Thứ sáu, 29/03/2024,


Đôi lời về nhà thơ Hoài An (11/04/2015) 

   Nhà thơ Hoài An đã có nhiều tập thơ xuất bản. Thơ anh chưa ấn hành cũng khá nhiều.Hơn bốn chục bài thơ mà tôi đang có trên tay là những bài thơ như vậy và là biểu hiện cảm xúc đa diện của nhà thơ Hoài An – nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, cựu chiến binh và là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

 

                                               Nhà thơ Hoài An- Nhà phê bình văn học Thanh Mai 

   

    Một nhà thơ như thế, tất yếu thể hiện trong thơ mình như làm tấm gương cuộc đời với cảm xúc phong phú và đa dạng: Tình yêu Hà Nội, kỷ niệm về người lính, nhà giáo và về tình yêu lứa đôi…
Có lẽ sâu nặng nhất đối với Hoài An là Hà Nội, vì thế, thi sĩ có số bài thơ về Hà Nội chiếm tỷ lệ áp đảo và cách thể hiện cũng vô cùng phong phú, đa dạng và sâu đậm.

   Từ xưa đến nay, thơ về Hà Nội đã nhiều, mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ có cách riêng của mình để nói về Hà Nội. Với Hoài An, trước hết, đó là Hà Nội đặc trưng hoa, mà là loài hoa rất đặc trưng Hà Nội - hoa sữa:


Nồng nàn như thể đón thu
   Lối xưa con đường hương sữa
Mờ sương phố vào tranh lụa
Hoa vương trong gió thì thầm
(Hoa Hà Nội)


   Một lần nữa, hoa sữa Hà Nội lại vào thơ, nhưng hoa sữa của Hoài An là hoài niệm về hương thơm và cả âm thanh thì thầm của người tình cũ.


  Hà Nội với Hoài An là “đất lành chim đậu”, là kỷ niệm về tuổi trẻ thời chinh chiến: “.Năm xưa ba lô rời phố/Thư sinh khoác áo chiến binh/Sổ tay ép trong túi ngực/Theo anh những dòng thơ tình”.. .Nhiều lắm về Hà Nội với Hoài An - làm sao kể hết!


  Song, “Cầu Long Biên” là bài thơ giàu tính sử thi. Một cây cầu điển hình của Hà Nội. Dù đã có thêm nhiều cây cầu qua sông Hông trên địa bàn Hà Nội, nhưng cây cầu Long Biên mãi mãi lưu lại trong ký ức của người Hà Nội, của người dân cả nước:


Cây cầu có trăm tuổi
Qua dòng sông ngàn đời
Oằn trên mình lịch sử
Nay sơ xác
cầu ơi !
Cây cầu là huyền thoại
Chở nhip sống sinh sôi
Những thăng trầm năm tháng
Trải qua bao đời người

Rồi đây vượt sông Hồng
Có bao cầu hiện đại
Nhưng lịch sử giữ mãi
Long Biên
ơi cây cầu !
(Cầu Long Biên)


   Có một đặc trưng của những bài thơ về Hà Nội của Hoài An là bao giờ cũng gắn bó với con người là “em yêu”, với thời tiết là “mùa thu”. Dường như, nhà thơ có kỷ niệm sâu sắc với ba yếu tố, đó là tình yêu, mùa thu và Hà Nội?
   Người đọc mở rộng cảm nhận phù hợp với cảm nhận đa chiều và tinh tế trong sáng tạo thi ca của Hoài An, thấy rõ: Nói về Hà Nội, nhưng nói về những gì “không phải Hà Nội” để thể hiện Hà Nội sâu sắc hợn, đó là cách nói từ Sài-gòn để nói về Hà Nội:


Chắc ngoài ấy gió đông cồn cào xé
Mảnh mây chiều cũng chẳng còn nguyên
Em gói mình vào trong áo ấm
Nắng đầu đông làm hồng má thêm duyên
Chắc ngoài ấy gió mùa về tặng rét
Lắc rắc mưa phùn làm tê cóng tay em
Em xuống phố nhớ quàng khăn ấm
Có cà phê...
nhớ gọi thêm một tách đen
Ngoài ấy rét
nhưng trong này đang nóng
Nắng lung linh vàng khắp phố phường
Xa thêm nhớ mùa đông Hà Nội
Anh gửi cho em một chút nắng thương

(Hà Nội và em)


   Tôi bỗng nhớ tới ca khúc “Gửi nắng cho em” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhận ra điều này:Nhạc phẩm “Gửi nắng cho em” của Phạm Tuyên và thi phẩm “Hà Nội và em” của Hoài An gặp nhau ở một điểm.
Nói về “không phải Hà Nội” để nói Hà Nội sâu sắc hơn còn là nói về làng quê để tạo nên sự đối sánh ẩn dạng, đó là:


Theo bạn về quê đón gió đồng
Trong lành trời đất giữa mênh mông
Ngày mai về phố còn nhắc mãi
Gió quê ...
mát lộng…
tận đáy lòng.
(Gió quê)
Hoặc:
Mang chút hồn quê vào phố cũ
Hương rơm ăm ắp ấm giữa nhà
Nét tranh làng cổ…
còn như thể
Vợi lòng ai đó…
nhớ quê xa
(Hồn quê)


