Thứ sáu, 29/03/2024,


Bành Thanh Bần : Nhà thơ hay nhà giàu chơi thơ? (21/04/2015) 


   Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chỉ một câu thơ hay cũng trở thành thi sĩ, lưu danh muôn thưở và thi nhân là chính mình chẳng ai quên tên, vượt mặt. Còn như Bill Gate, chẳng ai dám coi thường, vì ông không chỉ có nhiều tiền mà còn có cả tấm lòng nhân ái vì biết thương đồng loại. Xem vậy, thi nhân hay doanh nhân chỉ khác nhau ở cách thức “đồng loại hóa” tình cảm của mình, chứ không phải là ở chỗ anh ta đã, đang và sẽ có gì.

 


 

Nhà thơ Bành Thanh Bần

 

 

   Tôi đã đọc thơ của Bành Thanh Bần trong thời gian gần đây, đọc các bài viết về ông cũng trong quãng thời gian ấy, và cũng đã bị nhiều người đưa ra những câu hỏi cực “xoáy” rằng ông Bần là nhà thơ hay doanh nhân, nhà giàu chơi thơ hay nhà thơ làm kinh tế? Bây giờ tôi mới ngộ ra một điều thật đơn giản rằng: Người có tâm thì tốt nhất nên làm thơ, trở thành nhà thơ. Người có tài thì có thể làm kinh tế và làm được nhiều điều. Còn người không có tâm và không có tài thì chẳng bao giờ làm được việc gì cả.

 

   Đọc các bài viết về thơ của Bành Thanh Bần, tôi thấy nhiều người đều khen ở tấm lòng của ông. Điều ấy đúng nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, trớ trêu là trong thực tế cuộc sống, nhiều người có tấm lòng cũng chưa hẳn đã thành nhà thơ, như Bill Gate chẳng hạn. Cũng vậy đâu phải tất cả nhà thơ đều có tấm lòng, biết sẻ chia với cộng đồng. Vậy chăng chúng ta cần có những cái nhìn khách quan, biện chứng hơn những mong tìm ra lời giải cho câu hỏi: Bành Thanh Bần là nhà thơ làm kinh tế hay nhà giàu chơi thơ?

 

  Tôi biết bác Bành Thanh Bần, không phải với tư cách là một doanh nhân, là người xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, cũng không phải với tư cách là một nhà thơ có thứ hạng, thương hiệu trong làng thi ca Việt. Bởi lẽ, chính ông cũng đã từng thú nhận rằng, ông chưa phải là người giàu có gì so với khối người trong thiên hạ và cũng đến với thơ ca muộn hơn so với nhiều người cùng tuổi. Tôi nghe danh tiếng bác Bần từ dịp Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội vào cuối năm 2010, nhưng mãi tới giờ tôi mới viết về thơ của bác ấy.

 

   Đọc thơ của Bành Thanh Bần mọi người dễ dàng nhận ra sự đam mê thơ ca mà ông đã gửi gắm từ thẳm sâu cõi lòng đa đoan, có phần nghiệp chướng vào từng trang viết.

   Sự vị tha của người vợ trong lễ động thổ vắng người chồng cũ quả là rất đáng nể trọng. Chỉ có những con người chất chứa trong tâm đầy tấm lòng nhân bản mới có thể nghĩ và nói ra được điều ấy: từ khi tình tan vỡ/ Anh lấy người ta/ Ngôi nhà mới xây anh đã đứng tên động thổ rồi. Vượt qua sự oán trách, hờn ghen đối với người chồng cũ, khi biết rằng giọt nước đã tràn ly làm sao vớt lại được nữa, thì chỉ có tha thứ mới là diệu kế. Các cụ ta xưa đã dạy: Cọp chết để da, người chết để tiếng là đắc cơ trong cách ứng xử giữa con người với con người:

 

Vẳng đến tai em lời hàng xóm thì thào
Sao bố chúng không về phải mượn người động thổ?
Họ đâu biết từ khi tình tan vỡ
Anh lấy người ta
Ngôi nhà mới xây anh đã đứng tên động thổ rồi.
(Lễ động thổ vắng Anh)

 

    Người ta đi chợ Viềng là để bán rủi, mua may, còn nhà thơ Bành Thanh Bần lại đem bán lẻ chuỗi ngày đơn côi. Đây là câu thơ đầy một nỗi đau nhân thế. Nhà thơ không cần mua may, bán rủi mà đi bán chính cái làm nên phẩm chất của anh ta: chuỗi ngày đơn côi. Thế thì còn gì đau hơn. Xét ở một góc độ nào đấy, thi sĩ bán đi sự đơn côi cũng có nghĩa anh ta chẳng còn bất cứ cái gì bảo hiểm cho nghiệp cầm bút của mình nữa, như vậy còn đau hơn cả chị Dậu bán lũ chó và đàn con để cứu chồng:

 

 

Chợ Viềng
Bán rủi, mua may
Tôi đem bán lẻ chuỗi ngày đơn côi
Trong Đền, em khấn cạnh tôi
“Cầu duyên Tần - Tấn
... mong Người độ tâm”
Chắp tay tôi khấn thì thầm
Sợ ai nghe- chỉ lầm rầm, nhỏ thôi...
(Chợ Viềng)

 

 

    Nhà thơ Bành Thanh Bần không ít hơn một lần đi tìm lời đáp cho câu hỏi mà cố nhân để lại nơi bãi đá cổ Sa Pa, dẫu biết rằng mình không phải là người đầu tiên và chắc chắn cũng chưa phải là người cuối cùng đi tìm cái không bao giờ tìm được. Nhưng ông vẫn cứ đi tìm cái vô vọng đó. Chỉ có những người mang nặng nỗi đau đời mới đi tìm những cái mà người đời cho là “vu vơ”, “vô tích sự” ấy. Trong cuộc mưu sinh đầy mưa nguồn, nắng lửa, bao trớ trêu được mất như canh bạc cuộc đời, không ít người đã, đang và sẽ lao như con thiêu thân vào các cạm bẫy người với những cuộc lừa đảo ngoạn mục, những vụ chộp giật trắng trợn trên các sàn chứng khoán, bất động sản, vàng và ngoại tệ hay buôn lậu ma túy, tham nhũng, bòn rút những đồng tiền của người nghèo thì vẫn còn những anh chàng “ngốc” đi tìm cái chẳng để làm gì như nhà thơ Bành Thanh Bần.

 

Người xưa đau đáu nỗi gì
mà khắc vào đá mà ghi giữa đời
...
Hỏi trời, Trời có biết không?
Hỏi đá, Đá cứ lặng câm…
Hỏi người:
- Em ơi! Em lắc đầu, cười…
Lấp lánh khuyên bạc treo trời lửng lơ…
(Ở bãi đá khắc cổ Sa pa)

 

    Thời gian như một lưỡi dao sắc lẹm, đẽo gọt thân xác người ta. Ai cũng vậy, nhưng chẳng thể nào cưỡng lại được. Vậy xem ra làm kiếp người đã khổ. Với thi nhân nỗi khổ ấy còn tăng lên gấp bội lần. Một khi vướng vào nghiệp chướng văn chương chẳng mấy ai ở đời có thể thoát ra khỏi cái “vòng kim cô” ấy, thậm chí ngày càng lún sâu hơn, bởi duyên nợ kiếp trần đặng đâu dễ trả, mà thời gian và nàng thơ cứ thi nhau gặm nhấm, mài mòn cả tâm hồn cùng thể xác con người, dù cho ai đó có “nhặt” đến hết đời trọn kiếp cũng chẳng thể nào:

 

Nàng Thơ nhuộm tóc bạc thêm
Tay em từng sợi "nhặt" lên... dịu dàng...
Nghiệp thơ trải mấy đa đoan
Tóc ơi, xanh với thời gian... đừng già
(Tim nghiêng)

 

    Không biết có phải là chủ quan không, chứ phàm là những làm thơ nói riêng và văn chương nói chung “bất sở cầu”, chưa/ không mong trở thành “nhà” nọ, “nhà” kia như nhà thơ họ Bành hồn thơ thường mộc mạc, chất phác, không bị yếu tố “làm văn” gây áp lực, nên ngôn ngữ thơ gần với đời sống hơn:

 

 Bất ngờ
nàng ngã vào tôi
Bất ngờ
ngã một nụ cười vào mây
Bất ngờ
mây ngã trên tay
Tóc nàng đổ xuống ngã đầy vai tôi.

(Bất ngờ trên Tản Viên Sơn)

 

    Những điều ông nói ra trên đây cứ “tưng tửng” vậy thôi, như không hề có chuyện gì xảy ra, vì tất cả chỉ là bất ngờ, chứ chẳng ai chủ đích cả. Chính cái “tưởng chừng” ngẫu nhiên đến chết người ấy, mới đích thực là thơ. Chất thi ca thường toát lên từ giọng điệu và thi tứ, chứ không phải là sự cố tình gò ép, nắn gọt câu chữ mà nên.

 

    Có thể nói những bài thơ như: “Ngoài này Hà Nội vẫn mưa”, “Tha thẩn Chợ Viềng”, “Ở bãi đá khắc cổ Sa Pa”, “Bất ngờ trên Tản Viên Sơn”, “Tim nghiêng”,... mà tôi đã đọc, là những bài thơ lục bát thuần Việt khá hay về khía cạnh cảm xúc và trường liên tưởng của ông Bành Thanh Bần.

 

    Cũng cần phải nói một cách dứt khoát rằng thơ hay có năm bảy đường: hay ở từ, ở câu, hay ở giọng điệu, ngôn ngữ biểu đạt, hay ở cảm xúc chân thật, cách tạo tứ mạnh bạo, mạch liên tưởng đa dạng, phong phú hay ở sự dân dã trong cách cảm, cách nghĩ và hay ở khả năng suy tưởng cao diệu,...Trong các nhận diện đó về thơ hay, thì thơ Bành Thanh Bần hay ở cảm xúc, cách cảm, cách nghĩ, giọng điệu, ngôn ngữ biểu đạt và mạch liên tưởng đa dạng, phong phú. Có người làm thơ cả hàng chục năm cũng chưa chắc đã có được một bài nào hay. Còn số người làm thơ hay theo đủ các tiêu chí trên từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chắc cũng không nhiều lắm. Nên khi một ai đó chót nặng nợ với nàng thơ mà tạo ra được một câu, trong một câu có một chữ “đắc địa” cũng đã quí lắm rồi.

 

Bất ngờ mây giấu làn môi
Bất ngờ gió
để cho tôi…bất ngờ!

(Bất ngờ trên Tản Viên Sơn)

 

   Hai câu thơ lục bát, 16 chữ có đến ba từ “bất ngờ” mà vẫn không thừa, thậm chí còn rất đắc địa nữa là khác, thế thì đích thị đấy là những câu thơ hay rồi còn gì. 

 

 

    Hay ngồi ở Hà Nội một ngày mưa mà vọng về xứ Huế, nơi có mối tình xưa vẫn đằng đẳng đeo bám thi nhân để rồi Bành Thanh Bần buông xuống những câu thơ được xem là khá tài hoa:

 

Sông Hương thuyền vẫn gác sào
Tình anh em vẫn neo vào lưng ong?
Trường Tiền cong nét mi cong
Nhớ anh đừng chớp kẻo giông bão về…
(Ngoài này Hà Nội vẫn mưa)

 

    Phải khẳng định một cách chắc chắn rằng câu 2 và câu 4 của khổ thơ trên là những câu thơ hay, tạo được sự bất ngờ trong liên tưởng của người tiếp nhận văn bản thơ. Từ việc con thuyền gác sào trên bến sông Hương tưởng như chẳng ăn nhập gì với tình anh, nhưng nhà thơ đã liên tưởng đến việc “neo” tình anh vào lưng ong của người con gái thì chỉ có thơ mới làm được việc ấy và làm một cách rất Bành Thanh Bần.

   

  Nếu chỉ đọc những đoạn thơ trên không ít người sẽ nghĩ rằng nhà thơ họ Bành này vẫn còn “nhát gan” lắm, toàn vọng mưa, trêu gió cả thôi, chứ đâu dám lại gần mỹ nữ. Nhưng đọc đến đoạn này cảm nghĩ trên ắt sẽ tan biến, bởi xem ra người thơ này cũng mạnh bạo chẳng kém bất cứ con người nào:

 

Lễ xong
Ra đến cửa Đền
Nhấp nhô sóng lễ bơi trên sóng người!

Ngực em chạm phải ngực tôi
Để mâm lễ cứ chơi vơi trên đầu

Lóng ngóng tay biết đặt đâu
đưa lên, ngực lại chạm nhau, bồi hồi
(Tha thẩn Chợ Viềng)

 

    Bốn câu cuối của đoạn thơ trên rất gợi, tạo cho người đọc nhiều phán đoán, suy tư về cái điều mà ai cũng hiểu nhưng lại chẳng dễ nói ra. Kín đáo, không bộc trực vốn là một trong những phẩm chất của người Á Đông. Phẩm chất ấy được thể hiện khá rõ trong các thể thơ truyền thống, đặc biệt là thể lục bát, một thể thơ thuần Việt. Bành Thanh Bần đã thể hiện khá thành công phẩm chất ấy trong các thi phẩm của mình.

   

     Vào cửa Đến, chốn linh thiêng, thâm nghiêm, nhưng chẳng ai có thể tránh hết được những va chạm nho nhỏ giữa sóng người nhấp nhô đi lễ. Chạm vào người nhau âu cũng là chuyện thường tình. Đối với thi sĩ, sự khác người là ở chỗ biết biến cái bình thường thành cái không bình thường chút nào, khiến người đọc phải liên tưởng, suy nghĩ và phải thốt lên, sao không chạm vào nơi khác, cái khác mà lại cứ phải chạm vào ngực nhau như thế hở trời. Chỉ thế thôi cũng đã chết con người ta mất rồi còn gì nữa, làm mâm lễ cứ chơi vơi trên đầu, lấy tay đâu mà giữ đây. Giữ được mâm lễ thì lại không che được ngực, thế có khổ không cơ chứ. Có không ít những câu lục bát hay từ trước tới giờ, và đây cũng là những câu lục bát được xếp vào hạng hay, không thể phủ nhận được.

 

    Cũng cần nói thêm, nhà thơ Bành Thanh Bần có cách “đổ đèo” khá táo bạo và ngoạn mục, đem lại diện mạo mới cho thể lục bát truyền thống:


Hỏi trời, Trời có biết không?
Hỏi đá, Đá cứ lặng câm…
Hỏi người:
- Em ơi! Em lắc đầu, cười…
Lấp lánh khuyên bạc treo trời lửng lơ…
(Ở bãi đá khắc cổ Sa pa)

 

     Ở đoạn thơ này, ông Bần đã táo bạo ngắt hai từ nằm trong phạm vi cú pháp của câu bát ở trên để tách ra thành một câu riêng biệt, mang tính chất chuyển ý rất hợp lý, tạo nên được một sự bất ngờ thú vị.
Đương nhiên là ranh giới giữa sự dân dã, mộc mạc, chất phác và sự dễ dãi, sơ lược trong văn chương nói chung và thơ nói riêng chỉ cách nhau chưa đầy sợi chỉ. Nhà thơ Bành Thanh Bần là người chuộng sự dân dã trong suy tư cũng như ngôn ngữ biểu đạt thơ nên cũng khó vượt qua được ranh giới ấy:

 

Người xưa đau đáu nỗi gì
mà khắc vào đá mà ghi giữa đời?

Đá ơi! Ai rắc lưng đồi ?
Hiếu kỳ! Khách nượp nượp người đến thăm!
(Ở bãi đá khắc cổ Sa Pa)

 

    Ở câu thứ 3 trong đoạn thơ này, giá bỏ đi một chữ “mà” thay vào đấy một chữ khác, câu thơ chắc chắn sẽ hay hơn. Chữ “mà” về mặt từ loại là liên từ. Đối với thơ ca hiện đại tối kỵ dùng các từ nối (liên từ) như: mà, và, nhưng, nên,... và các hư từ chỉ thuần túy mang tính chất biểu cảm như các từ: ơi, a, hở, nhé,...Vì bản thân các từ loại này không mang nghĩa nội hàm tự thân mà chỉ là từ công cụ dùng để đưa đẩy, gắn kết các từ, câu, đoạn trong văn nói hoặc trong các thể thơ ca truyền thống như ca dao, hò, vè, truyện nôm dân gian,...
    Hai câu thơ:

 

Đá ơi! Ai rắc lưng đồi?
Hiếu kỳ! Khách nượp nượp người đến thăm!

 

     là hai câu khá dễ dãi về hình thức ngôn ngữ biểu đạt, thể hiện sự hạn hẹp của tư duy thơ, ít có chất suy tưởng. Rõ ràng là cũng với ý nghĩa ấy, người khác có thể viết thành hai câu thơ hay và độc đáo hơn. Vì thế hai câu thơ trên trở thành một thứ “vật liệu” chung cho tất cả mọi người, chứ không hề mang dấu ấn của riêng của nhà thơ Bành Thanh Bần. Đấy chính là sự hạn chế của việc quá câu nệ vào niêm luật của thể lục bát, nên nhà thơ đành phải hy sinh một cách ngoài ý muốn phần hồn vía của thơ.

 

   Tư chất vốn có của nhà thơ, như là một tài sản được trời phú. Đấy mới là tiền đề, là bước khởi đầu, nhưng để biến tài sản ấy thành tài sản riêng của mình, ngoài chất liệu cuộc sống, nhà thơ cần một quá trình chưng cất thật sự công phu, lao tâm khổ tứ, lao động nghiêm túc mới thành thơ được. Nếu ai lạm dụng một trong hai thứ ấy: tư chất thi sĩ và chất liệu cuộc sống thì có thể thành một cái gì đấy, nhưng nhất quyết không thể tạo ra được những câu, những bài thơ hay, càng không thể trở thành những nhà thơ có bản sắc, thương hiệu riêng, độc đáo được.

 

    Đến đây, tôi có thể tương đối yên tâm khi cho rằng Bành Thanh Bần là nhà thơ làm kinh tế chứ không phải người giàu chơi thơ như một số người vẫn tưởng. Nhà thơ làm kinh tế có thể được tất cả, chí ít cũng là hòa, chứ chẳng bao giờ mất hết. Nhà thơ Bành Thanh Bần thuộc diện người này. Với kinh tế, đến muộn thường mất cơ hội, nhưng với thi ca đến sớm hay muộn chưa phải là vấn đề cốt tử, miễn là có tâm. Với một người như nhà thơ Bành Thanh Bần tôi tin có thể gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên cả hai mặt trận thi ca và kinh tế (!?)

 

                                             ĐỖ NGỌC YÊN


Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: