Chủ nhật, 22/12/2024,


Phim mới trên VTV : Ngõ Lỗ thủng (03/02/2009) 
        Nữ biên kịch Đặng Diệu Hương ( Trung tâm sản xuất phim VTV ) đã chuyển thể khéo léo từ hai tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng và Tiễn biệt những ngày buồn từng gây tiếng vang rất lớn trong dư luận của nhà văn Trung Trung Đỉnh, Ngõ Lỗ Thủng đề cập đến giai đoạn chuyển tiếp giữa cơ chế bao cấp và cơ chế thị trường với những vấn đề mang tính triết luận sâu sắc: Lỗ thủng Xã hội, Lỗ thủng Nhân cách, Lỗ thủng Văn hoá...
 
 
 
        Lấy bối cảnh những năm 1984-1988, ở một khu tập thể hỗn hợp có khoảng chục hộ, chủ yếu là quân nhân chuyển ngành cộng với một số nhà văn nhà báo... chuyện phim Ngõ Lỗ Thủng là cuộc sống của một nhà văn chuyển ngành sống độc thân đang làm biên tập ở Hội Văn nghệ thành phố tên Xoay - một người đàn ông 'thật như đếm', lúc nào cũng sống chân chất và trung thực với bản tính của mình. Hàng xóm của Xoay là Khoái và vợ chồng Luân. Cả ba đều là sĩ quan quân đội đã học trường nghiệp vụ viết văn hiện công tác ở cơ quan khác nhau.
         Luân là biên tập ở tạp chí Học thuật. Cuộc sống của Luân và Vân, vợ Luân khá suôn sẻ hơn những người bạn cùng khu tập thể do cả hai vợ chồng có việc làm thêm nên thu nhập cũng khá ổn định. Luân thường hay quan tâm đến bạn bè nhưng do điều kiện nên cũng không giúp đỡ được nhiều cho bạn bè.
Khoái nguyên là trung tá, khi chuyển sang dân sự, Khoái làm phó phòng tổ chức ở một cơ quan kinh tế. Tính cách của Khoái khác hẳn những bạn bè trong nhóm. Khoái luôn thực dụng, tính toán và khôn ngoan trong cuộc sống. Nhưng cũng chính sự khôn ngoan đó mà cuối đời Khoái đã phải trả giá. Đây cũng là một mẫu nhân vật được dự báo trước cho một cách sống cho một thời đại mới: Cách sống thực dụng...
Qua sự 'dẫn mối' của Vân, vợ Luân - là nhà văn, hàng xóm, chạc tuổi với Xoay, Xoay quen và cưới Sương. Trớ trêu thay, Sương lại là một tính cách hoàn toàn đối lập với Xoay, đầy toan tính và thủ đoạn. Sự đối lập đó đã đẩy cuộc sống của hai vợ chồng ngày càng rơi vào trạng thái căng thẳng và khó chịu. Bi kịch tất yếu đã xảy ra...
          Cùng khu có Ron đang công tác thủ kho ở xí nghiệp Thu mua. Xí nghiệp này quản lý hành chính khu nhà tập thể. Đây là một nhân vật rất đặc trưng của một thời kỳ bao cấp: Máy móc, ngộ nhận nhưng cũng lại là người cực kỳ chân thật và hồn nhiên. Cũng chính vì sự hồn nhiên đó mà Ron đã bị những kẻ cơ hội lợi dụng để biến anh thành công cụ của chúng. Cuối cùng khi nhận ra được chân giá trị của cuộc sống thì cũng là lúc mà Ron mất mát quá nhiều khiến anh rơi vào trạng thái sook, thậm chí đến mức hoảng loạn. Một sự trả giá đau đớn...
        Bình, cùng trong nhóm bạn, là biên tập viên của tờ báo Hạnh phúc, nhưng chính anh lại là người rơi vào tình trạng mất hạnh phúc khi Thủy, vợ anh, tìm mọi cách rời xa anh chỉ để thỏa mãn một tư duy sống là không chấp nhận sự nghèo. Chính trong trạng thái đó, Bình đã mất luôn cả niềm tin vào cuộc sống. Điều này cũng dẫn anh đến sự bế tắc cả trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp. Kết cục cho đến cuối cùng Bình cũng mãi chỉ là kẻ luôn tự dằn vặt bản thân. Điều đó minh chứng là khi con người ta đã đánh mất đi niềm tin vào cuộc sống thì con người đó chỉ còn là cái xác không hồn.
Song song với các nhân vật được coi là giới tri thức, phim đề cập đến một mảng đời sống không kém sinh động nhưng cũng đầy phức tạp của những người dân lao động bình thường.
 
Ngõ Lỗ Thủng!
 
         Vốn dĩ nó cũng chỉ là một cái ngõ thông thường như bao cái ngõ quanh co của cái đất Hà Nội này. Nhưng ở cái ngõ đó, cuộc sống của những người dân lao động bình thường trong thời kỳ khốn khó cũng được bộc lộ một cách rất đặc trưng.
        Một bà Còng tổ trưởng dân phố. Công việc say sưa của bà là tích cực vá lấp cái lỗ thủng ra vào công viên mà những người dân đã phá...
       Một anh Gù bán hàng nước, tưởng chừng như là người rất dữ dằn nhưng ở sâu trong trái tim, anh ta cũng vẫn là người thèm khát một tình yêu, một mái ấm gia đình để rồi cuối cùng vẫn bị rơi vào sự thất vọng bởi chính lòng thương hại của đồng loại...
       Cạnh đó, gia đình ông Thống, với hai cô con gái là Sương và Hạnh. Đây cũng được coi như hình ảnh của một số gia đình trong một thời kỳ nhạy cảm đầy biến động này. Một ông bố già, nghèo và bất lực khi nhìn những đứa con dần tuột khỏi vòng tay mình với lối tư duy thực dụng của lớp trẻ trong thời kỳ mới...
Đan xen trong phim còn có những nhân vật khác như giáo sư Thái và bà Huệ vợ ông, Đạo, bà điếc, bà Mão, ông Sĩ, Minh... Tất cả đã tạo nên một bức tranh sinh động khi chúng ta nhìn lại quá khứ. Mặc dù quá khứ đó có thể rất đau lòng khi nhắc đến nhưng khi nhìn lại nó chúng ta cũng vẫn còn thấy được rất nhiều điều cần nói với nhau. Đó là cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân cách con người vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Tiễn biệt những ngày buồn. Nhưng lỗ thủng sâu trong mỗi con người những ngày qua đang để lại thì dẫu có tiễn biệt cũng không dễ hàn gắn lại được. Âu đó cũng là điều mà chúng ta sẽ luôn phải nhắc nhở nhau trong cuộc sống ngày hôm nay.
 
Phim sẽ được phát sóng vào đầu tháng 2
 
        Thêm một điều đáng nói đó là việc tìm kiếm tạo dựng bối cảnh , tìm kiếm đạo cụ , phục trang thời bao cấp cách đây gần 30 năm cũng là những cố gắng tuyệt vời của đoàn làm phim ....Những cảnh quay đặc tả vật dụng quen thuộc gắn bó với nhiều thế hệ nay đã qua tuổi trung niên chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả những điều thú vị xúc động .
 
Theo Nhịp cầu VTV
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: