Thứ sáu, 29/03/2024,


Đến với bài thơ "Lối xưa" của Cỏ Dại (05/02/2015) 

 

 

                                                                                                   
                                                   
Lối xưa vẫn mãi nơi này
                                         Với bao kỷ niệm vơi đầy nhớ thương
                                                    Dáng xưa như vẫn còn vương
                                         Giật mình thảng thốt cuối đường bóng ai

                                                    Ánh vàng giọt nắng chiều phai
                                        Hòa vào ký ức giữa ngày mơ hoang
                                                    Trời nghiêng thả bóng mây vàng
                                        Hoàng hôn gói cả mênh mang vào lòng

                                                     Lối xưa ta vẫn mơ mòng:
                                        Cho ta nghiêng ngả trong vòng tay ôm!

 

                                                      Nguyễn Thị Thanh Xuân      


                                     

        

 

 

         Nữ thi nhân Nguyễn Thị Thanh Xuân.. Cảm xúc thi ca của nhà thơ  thật  đa diện, đặc biệt là thơ tình. “Lối xưa” là một bài thơ thuộc mạch thơ này của chị.
      Lối xưa là lối của tình yêu tràn đầy nhớ nhung và xao xuyến.      Bài thơ lục bát chỉ gói gọn trong mười câu, được chia thành ba thi mạch khá rõ rệt: Bốn câu đầu là “nhân vật” thơ gặp lại lối xưa, nơi mà em đã cùng anh nhiều lần đi trên lối ấy. Khung cảnh “với bao kỷ niệm vơi đầy nhớ thương” – đủ nói lên những gì đã xảy ra của hai chúng mình ở nơi này. Từ lối xưa mà em thấy lại dáng xưa, dáng người tình thuở ấy, dáng người khiến em vương vất khôn nguôi - “vẫn còn vương” đến giờ! Cái dáng xưa ấy dẫu không hiển thị thực thể nơi đây, nhưng em vẫn tưởng như anh đang có mặt trên con đường xưa và giật mình khi gặp một bóng người nào đó – hay chính là anh? trên đường: “ Giật mình thảng thốt cuối đường bóng ai”

     Thực cảnh đó đã gọi về hoài niệm ở em rồi. Bốn câu thơ tiếp theo bộc lộ rõ hơn cái hòa niệm vương vất trong em:

                                                          Ánh vàng giọt nắng chiều phai
                                                   Hòa vào ký ức giữa ngày mơ hoang
                                                          Trời nghiêng thả bóng mây vàng
                                                   Hoàng hôn gói cả mênh mang vào lòng

      Đặc trưng tả cảnh để tả tình đã rõ, càng rõ hơn khi từng cặp câu thơ ghép nhau để thể hiện đặc trưng ấy:
“Ánh vàng giọt nắng chiều phai” là cảnh - còn “Hòa vào ký ức giữa ngày mơ hoang” là tình. Tương tự, “Trời nghiêng thả bóng mây vàng” là cảnh - còn “Hoàng hôn gói cả mênh mang vào lòng” là tình. Là nói vậy, chứ thật ra, ở mỗi câu thơ đã tự bộc lộ rõ rệt cảm xúc về cảnh và tình rồi – nói cảnh để nói tình và nói tình từ trong cảnh!

      Kết khúc bài thơ, nỗi hoài niệm dội lên đến mức muốn đưa nỗi ấy trở về hiện thực hôm nay:

                                                              Lối xưa ta vẫn mơ mòng:
                                                     Cho ta nghiêng ngả trong vòng tay ôm!

    Đọc hai câu thơ trên đây, tôi nhớ đến hai câu thơ tình của Xuân Diệu:
                                                            Không, ta chẳng muốn mơ mòng
                                                    Muốn ôm mình chặt trong vòng tay ta

     Háo hức và nồng nàn, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu không muốn mơ mà muốn thực, để được ôm người tình trong vòng tay của mình. Học theo thi nhân tiền bối, Cỏ Dại cũng không kém nồng nàn, háo hức dù vẫn chỉ trong mơ để được “nghiêng ngả trong vòng tay ôm”.

   Về nghệ thuật, bài thơ tạo dựng được hình tượng kết hợp giữa xưa và nay; giữa cảnh và tình; giữa nỗi niềm đã qua và muốn mong hôm nay.
     Bài thơ lục bát với lối gieo vần mượt mà, nhuần nhuyễn cùng với thi từ-thi ngữ “đạt” và “độc”: Lối xưa – tựa đề bài thơ, vừa là con đường, cũng chính là hoài niệm yêu; “thảng thốt cuối đường bóng ai” – một trạng thái tâm lý rất thật; “giọt nắng chiều phai” và “trời nghiêng thả bóng mây vàng” – quan sát tinh tế rất đạt; “hoàng hôn gói cả mênh mang vào lòng” – hình thể hóa cái không hình thể; “nghiêng ngả trong vòng tay ôm!” – bộc lộ rất rõ cảm xúc háo hức, nồng nàn của tình yêu…

     Chúc mừng và cảm ơn  Nguyễn Thị Thanh Xuân về “Lối về” - một bài thơ hay!

 

                                                                  Nhà thơ-nhà phê bình văn học Mai Thanh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: