịp điệu gốc trong thơ Bác. Nhưng nhà thơ Nguyễn Đình Trọng vẫn dũng cảm dấn thân. Chuyển thơ Bác về dạng thơ truyền thống của dân tộc là ông muốn thể hiện sự tôn kính, tình cảm yêu Bác thiết tha cũng như sự tri ân của mình với Bác. Mặt khác với ông, điều quan trọng nữa là làm thế nào để đưa thơ Bác đến được với nhiều người dân Việt hơn bằng thể thơ lục bát vốn dễ nhớ, dễ đọc, dễ ngâm vịnh, dễ hiểu.
Mặc dù đã từng được sang Trung Quốc học và qua đó có được một số vốn cơ bản về chữ Hán song khi làm việc chuyển dịch thơ Bác, tác giả Nguyễn Đình Trọng cũng đã tham khảo nhiều các bản dịch rất hay của những người đi trước nên bên cạnh việc kiểm dịch ông dành nhiều thời gian hơn cho việc chuyển thể loại. Tuy nhiên để làm được điều đó cũng không phải là dễ. Thơ lục bát có niêm luật, quy định về vần luật rất khắt khe. Ngay cả khi đã có được vần luật thì hơi thơ, nhịp điệu trong thơ lục bát cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Hãy nhớ lại những bài ca dao, những lời ru của mẹ ta xưa, nó mượt mà, dịu êm, uyển chuyển, đẹp và quyến rũ đến chừng nào. Nhà thơ Nguyễn Đình Trọng chắc hẳn rất biết điều đó và cũng rất biết đó là thử thách lớn đối với ông.
Bác Hồ sinh thời vốn rất giản dị, giản dị trong tác phong sinh hoạt hàng ngày tới lời nói với dân, tất cả đều gần gụi, dễ hiểu. Chính vì lẽ đó tác giả Nguyễn Đình Trọng xác định cũng phải dùng những từ ngữ, hình ảnh thật giản dị dễ hiểu để dịch và chuyển thơ Bác. Cũng chưa thể nói những bản dịch và chuyển thơ của Nguyễn Đình Trọng là đã tuyệt đối chuẩn xác, đảm bảo đạt tới trình độ cao khi áp dụng thể thơ lục bát khi chuyển thể thơ Bác . Sẽ có những chỗ có thể chưa thật sát nghĩa, có những chỗ do bị ràng buộc bởi vần điệu mà có những từ, những câu chữ còn khiên cưỡng. Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận ông đã truyền tải được những ý chính, những tư tưởng cơ bản - một việc gần như bắt buộc với bất cứ ai - khi dịch thơ Bác. Chỉ riêng việc đó cũng đã phải trân trọng việc làm của ông.
Chuyển dịch những bài thơ của Bác viết trong Ngục trung nhật ký dưới dạng thơ lục bát - Chắc không ai nghĩ Nguyễn Đình Trọng làm điều này là để mong nổi danh, mong được nhìn nhận là người đặc biệt hay khoe tài. Ông làm điều này với xuất phát điểm đầu tiên là để tỏ lòng tôn kính đặc biệt với Bác nhân kỉ niệm 125 năm ngày sinh của Người. Được biết khi làm công việc dịch thơ Bác bằng lục bát, Nguyễn Đình Trọng đang trong tình cảnh bị bệnh hiểm nghèo. Nhưng bệnh tật không làm nhụt ý chí, không cản trở đến công việc của ông. Có thể trong những ngày qua ông cũng đã học tập và noi theo tấm gương quên mình của Bác, dù thân thể trong hoàn cảnh nào thì tinh thần vẫn phải được giải phóng, thanh thoát, phải kiên định để làm việc lớn.
Và ông đã làm được điều Lớn đó. Xin chúc mừng ông!
Tp. HCM, tháng 5 năm 2015
Nhà văn Nhật Huy
Xin giới thiệu một số bài trong tập chuyển ngữ thơ chữ Hán của Bác “Hồ Chí Minh và 125 khúc tráng ca” của tác giả Nguyễn Đình Trọng:
BÀI 1
無 題
身 体 在 獄 中
精 神 在 獄 外
欲 成 大 事 業
精 神 更 要 大
VÔ ĐỀ
Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại
DỊCH NGHĨA
Thân thể ở trong ngục
Tinh thần ở ngoài ngục
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng cần cao.
KHÔNG ĐỀ
Thân thể tuy ở trong lao
Tinh thần yêu nước chí cao bên ngoài
Muốn nên sự nghiệp lâu dài
Tinh thần càng phải bền dai hơn nhiều.
----------
BÀI 2
開 卷
老 夫 原 不 愛 吟 詩
因 為 囚 中 無 所 為
聊 借 吟 詩 消 永 日
且 吟 且 待 自 由 時
KHAI QUYỂN
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì.
DỊCH NGHĨA
Già này vốn không thích ngâm thơ
Nhân vì trong ngục không có gì làm
Mượn việc ngâm thơ cho qua ngày
Vừa ngâm vừa đợi ngày tự do.
KHAI BÚT
Ta nay chẳng thích ngâm thơ
Nhân vì trong ngục thời giờ rảnh rang
Ngâm cho khuây khoả thời gian
Đợi cho ngày được hoàn toàn tự do.
------------
BÀI 3
在 足 榮 街 被 扣 留
足 榮 卻 使 余 蒙 辱
故 意 遲 延 我 去 程
間 諜 嫌 疑 空 捏 造
把 人 名 譽 白 犧 牲
TẠI TÚC VINH NHAI BỊ KHẤU LƯU
Túc Vinh khước sử dư mông nhục
Cố ý trì diên ngã khứ trình
Gián điệp hiềm nghi không niết tạo
Bả nhân danh dự bạch hy sinh.
DỊCH NGHĨA
Phố Túc Vinh mà khiến ta mang nhục
Cố ý làm chậm trễ hành trình của ta
Bày đặt ra trò tình nghi là gián điệp
Không dưng làm mất danh dự của người.
BỊ BẮT GIỮ Ở PHỐ TÚC VINH
Túc Vinh nhục chứ chẳng vinh
Đã làm chậm trễ hành trình của ta
Đem trò gián điệp bày ra
Tổn thương danh dự xót xa cho người.
----------
BÀI 4
入 靖 西 縣 獄
獄 中 舊 犯 迎 新 犯
天 上 晴 雲 逐 雨 雲
晴 雨 浮 雲 飛 去 了
獄 中 留 住 自 由 人
NHẬP TĨNH TÂY HUYỆN NGỤC
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm
Thiên thượng tinh vân trục vũ vân
Tinh vũ phù vân phi khứ liễu
Ngục trung lưu trú tự do nhân.
DỊCH NGHĨA
Trong ngục tù cũ đón tù mới
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa
Mây tạnh mây mưa bay đi hết
Chỉ còn lại người tự do trong tù.
VÀO NHÀ NGỤC HUYỆN TĨNH TÂY
Trong lao tù phạm đón đưa
Trên trời, mây tạnh mây mưa đổi dời
Mây mưa mây tạnh bay rồi
Trong tù còn lại là người tự do.
----------
BÀI 5-6-7
世 路 難
一
走 遍 高 山 與 峻 岩
那 知 平 路 更 難 堪
高 山 遇 虎 終 無 恙
平 路 逢 人 卻 被 監
一
余 原 代 表 越 南 民
擬 到 中 華 見 要 人
無 奈 風 波 平 地 起
送 余 入 獄 作 嘉 賓
三
忠 誠 我 本 無 心 疚
卻 被 嫌 疑 做 漢 奸
處 世 原 來 非 易 易
而 今 處 世 更 難 難
THẾ LỘ NAN
I.
Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham
Na tri bình lộ canh nan kham
Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng
Bình lộ phùng nhân khước bị giam.
II.
Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân
Vô nại phong ba bình địa khởi
Tống dư nhập ngục tác gia tân
III.
Trung thành ngã bản vô tâm cứu
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
Xử thế nguyên lai phi dị dị
Nhi kim xử thế cánh nan nan.
DỊCH NGHĨA
I.
Đi khắp non cao và núi hiểm
Ngờ đâu dường phẳng lại khó qua
Núi cao gặp hổ cuối cùng không việc gì
Đường phẳng gặp người lại bị bắt giam.
II.
Ta vốn là đại biểu dân Việt Nam
Định đến Trung Hoa gặp nhân vật trọng yếu
Không dưng đất bằng nồi sóng gió
Đưa ta vào làm “khách quý” trong tù.
III.
Lòng ta ngay thẳng trung thành
Thế mà bị tình ngi là Hán gian
Việc xử thế không phải là dễ
Mà lúc này xử thế càng khó khăn hơn.
ĐƯỜNG ĐỜI HIỂM TRỞ
I.
Đi khắp núi hiểm rừng xa
Ngờ đâu đường chẳng thể qua dễ dàng
Núi cao gặp hổ vẫn sang
Đường phẳng liền bị bắt giam vô tù.
II.
Ta là đại biểu Việt Nam
Đến Trung Hoa để hội đàm yếu nhân
Không dưng sóng gió đất bằng
Được làm “khách quý” bị giam vào tù.
III.
Lòng ta ngay thẳng thật thà
Thế mà lại bị nghi là Hán gian
Việc đời vốn chẳng dễ dàng
Lúc này xử thế lại càng khó khăn.
----------
BÀI 8
午
獄 中 午 睡 真 舒 服
一 睡 昏 昏 幾 句 鐘
夢 見 乘 龍 天 上 去
醒 時 才 覺 臥 籠 中
NGỌ
Ngục trung ngọ thụy chân thư phục
Nhất thụy hôn hôn kỷ cú chung
Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ
Tỉnh thời tài giác ngọa lung trung.
DỊCH NGHĨA
Trong lao giấc ngủ trưa thật khoan khoái
Một giấc say sưa mấy tiếng đồng hồ
Mơ thấy cưỡi rồng bay trên trời
Tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong lao.
BUỔI TRƯA
Trong lao ngủ đến say sưa
Miên man một giấc ngủ trưa mấy giờ
Thấy cưỡi rồng bay lững lờ
Tỉnh ra mới biết đang mơ trong tù.
----------
BÀI 9
晚
晚 餐 吃 了 日 西 沉
處 處 山 歌 與 樂 音
幽 暗 靖 西 禁 閉 室
忽 成 美 術 小 翰 林
VÃN
Vãn xan ngật liễu nhật tây trầm
Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.
DỊCH NGHĨA
Ăn cơm chiều xong mặt trời đã lặn về tây
Khắp nơi rộn tiếng ca và tiếng nhạc
Nhà ngục u ám Tĩnh Tây cấm cửa ngục
Bỗng thành viện mỹ thuật tiểu hàn lâm.
CHIỀU TỐI
Cơm xong trời đã về chiều
Nơi nơi tiếng nhạc, dập dìu lời ca
Tĩnh Tây u ám bóng tà
Bỗng thành mỹ thuật tiểu tòa hàn lâm.
----------
BÀI 10
囚 糧
每 餐 一 碗 紅 米 飯
無 鹽 無 菜 又 無 湯
有 人 送 飯 吃 得 飽
沒 人 送 飯 喊 爺 娘
TÙ LƯƠNG
Mỗi xan nhất uyển hồng mễ phạn
Vô diêm vô thái hựu vô thang
Hữu nhân tống phạn ngật đắc bão
Một nhân tống phạn hám da nương.
DỊCH NGĨA
Mỗi bữa một bát cơm gạo đỏ
Không muối không rau cũng chẳng canh
Có người đem cơm ăn được no
Không người đem cơm đói kêu cha mẹ.
CƠM TÙ
Mỗi bữa một bát cơm tù
Không rau, canh, muối mặc dù như cho
Có người đưa cơm, được no
Không người đem đến, đói hò mẹ cha.
huy ba - vntp2012@gmail.com - 0919534680 - tuy phong, bình thuận
(Ngày 20/05/2015 12:09:11)
Kính chào quí anh chị
Đào Xuân Xuyên - xuyen9610446@yahoo.com.vn - 0439610446 - Dục Tú - Đông Anh - Hà Nội
(Ngày 18/05/2015 9:19:59)
Thân gửi anh Nguyễn Đình Trọng! Được biết anh từ ngày anh còn trong Ban biên tập của Lucbat.VN và anh cũng đã nhớ đến tôi qua bài thơ "Tiếng em" và "Giếng làng", tôi cũng nhớ đến anh có địa chỉ Email "Tucchip@vnn.vn" và đặc biệt bài thơ dài "Lục bát tình" anh đã kết nối từ 132 tác giả hồi tháng 9 năm 2009 thật độc đáo. Hôm nay được đọc bài viết NGUYỄN ĐÌNH TRỌNG - MỘT TẤM LÒNG THÀNH KÍNH |