Thứ năm, 02/01/2025,


Vẻ đẹp trong bài thơ HOA CỎ MAY của Đỗ Thu Yên (11/03/2015) 

HOA CỎ MAY


Có Một lần em giặt áo giùm tôi
Những bông hoa cỏ may vẫn còn vương lại
Em hồn nhiên tinh nghịch
Ví mình như hoa cỏ may
Ghim vào tôi nỗi nhớ

 

Tôi lên đường hành quân vội vã

Chẳng kịp chia tay em cô dân quân bé nhỏ
Lời nói em đã thành nỗi nhớ
Tôi đã mang theo suốt những ngày binh lửa

 

Dọc chiến hào
Khi những bông cỏ may vương vào tay áo
Tôi lại nhớ em đến vô cùng
Nhớ dáng em bé nhỏ dịu dàng
Vác hòm đạn trên vai em vẫn cười tươi
Như bông cỏ may dạn dày trong nắng gió
Trong tiểu đội dân quân em là tinh nghịch nhất

 

Nhớ miền quê em chạy dọc chân đê
Những đêm Quân và Dân hợp đồng tác chiến
Tôi vẫn lắng nghe tiếng súng khẩu đội em
Và tiếng em cười giòn tan sau trận chiến

 

Hòa bình tôi trở lại tìm em.

Trên triền đê hun hút gió heo may
Mới hay tin em đã hy sinh
Ngay sau đêm tôi hành quân vội vã

 

Có phải em đã hóa hoa cỏ may
Vương trên áo anh những ngày ra trận

 


Mộ em hôm nay cũng đầy hoa cỏ may
Những bông hoa dạn dày trong nắng gió

 

Tôi giơ tay
Cho những bông cỏ may ghim vào nỗi nhớ
Em đã ghim vào mãi mãi trái tim tôi.

 

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  

VẺ ĐẸP TRONG BÀI THƠ HOA CỎ MAY CỦA ĐỖ THU YÊN

Chiếc áo là một hình tượng quen thuộc của ca dao. “Hôm qua tát nước đầu đình/ bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”. Vì thế khi Đỗ Thu Yên mở đầu bài thơ bằng hình ảnh chiếc áo thì người đọc nhận ra ngay cái tình rất chân thật và sâu nặng nợ duyên của lứa đôi.

Có một lần em giặt áo giùm tôi

Những bông hoa cỏ may vẫn còn vương lại

Em hồn nhiên tinh nghịch

Ví mình như hoa cỏ may

Ghim vào tôi nỗi nhớ

Khổ thơ mở đầu thật ấn tượng, bởi hình ảnh “em giặt áo giùm tôi” sao thân thương lạ. Người con trai nào cũng nghe tim mình nóng hổi hạnh phúc khi được một cô gái giặt áo cho. Bởi chỉ người yêu, người vợ mới giặt áo cho người thân người thương của mình. Chiếc áo chính là hiện thân của người thương. Và với em, bông cỏ may vô tình, bỗng trở thành lời yêu rất hồn nhiên nhưng kín đáo. Thật nhạy cảm, Tôi đã bị buộc vào cái duyên chưa thành lời , em là hoa cỏ may ghim vào tôi nỗi nhớ. Tình yêu đã đến rất tình cờ, và cái bông cỏ may tình cờ ấy, trước kia thật đáng ghét, giờ trở nên đáng yêu vô cùng, bởi vì đó là em. Tác giả tỏ ra hiểu rất sâu sắc ngôn ngữ tình yêu của lứa đôi và chọn được cách thể hiện chân thực, nhưng tinh tế, để làm lộ ra những tình ý không thể nói thành lời. Động từ “ghim” gây được cảm giác rất thật trên da thịt, nhưng cũng đóng đinh thật chắc trong tim Tôi cái tình yêu vừa chớm nở.

Câu chuyện tình yêu được nhân vật tôi tiếp tục kể. Đó là câu chuyện tình của bất cứ lứa đôi nào trong chiến tranh. Họ yêu nhau bất ngời, rồi vội vã xa nhau. Bao nhiêu hy vọng và yêu thương dành cho ngày gặp lại. Nhưng mà! Khi gặp lại nhau họ đã mất nhau. Núi Đôi của Vũ Cao và Quê Hương của Giang Nam là những câu chuyện tình như thế. Giang Nam để lại dấu ấn trong lòng người đọc về cô gái có “đôi mắt đen tròn thương thương quá đi thôi”, còn Vũ Cao đã cho em hóa thân thành hoa trên núi đễ mãi mãi anh hướng lên: “Anh đi bộ đôi sao trên mũ/ mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ bốn mùa thơm ngát cánh hoa thơ”. Làm thế nào để vượt qua người đi trước ? Đỗ Thu Yên đã tìm được một hình ảnh rất riêng để khắc họa nhân vật em.

Em là bông cỏ may.

Có phải em đã hóa hoa cỏ may

Vương trên áo anh những ngày ra trận

Hình ảnh bông cỏ may được khắc họa và phát triển suốt bài thơ. Lúc đầu chỉ là “bông cỏ may vương vào tay áo”, và trở thành em, khi em so sánh mình với bông cỏ may. Nhưng cái bông cỏ may thiên nhiên ấy đã trở nên như là phần tinh anh nhất của em theo anh mãi trong các cuộc hành quân (Tôi mượn chữ tinh anh của Nguyễn Du: “Thác là thể phách còn là tinh anh”):

Dọc chiến hào

Khi những bông cỏ may vương vào tay áo

Tôi lại nhớ em đến vô cùng

Có phải em đã hóa hoa cỏ may

Vương trên áo anh những ngày ra trận

Và khi em đã an nghỉ rồi thì “Mộ em cũng đầy hoa cỏ may”. Tứ thơ này tuyệt đẹp và đa nghĩa. Em hy sinh nhưng tình em vẫn đẹp rực rỡ, không chỉ là một bông cỏ may vương vào tay áo mà bây giờ là đầy hoa cỏ may. Nếu thay hình ảnh mộ em đầy hoa cỏ may bằng hình ảnh một bông cỏ may khô héo, thì ý nghĩa sẽ bi đát đến thế nào! Nói thế để thấy rằng Đỗ Thu Yên đã phát triển bông cỏ may thành một hình tượng nghệ thuật đặc sắc, đủ sức ghim vào trí nhớ người đọc một cuộc tình âm thầm của cô thôn nữ biết bao xinh tươi.

Cái đẹp trung tâm của bài thơ là hình ảnh cô gái. Hình ảnh này được tái hiện qua nỗi nhớ và những lời độc thoại nội tâm của nhân vật Tôi. Trong mắt Tôi, em là cô gái bé nhỏ dịu dàng nhưng tinh nghịch, Em tươi tắn và tiếng cười giòn tan.Quê em chạy dọc chân đê. Lẽ ra những cô thôn nữ bé nhỏ xinh xắn và hồn nhiên như thế sẽ là những nhân vật rất đẹp trong bức tranh mùa xuân của Hàn Mặc Tử: “Sóng cỏ xanh tươi gợn đến trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Nhưng cô gái của tôi lại là một nữ dân quân chiến đấu ngoan cường:

Những đêm Quân và Dân hợp đồng tác chiến

Tôi vẫn lắng nghe tiếng súng khẩu đội em

Và tiếng em cười giòn tan sau trận chiến

Bom đạn kẻ thù không là gì cả, vất vả hiểm nguy nhẹ tênh, và dường như em rạng rỡ hơn trong lửa đạn. Ôi chủ nghĩa anh hùng Cách Mạng ở em sao bình dị mà tuyệt vời đến vậy. Chẳng kẻ thù nào hiểu nổi sức mạnh Việt Nam nơi những cô gái bé nhỏ, hồn nhiên tinh nghịch như thế.

Tôi bị ám ảnh bởi tiếng em cười giòn tan sau trận chiến. Nhất định đó là tiếng cười chiến thắng, tiếng cười của vẻ đẹp bản lĩnh tinh thần con người Việt Nam, tiếng cười của niềm tin yêu bất tận, chắc chắn trong tiếng cười ấy có tình yêu của em dành cho anh, bởi họ đã “chia lửa” với nhau.

Và anh, hạnh phúc biết bao nhiêu về tình yêu của mình, về người yêu của mình giữa mọi người. Anh dõi theo em rất rõ. Chẳng bom đạn nào ngăn được tình yêu.

Nhớ dáng em bé nhỏ dịu dàng        

Vác hòm đạn trên vai em vẫn cười tươi

Tôi vẫn lắng nghe tiếng súng khẩu đội em

Và tiếng em cười giòn tan sau trận chiến

Đoạn thơ phát triển sôi nổi dạt dào tình cảm của chủ nghĩa yêu nước anh hùng và tình yêu lứa đôi rạng rỡ trong chiến đấu

Và bỗng lặng đi, chết lặng đi trong cảm xúc mất mát không sao tìm lại được:

Hòa bình tôi trở lại tìm em

Trên triền đê hun hút gió heo may

Mới hay tin em đã hy sinh
            Ngay sau đêm tôi hành quân vội vã

Tình yêu chưa nói thành lời. Những tưởng khi gặp lại nhau, sẽ nhìn sâu vào mắt nhau để cho hai trái tim cùng tan chảy trong nhiệt độ yêu của những năm tháng âm thầm đợi chờ, âm thầm dõi theo nhau, âm thầm dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước .”Lời nói em đã thành nỗi nhớ/Tôi đã mang theo suốt những ngày binh lửa “. Những tưởng em sẽ lại giặt áo cho anh, dù là chiếc áo đã sờn rách sau những năm tháng vội vã hành quân, và được nghe tiếng em cười giòn tan như ngày nào trên triền đê, mặt đối mặt với quân thù. Nhưng tất cả chỉ còn là kỉ niệm muộn màng bởi em đã hy sinh Ngay sau đêm tôi hành quân vội vã.Cô gái ấy bây giờ trên mộ đầy bông cỏ may. Một hình ảnh tuyệt đẹp như nàng công chúa giữa rừng hoa. Đỗ Thu Yên đã tài tình trong kết thúc câu chuyện tình bi thương, thăng hoa thành một bài ca trữ tình tuyệt đẹp, rất hiện thực mà cũng lấp lánh vẻ đẹp lãng mạn. Vâng, xin em hãy yên nghĩ trong tình yêu thương của mọi người, trong tình Tôi mãi mãi không thể quên.

 

 

Nói không thể quên chỉ là cách nói để nỗi đau nhẹ đi một chút trong lòng Tôi. Bông cỏ may  kia Đỗ Thu Yên đã ghim vào tội nỗi nhớ, đã ghim vào tôi tình yêu tuyệt đẹp và đã ghim vào tôi sự mất mát không thể bù đắp, làm sao Tôi có thể quên! Và tôi biết, giờ đây trên mộ em đầy cỏ may thì sẽ là bao nhiêu tình yêu, sự hy sinh của em lại ghim vào Tôi. Đỗ Thu Yên đã dùng được từ “ghim” tạo hiệu quả nghệ thuật thật ấn tượng:

Lời em nói như hoa cỏ may

Ghim vào tôi nỗi nhớ

Tôi giơ tay

Cho những bông cỏ may ghim vào nỗi nhớ

Em đã ghim vào mãi mãi trái tim tôi. 

Ghim là cắm sâu, cắm chặt vào. Ghim vào tôi, ghim vào nỗi nhớ, ghim mãi mãi vào trái tim tôi. Nỗi đau làm nhói buốt trái tim không sao chịu đựng nổi. Sự mất mát, hy sinh là không thể bù đắp. Chẳng thể nào cầm máu được trái tim với bao nhiêu vết ghim như thế. Điệp từ ghim được dùng ba lần để khắc sâu nỗi nhớ, tình yêu và nỗi đau đã trở thành mãi mãi không thể xoa dịu, không thể khâu vá, không thể bù đắp.

Nói như thế để thấy nhân vật Tôi, người lính Việt Nam, không phải chỉ có chiến đấu, mà còn có yêu thương. Sức mạnh chiến đấu có nguồn gốc từ yêu thương. Họ chấp nhận hy sinh, họ nén nỗi đau mất mát sâu tận trong tim. Họ ý thức rõ phải thực hiện nghĩa vụ với đất nước trước đã, còn tình riêng, canh cánh bên lòng. Một tình yêu đơn sơ, bé nhỏ, âm thâm như bông cỏ may bám trên cánh tay áo kia, nhưng tình yêu ấy lại lớn lao vô cùng, bom đạn kẻ thù dù tàn bạo đến đâu cũng không tàn phá nổi. Tôi đã mang theo suốt những ngày binh lửa, em đã hóa hoa cỏ may/Vương trên áo anh những ngày ra trận,

Dọc chiến hào

Khi những bông cỏ may vương vào tay áo

Tôi lại nhớ em đến vô cùng

Đỗ Thu Yên đã ghi lại được một câu chuyện tình đẹp của thời kháng chiến, ở đó, mỗi con người đều hiện lên vẻ đẹp riêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một vẻ đẹp bình dị, âm thầm nhưng rạng rỡ. Và trong bối cảnh của cuộc chiến đấu, tình yêu lứa đôi đã sáng ngời lên. Nỗi bi thương đã thăng hoa thành bài ca trữ tình đằm thắm, tiềm ẩn màu sắc anh hùng ca. Cái bông cỏ may bé nhỏ, vô tình, đã trở thành một hình tượng nghệ thuật khá đặc sắc, đủ sức ghim câu chuyện tình đẹp thời binh lửa vào lòng người đọc hôm nay. Tôi nhận ra tài năng của nhà thơ ở chỗ, Đỗ Thu Yên đã khám phá được cái đẹp từ cuộc sống chiến đấu đời thường, và vẽ lên một bức tranh ánh ngời sắc đỏ tình yêu lứa đôi Việt Nam trong chiến đấu. Điều này giúp thế hệ hôm nay hiểu được tại sao nhân dân Việt Nam, dù nghèo khổ, dù mưa bom bão đạn vẫn chiến thắng kẻ thù. Giờ đây, tất cả chúng ta, hãy nhận lấy một bông cỏ may yêu thương từ ngôi mộ của em, để nhớ mãi một thời tuyệt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xin cám ơn tác giả Thu Yên đã cho chúng tôi được chia sẻ một câu chuyện tình đầy xúc động.

 

Xuân Ất Mùi -2015

                                                 Nhà văn Bùi Công Thuấn       

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Đỗ Thu Yên - truongson486@gmail.com - 01636689629 - HN  (Ngày 16/03/2015 22:19:53)

Đỗ Thu Yên xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên


Dù bận rộn với công việc chữa bệnh, nhưng đồng nghiệp vẫn bớt chút thời gian đọc bài viết và chia sẻ thật đáng quý!

Bác sĩ Thanh Tuyên và cả ĐTY nữa, đều may mắn hơn biết bao đồng đội... được trở về sau những năm tháng ở trường sơn... và chứng kiến sự bình yên của đất nước, hơn ai hết chúng ta không thể quên những người đồng đội đã hy sinh, với ĐTY tất cả mới như ngày hôm qua...

Cảm ơn sự đồng cảm của đồng nghiệp và đồng hương trường sơn.

Xin chúc bác sĩ sức khỏe để phục vụ những người bệnh và giàu cảm xúc cho sáng tác!



Thân mến



Đỗ Thu Yên

  Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmail.com - 0989094933 - Hải Phòng  (Ngày 14/03/2015 19:32:05)

Một kỉ niệm hóa câu chuyện tình thời chiến . Đôi nam nữ trong thơ là một bộ đội và một nữ dân quân trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch. Cô đã "Ví mình như hoa cỏ may". Vâng, may mắn bởi chung chiến hào mà ngẫu nhiên họ được gặp nhau. Từ đó người lính được nhớ, được thương suốt chặng đường trường bình lửa...nhờ động từ "ghim", đắt giá. Đáng lẽ không có chiến tranh thì hai cuộc đời ấy có thể ghim chặt vào nhau tận hưởng hạnh phúc nồng nàn. Nhưng, chiến tranh chỉ tàn phá và mang lại thương đau "Mộ em hôm nay cũng đầy hoa cỏ may".

Tôi thiển nghĩ đây là câu thơ có sức lay động đến rưng rưng. Hoa mang tên "may", mà người thương thì vĩnh hằng dưới cỏ...! Đau xót vô cùng.

"Nỗi buồn chiến tranh" ám ảnh Nữ Y sĩ quân y Trường Sơn đến tận bây giờ.Bài thơ của chị giản dị,mạch lạc như kể chuyện mà chuyển tải được cảm xúc từ trái tim mình sang muôn con tim mẫn cảm.

Nhất là những ai đã dâng hiến tuổi trẻ của mình cùng thời cho cho Đất Việt trường tồn.

.

Tiến sĩ Bùi Công Tuấn rất hiểu Tác giả, hiểu hoàn cảnh thời cuộc nên Anh đã tìm ra"Vẻ đẹp trong bài thơ HOA CỎ MAY của Đỗ Thu Yên". Sự chia sẻ đó tin rằng sẽ được đồng hành với nhiều độc giả.

Xin chúc mừng Tiến sĩ và Nữ sĩ.



Thân ái



Nguyễn Thanh Tuyên - Hải Phòng

Các bài khác: