Tết nhớ về bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn, Gà.
(Bàng Bá Lân)
Phải chăng treo tranh và thưởng thức “tranh Lợn, Gà” hay còn gọi là “Tranh dân gian” trong dịp Tết cổ truyền là một trong những thú vui thanh cao, tao nhã của người Việt xưa nay. Đó là một nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những bức tranh chơi Tết có giá trị nhân văn hồn nhiên, giản dị lại là những bức tranh dân gian từ ngàn xưa để lại. Tranh Tết Việt
1. Tranh Tết dân gian và những tương truyền về nguồn gốc
Tranh Tết có nhiều loại nhưng nổi trội hơn cả là mảng tranh mộc bản, hay còn gọi là tranh Đông Hồ. Vì loại tranh này sản xuất theo phương thức khắc bản gỗ in ra và thường do nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất nhiều nhất. Dù là gọi tên gì đi nữa, loại tranh này vẫn được chưng bày và bán cho dân chúng xử dụng trong ngày Tết Nguyên đán. Nguồn gốc xuất xứ loại tranh này đang còn nhiều bàn cãi và chưa có chứng minh cụ thể.
Dựa vào gia phả vài dòng họ có liên quan thì tranh Tết có từ đời nhà Lý (1010-1225) nhưng có giả thuyết cho rằng nó mới xuất hiện trong đời nhà Hồ (1400-1414) và được phát triển mạnh mẽ từ đời nhà Lê (1533-1788) cho đến nay.
Theo các nghệ nhân làng Đông Hồ (Bắc Ninh) và Nam Đàn (Nghệ An) loại tranh này từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XV do cụ Lương Nhữ Học đỗ tiến sĩ đời Lê, đi sứ Trung Hoa học được nghề mang về dạy cho dân. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam đã biến thể từ hình thức đến nội dung. trở thành một loại tranh có đặc thù cá tính dân tộc.
Theo một số nhà nghiên cứu sau 1975 và cuộc triển lãm với tựa đề Peintres paysans du Vietnam (Những họa sĩ nông dân Việt Nam ) tổ chức tại nhà văn hóa Bourges (Pháp) tháng 6 năm 1978, họ gộp chung với một số ký họa mới sau này và cho nó một mốc thời gian xuất xứ là tranh thế kỷ 19. Thỉnh thoảng trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại ghi đề tựa một vài bức (Tranh mộc bản Việt Nam đầu thế kỷ 20).
2. Tranh Tết giữ hồn dân tộc
Tranh Tết đặc sắc với những đường nét, màu sắc sáng tươi ngộ nghĩnh rất dân gian và rất dân tộc. Màu sắc của tranh thường rất tươi: hoa hiên, cánh sen, đỏ son, xanh gỉ đồng, vàng nghệ, dành dành, đen màu than rơm rạ... tất cả 'sáng bừng' lên trên nền giấy điệp óng ánh như quét ngân nhũ. Với những màu sắc sặc sỡ, những bức tranh Tết dân gian làm cho không gian hồ hởi, tô điểm nét duyên cho xuân đậm đà hương vị dân dã, sáng bừng bản sắc dân tộc.
Những bức tranh Tết này đều có hàm ẩn những nội dung cao xa, những ý nghĩa thâm thúy, mang nặng tính chất đặc thù dân tộc, có tính cách giáo dục, trào lộng, đôi khi còn lồng vào những nét châm biếm nhẹ nhàng. Có thể phân loại tranh Tết như sau:
Tranh chúc tụng: Tranh gà, tranh lợn, tướng quân, tiến sĩ, Phúc-Lộc-Thọ (hình vẽ hoặc chữ) mỗi tấm tranh có mỗi ý nghĩa của lời chúc: an lành, giàu sang, tăng phẩm hàm chức tước hoặc đông con.
Tranh để thờ phụng như: Táo quân, Phật bà, Thổ công, tứ bình (4 loại hoa hay quả), tứ linh (lân, long, qui, phượng), tứ thời (xuân, hạ, thu, đông).
Bà Triệu (Tranh dân gian Đông Hồ)
Tranh lịch sử: Vẽ các anh hùng, liệt nữ như Lý Thường Kiệt, Hai bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, v.v...
Tranh giáo dục: Cóc đi học, Nhị thập tứ hiếu (24 người giữ đạo hiếu), Tranh ngụ ngôn.
Tranh trào lộng: Chuột đỗ Trạng nguyên, Chuột vinh qui, Đám cưới chuột, Chuột mèo hóa giải, Hái dừa, Thầy đồ cóc. v.v..
Đám cưới chuột
Về phương diện nghệ thuật tạo hình là loại nghệ thuật phổ biến, đơn giản. Đường nét giản dị và tùy tiện, tạo cho tranh một thể hiện mộc mạc dể cảm. Mầu sắc rực rỡ và chú trọng nhất là đường nét đen chạy viền, bố cục không gò bó theo luật tương xứng.
Cách sản xuất loại tranh này rất đơn giản, nghệ nhân khắc đường nét lên gỗ cứng (thường dùng gỗ cây thị) tiếp đến bôi mầu lên bản khắc, rồi in lên giấy hay lụa bồi . Giấy hoặc lụa được hồ sẳn bằng bột phấn trắng chế tạo bởi vỏ sò (điệp) cho nên gọi là phấn điệp. Các mầu khác lấy từ khoán sản hay thảo mộc.
Tranh Tết thường có 5 mầu chính:
Mầu trắng: bột phấn điệp.
Mầu xanh: còn gọi là xa thanh (bột óng ánh xay từ vỏ xà cừ).
Mực Tàu.
Ngân nhũ: bột bạc.
Kim nhũ: bột vàng, đồng.
Ngoài 5 mầu chính gọi là thuốc cái, nghệ nhân còn xử dụng thêm các mầu phụ như chu sa, son Tàu, cánh sen nhạt, hồng phấn, v.v... Về sau dùng thêm các mầu vàng, xanh biển, lam, nâu làm cho tranh càng ngày màu sắc trở nên rực rỡ và phong phú hơn. Tranh mộc bản Việt Nam màu sắc tươi vui, lòe loẹt . Nét tạo hình mạnh mẽ, mộc mạc thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo cuả người Việt Nam hiền hòa chất phát. Không chứa đựng nét quí phái, nhẹ nhàng, thơ mộng như tranh mộc bản của Nhật, cũng không kín đáo, trầm lặng, sâu sắc như tranh mộc bản của Trung Hoa.
Tranh Tết Việt Nam là loại tranh mộc mạc chân chất đi thẳng vào lòng người những cảm xúc khi thì tôn nghiêm thờ phượng, khi thì bình lặng suy tư, khi thì khuyên bảo hoặc châm biếm nhẹ nhàng. Làm cho lòng người nồng ấm thêm một niềm tin, một chút kiêu hãnh bởi giòng giống tổ tiên, hoặc thêm một tiếng cười hồn nhiên giòn giã trong ba ngày Tết. Để rồi ông Tú đất Vị Xuyên đã tóm gọn một cái Tết đầy âm vang và mầu sắc trong hai câu thơ sau:
Đì đạch ngoài sân tràng pháo chuột,
(Trần Tế Xương)
3. Năm Kỷ Sửu và tranh Trâu ngày Tết
Từ xưa đến nay, con trâu luôn được coi là đầu cơ nghiệp, là người bạn lao động hữu ích, là sức kéo và là của cải giá trị nhất đối với người nông dân, có lẽ vậy nên hình ảnh con trâu xuất hiện khá nhiều trong văn hóa dân gian nói chung và tranh dân gian nói riêng.
Theo quan niệm xưa, Trâu là con vật xua đuổi âm khí. Ngày xưa người ta có tục cưỡi lên mình trâu đánh cho trâu chạy lồng lên. Làm thế là để xua đuổi khí âm lạnh lẽo để đón khí dương ấm áp của mùa xuân về. Theo Kinh Dịch, tháng Giêng là quẻ Thái, gồm ba hào âm ở trên, ba hào dương ở dưới. Âm dương cân bằng, mà khí dương thì bốc lên, khí âm thì chìm xuống, hai thứ khí cân bằng ấy giao hoà là điềm tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở phát triển. Trâu là biểu tượng của đất, thuộc âm. Các tháng một, chạp âm thịnh, dương chỉ mới chớm nảy nở, tiết trời lạnh lẽo u ám. Đến tháng giêng âm dương mới cân bằng, tuy nhiên tiết trời còn lạnh lắm, người ta đánh cho trâu chạy là có ý xua đuổi khí âm đi cho khí dương về là thế. Người nghệ nhân dân gian Đông Hồ khi vẽ tranh trâu đã có sự sáng tạo đưa thêm những thứ khác vào tranh làm cho tranh sống động hơn, gần gũi hơn với người ta, và trong đó có cả cái ý yêu quý con trâu là đầu cơ nghiệp nữa. Trong sách Lễ kí, thiên Nguyệt lệnh có câu: Xuất thổ ngưu dĩ tống hàn khí là ghi lại việc này và trở thành mẫu mực cho các tập tục đón xuân của những vùng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, trong đó có nước ta.
Nhân năm Kỷ Sửu, lucbat.com sưu tầm và giới thiệu một số bức tranh Trâu dân gian cho các bạn đọc cùng chiêm ngưỡng.