Nói đến thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, không thể không nhắc đến một người, đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông như thể được sinh ra để làm thơ về cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta và để trở thành đỉnh cao của thơ ca thời kỳ này.
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14 tháng 01 năm 1941 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Cha ông là nhà giáo, dạy chữ Hán và chữ Pháp, còn mẹ làm ruộng, không biết chữ. Thuở nhỏ ông học ở trường làng, đến phổ thông trung học ông học tại Trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sau đó vào học tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm I, Hà Nội, năm 1964 thì tốt nghiệp.
Thế nhưng, có lẽ cuộc đời không cho chàng sinh viên văn khoa này nối nghiệp cha mình, gắn bó với nghề nhà giáo. Ngay sau khi ông vừa tốt nghiệp Đại học, cũng là lúc giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc và cả nước ta bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đấy là thời kỳ nhân dân miền Bắc dồn hết sức người và sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đấy cho đến trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), bao thế hệ thanh niên ta theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường nhập ngũ, ra chiến trường. Phạm Tiến Duật là một trong số những người thanh niên có mặt trong dòng người vô tận ấy.
Vào thời điểm ấy, nhu cầu được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi có giặc ngoại xâm đã trở thành khát vọng sống của cả thế hệ trẻ chúng tôi. Phạm Tiến Duật không phải là trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng, còn có một lối đi khác, lối đi vào thi ca thì không phải ai cũng có cơ may như ông. Ông tham gia chiến đấu trong tư cách một phóng viên mặt trận hơn là một người lính chiến thực thụ, nên ông chỉ là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của những người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, hơn là một sự trải nghiệm cá nhân về những nỗi đau ấy.
Điều đó đã được phản ánh khá rõ trong thơ ông. Những bài thơ đã để lại dấu ấn trong lòng thế hệ trẻ thời bấy giờ nói riêng và công chúng yêu thích thơ ca thời chống Mỹ nói chung như: “Lửa đèn”, “Tiểu đôi xe không kính”, “Gửi em cô thông niên xung phong”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây”… Những bài thơ này đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của thơ ca Việt Nam thời kỳ chống Mỹ với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt IV, năm 2012.
Nhưng không thể không nói đến bài thơ được Giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ, năm 1970 của Phạm Tiến Duật là bài “Lửa đèn”. Đọc bài thơ này ta thấy cái lý của Phạm Tiến Duật là ở chỗ, có thể từ vô thức ông đã cắm sâu nguồn mạch thơ ca của mình vào truyền thống ông cha, vào những quan niệm của người phương Đông khi con người cho rằng nguồn cội của sự sống là hai yếu tố NƯỚC và LỬA: …
“Trên đất nước đêm đêm sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước
Lấy từ thuở hoang sơ
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trong chấu nhà ta
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy…”
Một khi trái tim không còn bỏng cháy, tức là khi ấy sự sống cũng dần nguội tàn. Vậy mà những người lính và cả dân tộc ta thời khắc ấy cần phải sống, phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp trăm nghìn lần, thì làm sao lại có thể để trái tim ta tắt lửa.
Triết lý nghệ thuật của Phạm Tiến Duật với hình ảnh những ngọn đèn có lửa ở bên trong, thực ra đã nói được nhiều hơn những điều ông muốn nói. Sức lan tỏa từ các giá trị thẩm mỹ của hình tượng thơ vì thế càng vang xa và càng xoáy sâu vào lòng người đọc. Âu đấy cũng là cơ sở của lòng tin, sự lạc quan, đôi khi thái quá của ông. Nhưng dù sao chính các bài thơ được viết ra trong thời kỳ này đã đưa Phạm Tiến Duật đạt tới đỉnh vinh quang của thơ ca thời kỳ lịch sử hào hùng nhất của dân tộc- Thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Không những thế, thơ ông còn khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Các bài thơ như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, được hai nhạc sĩ Hoàng Tạo và Hoàng Hiệp cùng phổ nhạc, bài thơ “Quả bom câm”, nhạc Lê Lôi, “Zin ba cầu”, “Em là cô gái Trường Sơn”, nhạc Trần Tiến; “Niềm tin có thật”, nhạc Huy Thục và đặc biệt là bản Giao hưởng thơ gồm ba chương “Lửa đèn”, được nhạc sĩ Huy Loan sáng tác trên nền ý tưởng tác phẩm cùng tên của Phạm Tiến Duật, vở ballet “Lửa đèn”, cũng được nhạc sĩ Công Nhạc dàn dựng trên tứ của bài thơ trên… là những minh chứng sinh động cho điều đó.
Sau này, khi chiến tranh ngày càng lùi sâu vào quá vãng, không ít người đã ghi nhận sự lãng mạn, có khi như “lên đồng”, như kẻ “mộng du” trong thơ Phạm Tiến Duật. Còn ông lại nghĩ khác, “đời mình là một cuộc phiêu bạt cùng số kiếp. Thuở nhỏ, đi bộ hàng chục cây số để đến trường đã nuôi trong ông mầm mống của một kẻ phiêu bạt đó đây. Lên cấp ba thì đi trọ học ở xa nhà, sau đấy xuống Hà Nội học Đại học Sư phạm và trước khi vào chiến trường, ông thường đi chiếc xe đạp sơn màu xanh lá cây, trên khung xe ghi hai chữ “chống Mỹ” và cùng với chiếc ba lô con cóc, ông quẳng chiếc xe đạp lên thùng xe tải, rong ruổi theo những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, súng đạn vào chiến trường” (1).
Từ đó, con đường ra trận trong mắt anh sinh viên vừa mới tốt nghiệp cứ thế mà trở nên “mùa này đẹp lắm”, một cái đẹp đầy chất lãng mạn cách mạng và chỉ có những người như Phạm Tiến Duật mới có được mà thôi. Ngay chính ông cũng không lý giải một cách thấu đáo được tại sao mình lại làm như vậy, nhưng chỉ biết lúc ấy cứ thế mà đi, mà làm thơ, mà thành thi sĩ.
Sau này, ông bộc bạch: “Tất cả giấy tờ, quân số của tôi để lại ở Cục Vận tải, tôi cứ thế phiêu bạt dần vào mặt trận. Tôi không hề biết lái xe ô-tô, tôi chỉ cùng với những người lính vận tải, bám theo xe nọ, nối gót theo xe kia. Không có ai cử đi công tác mà tôi tự đi, tôi theo những người lính vào mặt trận. Đến khi vào sâu chiến trường, tôi gửi xe đạp ở nhà dân trong làng rồi cứ thế đi tiếp.
Chính vì sự công tác một cách vô kỷ luật, và sự vô kỷ luật lặp đi lặp lại nhiều lần, tái diễn liên tục nên tôi bị cắt đảng viên dự bị. Từ đó không kết nạp đảng được, mãi sau về Hội Văn nghệ rồi mới bắt đầu được xét kết nạp lại. Cái sự đi bạt mạng của tôi còn ghê gớm ở lần dẫn đoàn các nhà văn đi thâm nhập chiến trường do nhà văn Nguyễn Đình Thi dẫn đầu. Đoàn gồm 4 người, tôi, ông Thi, ông Tế Hanh và ông Đinh Đăng Định. Tiến sâu vào miền Nam, chia nhỏ làm hai đoàn, ông Thi và ông Định vào miền Tây Nam Bộ, còn tôi và Tế Hanh vào Củ Chi, sau đó giải phóng Buôn Mê Thuột lại trở ra và tiến vào nội thành Sài Gòn” (2)
Có lẽ nhờ vào cái cách ra trận “bất cẩn” của những người như ông cùng những gì mà các ông tận mắt chứng kiến từ cuộc chiến tranh khốc liệt đó đã giúp nhiều văn nghệ sĩ cùng thế hệ có được những tác phẩm hay vào bậc nhất nhì của một phong trào thi ca lúc bấy giờ. Theo ông, vào lúc đó, việc sáng tác thơ người ta không còn câu nệ vào vần điệu và cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần điệu của cuộc sống chiến đấu trên chiến trường làm gốc cho chữ nghĩa.
Phạm Tiến Duật vừa là người ở trong cuộc, vừa là người ở ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ. Phần ở trong, đã cho ông những tư liệu và kinh nghiệm của đời sống thực nơi chiến trường. Phần ở ngoài cho ông cái bồng bềnh, mơ mộng và lãng mạng của một thi sĩ trí thức, ít nhiều pha chất “lạc quan tếu”. Cả hai đã tạo cho ông có những giây phút thăng hoa trong các bài thơ mà ông đã viết trong những năm tháng đó. Những người như ông thường đau hơn nỗi đau thực của người lính và cũng lãng mạn hơn cái lãng mạn thực của người lính giữa nơi đạn bom và máu lửa của chiến trường. Có thể do tố chất và năng khiếu bẩm sinh của con người thi sĩ trong ông, nên Phạm Tiến Duật đã chọn khía cạnh lãng mạn của người lính chiến, hay đúng hơn là cuộc đời đã hướng ông đến với sự lãng mạn nhiều hơn là nỗi đau của cuộc chiến:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
/.../
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm, cười ha ha…”
Phạm Tiến Duật là người đã có mặt trong đoàn người ra trận năm xưa. Nhưng ông lại chỉ như là một người khách của đoàn quân ấy, bởi lẽ ông không mấy quan tâm đến những thiết bị kỹ thuật của một chiếc xe đang hoạt động trong vùng bom đạn, mà ông chỉ cần “trong xe có một trái tim”.
Sự lạc quan đến duy ý chí của Phạm Tiến Duật khiến những ai không bước ra từ cuộc chiến đó thấy rất khó để hình dung và chấp nhận được. Có thể nói ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, thời ấy có Phạm Tiến Duật là một nhà thơ thành công. Tuy nhiên ở vào thời điểm đó, ông đã có lý hay nói đúng hơn cuộc chiến tranh thần kỳ của dân tộc đã cho ông một cái lý. Đó là quyền quên đi những gian nan, vất vả, thiếu thốn trăm bề, thậm chí cả sự hy sinh xương máu, bởi trong chiến tranh mọi cái đều có thể xảy ra, nên mọi người cần phải lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai. Đó dường như là mệnh lệnh trái tim của những người lính và cả dân tộc ta thời ấy. Sự lãng mạn, lạc quan của Phạm Tiến Duật biểu hiện qua các hình tượng thơ, âu cũng là tinh thần chung của cộng đồng và thời đại. Đây có thể là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến thơ của ông trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mang cảm hứng sử thi và âm hưởng tráng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói dấu ấn đậm nhất trong suốt hơn 40 năm cầm bút của Phạm Tiến Duật là những bài thơ được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Bởi lẽ, bằng những tác phẩm nghệ thuật, ông đã nói hộ bao người và những vần thơ của ông thực sự đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ thanh niên nước ta trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Đấy là những gì có ý nghĩa nhất mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã để lại cho đời.
Sau này những tập thơ, kịch bản hay lời thuyết minh phim về Trường Sơn của ông dường như đã vắng bóng cái vẻ “tếu táo”, tưng tửng như những vần thơ ông viết trong lúc chiến tranh. Có người bảo dường như vốn liếng thơ ca của ông đã được huy động hết cho cuộc chiến, nên trong thời bình ông trở thành kẻ “đi lạc”. Vả nếu như cái chất tếu táo ấy của ông có còn thì xem ra cũng khó hành dụng, khi mà phần lớn người đời đang phải nhăn mặt nhíu mày vì bươn chải sinh nhai hay để trở thành tỷ phú, thì mấy ai cần nghe thứ thơ ấy nữa.
Thế nhưng, đến khi ấy, Phạm Tiến Duật lại nổi tiếng bằng những thứ khác, hay ít ra cũng là những cái không nằm trong hệ quy chiếu thơ chống Mỹ, mà ít ai ngờ tới được. “Vòng trắng” là một kiểu nổi tiếng khác. Tố Hữu cho rằng Phạm Tiến Duật là anh lính thì hay. Đến lúc luận là chết. Vòng trắng. Sao đời lại tự tử! Hai lần tự tử! Giết anh và giết người chết rồi. Không hiểu đời đã luận đời!
Một hôm, bốn người chúng tôi gồm nhà văn Lê Thấu, TBT báo Sức khỏe và Đời sống, nhà thơ Hoàng Trần Cương, TBT Thời báo Tài chính, nhà thơ Phạm Tiến Duật và tôi rủ nhau ra nhà hàng số I, Nguyễn Biểu uống bia. Sau một vài chầu, Phạm Tiến Duật tỉa một câu xanh rờn:
- “Này Lê Thấu, nên làm văn đi!”.
Ông Lê Thấu như bị dội một gáo nước lạnh, đốp chát lại ngay:
- “Thế Duật tưởng có một mình Duật làm văn thôi ấy à? Xin lỗi nhé, cái thứ văn của Duật có vứt đi không ai thèm nhặt. Kinh tế thị trường là thời của báo chí, không phải thời của mấy thứ văn chương vớ vẩn trước đây. Không đem nó ra mà gặm mãi được. Càng không lòe được công chúng đâu”.
Phạm Tiến Duật bắt đầu thanh minh, chống chế. Lê Thấu đứng phắt dậy, kéo tôi ra về để lại Phạm Tiến Duật và Hoàng Trần Cương ngồi trơ ra đấy.
Năm tháng qua mau, cuộc đời như chớp mắt, Phạm Tiến Duật đã về thế giới bên kia. Nhiều người bảo rằng Phạm Tiến Duật không chỉ nổi tiếng về thơ ca, trong những năm tháng cuối đời ông ấy không còn làm thơ nữa, nhưng làm những cái khác cũng nổi tiếng không kém./.
Ngọc Đỗ
Đỗ Thu Yên - truongson486@gmail.com - 01636689629 - HN
(Ngày 13/04/2015 22:09:10)
Xin cảm ơn bài viết, chúng tôi lớp đàn em ra trận đã thực sự được những bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật dộng viên, những bài thơ truyền sự lạc quan, những câu chuyện trong thơ phản ánh một tinh thần chiến đấu giữa bom rơi đạn nổ nhưng không hề bị khuất phục,ngay trên trên đườn hành quân các chiến sĩ đã đọc cho nhau nghe những bài thơ của PTD, sau này khi tôi làm nhiệm vụ trong một trong một trạm quân y trường sơn, tôi đã chứng kiến những câu chuyện của những người thương binh, không ít các chiến sĩ đã khao khát tìm gặp nhà thơ. họ lần theo dấu chân của PTD. TÔI XIN CHI SẺ BÀI THƠ VIẾT SAU ĐÁM TANG NHÀ THƠ PTD
. . . . Đỗ Thu Yên
Câu thơ và Lửa Đèn tập thơ của PTD |