Thứ sáu, 19/04/2024,


Sáu nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu (03/02/2009) 

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong số hơn một ngàn hội viên Hội nhạc sĩ VN thì có gần một trăm nhạc sĩ tuổi trâu. Cao niên nhất là các cụ Lê Thương, Nguyễn Hữu Ba sinh năm Quý Sửu 1913. Sau nữa đến các ông Ngọc Bảo, Dương Minh Viên - tác giả hành khúc "Du kích Ba Tơ" nổi tiếng - sinh năm Ất Sửu 1925. Tiếp nối là một loạt các nhạc sĩ Lê Anh, Thế Bảo, Quý Dương, Thanh Đính, Trần Đức, Tố Hải, Dương Phú, Hoàng Sửu, Bùi Gia Tường, Lương Kim Vĩnh, Vũ Bảo Lâm, Nguyễn Văn Tỵ... sinh năm Đinh Sửu 1937. Lứa tuổi sinh năm Kỷ Sửu 1949 của chúng tôi, cũng khá nhiều như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Văn Đờn, Hà Đình Hào, Vĩnh Hùng, Phạm Tuấn Khoa, Huy Loan, Phan Long, Hoàng Hữu Lộc, Nguyễn Xuân Nhật, Đặng Hồng Quang, Thân Trọng Phúc...; nhiều hơn cả là lứa tuổi sinh năm Tân Sửu 1961 mà Tố Hữu đã từng ca ngợi: "Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng". Lứa tuổi này hiện đang ở độ chín, sung sức. Do năm nay là năm Kỷ Sửu 2009, người viết bài này sẽ ưu tiên viết về 6 nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu.

1.PGS - NSƯT Minh Cầm

Nghệ sĩ Ưu tú Minh Cầm sinh ngày 28.3.1949, là con gái của cựu chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - Nguyễn Hữu Hiếu.

Minh Cầm đã bước vào nghề chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc từ thanh xuân. Chị trở thành một trong những nữ nghệ sĩ chỉ huy hiếm hoi của Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp chỉ huy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chị đã theo học chỉ huy tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria. Về nước năm 25 tuổi, chị vừa tham gia giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, vừa chỉ huy dàn nhạc của trường và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Từ năm 1990 và chị lại tiếp tục đứng trên bục giảng tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh cũng như tham gia chỉ huy dàn nhạc nhạc viện. Với một ngoại hình đẹp, chuyên môn cao, nhìn Minh Cầm chỉ huy, ta cảm thấy thêm tự hào cho người phụ nữ Việt Nam vì đã có những người như Minh Cầm chỉ huy trước một dàn nhạc giao hưởng. Chị vừa là Phó Giáo sư vừa là tiến sĩ Nghệ thuật.

2. Nhạc sĩ Phan Long

Nhạc sĩ Phan Long sinh ngày 20.9.1949. Trong khi đang là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam, anh nhập ngũ và về Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân từ 1968.
Năm 1973, Phan Long tròn 24 tuổi được chuyển ngành về phòng âm nhạc thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đấy, cái nghiệp gắn bó với thiếu nhi đã biến anh thành "nhạc sĩ của tuổi thơ".

Tôi nhớ hồi kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917-1977), tự nhiên nghe trên đài một bài hát thiếu nhi rất lạ "Từ Radơlíp đến Pắc Bó" với nhịp điệu độc đáo và giai điệu thật hồn nhiên. Hoá ra đó là tác phẩm "chào làng nhạc" của Phan Long.

Sau đó lại nghe tiếp một bài hát khác cũng của Phan Long: "Cánh chim tuổi thơ", thì thấy rằng danh hiệu "Nhạc sĩ tuổi thơ" với anh là quá đúng.

Từ ngày Phan Long cùng gia đình "hành phương Nam", hình như cái nắng gió của thành phố Sài Gòn đã khơi cháy cái chất lửa trong anh và Phan Long đã xuất thần trong việc phổ bài thơ "Mẹ" của nữ thi sĩ Đoàn Ngọc Thu: "Cả cuộc đời/ cha đi đánh giặc...". Bài hát bây giờ đã trở thành một bài hát điển hình dành cho mẹ Việt Nam.

3. NSƯT Thuý Hà

Nghệ sĩ ưu tú Thuý Hà sinh ngày 18.2.1949. Từ nhỏ, Thuý Hà đã yêu ca hát và tham gia đội "Sơn ca" của thiếu nhi Hà Nội.

Vào đầu thanh xuân, Thuý Hà đã tham gia quân đội và trở thành ca sĩ chính của Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc. Lúc ấy, người lính nào cũng biết đến Thuý Hà qua bài "Anh bộ đội và chiếc xe quệt" của Nguyễn Lầy - Tuấn Long.

Được trở về học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam, Thuý Hà đã khẳng định giọng nữ cao của mình khi là nghệ sĩ opéra ở Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Cuộc hoá thân của Thuý Hà vào vai cô Sao trong opéra "Cô Sao" của Đỗ Nhuận là cuộc hoá thân kỳ diệu mà giới thanh nhạc Việt Nam không thể nào quên.

Ở nhạc kịch "Fidelio" của L.V.Beethoven, Thuý Hà cũng nổi bật trong vai Marellin. Cuộc đời mỗi ca sĩ gắn liền với những bài hát nổi tiếng. Ở Thuý Hà, đó là "Chào mùa xuân đại thắng - Chào anh giải phóng quân" (Hoàng Vân), "Cánh chim báo tin vui" (Đàm Thanh)... và thật sinh động trong "Bến cảng quê hương tôi" (Hồ Bắc).

4. Nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Phú quang sinh ngày 13.10.1949. 30 năm trước, tôi gặp Quang ở căn buồng số 42 nhà C1 khu Trung Tự. Đồng niên nên chúng tôi dễ thân nhau. Hồi đó, Quang đang mải mê với "Dàn nhạc mùa thu" cùng các bạn là giảng viên Nhạc Viện Hà Nội. Những năm ấy, để có thể tiếp cận với nhạc nhẹ, "Dàn nhạc mùa thu" của Quang đã chọn phong cách "bán cổ điển" và rất được chú ý.
Chơi với nhau mới biết, hoá ra Quang đã có một bản nhạc không lời rất quen thuộc cho chương trình "Đọc chuyện đêm khuya" của Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ khi tốt nghiệp trung cấp kèn cor. Và định mệnh cũng đã đưa Quang vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1985.

Chính việc đi xa Hà Nội, bằng nỗi nhớ "rét" của mình, Quang đã bật sáng hoàng loạt các nhạc phẩm về Hà Nội mà mở đầu là "Em ơi! Hà Nội phố" (phỏng thơ Phan Vũ). Bài thơ "Chiều không em" của tôi mà Quang phổ nhạc cũng nằm trong mạch cảm xúc đó và đang có vẻ như rất "hot" trong các chương trình "Đêm nhạc Phú Quang".

5. GS Trần Thu Hà

Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà sinh ngày 12.11.1949. Chị là ái nữ của NSND Thái Thị Liên và là chị của danh cầm Đặng Thái Sơn.

Truyền thống gia đình đã dẫn dắt Trần Thu Hà đến với cây đàn piano thật tự nhiên. Sau những năm tháng học tập trong nước dưới sự hướng dẫn của mẹ, Trần Thu Hà sang tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô) và trở thành tiến sĩ nghệ thuật.

Trần Thu Hà gắn bó với Nhạc viện Hà Nội từ năm 1975 và trở thành Giám đốc Nhạc viện Hà Nội từ năm 1996 đến khi về hưu. Nhiều thế hệ học trò piano đã trưởng thành từ sự giáo dưỡng của cô giáo Trần Thu Hà.

Chị đã luôn tâm niệm rằng phải đào tạo học sinh có đủ phẩm chất của một nghệ sĩ biểu diễn piano quốc tế. Rất nhiều giáo trình bậc đại học và cao học do chị soạn thảo đã mang chứa được tâm niệm đó. Nhờ vậy mà chị đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là đại biểu Quốc hội khoá XI.

6. Nhạc sĩ - Thiếu tướng An Thuyên:

Nhạc sĩ An thuyên sinh ngày 15.8.1949. cũng 30 năm trước, tôi gặp An Thuyên khi anh còn công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 4 ra tập huấn ở Hà Nội. Ca khúc "Em chọn lối này" của anh được trình diễn có giai điệu khá độc đáo. Sau dịp đó, An Thuyên còn cho nghe thêm "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác" mang một âm điệu hát Phường vải Nghệ Tĩnh.

Từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước, An Thuyên vừa học nhạc viện, vừa viết ca khúc rất sung sức. An Thuyên có duyên với các giải thưởng. An thuyên còn viết hợp xướng và kịch hát như "Đất nước đứng lên" (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Ngọc)... Điều khá đặc biệt là từ năm 1992, mặc dù lãnh trách nhiệm Hiệu trưởng Trường Văn hoá nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội) cho tới hôm nay, An Thuyên vẫn liên tục sáng tạo âm nhạc.

Anh còn là Phó Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật và mặc dù mới tham gia quân đội từ 1975, An Thuyên trở thành nhạc sĩ quân đội đầu tiên được phong hàm cấp tướng.

Một chút tự sự

Hoá ra, những người mang mệnh tuổi trâu - người ta hay nói "đàn gẩy tai trâu" - lại có duyên làm nghề thẩm âm cũng chẳng kém gì những người mang mệnh tuổi khác. Có chăng, cái số phận của tuổi này phải liên tục làm việc cho tới cùng. Không chỉ họ nổi tiếng trong làng nhạc, thế hệ nối tiếp của họ cũng đang phát sáng.

Con gái Trần Thu Hà cũng là một nghệ sĩ piano "xịn" đang theo học ở Mỹ. Con gái Phú Quang - Trinh Hương - cũng là một nghệ sĩ piano dày dạn. Con trai Phan Long thì là một ca sĩ trong nhóm nhạc trẻ. Con trai Thuý Hà là nhạc sĩ Tuấn Hùng. Con trai An Thuyên là nhạc sĩ An Hiếu và con gái là ca sĩ Bông Mai...

 

 

Nguyễn Thụy Kha

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: