Thứ tư, 15/01/2025,


Tết ta hấp dẫn sinh viên "Tây" (30/01/2009) 

“… Tết của các bạn lạ lắm. Tôi thích tình cảm của người Việt dành cho nhau trong ngày Tết. Ai cũng trở về gia đình mình để đoàn tụ, sum vầy. Họ sẵn sàng tha thứ cho nhau những lỗi lầm khi năm mới về. Ở Mỹ chúng tôi đón Tết đơn giản lắm, món ăn đơn giản và chỉ có pháo hoa thôi, khác hẳn Tết Việt…" - một sinh viên người Mỹ tâm sự.

 

Một chút gió lạnh se sắt không thể làm nguội đi sự ấm áp đang tràn về khoảng sân nhỏ của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (ĐH KHXH & NV). Tràn ngập tiếng cười, tràn ngập cả những vòng tay bầu bạn ấm áp, rượu sâmpanh tràn ly, những món ăn "đa quốc gia" và cả bánh chưng xanh mướt cùng hoa đào thắm đỏ gợi một cái Tết cổ truyền rất đỗi thân thương của người Việt.

Như đã thành thông lệ, hôm nay, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức đêm giao thừa cho các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại đây, mang đến cho họ một mùa xuân mới đầy niềm vui và hạnh phúc...

 

Charles Whalen Rutherford (sinh viên Mỹ): Ấn tượng nhất là tình cảm người Việt dành cho nhau trong ngày Tết!

 

"Cái duyên để tôi gắn bó với tiếng Việt và cả những cái Tết người Việt đến cũng rất tình cờ. Hồi học cấp I, tôi có quen một người bạn Việt Nam, đôi lần tôi được bố mẹ cậu ấy dẫn đi ăn món ăn Việt Nam tại Mỹ và không hiểu vì sao, khi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, tôi thấy mê luôn.

Từ đó, trong tôi cứ thi thoảng lại thánh thót vang lên âm sắc của tiếng Việt. Tôi nghĩ, tiếng nói của họ hay như vậy, thế nào nền văn hoá của họ cũng vô cùng độc đáo, bằng chứng là các món ăn của người Việt tại Mỹ trong những ngày Tết ngon lạ kỳ, nó vừa phong phú, vừa hấp dẫn về mùi vị và màu sắc. Tôi còn may mắn được đi chùa của người Việt tại Mỹ… Những cảm nhận ban đầu đó đã đưa tôi đến Việt Nam.

Mấy năm đầu tôi học tiếng Việt và bây giờ tôi đang học năm thứ nhất lớp cử nhân, học sâu về văn hoá Việt Nam. Tôi cũng đã có một gia đình Việt. Vợ tôi là một cô gái Việt dịu dàng, hiện cô ấy đang làm cho một tổ chức phi chính phủ của Pháp tại Việt Nam. Năm ngoái, thật tuyệt là tôi được ăn Tết tại quê vợ ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Tết của các bạn lạ lắm. Tôi thích tình cảm của người Việt dành cho nhau trong ngày Tết. Ai cũng trở về gia đình mình để đoàn tụ, sum vầy. Họ sẵn sàng tha thứ cho nhau những lỗi lầm khi năm mới về. Ở Mỹ chúng tôi đón Tết đơn giản lắm, món ăn đơn giản và chỉ có pháo hoa thôi, khác hẳn Tết Việt…".

 

Kim Hye-lim (sinh viên Hàn Quốc): Thú vị khi được lang thang trên những con đường làng trong ngày xuân!

 

"Khi về Hàn Quốc, nếu bạn nào hỏi thích nhất ở Việt Nam điều gì, tôi sẽ nói là "Tết". Tôi từng được đón Tết tại Thái Bình, quê một người bạn, được ăn bánh chưng nhân đậu xanh, thịt mỡ, dưa hành và cả thịt chó nữa. Người Hàn Quốc cũng mê món này lắm.

Tết ở Hàn Quốc thường ăn món súp "tuk - guk" truyền thống, nước đun sôi lên, cho bánh làm bằng gạo nếp vào rồi múc ra bát to. Cứ ăn một bát súp to như vậy là thêm một tuổi mới, thêm một niềm vui mới.

Nhưng bạn biết không, thú vị nhất đối với tôi là ngày Tết được đi lang thang trên những con đường làng ở Việt Nam trong ngày mồng một, ngắm những nếp nhà ngói ẩn sau những hàng tre xanh. Ở quê tôi cảnh cũng như thế đấy, thế nên tôi thường hít sâu vào lồng ngực tất cả những hương vị làng quê Việt Nam và nghĩ rằng, đây cũng là quê hương mình. Văn hoá ngày Tết của Việt Nam và Hàn Quốc cũng có nhiều nét giống nhau lắm.

Tôi cũng rất thích phong tục trong ngày Tết Việt, cả gia đình dù ai đi đâu xa cũng trở về nhà đông đủ, chia sẻ niềm vui và cảm xúc với nhau, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Khi được ngồi quây quần với các bạn Việt Nam trong khung cảnh đó, tôi thấy lòng chợt yên bình, êm đềm. Lúc này sẽ nói gì ư? Có lẽ tôi chỉ có thể nói "Cảm ơn Tết Việt, cảm ơn các bạn Việt Nam!".

 

Galbaa Davkharbayar (sinh viên Mông Cổ): Khói hương trầm mặc trong nhà chùa ngày Tết giúp lòng thanh bình lạ kỳ!

 

"Hiện tôi đang học Khoa Đông y tại ĐH Y khoa Hà Nội. Tôi thích học châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, dù lĩnh vực này rất khó. Tôi may mắn sáu lần được đón Tết ở đất nước các bạn. Người Mông Cổ chúng tôi cũng đón Tết âm lịch, nhưng muộn hơn Việt Nam một ngày.

Thời tiết ở Mông Cổ thì rét hơn, khoảng âm 30oC, nhưng khô ráo, còn Hà Nội thường thì lạnh buốt. Nhưng chính cái lạnh đó lại làm cho tôi luôn nhớ về Tết của người Việt.

Chúng tôi có nét văn hoá giống các bạn, đó là đêm giao thừa, cả gia đình cũng tề tựu đông đủ, mong những gì tốt đẹp nhất, may mắn nhất sẽ đến. Chúng tôi cùng ăn món bánh "buuz", nhà nào cũng có một con cừu nướng, ai đến chúc Tết đều phải ăn một miếng để thêm may mắn.

Chúng tôi có phong tục là giao thừa không ai đến nhà ai chơi, trừ người thân. Sáng sớm mồng một thì con cái trong nhà đến chúc Tết bố mẹ. Khi sang Việt Nam, biết các bạn cũng có nét phong tục này, tôi vui lắm, cảm giác quê hương đang ở rất gần.

Tôi cũng từng đi chùa ngày Tết rồi đấy, tôi đến chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, phủ Tây Hồ. Khói hương trầm mặc, chút lạnh se sắt của mùa đông Tết Việt gợi lại cho tôi hình ảnh quê nhà rất rõ nét.

Nhưng bạn biết không, lúc đó, cảm giác tinh thần rất khoẻ khoắn, không thể cáu giận được và thấy lòng nhẹ nhõm, thanh bình, quên hết những điều không hay. Tôi sẽ kể lại những cảm nhận đó cho bạn bè tôi ở Mông Cổ. Năm mới đến rồi, tôi chúc cho các bạn Việt Nam có thêm thật nhiều tiền, sức khoẻ và hạnh phúc".

 

Theo Thu Phương

(CAND Online)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: