Chủ nhật, 22/12/2024,


Nét đẹp trong bài thơ “EM LẤY CHỒNG” Của tác giả Trần Duy Quý (03/02/2015) 

       EM LẤY CHỒNG

Ngày mai em lấy chồng rồi
Để anh chôn cái bùi ngùi trong tim


Nhớ làm chi nữa hỡi em
Thuyền kia đóng ván buông rèm còn đâu


Nỗi lòng đau quá là đau
Có mà chả giữ buông câu làm gì.

Trần  Duy Quý

 

 

            Trong lĩnh vực tình cảm, tình yêu lứa đôi là điều thiêng liêng cao quý nhất bởi nó đem đến sự thăng hoa cảm xúc khi hạnh phúc ngập tràn và cũng đem đến nỗi đau tột cùng lúc tình tan vỡ. Truyện tình yêu không phải lúc nào cũng đẹp như truyện cổ tích, khi người yêu đi lấy chồng trái tim chàng trai tưởng chừng như tan nát, tuy vậy mỗi người có cách nhìn và suy nghĩ khác nhau. Nhà thơ Lưu Vinh Hạ trong bài “Dòng sông ly biệt” mang theo tiếng lòng thổn thức:

Vì đâu em đi lấy chồng
Tại tôi hay lỗi tơ hồng se duyên


          Cùng sự việc trên tác giả Trần Duy Quý trong bài “Em lấy chồng” lại có cách cảm nhẹ nhàng mà sâu sắc nhưng cũng thấm đẫm lệ rơi. Mở đầu là hai câu lục bát mang đầy tâm trạng:


Ngày mai em lấy chồng rồi
Để anh chôn cái bùi ngùi trong tim


          Câu lục đưa ra hai thông tin đó là thời gian “Ngày mai”và một việc hết sức trọng đại “em lấy chồng”, nhưng lấy ai dĩ nhiên là người khác không phải tác giả. Sự kiện này như tiếng sét ngang tai khiến cho chủ nhân choáng váng, bởi vậy từ “rồi”cuối câu hiện lên như dòng thác đổ. Đến câu bát thì tâm trạng tác giả được thể hiện rõ nét “bùi ngùi” (Theo Từ điển có nghĩa: Nao nao buồn, đến mức trực khóc vì thương cảm, nhớ tiếc). Nhưng ở đây anh lại muốn “chôn”,“trong tim” riêng điều này đã khác thường vì người đời thất tình thường tìm đến rượu, bạn bè hay nước mắt để vợi đi nỗi đau, nỗi buồn. Ta biết rằng trái tim là nơi sản sinh và lưu giữ tình cảm thế mà tác giả “Em lấy chồng” định đem nỗi đau mai táng ở đó liệu có ổn không? Hay càng đau buồn hơn? Cũng đành vậy thôi khi tình yêu vỗ cánh bay xa có người còn than “Giá mà trăng cũng có đôi/ Thì đâu có kẻ khóc đời cô đơn”việc người yêu đi lấy chồng là vết dao sắc lạnh khiến cho tâm hồn chàng trai rỉ máu.
Khi sự việc đã được an bài không thể níu kéo điều duy nhất có thể làm là tự nhủ lòng mình:


Nhớ làm chi nữa hỡi em
Thuyền kia đóng ván buông rèm còn đâu


 

          Nói với em nhưng là nói với chính lòng mình bởi “ Thuyền kia đóng ván” cách nói ẩn dụ: Tình em đã sang bến mới thì “Nhớ” làm gì nhưng đó là tiếng nói của lý trí, còn tiếng nói của trái tim lại hoàn toàn khác “Nhớ làm chi” nhưng thực ra lại nhớ rất nhiều giống như nhà thơ Phiêu Dao viết:
Thưa em!...từ thuở em sang ngang
Nghìn dặm nhìn nhau trong tấc gang
Nuối tiếc tình xưa đà vỡ vụn
Rằng ta vò võ nhớ thương nàng.
(Mai em lấy chồng)
          Trở lại với hai câu thơ trên của tác giả Trần Duy Quý ta bắt gặp dòng thời gian trở về hiện tại và sự việc đã được định đoạt: Ván đã đóng, gièm đã buông, những động từ hằn sâu vào tâm can và nỗi đau càng thêm nhức nhối. hai từ “còn đâu” ở cuối câu bát như tiếng nấc nghẹn ngào bởi sự mất mát quá lớn không gì bù đắp nổi. Cuộc sống có bao điều kỳ diệu, có những việc cố quên đi nhưng ta lại càng nhớ nhiều hơn, cũng như lớp đất phủ càng dày thì hạt giống cho mầm cây càng thêm mập mạp.
Nếu như ở hai cặp với bốn câu lục bát trên tâm tình của nhà thơ còn ủ kín âm ỉ trong tim thì hai câu kết nỗi niềm đó vỡ òa như dòng nước trong mùa mưa lũ:


Nỗi lòng đau quá là đau
Có mà chả giữ buông câu làm gì.


           Điệp từ láy “đau” trong một câu thơ vừa nhấn nhá nỗi đau vừa tăng tiến cấp độ khiến cho người đọc cảm nhận được trái tim người trong cuộc đang tan nát vì sự mất mát. Điều này đúng như ý một triết gia cho rằng: Tình yêu có thể là thiên đường hạnh phúc cũng có thể là địa ngục của khổ đau. Câu kết tác giả đem đến một chút an ủi, vỗ về, một chút hờn dỗi “chả giữ”, “buông câu làm gì”.Hai động từ “giữ”, “buông câu” biểu hiện hai sắc thái khác nhau, động từ 1 là việc làm chủ động (Nắm giữ cái mình đã có), động từ 2 thụ động (Ngồi chờ đợi). cả hai vừa toát lên ý phê phán vừa tự trách mình đã hửng hờ hoặc vô tình để tình yêu tuột khỏi tay, từ đó sự ân hận nuối tiếc trào dâng. Câu kết dường như tác giả muốn vượt qua nỗi đau bằng cung Nhân Mã: “Nhân Mã đau thì có đau thật những cảm giác này luôn được ví như mũi kim chích. Giống như “Song tử” chòm sao này không thích sự ràng buộc nên họ sẽ có đủ sự thấu hiểu cho quyết định của đối phương. Hai người sau khi chia tay vẫn có thể vẫn là bạn tốt của nhau” (Trích Tốc độ vượt qua nỗi đau thất tình của 12 cung hoàng đạo).


          Bài thơ “Em lấy chồng” của tác giả Trần Duy Quý được viết theo thể thơ lục bát truyền thống mang âm hưởng ca dao, trong đó có chất liệu văn học dân gian như: Ván, thuyền, gièm, câu. Mặc dù chủ đề đã được nhiều người đề cập trong sáng tác nhưng tác giả biết cách làm mới bởi sự kết hợp lối nói tân cổ cùng lời độc thoại nội tâm. Bài thơ 6 câu thì có đến 5 câu (Từ câu 2 đến câu 6) là đụng chạm đến nỗi niềm của tác giả. Toàn bộ bài thơ không một lời trách cứ người yêu điều này thể hiện tính nhân văn cao cả. Là một giáo sư, nhà khoa học đầu nghành của viện Di truyền nông nghiệp nên cách thể hiện của tác giả mang dấu ấn của nhà nghiên cứu khá rõ rệt đó là sự cô đọng, hàm xúc phù hợp với ngôn ngữ thơ. Bài thơ vẻn vẹn có 42 từ đã tạo được dư ba trong lòng người đọc. Đến với bài thơ “Em lấy chồng” ở tuổi của anh tôi muốn được tặng tác giả câu nói của triết gia Lâm Địch Nhi “Tình yêu giống như một bài thơ chúng ta thích khi còn trẻ. Tuổi tác dần cao, cho dù trong lòng chúng ta vẫn thuộc từng câu, từng chữ nhưng lại xấu hổ không dám ngâm nga trước mặt người khác. Tình yêu xuất hiện không phải để có một kết quả mà là để lấp đầy ký ức con người”



Hà Nội tháng 1/2015 
Xuân Hiến

                                     


 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Duy Quý - duyquyvaas@gmail.com - 0913232858 - 422 Phạm văn đồng Từ Liêm Hà Nội  (Ngày 05/02/2015 21:17:39)

CẢM ƠN ANH XUÂN HIẾN ĐÃ CÓ LỜI BÌNH HAY VÀ SÂU SẮC BÀI THƠ CỦA TÔI
THẬT SỰ TÁC GIẢ KHI LÀM BÀI THƠ NÀY CŨNG KHÔNG NGHĨ ĐƯỢC SÂU SẮC NHƯ ANH

XIN MỘT LẦN NỮA CẢM ƠN.

Các bài khác: