Nhà thơ tạo được cho mình một phong cách riêng để “không lẫn với người” đã khó, người dịch thơ làm được điều đó càng khó bội phần. Bởi lẽ, dù cho nói rằng dịch là một sự tái tạo, một tư duy nghệ thuật, thậm chí một sự đồng sáng tạo đi nữa thì bao giờ người dịch cũng bị đứng trước một nội dung có sẵn, một vẻ đẹp nghệ thuật đã được hoàn chỉnh. Và dù thế nào thì bản dịch cũng phải đạt được hai yêu cầu: đúng và hay. Đúng có nghĩa là chuyển được đầy đủ, chân xác những điều tác giả muốn nói. còn hay có nghĩa là phải đạt được tiêu chuẩn thẩm mỹ.
Khu lưu niệm thi sĩ Tản Đà; ảnh: Vũ Đình Tuệ
Như vậy về đại thể, yêu cầu trên buộc người dịch phụ thuộc tối đa vào nguyên tác, còn yêu cầu sau mới có chỗ trống dành cho dịch giả. Có thể là trong quá trình tìm cách đem lại vẻ đẹp nghệ thuật cho bản dịch, người dịch đã để lại dấu ấn của mình và do đó tạo nên được một phong cách riêng. Song chính ở điểm này các dịch giả và cả người đọc thường dễ không thống nhất với nhau cả về quan niệm và biện pháp xử lý. Tuy nhiên, trong hàng ngũ dịch giả, trong kho tác phẩm dịch, bản dịch hay không đến nỗi quá hiếm, người dịch có nhiều bài thơ dịch hay được công chúng xác nhận cũng nhiều. Bản dịch Chinh phụ ngâm, bản dịchTỳ bà hành của dòng họ Phan, bản dịch Quy khứ lai từ của Phạm Huy Toại, bài thơ dịch Đợi anh về của Tố Hữu… là những bản dịch tuyệt hay: các nhà thơ Nhượng Tống, Nam Trân, Hoàng Tạo và nhiều dịch giả khác cũng có được nhiều bài thơ dịch hay, thậm chí có những bài không dễ gì thay thế. Và điều đó trong đời mỗi người dịch thế nào cũng có duyên may gặp gỡ đôi lần. Duy có điều tạo được phong cách riêng “không lẫn” thì quả thật là hiếm. Có lẽ mới chỉ có thi sĩ Tản Đà làm được.
Vậy thì điều gì đã làm nên phong cách nét tài hoa riêng của Tản Đà?
Trong sưu tập gần đây. Tản Đà có 84 bài dịch thơ Đường(1), ngoài ra còn một số bài dịch lẻ tẻ khác. Nhìn chung việc chuyển dịch đúng ý nghĩa nguyên tác, Tản Đà đã thực hiện một cách xuất sắc. Đọc cả 84 bài thơ dịch Đường thi cũng khó chỉ ra những lỗi đáng bắt bẻ. Thậm chí đôi khi bằng cách hiểu duy lý, ta những tưởng Tản Đà nhầm hoặc phóng tác, song ngẫm nghĩ kỹ thì quả là nhà thơ đã tinh tế hơn trong thẩm định và do vậy ông hiểu chính xác hơn. Thử nêu hai trường hợp nhỏ sau đây:
Trong bài Sinh biệt ly của Bạch Cư Dị, câu 7 và câu 8 như sau:
“Hồi khan cốt nhục khốc nhất thanh.
Mai toan, bá khổ cam như mật.”
Tản Đà dịch:
Trông nhau một tiếng khóc òa
Mơ chua, sung chát như là mật ngon.
Phần văn xuôi bổ sung của tập sách Thơ Đường dịch:
Ngoảnh trở lại thấy người ruột thịt khóc lên một tiếng.
Thấy chát như sung, chua như mơ mà ngọt như mật.
Rõ ràng câu thơ dịch của Tản Đà đúng hơn: đến lúc kẻ ở người đi, người thân phải khóc lên một tiếng thì cái vị chua của mơ, vị chát của sung cũng còn là mật ngọt (ý nói sự biệt ly còn cay đắng hơn nhiều).
Trong một bài khác, Tự khuyến cũng của Bạch Cư Dị, hai câu thơ ba, bốn Tản Đà đã chọn văn bản:
“Thập thiên nhất đẩu do xa ẩm,
Hà huống quan cung bất trị tiền.”
Và dịch:
Đấu rượu muôn đồng quen uống đắt,
Nữa chi lộc nước mất tiền chi.
Tản Đà đã không theo văn bản trong Bạch Hương Sơn thi tập:
“Thập niên nhất đẩu do xa ẩm,
Hạ huống quan cung bất trị tiền.”
Nghĩa là:
Một đấu bao năm thường uống chịu
Huống nay lộc nước mất tiền chi!
(Nguyễn Quảng Tuân dịch)
Ở đây Tàn Đà có lý, bởi bài thơ chỉ muốn nhấn mạnh cái chất hào của tác giả: phải cầm áo để uống rượu mà “mười nghìn ngày nay có lộc quan, không đáng kể gì”.
Tản Đà đã có những bài thơ dịch tuyệt hay: Trường hận ca, Phong Kiều dạ bạc, Hoàng hạc lâu, Đề từ sách Liêu Trai chí dị, Vấn Hoài thủy… trong đó Hoàng Hạc lâu, Phong Kiều dạ bạc, Đề từ sách Liêu Trai chí dị là những bản dịch từ khi công bố đến nay trải đã hơn năm chục năm vẫn chưa có đối thủ.
Tuy nhiên nói như thế mới chỉ là nêu ra những thành công, đóng góp của Tản Đà cho thơ dịch, đặc biệt là thơ Đường. Vấn đề là tìm ra nét tài hoa riêng của ông.
Một điều rất dễ nhận thấy trong khi chuyển dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt. Tản Đà đã biến đổi cách cảm nghĩ, cách diễn đạt rất trang nghiêm, sang trọng của nguyên tác thành những bài thơ tiếng Việt hết sức bình dị, dân dã. Tản Đà đã thành công khi sử dụng hai thể thơ dân tộc: lục bát và song thất lục bát. Quả thật đây là thế mạnh của Tản Đà. Rõ ràng có những bài dịch thơ Đường của Tản Đà đọc lên không còn thấy chút bóng dáng nào của nguyên tác mà cứ tưởng như đọc một bài ca dao, một khúc ngâm, một đoạn trữ tình của thơ Việt Nam. Ví như những bài sau đây:
VẤN HOÀI THỦY
(Bạch Cư Dị)
“Tự ta danh lợi khách,
Nhiễu nhiễu tại nhân gian.
Hà sự trường Hoài thủy,
Đông lưu diệc bất nhàn.”
Dịch là:
HỎI NƯỚC SÔNG HOÀI
Trong vòng danh lợi thương ta,
Cái thân nhăng nhít cho qua với đời.
Việc chi, hỡi nước sông Hoài
Cũng không thong thả, miệt mài về Đông ?
Và bài :
KÝ VI CHI
“Giang Châu vọng Thông Châu,
Thiên nhai dữ địa mạt.
Hữu sơn vạn trượng cao,
Hữu giang thiên lý khoát!
Vân vụ,
Phi điểu bất khả việt.
Thùy tri thiên cổ hiểm,
Vị ngã nhị nhân thiết.
Thông châu quân sở đáo,
Uất uất sầu như kết.
Giang châu ngã phương khứ,
Thiều thiều hành vị yết.
Đạo lộ nhật quai cách,
Âm tín nhật đoạn tuyệt
Nhân phong dục ký ngữ,
Địa viễn thanh bất triệt.
Sinh dương phục tương phùng.
Tử dương tòng tử biệt.”
Dịch là:
GỬI BẠN VI CHI
Châu Giang mà ngóng Châu Thông,
Chân trời cuối đất mênh mông thấy nào.
Núi đâu muôn trượng kìa cao,
Dông đâu ngàn dặm rộng sao rộng mà!
Mây che mù toả bao la,
Chim bay cũng chẳng vượt qua khỏi tầm,
Hiểm xa còn đó ngàn năm.
Ai hay trời để chơi khăm đôi người,
Châu Thông bác mới tới nơi,
Mối sầu như thắt, ngậm ngùi chiếc thân.
Châu Giang tôi mới đi dần,
Nẻo đi xa lắc chưa phần đã ngơi.
Quan hà ngày một chia khơi,
Tăm hơi càng bẵng tăm hơi một ngày,
Gió đưa muốn gửi câu này,
Tiếng không suốt đến vì mày đất xa.
Sống còn gặp gỡ đôi ta,
Ví chăng chết mất thôi là biệt nhau.
GS. Trần Thanh Đạm cho rằng chính nhờ hai thể loại thơ dân tộc đó mà Tản Đà thành công, bởi vì “Khi dịch theo nguyên điệu, dịch phẩm khó sánh bằng, nói chi vượt hơn nguyên tác”, còn “chuyển thể, đặc biệt là chuyển từ thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn cố hữu của thơ Đường sang thể thơ lục bát và song thất truyền thống của thơ Việt”(2) thì “ý thơ Đường mà hồn thơ Việt, đồng thời lại là hồn thơ Tản Đà”(3). Cũng theo Trần Thanh Đạm “Dịch như thế thì thơ Việt đua tranh với thơ Đường, mỗi bên theo khả năng và sở trường của mình, có khi theo kịp nhau, có khi vượt lên nhau, nhưng phần lớn thì mỗi bên một vẻ, khó lòng so sánh được với nhau”(4).
Đúng là Tản Đà sở trường về hai loại thơ nói trên. Song thời ấy dịch thơ Đường, thơ Tống, thậm chí cả thơ Pháp theo thể lục bát và song thất lục bát là cách làm phổ biến, không riêng mình Tản Đà. Có điều không phải ai cũng thành công và bài nào cũng thành công. Chính Tản Đà cũng có những bài dịch theo thể lục bát không thành công. Và những trường hợp ấy nếu đem đối sánh với nguyên tác thì cũng sẽ xảy ra tình trạng “dịch phẩm khó sánh bằng”. Hơn thế, trong phần thơ dịch theo nguyên thể, Tản Đà cũng có những bài giữ vị trí “vô địch” không kém gì bài Hoàng hạc lâu, đó là Đề từ Liêu Trai chí dị, nguyên tác của Vương Sĩ Trinh, người đời Thanh. Bài thơ như sau:
“Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi.”
Tản Đà dịch:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi,
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
Ở bài thơ dịch này không những tác giả theo nguyên thể mà còn giữ được cả cách lặp từ rất nghệ thuật của nguyên tác. Bài thơ có một từ rất khó dịch: vọng. Trong chữ Hán, vọng có nghĩa là không đúng, dối, càn rỡ. Tuy vậy những từ tương đương ấy không thể biểu đạt được ý của nguyên tác. Chỉ có Tản Đà với sự am hiểu sâu sắc chữ Hán, vốn từ ngữ Việt phong thú, cộng với tính cách ngông và tâm hồn giàu chất lãng mạn mới có thể phát hiện ra một từ rất đắt thể hiện được trung thành tứ thơ, đó là chữ láo và nhất là lại kèm theo một bổ ngữ chơi!Có thể nói không quá rằng Tản Đà là người duy nhất thành công trong việc dịch chữ vọng bằng chữ láo. Và bài dịch của ông chẳng những chuyển được hết ý của nguyên tác mà còn tạo thêm sự sắc sảo cho tứ thơ. Rõ ràng là vẻ chán chường trầm mặc của nguyên tác qua cách cảm, cách nói của Tản Đà đã khác hẳn, dẫu rằng vẫn chán chường đầy những ngông ngạo, bất cần đời thể hiện một thái độ phản kháng của còn người trước thời cuộc. Hơn mười năm sau Đào Trinh Nhất có dịch lại bài thơ này theo thể lục bát:
Cứ nói tràn, cứ nghe tràn,
Đêm mưa thánh thót trên giàn dậu dưa.
Chuyện người đã chán xưa giờ,
Thích nghe ma quỷ dưới mồ ngâm thơ.
Cả thể thơ dân tộc, cả sự sát ý nguyên tác, bài thơ dịch của Đạo Trinh Nhất vẫn không thành công. Và như vậy, về tổng thể, bài thơ dịch của thi sĩ họ Đào không chuyển được hết ý của nguyên tác. Cho hay không phải chỉ vấn đề thể loại mà cái chính là “Hồn thơ Tản Đà”.
Có thể rút ra mấy đặc điểm về thơ dịch của Tản Đà, đó là: bình dị, dân dã, tươi tắn, nhẹ nhàng, song không vì thế mà kém phần sâu sắc, mạnh mẽ và cả ngông ngạo, ngang tàng. Nhờ vậy, những bài thơ, tứ thơ Đường, cả những địa điểm và nhân vật, sự kiện, điển cố của Trung Hoa xa xôi đã trở nên gần gũi thân thiết và dễ hiểu, dễ cảm thông đối với đông đảo độc giả cận đại Việt Nam từ những người bình dân ít học đến những người trí thức tân học! Tản Đà có công lớn, là người đầu tiên trong việc đưa thơ Đường vào Việt Nam trong thời cận đại. Và đặc biệt là tạo nên cho nó một công chúng độc giả đông đảo, có nghĩa là tạo cho nó một đời sống văn hóa phong phú. Từ đó làm cho nền thơ Việt Nam giàu có thêm. Còn như nói về nguyên nhân thành công của ông thì phải chăng chỉ nên quy cho tâm hồn và tài năng thơ của chính thi sĩ mà thôi. Kết luận như thế, có vẻ là một điều muôn thuở. Nhưng quả là nếu không có một tâm hồn thơ tinh tế, phong phú, một tính cách ngông ngạo nhưng đa cảm và một tài năng tuyệt vời về ngôn từ, một vốn Hán học uyên thâm thì không thể có những văn thơ dịch đạt đến đỉnh cao như những bài tuyệt hay của ông.
Trần Thị Băng Thanh