Song hành với “Hội thảo Quốc tế Văn xuôi Việt Nam – Hội nhập và phát triển”, cuộc Hội thảo mang chủ đề “Thơ Việt – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt” đã được tổ chức tại Hội trường Nhà khách Quân đội (1A Nguyễn Tri Phương, Hà Nội) với sự tham gia của các đại biểu trong nước và quốc tế.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điều hành hội thảo.
Trong đề dẫn “Hội thảo Quốc tế Thơ Việt – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt”, nhà thơ Bằng Việt đã nói: Đây thực sự là một đề tài thú vị, xứng đáng cho chúng ta bàn luận trong hoàn cảnh hiện nay, khi “văn hóa đọc” ở nước ta đang bị nhiều thú vui giải trí tầm thường lấn át, cũng như việc xuất bản thơ ồ ạt, tuôn chảy theo cơ chế thị trường đang có xu thế làm cho bạn đọc mất dần tình yêu sâu đậm vốn có với Thơ từ xa xưa. Nếu cho phép tôi được nói rõ hơn một chút về đề tài thú vị này, thì tôi xin được bổ xung thêm là Thơ Việt không những chỉ có vai trò lưu giữ mà có lẽ còn là nơi khám phá, phát hiện và đồng thời biết chuyển tải, quảng bá lâu dài qua không gian và thời gian nững nét đẹp, những bí ẩn đáng yêu và đáng trọng của tâm hồn Việt.
Ông kết luận: Vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Việt từ xa xưa trong thơ vừa thấu đáo vừa dễ hiểu, vừa sâu xa vừa thực tiễn. Và các nhà thơ Việt nhiều thế hệ, nối dài đến tận hôm nay đã biết giữ gìn, phát huy vẻ đẹp ấy, tạo nên những trang thơ giàu sức sống nội tâm, tạo nên một di sản văn hóa xứng đáng là nơi phát lộ, lưu giữ và chuyển tải những gì cao thượng, đằm thắm, hiền hòa cũng như mạnh mẽ, cụ thể mang đầy đủ tính minh triết của tâm linh người Việt.
Hội thảo cũng đã nhận được nhiều tham luận của những nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả trong nước và quốc tế về chủ đề này. Nhà thơ Inrasara, người Chăm, đến từ tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam chia sẻ về văn học Chăm. Theo ông, người Chăm có chữ viết từ thế kỷ thứ IV, do đó, nền văn học của họ có từ sớm. Họ có 4 sử thi được văn bản hóa từ thế kỷ thứ XV, XVI, người Chăm có hai tôn giáo lớn, hai tôn giáo này luôn xung đột, từ các xung đột này, 3 trường ca nổi tiếng của người Chăm đã ra đời. Người Chăm gắn liền với biển, và văn hóa biển thể hiện ngay trong tiếng nói của người Chăm. Văn hóa biển Chăm làm đầy tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam.”
Tham luận của nhà thơ Vương Trọng: “Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thấm đẫm tâm hồn dân tộc” có viết: Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, chưa bao giờ có tác phẩm nào được nhân dân yêu quý như Truyện Kiều. Mặc dù thể chế chính trị quốc gia thay đổi theo từng giai đoạn, có khi trái ngược nhau, nhưng lòng người say mê Truyện Kiều không hề thay đổi.”
Cuộc Hội thảo Quốc tế "Thơ Việt – Nơi lưu giữ tâm hồn Việt" đã diễn ra trong một buổi sáng, các nhà thơ, nhà văn, các nhà nghiên cứu, dịch giả tham dự đã được phác thảo những nét cơ bản nhất của thi ca Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của nó: đó là những cảm hứng lớn lao của đời sống, đó là tình yêu, là sự đấu tranh vì hòa bình, độc lập và số phận của con người. Còn nhiều tham luận của các đại biểu quốc tế về con đất nước, con người và văn học Việt Nam chưa có dịp được giới thiệu tại Hội thảo, và sẽ đến với đông đảo bạn đọc, người quan tâm nghiên cứu văn học Việt Nam trong thời gian tới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nguồn VanVN.Net