Chủ nhật, 22/12/2024,


Trao đổi về thơ phổ nhạc và ca từ trong ca khúc (13/05/2015) 

I.Về ca từ


    Người ta thường nói trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ vì thơ và nhạc là hai phần liên kết chặt chẽ trong một bài hát như xương với thịt. Nếu nói Phạm Duy là phù thủy về âm thanh vì những ca khúc của ông rất đa dạng phong phú về tiết điệu khúc thức thì Trịnh Công Sơn thường ví như là một phù thủy về ngôn ngữ. Thật vậy ca từ trong nhạc Trịnh thật đẹp, có người nói nếu bỏ phần nhạc ra thì Trịnh có một tập thơ giàu chất trữ tình không kém gì các nhà thơ nổi danh nên Trịnh thường rất ít phổ thơ (duy có bài Cuối cùng cho một tình yêu – phổ thơ Trịnh Cung). Do đó ai sáng tác mà có vốn ca từ phong phú thì lợi thế rất nhiều, hình thành một ca khúc tương đối hoàn chỉnh dễ nghe, mà sáng tác thì nó đến bất chợt trong một khỏanh khắc nào đó nếu ta có một nhạc đề (theme music) thì phát triển lên thành một ca khúc hoàn chỉnh. Một nhạc đề tốt ta phát triển thành giai điệu tốt cộng với lời ca hay chọn lọc thì có thể cho ra một bài hát thuyết phục người nghe.

 



     Ta thấy có nhiều nhạc sỹ ngày xưa dùng từ rất khéo, mặc dù những từ ấy rất khó xài trong âm nhạc như bài Để trả lời một câu hỏi của Trúc Phương: thay vì dùng từ một năm rưỡi khó vô nhạc thì ông sử dụng cụm từ nầy:
Một nửa ba năm anh yêu tình áo giầy quân nhân… đường xuôi quân ghé lại đôi lần…

   Hay bài 7000 đêm góp lại của Trầm Tử Thiêng:
7000 đêm góp lại thành lời, qua 7000 đêm những người trai thành sử rạng ngời, những người em thắm giọt son môi…
7000 đêm tính ra chưa đầy 20 năm chiến tranh Việt Nam (19 năm hơn) nhưng tác giả lại uyển chuyển dùng con số 7000 rất khéo mạch lạc không cưỡng âm…

    Bảy ngày đợi mong của Trần Thiện Thanh dùng những ngày trong tuần rất tự nhiên rất thơ mà không phải nhạc sỹ nào cũng xử lí ngôn từ nhuần nhuyễn được:


Chiều thứ bảy người đi

Sao bóng anh chẳng thấy

Rồi nhẹ đôi gót hài chiều nghiêng bóng dài

Áo em dần phai

Sáng chủ nhật trời trong

Nhưng trong lòng dâng sóng

Chẳng thấy bóng anh sang

Nên thứ hai thu vàng nên thứ ba thu tàn, mùa đông thứ tư sang…


      Ta biết trong thơ Việt, có hai cách gieo vần:
     Gieo vần ở giữa câu (Yêu Vận hay "vần lưng"): Chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm bên trong câu dưới như trong thể thơ lục bát, chữ cuối câu có sáu chữ vần với chữ thứ sáu của câu tám chữ sau đó.
      Gieo vần ở cuối câu (Cước Vận hay "vần chân"): Các chữ ở cuối câu vần với nhau.

      Dựa vào đó các nhạc sỹ sáng tác ngày xưa rất cẩn thận trong việc gieo vần cho bài hát trơn tru dễ ca dễ nhớ.
     Trong trường ca Hội trùng dương, Phạm Ðình Chương dùng các vần chân rất hay, mở đầu với dòng nhạc chậm rãi, vững chãi rất hợp với sự dẫn đạo của tiếng kèn trompet, nghe âm vang núi sông tình yêu dân tộc:


Trùng dương

Chốn đây ngàn phương

Có ba dòng sông

Cuốn xuôi biển đông

Nhắc câu chờ mong (vần chân)


    Cố NS Xuân Hồng là người rất lưu tâm đến vần điệu trong bài hát, đa số bài nào của ông cũng gieo vần, sử dụng vần lưng rất nhuần nhuyễn.


Tiếng súng Phước Long chờ mong tin thắng,

Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày

Về đường này thăm sóc Bom Bo

Tiếng nói ríu ra,

lời ca trong vắt,

Nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người

Một nụ cười tin chắc tương lai.

Tiếng cười vui đẩy lui đêm vắng vẻ,

Có ai đi về phía những hàng cây,

Mời vô đây cùng nghe khúc nhạc hay,

Khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày.

Tiếng chày trên sóc Bom Bo


    Trong các tu từ tiếng Việt có từ láy, các nhạc sỹ cũng thường dùng trong ca khúc cho lời thêm bóng bẩy, giàu hình ảnh nhưng phải biết lựa chọn cho hợp lí,ví dụ: có từ láy nói xuôi nói ngược vẫn có nghĩa như: yêu thương, ái ân, thướt tha, kết đoàn…., nhưng có từ không nói ngược được rất vô nghĩa như vui vẻ, tung tăng, âu yếm, du dương (không thể dùng tăng tung,vẻ vui được)
Vẫn có những bản nhạc nổi tiếng mà từ ngữ chưa hợp lí nhưng người ta nghe đã lâu và quen rồi cảm thấy bình thường. Vd: bài Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ:


Đường xưa lối cũ,

có mẹ tôi run run trong hôn hoàng

Lòng già thương nhớ

Nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con…


     Lẽ ra là dùng hoàng hôn mới đúng nhưng do nhạc sỹ kẹt về cao độ nhưng đổi thành hôn hoàng.
      Bài DaLat hoàng hôn của Minh Kì: khách du tìm đến thành phố ngàn thơ,nhặt hoa thấy buồn lòng không bến bờ…
       Bài Thành phố của tôi – Phan Nhân:


         Làm rỡ rạng núi sông người ra đi trên bến nhà Rồng

Một tiếng còi tiễn đưa bôn ba đường cứu nước

      Làm rỡ rạng núi sông người ra đi trên bên nhà Rồng.


      Do đó ta thấy ca từ trong ca khúc chỉ mang tính chất tương đối mà thôi,làm sao người nghe có thể chấp nhận được là ổn.
Ngoài ra khi sáng tác cũng nên chú ý ca từ cho phù hợp với cao độ, lời nghe không rõ thì cũng khó cảm thụ bài hát lắm. Ở những năm thập niên 80 bài Chiều hạ vàng rất nổi tiếng, nhưng có một đoạn lời không rõ vì không phù hợp cao độ:

Em hát đi ru ngủ giấc chiều nay (nghe như em hát đi dù ngủ gật chiều nay)


    Một bài học cho các nhạc trẻ: lời bài hát và giai điệu có phù hợp đẹp đẽ hài hòa nhau thì dễ thành công hơn, dễ vào tai người nghe.


  

     II. Một số vấn đề về phổ thơ


     Bạn nên lưu ý những điểm sau đây:


    1- Không nên có xu hướng lấy thơ các nhà thơ lớn để phổ để dựa hơi, nếu ta làm không tới thì hạ thấp giá trị bài thơ như những năm báo chí có phê bình vụ lấy bài Đây Vĩ Dạ thôn của Hàn Mặc Tử phổ nhạc nhưng không đạt vì bản thân bài thơ đã quá hay rồi. Thơ và nhạc khi nào có tiếng nói chung hòa điệu nhau tự khắc ta sẽ có một bài hát phổ thơ khá hoàn chỉnh. Nhạc sỹ Lê Yên (tác giả bài Ngựa phi đường xa) từng nói: Muốn phổ thơ phải trị được thơcó nghĩa nhắc nhở chúng ta cẩn trọng khi muốn phổ thơ.

   

     2- Về nguyên tắc tất cả các thể loại thơ đều có thể phổ nhạc được, nhưng theo kinh nghiệm sáng tác của một số nhạc sỹ thì thông thường ta nên phổ thơ 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ dễ hơn trong việc phát triển câu nhạc, đoạn nhạc và tạo bố cục khá cân phương, giai điệu nghe mạch lạc hơn (vì trong bài thơ đã phân ra từng phần rồi). Còn dạng thơ lục bát hay song thất lục bát hơi khó phổ nếu không khéo thành ra như hát theo.

   

     3- Để bài nhạc được người nghe chú ý, nói cách khác, để bài nhạc còn lưu lại trong đầu người nghe sau khi nghe bài nhạc, bạn nên nhắc lại những câu hay, câu lạ, có ý nghĩa sát chủ đề của bài thơ.

  

    4- Không nên quá nhiều chi tiết trong một bài thơ, nhất là những điều ít liên quan tới chủ đề của bài nhạc. Cần tập trung vào chủ đề càng khít khao, càng nhiều càng tốt.

   

    5- Một bài thơ, luôn luôn có niêm luật và có vần. Nhưng một bài nhạc có thể nhẹ bớt, nhưng phải lưu ý dùng những từ có âm mở cho những từ cuối của các câu nhạc, đoạn nhạc và bài nhạc, vì những từ cuối cùng luôn có trường độ dài. Với âm mở có thể ngân dài dễ dàng.

   

   6- Vỉ lý do trên đây, đôi khi người nhạc sĩ phổ nhạc phải đổi hoặc đảo một vài từ - thường là từ cuối của đoạn nhạc, nhưng luôn phải có sự đồng ý của tác giả bài thơ.
     + Phổ thơ có nhiều cách:
     - Có thể phổ nguyên bài thơ hay gần hết bài thơ (như bài Ngậm ngùi thơ Huy Cận - nhạc Phạm Duy)
      - Có thể do khúc thức bài hát chúng ta chỉ phỏng thơ hay lấy ý thơ mà thôi
      - Trường hợp ngoại lệ rất hiếm, người ta lấy ý từ một cuốn truyện để phổ nhạc như bài Vết thù trên lưng ngựa hoangcủa Phạm    
Duy là lấy ý từ cốt truyện cùng tên của Duyên Anh.

    

    Sau đây là một vài dẫn chứng về các bài nhạc phổ thơ thành công. Chúng ta cùng nhìn lại bài thơ Thuyền viễn xứcủa Huyền Chi mà Phạm Duy phổ nhạc mới thấy cái tài của nhạc sỹ: vì đây là bài thơ lục bát rất khó phổ. Nguyên tác bài thơ:


Lên khơi sương khói một chiều

Thùy dương rũ bóng tiêu điều ven sông

Lơ thơ rớt nhẹ men lòng

Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang

Có thuyền viễn xứ Đà Giang

Một lần giạt bến qua ngàn lau thưa

Hò ơi tiếng hát ngàn xưa

Ngân lên trong một chiều mưa xứ người

Đường về cố lý xa xôi

Nhịp sầu lỡ bước tiếng đời hoang mang

...

Chiều nay trên bến muôn phương

Có thuyền viễn xứ lên đường lại đi
Phạm Duy đã sửa đổi thành câu 6 chữ:
Chiều nay sương khói lên khơi

Thùy dương rũ bến tơi bời

Làn mây hồng pha ráng trời

Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người...
Đoạn cuối:
Mịt mờ sương khói lên hương

Lũ thùy dương rủ bóng ven sông

Chiều nay trên bến muôn phương

Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường


       Tiếng Sáo Thiên Thai từ một bài lục bát có âm điệu lay lắt pha một chút nhớ nhung tiếc nuối, Phạm Duy đã chuyển thành một bài ca có âm điệu lúc tươi vui như cảnh Thiên Thai, lúc ray rứt tiếc nhớ. Ví dụ như cái câu "Làn mây ngừng lại sau đèo -- mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi" được biến thể trở thành một câu rất tươi,ngọt ngào lãng mạn: "Hò ơi làn mây ơi, ngập ngừng sau đèo vắng, nhìn mình cây nhuộm nắng, và chiều như chìm lắng -- Bóng chiều... không đi".
    Bài Tiễn em, nguyên tên của Cung Trầm Tưởng là Chưa bao giờ buồn thế, kết thúc:


Trời em mơ có sao,

Mình anh đêm ở lại

Trời mùa đông Paris

Không bao giờ có sao
Phạm Duy đã đổi thành:
Nơi em có trăng sao

Anh một mình rét mướt

Trời mùa đông Paris

Suốt đời thèm trăng soi


      Ở Tây Ninh cũng có một số nhạc sỹ phổ thơ khá thành công như NS Lê Hữu Trịnh với bài Đuổi theo vầng trăng (thơ Vĩnh Thuyên), Đi tìm đồng đội cũ của Nguyễn Đình Hồng (thơ Phan Kỉ Sữu), Tình khúc tháng giêng của Lê Hồng Tăng (thơ Mộng Trung Nhân), Giữa những tiếng ve ngân của Nguyễn Quốc Tây (thơ Đặng Mỹ Duyên), Lang thang mưa,Mây bay về núi của Nguyễn Quốc Đông (thơ Vĩnh Thuyên,Nguyên Hạ)…

 

    

      III. Lời kết


      Một ca khúc thành công nó có đời sống âm nhạc rất dài và cũng có một chút may duyên yếu tố bất ngờ khách quan của nó. Ai sáng tác cũng muốn ca khúc của mình sống lâu và mọi người ái mộ,nhưng được như thế còn phải cố gắng nhiều,tùy thuộc vào tài năng nữa. Khi một bài hát nổi danh nhiều khi các nhạc sỹ cũng bất ngờ.

    

    NS Võ Đông Điền kể về con đường lận đận của bài Tiếng hát chim đa đa – bài nầy anh sáng tác đã lâu, nhiều người trình diễn ở Bình Dương nhưng không thành công. Rồi trong một dịp anh lên Sài Gòn chơi và đưa cho NS Vy Nhật Tảo nhờ giới thiệu và sau đó bài này được ca sỹ Quang Linh hát thì từ đó mới tỏa sáng được.

   

    Bài Quê hương của Giáp Văn Thạch (phổ thơ Đỗ Trung Quân) sáng tác từ năm 1984 mà không ai để ý. Tới giai đoạn nước nhà mở cửa cho người Việt xa quê đã lâu về nước, họ rất thích bài nầy và từ đó được phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước.

   

     Tóm lại,các bạn cần phải biết những điều căn bản gì để có thể viết một ca khúc?
    Theo tôi, bạn cần biết 3 điều: ký âm (solfège), hoà âm (harmonie), và cấu trúc (composition). Đó là những vấn đề về kỹ thuật mà người viết nhạc cần biết; ngoài ra, bạn cần phải có một tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, biết yêu thơ, văn, và kể cả hội họa v.v. Nếu tìm ra được một nhạc đề thì phát triển giai điệu ngay, chưa có thời gian thì ghi âm lại để đó từ từ thực hiện, nếu không sẽ quên đi muốn làm lại cũng không nhớ.

   

    Bạn nên biết ít nhất một nhạc cụ để giúp bạn trong việc thử lại bài hát hoặc hòa âm.
         + Cách tốt nhất là viết cùng lúc cả nhạc và lời. Có một số nhạc sĩ viết lời sau khi viết xong một đoạn nhạc. Nên tránh viết lời trước khi viết nhạc, và truờng hợp viết lời trước chỉ xảy ra khi phổ thơ. Có một số nhạc sĩ chỉ chuyên viết phần nhạc, còn lời thì có người khác viết.
         +Viết lời cho một ca khúc rất quan trọng. Lời ca phải súc tích, gợi cảm và chứa đựng một nội dung sâu sắc. Về mặt kỹ thuật, lời ca viết sao cho phát âm dễ dàng.

    

   Âm nhạc hiện nay rất phát triển và hiện đại xem như một công nghệ về âm thanh, chúng ta cũng phải hòa nhập theo nó cho phù hợp xu thế, một ca khúc muốn thành công ít nhất phải nhờ các yếu tố sau: Sáng tác – trình diễn – khán giả thưởng thức.Nếu 3 yếu tố nầy trên mức trung bình thì có thể nói bài hát của ta xem như thành công

 

 Nguyễn Quốc Đông


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: