Chủ nhật, 22/12/2024,


Sóng âm (11/02/2015) 

                                                                              SÓNG ÂM (TRUYỆN NGẮN)                    

                                                                

                                                            NGUYỄN THANH TUYỀN

   

      Từ lâu nhiều người đã gắn tặng chúng tôi cái danh hiệu là vợ chồng “sam”, chỉ vì đi đâu cũng cập kè như một cặp tình nhân. Còn chăm chút nhau thì tỷ mỷ đã thành nếp sống. Hiểu tính khí chồng, nên tôi nấu nướng khá hợp với khẩu vị của anh. Đặc biệt tôi chú tâm săn tìm đặc sản “hướng dương” phù hợp cho cả ngày mưa, ngày nắng thất thường. Vào bữa, anh ăn hào hứng, ngon lành. Đến giờ, tôi chưa từng nghe, dù nửa lời chê bai từ ông xã. Quả tình, “ Gái có công thì chồng không phụ”. Chính nhờ tẩm bổ mà sức khỏe của “đức lang quân” chưa hề bị thâm hụt so với lúc đương xuân.

     Nhiều sở thích cá nhân của chúng tôi lâu ngày cũng được đồng hóa hệt nhau. Anh nghiện cà-phê phin. Thời gian đợi chờ từng giọt dung dịch nâu đen, sánh đặc nhỏ chậm chạp xuống cốc, dần dà rèn cho tôi có cái nết kiên trì. Bên nhau thưởng thức hương vị Trung Nguyên, cùng đắm chìm vào những bản nhạc không lời sao mà thi vị thế! Tôi say đắm ánh mắt mơ màng của chồng mình. Âm thanh du dương, thánh thót gợi hình từng tạo ý tưởng sáng tác cho anh. Dòng tranh mô typ siêu thực của anh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, riêng thành phố này ít người bì kịp.

 

     Còn chuyện riêng tư… do mỗi cá thể đều tích chứa trong hồn chất “sĩ” bẩm sinh, nên cả hai thường quen “ngẫu hứng”… Cử chỉ mới khơi khơi, mặt hơi bừng đỏ như chạm rượu chớm say… lực hấp dẫn đã soắn suýt, thôi thúc đôi uyên ương đến điểm hẹn trước giờ.

     Chúng tôi mau lẹ thành “vũ công ” kiêm “biên đạo” múa. Động tác thuần thục, tung hứng nhịp nhàng. Đặc biệt trước thời khắc “bye bye” bao giờ anh cũng truyền cho tôi cảm xúc đắm lịm, nhớ đời.

    Tôi thấy mình chẳng khác cánh rừng nguyên sinh bí ẩn, còn chàng nghệ sĩ tạo hình thì thỏa thuê khám phá, chinh phục. Những làn gió vờn thoa “trên đỉnh đồi gió hú”; âm thanh xạc xào của đám lau lách lưng đèo; hay tiếng róc rách tại khúc quanh co nơi con suối hẹp; hoặc từng đợt “kẹt…kẹt…” của lũ mọt nghiến cây... tôi bắt gặp đều đều. Mắt tôi nhắm nghiền mà tường tận sự luồn lách, ép tì của một loài cá đầu múp, thân tròn mang đặc tính di truyền ngược nước, ham choài lao về phía thượng nguồn.

    Là bác sĩ, nên từng xăng ti mét vuông tạo hóa sắp đặt tinh vi trên da thịt mình tôi khá tỏ tường. Tuy vậy tôi vẫn dò lần, gắng bổ sung thêm những vùng phát, thu… nhậy cảm. Không ngại trao đổi thẳng thật, tôi còn cổ động viên tích cực cho “ cây cọ” nhà : “Cố lên, cố lên… Zô!”.

    Có lúc vắt tay lên trán, tôi tâm đắc : Chúa sinh ra con người quá ư hoàn mỹ. Liên tưởng đến triệu triệu năm sau, tôi không hy vọng loài người có thể tiến hóa hơn nữa. Vượt nổi hôm nay là chuyện khó lòng!

    Ôi! Giá cuộc đời cứ tịnh tiến, mãi mãi ngập tràn hương sắc như bấy lâu thì hạnh phúc, khoái đạt nhường nào!

    Nhưng ai hay! Cái cảm xúc lịm ngọt, loãng tan, bồng bềnh chạm chín tầng mây…gần đây tắt ngấm! Tôi chưa thể kết tội cho bất cứ nguyên nhân gì, bởi sức khỏe, tâm thần, tình cảm và nỗi khát khao vẫn vẹn nguyên. Chẳng thể than thở cùng ai! Mặc dù tôi cố truy tìm căn cớ, nhưng vẫn tù mù. Chưa biết do đâu mà gần đây nguồn xung lực đang dần khan nhược từ anh?

   Trực tiếp siêu âm cho ông xã, tôi thấy kích thước tiền liệt tuyến trong giới hạn bình thường. Duy có điểm vôi hóa gờn gợn ở trung tâm. Cặn can-xi hay gặp, nào gây ảnh hưởng gì. Tôi chưa hé răng phàn nàn, nhưng bằng linh giác nhậy cảm của nghệ sĩ, chồng tôi hiểu cảm xúc “âm tính” đang hết sức bất lợi cho tôi. Anh tra cứu địa chỉ, rồi đi khám Nam khoa tận Hà Nội. Lúc về ôm một mớ thuốc nhập Ngoại đắt tiền. Uống vào, chỉ thấy béo ra, sự đòi hỏi và mức độ cường kích tăng lên. Nhưng tuyệt nhiên cái cảm giác nơi tuyệt đỉnh Thiên đường của tôi … ô hay! Chưa lần trở lại?

    Sự thay đổi ấy, cứ tưởng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Nào ngờ tôi suy sụp, trầm buồn. Tôi rất dễ bực dọc, cáu bẳn vô cớ. Nhận biết ra điều vô duyên, mà tôi quá khó nén kìm…Cư xử thiếu hòa hợp ban đầu còn âm thầm, nhưng đến giờ thì bất chợt, thường xuyên. Đối tượng tôi “ dị ứng ” nặng nhất không phải với người đầu gối vai ấp, mà lại là ông Minh bác sĩ, một đồng nghiệp cùng khám bệnh với tôi vào các thứ lẻ trong tuần. Cái lão “khốt” quen bộc trực, hăng hái ấy, đi làm thuê mà chả đổi mới là bao so với cái khuôn khổ “cổ hỷ” xa xưa.

 

 

“ Họa vô đơn chí” câu nói của Tiền nhân đâu ngờ lại ứng vào tôi. Đầu óc tôi suốt ngày ong ong, đã thế nhiều sự kiện bỗng dưng ập đến quấy rầy. Siêu âm tôi gặp một trường hợp lách to. Nhu mô lách có nhiều hình tròn như hoa in trên mặt vải. Mà giữa tâm đều có một chấm nhỏ hơn hạt vừng. Trông rất lạ kỳ?

  May hôm nay ông Minh không vắng mặt. Tôi bảo một y tá xuống mời ông Minh lên thảo luận. Quá cần ông ta “san sẻ trách nhiệm ” vụ này.

   Đứng trước màn hình, vừa chạm mắt bác sĩ Minh đã gật gật đầu, kết luận xanh rờn :

     - Hình ảnh rất điển hình – Lao lách !

     - Lách bị lao? Giọng tôi đầy nghi vấn.

   Đường đột! Tài tử quá! Tôi ngạc nhiên, chứ không thán phục ông Minh. Nhưng tôi chưa đưa ra được ý kiến phản biện của mình.Vả lại, thời gian không cho phép, tôi phải ký trả kết quả để chuyển bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa.

   Đúng, sai sẽ có nơi phân xử. Song tôi rất muốn nói ông Minh rằng : tôi là bác sĩ chuyên khoa I đấy. So với ông, tôi trên tay “can”. Trước đây tôi còn mặc cảm với cái bằng chuyên tu của mình. “Dốt chuyên tu - ngu tại chức”. Nỗi canh cánh đó đã từng làm tôi tốn kém không ít… Người đời quan niệm hệ đào tạo này thiếu cơ sở cơ bản. Nhưng giờ tôi đã ẵm ngon lành tấm bằng sau đại học được mấy năm rồi, còn gì?.

 

   Câu chuyện chuyên môn cũng đã qua đi. Riêng vấn đề kia…vẫn chưa thôi hành hạ…! Đêm sau tình hình y nguyên đêm trước. Tôi bứt rứt, uể oải. Cà phê buổi tối nhâm nhi chỉ mình ông xã. Tôi sợ chạm vào thêm mất ngủ triền miên.

 

   Công việc thì vẫn song hành cùng bệnh tật. Đúng rồi, vào một sáng thứ ba, ông Minh ghi chẩn đoán trên phiếu siêu âm: “ Sỏi niệu quản trái - đoạn sát thành bàng quang ”. Người đâu, khám bằng tay mà hơn cả máy chắc? Như đinh đóng cột không bằng. Văn phong thì điệu đà, giữa câu lại còn nhấn thêm một cái “gạch ngang” nữa chứ! Vẫn biết đó là chữ của ông ta, đâu ảnh hưởng đến mình. Thế mà da mặt tôi, gáy tôi ran ran tỏa nhiệt. Y lệnh ư ?! Phải thực hiện cái điều mà người khác bắt buộc, bằng cấp họ lại kém mình, tôi chẳng bao giờ dễ chịu.

   Hậm hực. Tay lia nhanh dầu dò, mắt tôi dán vào hệ thống tiết niệu của bệnh nhân. Màn hình nét mồn một. “Đài bể thận không giãn này. Kích thước niệu quản bình thường này? Thế thì bói đâu ra sỏi ? Sỏi…sỏi !”. Chẳng kìm được cằn nhằn. Toàn thân tôi bốc hỏa .

    Ngừng thao tác, tôi quay sang bệnh nhân :

       - Nằm đợi một lúc! Các bác sĩ sẽ hội chẩn trường hợp của anh.

    Đoạn tôi moi điện thoại gửi dòng tin nhắn “ Bác lên xem lại bệnh nhân giúp”.

    Lẽ ra lúc cần tôi thường cho nhân viên xuống tầng 1 mời ông Minh lên, nhưng hôm nay viết thế là tế nhị lắm rồi…   

   Để cho ông ta thấm thía trước cái chẩn đoán của mình.

   Chưa đầy năm phút, ông Minh đã rời cabin khám bệnh lên phòng tôi. Ông ngồi vào vị trí siêu âm. Đầu dò trên tay uyển chuyển cắt dọc, lia ngang qua hai thận. Rồi bám sát đường đi của niệu quản, ông Minh di đầu dò xuống dưới. “Nào, nín thở!” ông nhắc bệnh nhân. Nút lưu hình được nhấn. Một vật thể tăng âm chừng nửa hạt đậu xanh hiện rõ. “ Sỏi đây rồi! ”. Ông Minh như reo khe khẽ.

     - Chưa siêu âm, sao anh chẩn đoán được sỏi ở vị trí thấp? Tôi hỏi.

    - Thông thường là sỏi nhỏ. Kích thước bé nên sỏi di chuyển dễ. Tới chỗ hẹp nhất của niệu quản, sát bàng quang thì sỏi thường bị mắc lại. Vì vậy điểm đau khư trú ở bụng dưới. Hướng đau còn cài xuống thấp hơn... Hỏi khéo “…” người bệnh, sẽ khai thác được triệu chứng này.

     - Anh ạ, sao đài bể thận và niệu quản lại không giãn ?

   Ông Minh bình tĩnh :

    - Chỉ bị ứ nước tiểu thì niệu quản mới giãn. Sỏi bé đương nhiên không gây tắc khít. Cơ niệu quản lại đàn hồi, nên nước tiểu vẫn lọt xuống được bàng quang. Phía trên vì thế không bị giãn. Siêu âm rất dễ bỏ qua.

    Sau trường hợp trên, thái độ tôi dịu đi. Nhưng đó là vẻ mặt bên ngoài thôi. Còn tâm phục khẩu phục nào có dễ chi.

 

    Một lần khác, ca bệnh khó lại “bắt tay” tôi. Siêu âm cho một bệnh nhân gày gò, bụng trũng lòng thuyền, tôi gặp hình ảnh đặc biệt, giống hệt đồng 5 xu. Trung tâm tròn, bao quanh là hình vành khuyên giảm âm. Tiếp đến viền chu vi ngoài cùng tăng âm rất sáng.

     Bằng thái độ cầu thị, tôi nhờ ông Minh cắt nghĩa:

       - Ca này lạ lắm, nhờ bác phán giúp em.

    Vừa xem ông Minh đã nói ngay:

      - Đây là hình ảnh cắt ngang qua ống sống. Tuần tự tính từ trong ra là: tủy sống - nước não tủy - màng cứng, đây này. Ông Minh chỉ cho tôi rồi dịch đầu dò lên, xuống hai khe sống. Trên màn hình ghi được hai bức ảnh y hệt của tôi.

      - Sao nhiều bệnh nhân em siêu âm vẫn chẳng gặp hở anh? Tôi đổi giọng xưng hô.

     - Cô cứ thử nghĩ xem? Ông Minh tủm tỉm .

     Đánh đố mình ? Tức quá, tôi nguẩy người không nói không rằng. Cậy mình cậy mẩy, khoe già đời chắc? Đã thế “đây” không cần hỏi han, chẳng thèm nhờ vả nữa. Khuôn mặt tôi lúc ấy có lẽ kinh khủng lắm vì thấy ông Minh chưng hửng... lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Nhìn cái dáng gù gù của lão cùng với bàn tay run run do thoái hóa cột sống cổ, tự dưng tôi thấy hả hê... Cho chết... cái thói tự kiêu.

     Nhưng cái câu “cô cứ thử nghĩ xem” ám ảnh suốt hôm đó, cả những ngày sau ....Và tôi cố gắng tìm hiểu. Lần ngược lại phần lý thuyết đại cương, tài liệu có in “tổ chức mỡ và khí truyền âm kém”.

    Ô, thế thì người béo bụng, và bệnh nhân bị sình hơi … sóng siêu âm sao tới được cột sống. Phải rồi, ông Minh đã bám vào giải phẫu rồi suy luận tiếp khi siêu âm cho một người bụng lép. Ra thế. Được. Được lắm !

 

 

    Chiều dày tích cóp kinh nghiệm đã tạo ưu thế cho ông Minh. Nhưng tôi cũng đầy tự tin vào khả năng của chính mình. Ngay từ lúc cả thành phố này chưa có máy siêu âm màu 4 chiều, tôi đã lăn lộn vào Sài Gòn “tầm sư học đạo”. Học tư. Chi bằng tiền “thịt” của mình. Hết một cây rưỡi vàng chứ có ít đâu.

     Sở hữu một nghề “độc”, có thương hiệu trong tay. Tôi kiêu ngầm. Nhiều bác sĩ gửi bệnh nhân, làm xong, tôi kết luận thẳng cánh. Từ hồi khám với ông Minh, nếu không thỏa mãn, y như rằng ông ta tự tay làm lại. Cung cách này quá khó chịu. Nếu ông ấy đúng, mình phải ghi lại, ký lại kết quả… trước mắt mọi người. “Sái” lắm! Chỉ vì “ tránh voi…” tôi đành phải nhịn như “nhịn cơm sống” lâu nay. Tâm phục khẩu phục đâu có dễ! Ông ta cứ “hồn nhiên”. Ngữ ấy sao đọc ra ánh mắt kém thiện chí của tôi.

    Còn chuyên môn, ông Minh được đào tạo chẩn đoán hình ảnh từ cái “lò” nào, tôi chưa kịp dò xét. Chỉ biết ông ấy học Y dài hạn hệ Nội Nhi. Phong thanh bắt đầu học chuyên khoa I thì bỏ cuộc.Bởi tay đau không viết được do di chứng sau phẫu thuật thoái vị đĩa đệm cột sống cổ. Nghĩa là bằng cấp sao bằng tôi .

 

    Bỗng chả biết vì lí do gì, đùng một cái ông Minh chuyển về Bệnh viện Quốc tế? Có lẽ để gần nhà. Chưa biết chừng cơ sở mới họ trả lương cao… hay vì thâm tâm không dễ chịu với tôi ?

    Những nhà đầu tư Phòng khám bệnh này oan hoài ỉ o…mất một trong “tứ trụ” của mình. Nào là “anh ấy, đúng là con mọt sách. Người luôn luôn cập nhật. Google là gia sư của anh ta”. Vân vân và vân vân.

“ Gớm nhỉ! Con chị đi, con dì nó lớn. Hết gai mắt !”. Tôi chép miệng cho qua .

                                       

 

    Uống thuốc Tân dược kéo dài đã làm ông xã của tôi cồn cào gan ruột. Có bệnh đành bái tứ phương. Vợ chồng tôi đi bắt mạch, cắt thuốc Đông Y. Hai cái ấm điện suốt ngày sôi sình sịch, mùi hương các loại thảo dược thơm phức khắp nhà. Sáng, chiều tôi phải nhăn mặt nhăn mũi hạ quyết tâm uống bằng cạn bát thuốc. Kết quả mang lại là nhuận tràng, ngon cơm, còn cơ quan chủ đích… thì vẫn chưa hề tiến bộ.

     Giấc ngủ tôi chập chờn. Bầu trời quanh tôi u ám dạng mây chì, áp thấp.

    Một buổi chiều ông xã mang về cho tôi một tấm vé du lịch Sa Pa trọn gói chẵn chục ngày. “ Em đi nghỉ một thời gian ngắn cho lại sức. Đi cùng mười sáu nữ nhân viên siêu thị Big-C. Vé này thay thù lao, Siêu thị ưu ái cho ý tưởng trang trí nội thất của anh đấy ”. Thầm cảm ơn phu quân, nhưng tôi tiếc đến ngẩn ngơ - Vợ chồng “sam” lần này chẳng được cặp kè cùng nhau trên miền mây gió…

    Sa Pa những ngày đó mù sương, ẩm ướt, nhiệt độ xuống 13 độ C. Chị em ăn xong đành trùm chăn, quấn kén. May có hai ngày hưng hửng, chúng tôi ghé xuống bản Cát và lên núi Rồng. Địa danh này vẫn chưa có gì đổi mới. Du lịch lần này chẳng khác một câu Kiều “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

     Xa nhà. Cảm giác tẻ nhạt dằng dặc…cuối cùng cũng đến hồi kết thúc. Tạm biệt tiểu vùng ôn đới, chúng tôi lên chiếc xe ô tô có giường nằm về xuôi.

…Vừa bước xuống bến xe, tình cờ tôi gặp bác sĩ, thầy giáo cũ Tùng Lâm. Thấy tôi, thầy gọi níu lại, giọng xởi lởi “ Này, hôm nọ em kí chuyển sang một ca lao lách. Giỏi lắm. Quá chính xác. Bệnh nhân bị lao kê. Lao kê là lao toàn thể, em biết đấy. Rất may, anh ta được dùng ngay phác đồ tấn công lao. Giờ thì bệnh nhân đã hết sốt, tăng cân”

    Tôi ngượng ngùng nhớ lại ca ấy.

    Như vậy, điểm nhỏ hơn hạt vừng ở trung tâm chính là nốt lao kê. Hình ảnh giảm âm bao quanh là vùng tròn xung huyết của viêm lao. Tôi vỡ ra.

 

*

 

    Hiếm khi một mình ra khỏi nhà. Lần này chúng tôi xa nhau hẳn một phần ba tháng. Đêm đầu tiên trở lại căn buồng ấy, vẫn bên chàng họa sĩ tài hoa ấy, vẫn nằm chung một chiếc giường quen… run rủi, tôi gặp một giấc mơ Tiên… Cơ thể mất hoàn toàn trọng lượng, tôi lửng lơ trên dòng Ngân hà lấp lánh ngàn sao. Da thịt mình mướt mát, nghỉm chìm trong mùi hoa hồng lảng bảng dâng hương. Vẫn là những nụ thơm, nhưng sao mà đắm đuối ngọt ngào như chưa từng được thế bao giờ. Với chiếc cọ cùn đầu, chàng họa sĩ dạn dày cứ nhẹ nhàng miết đi phiết lại lên làn cong cơ thể tôi những lớp thiếp vàng. Lan truyền, rân rân kỳ lạ. Cứ thế trôi theo dòng sông Ngân, chúng tôi say sưa phiêu bồng tít tắpThiên Thai…

    Tỉnh dậy, mặt trời chừng đã lên cao. Ánh nắng chiếu qua cửa kính tràn vào căn buồng ấm áp. Không gian ửng hồng.    

    Tâm hồn tôi thanh thoát dễ chịu. Quá lâu rồi mới có được cảm giác này. Chậu hoa tỷ muội đặt ngoài ban công cũng rộn rực nở, đua nhau. Trong tôi đơm đầy tiếng chim khuyên đang rúc rích chuyền cành.

   Ông xã vẫn đang ngáy ro ro. Nhìn anh sao hôm nay yêu thế. Tôi ghì cổ, áp sát môi, tới tấp tặng anh những nụ hôn kì thú ngọt ngào.

      - A…n…h ! Hôm nay cho em quay lại Sa Pa ngay nhé.

  Ông xã giọng ngái ngủ:

      - Sao lại… Sao lại Sa Pa?

     - Để chữa bệnh. Đêm qua tuyệt vời quá anh.

- Ôi, bà “ Lang vườn ” của tôi. “ Tò nhâm ” rồi !

   Chăn vẫn trùm ngang ngực. Gối đầu lên cánh tay ông xã, tôi lắng nghe anh thủ thỉ chuyện ở nhà :

      - Sau khi em đi hai hôm. Chi hội Mỹ thuật thành phố tổ chức cho anh em họa sĩ đi kiểm tra sức khỏe định kì. Ui chà! Bệnh viện Đa khoa Quốc tế 19 tầng, hiện đại lắm! Anh chặc chặc lưỡi, thán phục.

     - Anh được khám tổng thể. Mọi chỉ số đều bình thường. Số gặp may, anh được quí nhân phù trợ. Một ông bác sĩ hay lắm. Lúc siêu âm bụng, ông ấy trêu anh “ đạn bị rớt ngay trước đầu nòng ”. Rất dí dỏm mà sởn gai ốc.

     - Đặc điểm ông ấy thế nào?

    - Khuôn mặt phúc hậu. Da trắng. Tóc muối tiêu. Mi trên hơi dày. Đặc biệt có mụn ruồi màu hồng sát cằm bên phải.

     - Ô! Thế là ông Minh.

    - Chính xác! Anh nhớ ra rồi. Đúng bác sĩ Nguyễn Quang Minh kí vào giấy siêu âm.

    - Cụ thể ông ấy giải thích ra sao?

    - Nguyên văn thế này “Anh bị một viên sỏi dắt ở phần niệu đạo tiền liệt tuyến. Nhỏ chỉ bằng hạt sạn, nhìn kỹ mới thấy bóng cản âm. Tiểu tiện hẳn khó chịu. Nó còn ảnh hưởng cả đến chuyện sinh hoạt vợ chồng”. Chà, chà. Quá thầy bói còn gì !

    Ông xã tôi còn trầm trồ với giọng hàm ơn :

        - Nhiệt tình thật! Bác sĩ đích thân dẫn “nghệ sĩ” sang bàn giao cho phòng thủ thuật. Các thầy thuốc đã tán sỏi ngược dòng .

- … !

     Vẫn là Bác sĩ Minh. Tôi ngẩn người. Nguyên lý siêu âm tôi biết từ lâu. Thế mà tận giờ, lần đầu tiên tôi mới cảm nhận được làn sóng âm dội lại…

 

                                                                                                  Hải Phòng, tháng 12 /2014

                                                                                                     Nguyễn Thanh Tuyên
 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: