“Nhớ và quên” là tập hồi ức và chân dung vừa mới xuất bản của vợ chồng trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Sơn – PGS, TS Đặng Anh Đào.
Trong dòng chảy hồi ức của mình, trung tướng Phạm Hồng Sơn (người em cọc chèo với đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã đưa người đọc ngược dòng thời gian quay về giai đoạn lịch sử 1945-1975 của đất nước mà ông là người chứng kiến và trải nghiệm.
Phần 1 “Nửa đời chiến trận” do trung tướng Phạm Hồng Sơn viết, tạm dừng ở mốc chiến thắng ngày 7/5/1954, là quá trình tham gia cách mạng từ những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám, qua những trận đánh còn bỡ ngỡ thuở ban đầu đến những chiến dịch lớn của Đại đoàn quân Tiên phong trải dài suốt chín năm kháng chiến chống Pháp mà Phạm Hồng Sơn là một trong những nhân vật chỉ huy quan trọng.
Kỷ niệm những lần gặp Bác Hồ, kỷ niệm với bà con dân bản Điện Biên, đêm giao thừa không kẹo, mứt, bánh chưng, pháo nổ năm 1954 bên bờ sông Nậm Bạc, khi vừa mới chúc mừng nhau chiến thắng đầu tiên trong cuộc tiến công thần tốc thì sáng mùng 1 Tết tiếng súng đã vang dậy một trận tao ngộ chiến diễn ra bất ngờ…
Trung tướng Phạm Hồng Sơn và PGS-TS Đặng Anh Đào
Phần 2 “Vầng trăng khuyết” do PGS, TS Đặng Anh Đào chấp bút, khiến người đọc xúc động nhớ lại một giai đoạn bi tráng hào hùng của đất nước qua con mắt phản ánh của người phụ nữ ở hậu phương.
PGS, TS Đặng Anh Đào nguyên là giảng viên khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà được nhiều độc giả biết đến với tư cách là nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, dịch giả. Đặng Anh Đào là một trong bốn cô con gái của cố Giáo sư Đặng Thai Mai.
Những tư liệu chiến trận của người ra tiền tuyến được Đặng Anh Đào gom góp, giữ gìn như một bảo tàng chứng tích chiến tranh nho nhỏ. Cuốn sổ tay chỉ đạo công việc, nhiều bức thư trong đó có bức đề 5 giờ chiều ngày 7/5/1954, viết bằng giấy pơ-luya chiến lợi phẩm lấy từ hầm tướng De Castries, các kỷ vật… gợi lên một không khí căng thẳng, gấp rút trước những trận đánh lớn của toàn dân tộc, các chiến dịch lịch sử như: Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch đường 9 Nam Lào, Chiến dịch Tây Nguyên, Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975…
Giữa bầu không khí sục sôi đó, vẫn mềm mại chảy một dòng tâm sự, rằng “Lại sắp hết một năm nữa rồi. Anh ở đấy bây giờ chắc lạnh lắm nhỉ… Đào mới phơi một mớ củ cải, trời mưa lại hỏng mất rồi. Để hôm nào nắng lại phơi gửi anh vậy…” – “Anh vẫn bận nhưng không ốm. Tiêm thuốc, uống thuốc nhiều nhưng vẫn xanh… Đào ạ, anh có rau ăn rồi vì đã trồng được, không phải gửi nữa. Hôm nay anh chẳng có gì gửi Đào, ngoài một tình thương vô hạn”…
Cái chung và cái riêng hòa quyện nhuần nhuyễn mà trong đó vẫn nổi trội, tách bạch một tình yêu thương chân thành, tha thiết của người vợ đảm nơi hậu phương dành cho người chồng nửa đời trận mạc. Cuốn sách còn giống như kỷ vật nặng trĩu tâm tư, trăn trở của một vị tướng đối với tương lai, vận mệnh dân tộc tặng lại cho các thế hệ mai sau.
Nguồn : Ngọc Mai tổng hợp