Thứ sáu, 26/04/2024,


Đến với "Nỗi buồn của em" của Phương Thảo (14/02/2015) 

 

 

                                                                       NỖI BUỒN CỦA EM

                                              

                                                                   PHƯƠNG THẢO

 

   Chiều nay anh đến thăm em
Đêm về khó ngủ, tròn đêm thương thầm…
   Bốn mươi tuổi em chưa chồng
Hẩm hiu như một đóa hồng bỏ quên

 

 

 

  Qua rồi cái tuổi thanh niên
Một thời xuân sắc, gửi miền rừng sâu
   Em đi san núi bắc cầu
Cuộc đời bom đạn, mái đầu nắng mưa…

 

 

  Xoong cơm nấu ít vẫn thừa
Không người yêu, vẫn hay chờ hay mong
  Đêm về thắp ngọn đèn chong
Để soi lấy bóng cho lòng được vui

 

 

  Bóng dù không biết nói cười
Mưa đêm nhà có hai người vẫn hơn
Nhiều đêm giấc ngủ chập chờn
Liều cao thuốc ngủ vẫn còn thức chong

 

 

  Chăn bông cuộn chặt trong lòng
May ra như có hơi chồng mà vui
   Phòng bên tiếng trẻ nô cười
Một mình khó ngủ càng khơi mối sầu!...

 

 

   Gối nghiêng lệch nửa mái đầu
Nghe từng sợi tóc chuyển màu gió sương
   Trở mình đau cả lạch giường
Tay gầy ấp ngực, mình thương lấy mình!…

 

 

                      LỜI BÌNH CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HỒNG DIỆU

 

       Thơ (và cả văn xuôi nữa) nói về nỗi cơ cực của những người con gái “quá lứa nhỡ thì” do hoàn cảnh chiến tranh kể cũng không ít, tuy nhiên "Nỗi buồn của em" có thể xếp vào loại bài rất hiếm gây được ấn tượng mạnh.
     Tám câu đầu (hơi loãng) đóng vai trò của một sự dẫn dắt. Trọng tâm bài ở mười sáu khổ sau. Tác giả chọn hoàn toàn những chi tiết điển hình: thắp đèn để soi lấy bóng cho đỡ cô đơn (chi tiết này làm nhớ chuyện vợ có chồng đi lính ngày xưa, thắp đèn nói dối con: ra tai họa), uống thuốc ngủ liều cao vẫn không ngủ được…Đặc biệt hơn, những chi tiết điển hình được cộng thêm những mặt đối lập: cơm nấu ít mà vẫn thừa, không ai yêu mà vẫn chờ mong, trẻ con nô cười (tất nhiên là với nhiều người) còn cô gái thì chỉ có một mình…Và đặc biệt hơn nữa là những chi tiết như vẽ trước người đọc:
“Chăn bông cuộn chặt trong lòng”
Để tượng tượng “hơi chồng” hoàn toàn không có, và:
“Tay gầy ấp ngực, mình thương lấy mình.”

   Hai cảnh này nói chuyện sinh lý (ta biết thường xẩy ra ở những người muộn chồng) mà nếu không có nó, bài thơ sẽ không thể đạt đến đỉnh đểm của sự khao khát xác thịt (rất chính đáng) khi con đường chồng con của người con gái đã quá muộn màng…
Phương Thảo còn có hai câu thật hay:
“Gối nghiêng lệch nửa mái đầu
Nghe từng sợi tóc chuyển màu gió sương”

    Đây là loại thơ vừa hư vừa thực. Người ta không hình dung được cái “gối nghiêng” và “nửa mái đầu lệch” cụ thể thế nào, nhưng hiểu rất rõ đây là một sự không trọn ven, còn thiếu một nửa. Người ta cũng không nghe được sợi tóc (xin chú ý từng sợi tóc) chuyển màu là thế nào nhưng lại thấy rất rõ sự già nua đang đến nhanh. Cái nghe này còn đặc hơn cả cái nghe ở một câu thơ HUY CẬN ngày trước “Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn”.
  "Nỗi buồn của em" qua tâm tư một người nói số phận nhiều người, qua số phận con người nói đến tai họa của chiến tranh, một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối đặt ra trước nhân loại từ ngàn đời nay.

                                                    HỒNG DIỆU                                                                                                                                                                   Hà nội, tháng 4/1991

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: