Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Trại sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính với sự tham gia của các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Quang Hưng, Phạm Vân Anh, Đinh Công Thủy, Du An, Thụy Anh, Chung Tiến Lực, Trần Thành, Du Nguyên, Nguyễn Thị Kim Nhung (thơ), Văn Chinh, Phong Điệp, Kiều Bích Hậu (văn) tại Nhà sáng tác Đại Lải - Vĩnh Phúc... Trại sáng tác mùa xuân 2015 mở ra nhằm hỗ trợ cho cuộc thi thơ trên Văn nghệ Quân đội kéo dài suốt hai năm từ đầu năm, nay đến tháng 1 năm 2017. Bài viết này cũng chỉ ghi lại mấy cảm nhận ban đầu của tôi về thơ của các trại viên.
Cuộc thi không bó buộc vào đề tài, phong cách nào nhưng như mọi lần trước, Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn phải ưu tiên đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Đây quả là một thách thức không nhỏ với những người tổ chức và tham dự cuộc thi vì trong quá khứ đã có nhiều tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài này. Phần lớn, các tác giả tham gia trại viết chưa nếm trải chiến tranh hay không gắn bó, trưởng thành trong quân đội. Tuy vậy, đề tài chiến tranh và người lính hình như vẫn chưa được khai thác hết cả bề rộng lẫn chiều sâu, cả phần anh hùng lẫn bi thương của quá khứ và những thôi thúc của hiện tại xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Cảm hứng viết về chiến tranh cách mạng và người lính tuy không còn là phần chủ đạo của văn học đương đại và cũng không “thời thượng” nhưng nó vẫn được nuôi dưỡng, nảy nở trong một bộ phận không nhỏ người cầm bút. Viết về chiến tranh và người lính cũng là cách lí giải sâu hơn, đúng hơn và công bằng hơn về lịch sử, về những giá trị cao cả đã được làm nên bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ dựng nước và giữ nước. Năng lượng tạo ra cho công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước hôm nay, đôi khi lại được khởi phát từ những trang viết về người lính, cho người lính, vì người lính.
Tôi nghĩ, thực ra đề tài chiến tranh cách mạng và người lính cực kì rộng mở và đa dạng. Có thể viết về các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với nhân vật trung tâm là người lính. Cũng có thể viết về đất nước, quê hương, biển đảo, biên cương và hậu phương của họ. Những người mẹ, người chị, người em, người vợ, người yêu của lính thời nào mà chẳng phải chịu nhiều cách xa, thiệt thòi nhất. Có rất nhiều “vùng miền” để nhà văn thâm nhập, khai thác, ngẫm nghĩ viết về người lính của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước đây và bây giờ.
Bám lấy mảnh đất Hàm Rồng một thời bom đạn ác liệt nhưng ngoan cường, Nguyễn Minh Khiêm viết được chùm thơ về chiến tranh như Tảng đá có một nhành phong lan buông xuống; Nhận hoa; Viết ở nghĩa trang liệt sĩ và Thời bình. Thơ dội vang âm hưởng bi tráng của thời khói lửa nhưng cũng đầy xoáy lốc đau thương vẫn còn đó, vẫn chưa nguôi trong lòng hiện tại: Tôi chưng cất cô thành từng con chữ/ Đặt trái tim vào nghe tiếng suối, tiếng sông/ Nghe nhịp bước chân, nghe từng gương mặt/ Đồng vọng hiện lên trong màu lửa Hàm Rồng (Nhận hoa).
Từ những quan sát cụ thể, Nguyễn Đình Minh đã biết nâng lên tầm khái quát, giàu chất suy tưởng về chiến tranh-hòa bình, về quá khứ-hiện tại trong thơ: Giá hiểu trời cao còn có trời xanh khác cao hơn/ Để ngộ ra những điều được mất/ Giá như được nghe tiếng đất kêu than/ Thấu nỗi niềm cỏ xanh thổn thức... (Xác máy bay trên nóc dinh tổng thống). Những câu thơ như thế này của anh mang sự hồi tưởng sâu lắng và tri ân về chiến tranh: Trồi lên từ chiếc vỏ bom gỉ han/ Bông hoa như một mặt trời con chớm nở và Giọt cà phê rơi cùng chiều mưa Thành Cổ/ Nhắc vị hòa bình còn đắng ở đầu môi (Dưới mưa chiều Thành Cổ). Nguyễn Đình Minh có những câu thơ khá ấn tượng viết về chiến tranh: Đôi lứa dằn lòng đem dải yếm bắc cầu nối đôi bờ xa cách hay Bao bờ vai con gái dịu mềm/ Gánh những con đường bay qua hủy diệt (Những con đường về Nam). Chất thực và ảo hòa quyện vào nhau đã tạo nên sự lấp lánh của câu thơ.
Một buổi sinh hoạt văn chương tại Trại viết VNQĐ 2015 Ảnh: Thành Duy
Thơ rất cần chất liệu đời sống. Đọc thơ của ai đó, người ta dễ dàng nhận ra được đâu là thơ của những nếm trải thực sự và đâu là thơ của bàn giấy. Thơ rất cần sự tưởng tượng nhưng sự tưởng tượng không thay thế được trường cảm xúc và phôi liệu cuộc sống. Nguyễn Quang Hưng với chùm thơ viết về biển đảo nhiều tìm tòi Cát vọng phu; Khúc ca ngư dân; Điểm tựa; Lời ru mặt biển và Nguyễn Thụy Anh với chùm thơ viết về bộ đội hải quân như Em không; Tin nhắn giàu xúc cảm là dẫn dụ điều tôi nói. Tôi nghĩ, nếu không có những ngày vượt sóng gió ra với Trường Sa, thấm cái mặn mòi của quần đảo phong ba, chứng kiến giây phút thả hoa cho 64 chiến sĩ ta hi sinh ở Gạc Ma năm 1988, chắc Nguyễn Quang Hưng khó tạo dựng được nên hình tượng Cát vọng phu với những câu thơ như có giông bão ẩn vào trong câu chữ: Ngửi thấy mùi khét của từng năm vòm trời ăn xuống tóc bạc/ Mùi tanh tanh mặn mặn bàn tay trên cái ca, trên đôi đũa, trên gối/ Mùi gió đêm thoảng êm xa xa về gần/ Mùi của tất cả thân hình đã tan thành nước mắt chảy xuống biển/...Không ngừng bên mép nước/ Những vọng phu cát/ Mọc lên/ Tan về chân trời theo gió (Cát vọng phu). Và đây nữa, một hình ảnh rất đẹp về những người ngư dân Việt Nam bám biển: Hồn nhiên mưu sinh/ Trên biển nước mình/ Lửa đỏ tự thành cờ Tổ quốc (Khúc hát ngư dân). Hóa thân vào người yêu, người vợ của lính hải quân, Nguyễn Thụy Anh sau chuyến đi thực tế xuống một lữ đoàn tàu ngầm đã có những câu thơ giản dị mà rung động: Khi tin nhắn của em không thể chạm vào anh/ Em thầm hiểu tàu đi vào lòng biển/ Lòng Tổ quốc. Dẫu em không gọi được/ Dẫu quặn thắt nhớ thương, em không dám lo buồn!
Cũng như chiến sĩ, điểm tựa vững chãi của người yêu, người vợ lính chính là Tổ quốc. Tình yêu đôi lứa nằm trong tình yêu Tổ quốc bao la, ý ấy không mới nhưng nó được diễn tả khác, mang dấu ấn của thời @: Im lặng yêu anh, suốt đời này tha thứ/ Cho những ngày tin nhắn bơ vơ (Tin nhắn).
Nguyễn Hưng Hải hoàn thành được tập thơ mang tên Em đang nhìn đang hát đảo đang yêu, trong đó có những bài về chiến tranh và người lính như Chiến tranh chưa kết thúc; Cái cột nhà tôi; Em đang nhìn đang hát đảo đang yêu; Tiếng chuông chùa ở Trường Sa; Vết thương không nói cho ai biết... Trong thơ anh có những nốt nhấn nhá đáng yêu như: Lắng sâu, lắng sâu, lắng sâu/ Tiếng chuông chùa vọng ở đâu chân trời/ Mây đen tan cả đi rồi/ Trăng lên, đảo khác gì nơi quê nhà/ Tiếng chuông chùa ở Trường Sa/ Như là tiếng của ông bà xưa nay/ Ngỡ cầm lên được trên tay/ Gieo vào ngọn sóng mọc đầy ánh trăng (Tiếng chuông chùa ở Trường Sa).
Du An ngoài những bài thơ Với chuồn chuồn tươi mới, hồn nhiên; Nhà hộ sinh bàn phím nhiều sáng tạo, đã khởi thảo cho một bài thơ dài về những người lính làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng với tên gọi Mở đất. Hình ảnh anh bộ đội về làng, về bản nơi trước đây Có cô giáo khóc/ Nương chữ cỏ mọc trong đầu nay Nhà nhà sáng bừng/ Thơm thơm mùi bộ đội...
Có một phần thơ viết về quê hương, đất nước của Chung Tiến Lực, Phạm Vân Anh, Trần Thành, Đinh Công Thủy, Nguyễn Thị Kim Nhung, Du Nguyên... Nếu như Chung Tiến Lực nhẹ nhàng với “Hà Nội phố” Sáng sớm mùa đông nắng hanh hao/ Sương mỏng mặt hồ bay lơ lửng/ Đường thơm hương sữa/ Níu lòng người xa thì Đinh Công Thủy đắm đuối với miền đất Tuyên Quang nhiều sắc màu xao động: Ngày cọn nước hối hả tưới mát Pù Đán Chẩu sương giăng/ cải nở vàng tiên tri mùa no đủ/ thổ cầm xòe hoa/ mê hoặc nụ cười lao xao gầm cầu thang chín bậc/ em váy xòe khung cửi buồn quặn thắt bện mùa bông/ nước Nậm Trung nên chồng vợ/ những đứa trẻ chủ ý sinh ra (Thổ cẩm) và những câu thơ lạ: Tảng đá hoài niệm màu rêu/ mốc thếch định nghĩa ẩm ướt/ Không có gì ngạc nhiên hơn khi chồi non di cư/ từ nỗi đau trên ngọn cây (Không đề số 3) đến Trần Thành có cách biểu đạt khá duyên: Reo reo khúc khoan khúc nhặt/ bí bầu rón rén.../ xuống sàn/ ơ này... bong hàng cúc bướm/ vẫn còn cái dải lưng xanh (Tính tẩu) và Nguyễn Thị Kim Nhung trở lại với trung du thời ấu thơ chưa mấy xa xôi của mình Căn nhà phên liếp/ mỗi mùa nghiêng một hướng/ Cha buộc bịn chống đỡ bằng những lời răn/ lòng con thành cật nứa/... Mun mút mùa ăn năn/ Roi cha gác bếp còn lằn ấu thơ... (Có một ngày).
Tuy vậy, cũng thành thật nói rằng, chưa có những thi phẩm xuất sắc, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong trại viết này. Có tác phẩm mới hình thành ở dạng thứ phẩm, có tứ thơ nhưng thiếu sự đầy đặn, non tươi của hình ảnh, câu chữ. Có tác phẩm sa vào sự rườm rà, rậm rạp của ngôn từ, thiếu sự cô đọng cần thiết, nhiều ý lặp lại không cần thiết trong một bài thơ. Những thi phẩm thực sự hay về chiến tranh cách mạng và người lính hình như đang còn ở phía trước. Mong, mong lắm được đọc những bài thơ như thế trong thời gian tới
Đại Lải, giữa xuân Ất Mùi, 2015
NGUYỄN HỮU QUÝ