Thư đề ngày 7/3 năm nay, người nhận là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Ý tưởng viết thư là của một nhóm nhà thơ, nhà văn Việt Nam, Cuba, Mỹ và Colombia tham dự Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam vừa qua.
Họ viết thư bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Tây Ban Nha để gửi lên 2 vị nguyên thủ của 2 quốc gia nhằm kêu gọi Chính quyền Mỹ nhanh chóng bình thường hóa quan hệ với Cuba. Khi hoàn thành, họ kêu gọi các nhà thơ, nhà văn khác ký ủng hộ bức thư bằng cách trả lời qua thư điện tử. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau một ngày gửi thư đi, đã có gần 100 nhà thơ Việt Nam và thế giới ký ủng hộ.
Thethaovanhoa.vn trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về bức thư này.
* Ý tưởng về bức thư có từ đâu, thưa ông?
- Tôi có những người bạn lâu năm là các nhà thơ Cuba, Mỹ và Colombia. Sau các sự kiện văn học ở Việt Nam vừa qua, tôi đã kết nối họ lại với nhau bởi một lý do rất đặc biệt: họ đang là công dân của những nước có quan hệ băng giá trong nhiều năm nay như Mỹ và Cuba.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một trong những người khởi xướng và đứng ra kêu gọi ký tên cho bức thư
Theo phong tục của người Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi đã mời những vị khách này đến đây ăn tối nghe thơ, nhạc và xem tranh. Chính trong chuyến thăm này, chúng tôi đã nói về vấn đề hóa giải sự thù địch và tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc. Đồng thời, quan hệ của Cuba và Mỹ mới đây đã bắt đầu chuyển sang một chương mới, khiến những người yêu hòa bình và sự công bằng trên toàn thế giới đều thấy vui mừng. Bởi thế, nhà thơ Fernando Rendón (người Colombia) đã đưa ra sáng kiến viết bức thư nêu trên.
* Bức thư sẽ chuyển đến tay Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba như thế nào?
- Các nhà thơ Mỹ và Cuba sẽ chuyển lá thư này đến Tổng thống và Chủ tịch của nước họ. Ngoài ra, những người có trách nhiệm của hai chính phủ cũng sẽ chuyển thư vì nó đã được đưa lên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới.
* Vì sao anh tin hành động này sẽ mang lại kết quả như mong muốn?
- Nhà thơ Trần Nhuận Minh khi ký ủng hộ bức thư đã nói: “Im lặng là vàng, nhưng im lặng lúc này là tội lỗi”. Trước hết nó là lá thư của khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Nó sẽ thành công bởi nó là lương tâm của những con người chân chính.
* Anh nghĩ sao về tiếng nói của các nhà văn trong xã hội Việt Nam nói chung và cộng đồng quốc tế nói riêng, họ có làm nên những thay đổi lớn?
- Tiếng nói của những người có lương tâm và đặc biệt là nhà văn đối với những vấn đề chiến tranh, đạo đức xã hội, môi trường... luôn luôn tạo ra những tác động mạnh mẽ. Tiếng nói đó vừa phản ánh hiện thực, vừa kêu gọi con người từng ngày đấu tranh cho cái Thiện và cảnh báo về tương lai nhân loại. Tiếng nói đó có thể không làm sống lại ngay một cánh rừng đã chết, lấy lại ngay sự công bằng cho một con người nhưng nó từng bước thức tỉnh con người để những con người đó bắt tay hành động cho một thế giới tốt đẹp.
Toàn văn bức thư bằng tiếng Việt:
Thư Gửi Tổng Thống Barack Obama và Chủ tịch Raúl Castro
Hà Nội, ngày 7 tháng 3 năm 2015
Là các nhà văn, nhà thơ, và những người có thiện chí, và trong tinh thần của tình bạn bền lâu, chúng tôi, những người ký tên dưới đây, tán thành và khuyến khích phá bỏ các rào cản, cùng việc mở cửa hướng tới sự hợp tác và trao đổi văn hóa giữa mọi dân tộc.
Để đạt được mục đích này, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến gần đây nhằm tiến tới quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Mỹ như là một cơ hội để đem lại hòa bình, hiểu biết, và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã phân cách quá lâu. Chúng tôi biết ơn cả hai chính phủ đã đáp ứng những ích lợi của chính dân tộc họ, và cổ vũ sự phát triển của những trao đổi văn hóa hữu ích như là một bước để tiến tới quan hệ ngoại giao toàn diện.
Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người từ mọi quốc gia xin cùng chúng tôi ký vào lá thư này, một lá thư được viết nhân dịp hai mươi năm thiết lập quan hệ giao giữa nước Mỹ và Việt Nam.
Những người viết thư :
Martha Collins, U.S.A.
Alex Pausides, Cuba
Nguyen Quang Thieu, Vietnam
Fernando Rendón, Colombia
Fred Marchant, USA
Larry Heinemann, USA
Luong Tu Duc, Vietnam
Kevin Bowen, USA
Robert Scanlan, USA
Nguyen Ba Chung, USA
Theo THỂ THAO VĂN HÓA