    Vốn là người lính, Hoài An cảm xúc về chiến tranh. về trận mạc - những cảm xúc rất đỗi hào hùng, vô cùng thiêng liêng và đậm đà kỷ niệm. Đó là các bài thơ: “Ký ức… vụn”, “Chuyện tình Điện Biên”, “Mười bông hoa ngã ba Đồng Lộc”, “Huy chương thành Cổ”. Mỗi bài thơ có ý tưởng và ngôn từ thể hiện riêng về sự hào hùng, thiêng liêng và kỷ niệm một thời. Tôi dừng lại lâu hơn ở bài thơ “Huy chương Thành Cổ”. Thật là xúc động khi được cùng tác giả chia sẻ nỗi niềm về “sự mất mát hy sinh và sự tôn vinh đền đáp”. Khỏi bình luận gì thêm, chỉ xin được ghi lại dưới đây toàn bộ bài thơ ấy:


HUY CHƯƠNG THÀNH CỔ


Khi nhận tấm huy chương thành cổ
Bao bạn tôi thành…
thiên cổ…
lâu rồi
Có những nấm mồ trên bia không rõ
Tên của người…
nằm xuống …
quá xa xôi
Khi nhận tấm huy chương thành Quảng Trị
Có người thân nhận hộ bạn tôi rồi
Tấm huy chương bên nén hương cháy đỏ
Trong ảnh bạn cười…
tôi chẳng thấy vui
Nhận được tấm huy chương thành cổ
Niềm vui tan theo những giọt lệ buồn
Ai biết được có bao người ngã xuống
Nơi lòng sông mảnh đất…
chẳng còn xương
Hơn bốn mươi năm sau…
nhận được tấm huy chương
Lũ chúng tôi cũng đã bạc mái đầu
Vinh dự biết bao…
được khơi lại nỗi đau
Tôi lặng im…
cười…
hơn người…
chưa nằm xuống.
3/ 2013


    Là nhà giáo, Hoài An có những bài thơ về học đường. Không dàn trải như nhiều nhà giáo khác làm thơ, Hoài An chỉ có một số bài đầy kỷ niệm về đề tài này. Đó là “Nắng sân trường” với đề từ độc đáo: “ Trong lòng thầy bốn mùa đều có nắng. Đó là tiếng trẻ thơ ...” cùng những câu thơ đầy hoài niệm:


Một thời trong tim ai cũng có
Vạt nắng lung linh sưởi ấm đời
       Thắp lửa trên từng bông phượng đỏ
           Sân trường đầy nắng nhớ khôn nguôi...


     Một hiện tượng không hiếm trong ngành giáo dục là thày trò trở thành đồng nghiệp và cùng dạy một trường. Hoài An có bài thơ nói về điều đó với đề tựa “Gạch nối thời gian”- cái gạch nối gắn hai thời điểm: Từ thày trò đến đồng nghiệp! Bài thơ ẩn chứa một triết lý đầy ý nghĩa rằng, thời gian là điều kiện cho quá trình biến đổi diệu kỳ.


    Không thể không nói đến một cách riêng của thơ Hoài An về tình yêu là ngoài những bài thơ độc lập nói về tình yêu, hầu hết các bài thơ của anh đều gắn bó với tình yêu - điều đó chứng tỏ thi sĩ là một người đàn ông đa tình! Đúng là vậy: Không đa tình, thì làm sao có thể là thi nhân?


     Về nghệ thuật, điều nổi bật đáng nói trong thơ Hoài An là có hai xu hướng thể hiện: “Vị nội dung” và “vị hình thức”. Xin đừng hiểu nhầm là “vị nhân sinh" và "vị nghệ thuật" như nội dung tranh luận giữa Hải Triều và Hoài Thanh thuở nào! Ở đây, chỉ muốn nói là thơ Hoài An có khi là chân mộc; có khi là hàm ẩn.


    Theo quan niệm của tôi: Không phải thơ chân mộc là thơ không hay và thơ hàm ẩn mới là thơ hay. Vấn đề là chân mộc về gì và ra sao; và cũng như vậy đối với thơ hàm ẩn! Ta biết rằng, hảm ẩn như các bài thơ “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh và "Hư vô" của Quang Huy... dĩ nhiên là hay rồi, nhưng chân mộc như các bài thơ “Nhớ vợ” của Cầm Giang, "Thăm lúa" của Trần Hữu Thung... cũng rất hay chứ sao! Nhà thơ tài năng biết khi nào thì viết chân mộc, khi nào thì viết hàm ẩn và biết cách kết hợp giữa chân mộc và hàm ẩn trong một bài thơ! Tôi nghĩ, Hoài An là nhà thơ như ậy và anh bộc lộ rõ điều đó trong sáng tạo thi ca của mình, ví dụ: ”Cầu Long Biên” theo xu hướng chân mộc, nhưng “Trà sen Tây Hồ” thì lại rất hàm ẩn. Và cũng rất nhiều bài thơ kết hợp vừa chân mộc vừa hàm ẩn.


     Ngoài ra, thi từ - thi ngữ trong thơ Hoài An rất chuẩn đạt, nhiều trường hợp độc đáo - mà trong ngôn từ phê bình gọi là ngôn từ "độc". Lối gieo vần đa dạng – thơ lục bát, thơ nhiều khổ và dòng thơ có số chữ khác nhau, thơ tự do …

     Cảm ơn nhà thơ Hoài An! Mong anh tiếp tục sáng tạo hơn nữa cho sự nghiệp thi ca của mình.
Bài viết của tôi tuy khá dài, nhưng cũng chưa nói hết những điều cần nói về thơ Hoài An. Mời độc giả tiếp cận với thơ Hoài An dưới đây để cảm nhận trực tiếp và đầy đủ hơn một giọng thơ hiếm gặp.

                                                   Hà Nội, tháng 3-2015 

                                    Nhà thơ – nhà phê bình văn học Thanh Mai 

 



 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: