Trong nền thơ chống Mĩ, mảng thơ người lính - thơ của những người đứng ở tuyến đầu của trận chiến là một bộ phận không tách rời của nền thơ chung nhưng tự nó cháy lên một thứ ánh sáng riêng. Thơ người lính trong kháng chiến chống Mĩ tiếp tục truyền thống vừa đánh giặc vừa làm thơ của anh vệ quốc, anh đội viên, anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp (tiêu biểu là Chính Hữu, Vũ Cao…) vẫn tiếp tục có mặt. Một đội ngũ nhà thơ kế tiếp nhau trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ tạo nên một lực lượng sáng tác hùng hậu, tiếp tục dòng thơ chiến sĩ. Đó là thơ của những người có mặt trên khắp các chiến trường, những người lính Trường Sơn, những người thuộc đủ mọi binh chủng đang cầm súng trực tiếp chiến đấu. Họ có ý thức rõ rệt về mục đích chiến đấu, có văn hoá và học vấn, và điều quý nhất: họ có tâm hồn thi sĩ.
Trong các cuộc thi thơ, những cây bút trẻ của lực lượng này đều có những tác phẩm nổi bật và chiếm nhiều giải cao. Có thể kể những tên tuổi tiêu biểu, được liên tục bổ sung, nối dài trong quá trình kháng chiến: Thu Bồn, Nam Hà, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Văn Lê, Vũ Đình Văn, Trần Mạnh Hảo, Thanh Thảo...
Những nhà thơ mặc áo lính có mặt ở các binh chủng, binh đoàn, trên mọi mặt trận, khắp Bắc - Trung - Nam, tạo nên một lực lượng bám trụ khắp các chiến trường. Trên cơ sở đó, thơ mở rộng diện quan sát, phản ánh nhạy bén, kịp thời thể hiện những xúc cảm mãnh liệt nơi chiến trường dữ dội nhất, tạo nên một chất thơ đặc trưng của mảng thơ này.
Nhìn chung, có thể nhận thấy sự biến đổi, phát triển liên tục trong lực lượng sáng tác, trong cảm hứng và nội dung cũng như trong giọng điệu, phong cách của thơ người lính qua mỗi chặng đường chiến tranh. Những biến đổi nội tại này thể hiện sự vận động tích cực cả ở bề rộng và bề sâu của dòng thơ, đồng thời phản ánh sự trưởng thành của người lính và thơ ca bộ đội trong cách cảm nhận chiến tranh.
Thơ bộ đội thời kì kháng chiến chống Pháp đã có những bức tranh hiện thực khá sinh động về cuộc đời chiến đấu của người lính với những chi tiết còn tươi nguyên sự sống. Đó là một truyền thống, một đặc điểm của thơ người lính ngay từ ngọn nguồn của nó, từ những vần thơ còn mộc mạc đơn sơ của những anh vệ quốc. Thơ người lính trong kháng chiến chống Mĩ nối tiếp truyền thống ấy trên một tầm vóc mới, phản ánh hiện thực của đời sống chiến trường phong phú, khốc liệt, ghi lấy các biểu hiện muôn vẻ của cuộc chiến đấu toàn dân trên mọi địa bàn, mặt trận. Mỗi bài thơ đều như được viết trong cảm nhận trực tiếp mọi hình thái của kháng chiến - trong sinh hoạt cũng như trong chiến đấu - từ người lính lái xe, anh lính công binh, cô thanh niên xung phong, người lái đò trong đêm vùng giáp ranh, cô giao liên... Mỗi nhà thơ một góc nhìn, một cách lọc lựa và chuyển tải những nét hiện thực vào thơ. Thơ do vậy gắn chặt với đời sống và mở ra bốn bề của đời sống - “mỗi chi tiết như một hiện vật bảo tàng, nó lưu lại dấu vết một thời”.
Đây là cái nền hiện thực vững chãi cho cả dòng thơ, bổ sung và làm nền tảng cho cảm quan sử thi cũng như những chiêm nghiệm, suy tư sâu lắng về đất nước, lẽ sống của tuổi trẻ và người lính trong chiến tranh.
Vẫn nằm trong cảm hứng chung của thơ chống Mĩ với tinh thần sử thi đậm nét, nhưng mạch thơ của người lính được khơi dậy từ những cảm hứng sáng tạo đặc thù của người trong trận. Tính tụng ca trực tiếp với ngôn từ hào sảng vơi dần và những vần thơ của họ cũng không tập trung xây dựng những hình tượng kì vĩ, hoành tráng. Thơ, với người lính như một vũ khí tinh thần, họ làm thơ như một trách nhiệm góp phần vào cuộc chiến đấu, đồng thời cũng như một nhu cầu thể hiện bản thân mình, thế hệ mình. Cả một thế hệ cầm súng với bao nhiêu kỉ niệm, suy nghĩ, vui buồn được gửi gắm qua những dòng thơ.
… Chúng tôi làm thơ ghi lấy
cuộc đời mình
… Bài hát của chúng tôi - Là
bài ca ống cóng
… Là ta hát những lời của ta
… Mỗi câu thơ như sợi tơ dài
Rút ra từ tháng ngày bom đạn...
Qua thơ, chân dung tinh thần người lính hiện lên sáng rõ và cao đẹp. Tình cảm lớn nhất, bao trùm là tình yêu Tổ quốc. Trong thơ người lính chất chứa những suy nghĩ thâm trầm, sâu sắc về Nhân dân, Đất nước. Chủ nghĩa anh hùng không còn là một khái niệm trừu tượng, cao vời. Với thơ họ, khái niệm chủ nghĩa anh hùng một lần nữa được tái sinh từ trong máu lửa, từ chính đời sống chiến đấu hi sinh hàng ngày, thông qua những hành động cụ thể vượt lên mọi thử thách của chiến tranh.
Niềm vui từ quê nhà Ảnh: Đoàn Công Tính
Thơ phản ánh được thế giới nội tâm phong phú của những người cầm súng từng giây phút giáp mặt với cái chết. Tình đồng đội, nghĩa đồng bào, tình cảm quê hương, những rung cảm trước thiên nhiên, tình yêu... được diễn tả thấm thía, xúc động. Đồng thời, những tình cảm, suy nghĩ của người lính được đặt trong vô vàn những mối quan hệ, những bình diện giá trị đời sống: chung - riêng, tập thể - cá nhân, sống - chết, được - mất, cho - nhận, hạnh phúc - hi sinh... để khẳng định những giá trị tinh thần cao cả.
Chủ thể trữ tình kết hợp hài hoà cái nhìn hướng ngoại và hướng nội: nhìn vào hiện thực để phát hiện những chân lí lịch sử, chân lí đời sống; nhìn vào nội tâm để chiêm nghiệm bản thân và hình thành nhân cách. Qua đó, ở một khái quát rộng hơn, thể hiện chân dung tinh thần của cả một thế hệ trong tổng thể giá trị tinh thần Việt Nam. Mảng thơ về chiến tranh cách mạng của người lính, do chính người lính viết, luôn là sức mới, sức trẻ, nguồn bổ sung mạnh mẽ cho cả nền thơ.
Chủ thể trữ tình trong thơ người lính là một hiện tượng phong phú, luôn vận động. Nó là sự tổng hợp ở cấp độ quan niệm cái tôi sử thi - cái tôi tuổi trẻ - cái tôi người lính. Cái tôi chủ thể phức hợp này tạo cho thơ một thế mạnh riêng trong việc thể hiện một thế giới tinh thần phức tạp và hài hòa cùng một giọng thơ đa âm sắc. Bên cạnh âm hưởng cao vút của tinh thần sử thi, tư thế phát ngôn nhân danh Dân tộc, Thời đại của thơ chống Mĩ là tiếng thơ nhân danh một thế hệ (tuổi trẻ), một đội ngũ (người lính) và một cá thể (nhà thơ - chiến sĩ) được tôi luyện, trải nghiệm trực tiếp trong những thử thách chiến tranh.
Phong cách thơ của những người xáp mặt với trận chiến, sống giữa thực tế dữ dằn của chiến tranh đã thể hiện tập trung nhất tính chiến đấu và sự năng động của thơ. Thơ người lính bộn bề chất hiện thực, đồng thời lại có phương thức chiếm lĩnh hiện thực riêng: sự phong phú các chi tiết đời sống cùng những quan sát cảm nhận tinh vi của mỗi người trong từng hoàn cảnh cụ thể của đời sống chiến đấu. Chính vì vậy, mỗi bài thơ thường đem đến một cách nhìn, một cách khám phá riêng, mang đậm bản sắc cá nhân nhưng vẫn luôn có ý nghĩa chung. Những cảm nhận về một mái tăng - bầu trời vuông trong thơ Nguyễn Duy, cái thích thú ở “bài thơ nằm võng”: nằm võng mồ hôi cứ dần khô/ mà tay thảnh thơi không cần quạt… (Vương Trọng), cái dáng điệu của người lính trẻ mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm (Hoàng Nhuận Cầm), cái nhận xét thế đấy giữa chiến trường/ nghe tiếng bom rất nhỏ trong thơ Phạm Tiến Duật, hoặc cái cách vẽ chân dung tự họa, tự trào của Nguyễn Đức Mậu tuổi hai mươi đấy chống gậy như già/ trẻ trai leo dốc hóa ra lưng còng… - những cảm nhận cùng bút pháp ấy, có thể nói người ta chỉ tìm thấy trong thơ người lính chống Mĩ.
Nếu như chất suy tưởng, triết lí là một đặc điểm chung của thơ chống Mĩ trong yêu cầu đào sâu lật trở những vấn đề của chiến tranh, tự vấn và giải đáp những câu hỏi đặt ra cho mình, cho thời đại (Tố Hữu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận...) thì chất suy tưởng trong thơ người lính cũng có những nét đặc thù: mỗi triết lí sống, mỗi chân lí luôn được rút ra từ những hoàn cảnh cụ thể, những trải nghiệm bản thân: Đi trong rừng/ Câu hỏi lớn như gió rừng thổi mãi (Phạm Tiến Duật), Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá phải không em… (Thanh Thảo). Do đó, chất trí tuệ, triết lí không rơi vào tư biện, chính luận khô khan mà tràn đầy cảm xúc, như được đúc lại từ chính máu thịt của đời sống.
Thơ người lính có những đóng góp và có thể nói đến những cách tân không nhỏ về nghệ thuật cho nền thơ chung, đặc biệt là ngôn ngữ và giọng điệu thơ. Bên cạnh giọng thơ hào sảng, cổ vũ, khích lệ của nền thơ, những cây bút chiến sĩ đem vào cho thơ giọng điệu ngang tàng, phóng khoáng, ngôn ngữ cụ thể sinh động của đời thường, đời lính, làm phong phú rất nhiều cho ngôn ngữ thơ. Chính yếu tố khẩu ngữ, chất văn xuôi kết hợp với những sáng tạo mới mẻ, táo bạo, biến hóa đã tạo nên một phong cách chung của thơ chiến sĩ và làm thay đổi diện mạo thơ chống Mĩ vào chặng cuối cuộc chiến tranh. Sự đa dạng của các kiểu hình tượng thơ, sự kết hợp và biến hóa giữa tính cụ thể - trực quan và tính khái quát - biểu tượng cũng tạo nên đặc sắc riêng của phong cách thơ người lính trong nền thơ chống Mĩ.
Trong những nhà thơ mặc áo lính, đã nổi lên những gương mặt thơ gây được ấn tượng ở người đọc và phần lớn trong họ đã trở thành những tên tuổi quen thuộc của nền thơ sau chiến tranh trên chặng đường sáng tạo mới.
Phạm Tiến Duật có thơ đăng rải rác từ 1964 nhưng phải đến 1969, qua cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ mà ông đạt giải nhất, người đọc mới thật sự biết đến ông. Cuộc sống bộ đội ở Trường Sơn đã tôi luyện con người và bồi đắp hồn thơ ông, giúp nhà thơ tìm thấy tiếng nói riêng của mình để từ đó tài năng, phong cách Phạm Tiến Duật nhanh chóng được khẳng định. Vầng trăng quầng lửa (1970) và Thơ một chặng đường (1971) là tiếng nói của một chiến sĩ trẻ, một hồn thơ phong phú. Cuộc sống của những người chiến sĩ lái xe, những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn cùng bao vui buồn nghĩ suy của họ đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật thoải mái tự nhiên với những nét sinh động. Thơ Phạm Tiến Duật có sự độc đáo trong cấu tứ, hình ảnh và cảm xúc đồng thời cũng luôn thể hiện những biến hóa tìm tòi. Ở những bài hay nhất như Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Tiểu đội xe không kính, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Những vùng rừng không dân… thơ ông vừa có những quan sát tinh tế và sự nhạy cảm, vừa có những suy nghĩ sâu lắng và tình cảm tha thiết; tất cả được biểu đạt qua một bút pháp thông minh, tài hoa, đôi khi có những nét ngồ ngộ thú vị. Thơ ông nhiều bài đã kết hợp được sự phóng túng hiện đại với cách nói, lối ví von của ca dao, tục ngữ; nhiều câu thơ mấp mé giữa ranh giới của thơ và văn xuôi. Không có kính không phải vì xe không có kính; ngón chân đau buộc băng trắng toát; Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn… – những câu nôm na tự nhiên ấy đặt trong cả đoạn, chúng nâng đỡ hòa hợp nhau trong một tiết tấu nhạc điệu riêng để tạo nên một nét độc đáo của thơ Phạm Tiến Duật. Với sự tươi mới trong cách khai thác chất thơ của đời sống, với ngôn ngữ và giọng điệu đậm chất lính, Phạm Tiến Duật đã ghi được dấu ấn đậm nét và có vai trò tạo một bước chuyển mới cho thơ vào chặng giữa cuộc chiến tranh.
Nguyễn Duy là nhà thơ xuất hiện vào giai đoạn cuối của chiến tranh. Hai bài thơ Bầu trời vuông và Tre xanh (giải thưởng thơ Báo Văn nghệ 1972 - 1973) đã lập tức khiến người đọc chú ý đến một điệu thơ mới: vừa nhuần nhị, vừa khỏe khoắn, vừa có chất dân gian vừa không thiếu cái mới lạ, hiện đại. Thơ Nguyễn Duy mạnh cả trong cấu tứ cũng như trong diễn đạt; bài thơ nào cũng gói một ý tưởng, một phát hiện thú vị. Trong những điều quen thuộc nhất - mảnh tăng trên võng như một bầu trời vuông, một rặng tre xanh quen thuộc, một tiếng chim bạn bè, một đêm cuộn mình trong hơi ấm ổ rơm nhà một bà mẹ nghèo… - nhà thơ vẫn nhận ra cái đẹp của tình người tình đất và một triết lí ẩn sâu trong đó: Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no/ Riêng cái ấm nồng nàn như lửa/ Cái mộc mạc lên hương của lúa/ Đâu dễ chia cho tất cả mọi người… Hoài Thanh đã từng nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “Cái điểu ở những người khác thường chỉ là thoáng qua thì ở anh nó lắng sâu và dường như dừng lại”. Hơi thơ lục bát duyên dáng của Nguyễn Duy đặc biệt thích hợp để diễn tả cái đẹp trong những cảnh đời và con người bình dị với nhiều thương mến, một thứ “lòng thương mến đến tận cùng chân thật”. Dân tộc mà hiện đại và những đổi mới không ngừng là sự tiếp tục của thơ Nguyễn Duy sau chiến tranh.
Hữu Thỉnh sống và viết với tư cách một người lính trong binh chủng xe tăng qua suốt cuộc chiến tranh. Với tập thơ Âm vang chiến hào (in chung với Lâm Huy Nhuận, 1975), con đường thơ Hữu Thỉnh lặng lẽ nhưng đằm chín trong mỗi tìm tòi thể hiện. Hình ảnh người lính, tình cảm người lính là chủ đề xuyên suốt trong thơ Hữu Thỉnh, từ Trên một chiếc xe tăng hào hứng, từ niềm vui trong trẻo Mùa xuân cho cỏ biếc/ Đi đón ta dọc đường cho đến bài thơ xúc động cuối chiến tranh khóc người anh đã hi sinh - Phan Thiết có anh tôi. Thơ Hữu Thỉnh không nhẹ nhàng dễ dãi mà luôn phơi bày một đời sống nội tâm phong phú, nhiều nghĩ suy và giàu sức cộng hưởng với người đọc. Thơ Hữu Thỉnh là một quá trình hoàn thiện chân dung tinh thần của người lính cũng như làm đầy đặn một phong cách thơ trong chiến tranh: Chúng tôi đang đi để đạt tới chính mình (bài Ngã ba Chân Vạc). Thơ Hữu Thỉnh giàu tiềm lực và tiềm lực này đã được dồn tụ để viết trường ca Đường tới thành phố, được ghi nhận như một trường ca đặc sắc của nền thơ chống Mĩ và tạo ra bước phát triển mới của nhà thơ sau 1975.
Thanh Thảo là một tên tuổi thơ xuất hiện vào giai đoạn cuối của chiến tranh với phong cách mới lạ và rõ nét ngay từ đầu: một tiếng thơ khỏe, không né tránh sự thật chiến tranh và phơi bày mọi góc cạnh tâm hồn người lính trong một cách nói mạnh mẽ, trụi trần. Phanh ngực áo và mở trần bản chất - câu thơ phác họa khá rõ giọng điệu thơ Thanh Thảo. Đây là một tiếng thơ tiêu biểu cho giọng thơ chiến sĩ ở chặng cuối cuộc chiến: chất trữ tình nhẹ nhàng không còn mà mỗi câu thơ như được rút ra từ những trải nghiệm đau đớn, những gian lao và hi sinh. Bài ca ống cóng, Dấu chân qua trảng cỏ là những bài thơ để lại dấu ấn khá đậm trong thơ chống Mĩ.
Trường ca Bài ca chim Chơ rao và hai tập thơ Tre xanh (1970), Mặt đất không quên (1972) gắn liền với tên tuổi Thu Bồn, một cây bút chiến sĩ gắn bó với chiến trường dải đất khu V. Đây là một phong cách thơ phóng khoáng, giàu cảm hứng và đầy nội lực. Thơ Thu Bồn kết hợp một cách tự nhiên chất trữ tình và chất sử thi; những đặc điểm phong cách này cộng với sức viết khỏe khoắn, ào ạt khiến ông là một cây bút tiêu biểu và thành công ở thể trường ca, cả trong và sau chiến tranh.
Nhiều cây bút khác trong đội ngũ thơ người lính cũng đã để lại những thành công quan trọng trong cuộc đời sáng tác của mình. Nguyễn Đức Mậu có mặt trên nhiều chiến trường để viết những vần thơ ngày càng chắt lọc và sáng tạo, trong đó có những thi phẩm xứng đáng xếp vào hàng những bài thơ hay: Nấm mộ và cây trầm, Ngủ rừng theo đội hình đánh giặc. Anh Ngọc trong trẻo và duyên dáng với bài Cây xấu hổ quen thuộc một thời cũng đã có lúc “tự phát tách khỏi dòng chảy sử thi, dòng chảy anh hùng ca hoành tráng” để có những phút trầm lắng riêng tư về một Khoảng đất dưới võng như một cách chiêm nghiệm những điều nhỏ nhặt quý báu của sự sống. Nam Hà - người chiến sĩ giải phóng quân trên chiến trường khu VI với những bài thơ hào sảng Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi, Gửi Hà Nội…; Hoàng Nhuận Cầm - lính phòng không không quân- tác giả những vần thơ đẹp và sáng trong ý trong lời, rất quen thuộc với tuổi trẻ một thời: Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn; Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ…
Thơ người lính là một bộ phận thơ ca có những nét đặc thù, có bản sắc riêng về đội ngũ sáng tác, phong cách..., phản ánh đậm nét và trực tiếp nhất hiện thực chiến tranh, có những đóng góp quan trọng và làm phong phú thành tựu chung của thơ chống Mĩ.
VŨ TUẤN ANH
Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 15/10/2016 23:39:15)
THƯ BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN |