Thứ năm, 25/04/2024,


Cảm hứng sử thi trong thơ Lục Bát sau năm 1975 (Phạm Kim Ngân) (18/01/2015) 


 

1. Sự tiếp nối truyền thống


Khuynh hướng sử thi là khuynh hướng chủ đạo của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Lê Lưu Oanh đã từng khái quát về văn học sử thi như sau: “Văn học sử thi phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và có tính toàn dân. Nhân vật trung tâm của nó thường là những con người đại diện cho giai cấp, dân tộc với tính cách dường như kết tinh đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Khuynh hướng sử thi gắn liền với cảm hứng lãng mạn. Con người sống chủ yếu với lịch sử và tương lai” (1). Ta có thể thấy rõ điều này trong văn học nói chung và thơ trữ tình Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 nói riêng. Trong ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc, vận mệnh đất nước luôn được đặt lên hàng đầu. Thời đại với những chuyển biến lớn lao của lịch sử đã đem đến cho thơ văn cách mạng chất sử thi bắt nguồn từ những chiến công vang dội của dân tộc. Nổi bật trong thần thái của thơ văn giai đoạn này là chất giọng hào sảng, ngợi ca đời sống chiến đấu đậm chất sử thi, chất lý tưởng. Giọng điệu đó đã đưa thi sĩ hòa cái tôi cá nhân với cái ta chung của cộng đồng. Cảm hứng sử thi đưa con người vươn tới những cái lớn lao, phi thường qua những hình ảnh tráng lệ. Nằm trong sự vận động chung, cảm hứng sử thi trong thơ lục bát đề cao tinh thần yêu nước và ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khắc họa hình tượng con người Việt Nam anh dũng, kiên cường, bất khuất:


Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
(Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi)


Sau chiến thắng 30/01/1945, đất nước ta hoàn toàn độc lập nhưng nội dung sử thi trong thơ văn vẫn được duy trì, nối tiếp truyền thống. Vì là thể thơ mang âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết, chủ yếu thể hiện tâm tư, tình cảm nên cảm hứng sử thi trong thơ lục bát không nhiều bằng trường ca, thơ văn xuôi và thơ tự do. Thế nhưng, lục bát cũng đóng góp cho nội dung sử thi giai đoạn hậu chiến về cảm hứng và hình tượng sử thi. Cảm hứng ngợi ca Tổ quốc được thể hiện trước hết ở thái độ yêu mến, gắn bó, tự hào về nét đẹp quê hương, dân tộc một cách tinh tế, sâu sắc. Đó là niềm tự hào về vùng đất, con người với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến. Thấp thoáng trong từng câu thơ là những giọt mồ hôi, những nỗi niềm thăng trầm, chắt chiu của ông cha ta (Làng trong phố - Hồ Phong Tư), là âm vang bi hùng trong tiếng thúc thôi ngựa hồng, tiếng cồng và tiếng chiếu vua ban, trong hình ảnh núi sông chuyển mình, trong những truyền thuyết sử xanh cõi bờ (Lục bát ngàn năm – Đặng Kim Thanh). Lục bát mượn tiếng ru ngọt ngào để nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước cho thế hệ sau:


À ơi… giấc ngủ chưa đằm
Tháp Rùa trầm mặc nghìn năm nói gì?
Bao thời trận mạc qua đi
Thăng Long chìm nổi uy nghi dáng Rồng.
(Ru bên Hồ Gươm – Nguyễn Văn Chương)


Hay khi nhà thơ bắt được nguồn mạch của làng quê Việt Nam - một làng quê hiền hòa, thanh bình luôn là nỗi nhớ niềm thương nơi tâm trí những người ly hương như trong Chợ làng (Phan Thanh Minh), Làng (Trần Xuân Trường), Quê ngoại (Phan Đạo Toàn), Chùa làng (Đỗ Phú Nhuận), Lang thang quê (Nguyễn Ngọc Trìu), Xóm cũ – làng xưa (Phạm Ánh Sao)… Bên cạnh đó là niềm tự hào về một miền quê chân thật và nghĩa tình. Khó còn nét đặc tả nào chân thật và sinh động hơn về cái chợ quê giàu sản vật, lại ấm áp tình người và cũng rộn ràng sức sống nơi thôn dã hơn thế này:


Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua, con cá dính đầy bùn tươi
Mớ rau muống, mớ mồng tơi
Quả bầu, quả bí nói lời gió sương.
(Chợ quê – Hà Cừ)


Giọng điệu lục bát lúc này tuy không van nài như chàng trai chân quê Nguyễn Bính, nhưng hình ảnh làng quê với nhịp sống và lối sống nhà quê vẫn chan chứa yêu thương. Đó là nỗi mong mỏi bình dị, thiết tha giữ lấy nét đẹp truyền thống của quê hương, dân tộc trong các sáng tác của Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Lâm Xuân Vi, Nguyễn Trọng Tạo…
Sự mới lạ trong thơ lục bát thể hiện tình yêu quê hương đất nước sau 1975 là ở sự phát triển về chất trí tuệ và triết lý trong thơ. Tình yêu quê hương đất nước được thể hiện qua những thông điệp, những chân lý có vẻ giản đơn nhưng lại tận cùng sâu sắc:


Nghìn năm trên dải đất này
cũ sao được cánh cò bay la đà
cũ sao được sắc mây sa
cũ sao được khúc dân ca quê mình.
(Khúc dân ca – Nguyễn Duy)


Con người không chỉ nhận ra quê hương mình đau thương mấy vẫn ngọt lành bên trong (Đất đỏ, nước xanh – Nguyễn Duy), bao nhiêu là thứ bùa mê/ cũng không bằng được nhà quê của mình (Bây giờ - Đồng Đức Bốn) mà còn khái quát thành triết lý về nguồn:


Tạ từ nguồn mẹ ta đi
Lớn lên khôn dại cũng quỳ trước sông.
(Ghẹo lại ca dao – Trương Nam Hương)


Rất nhiều bài thơ thể hiện lòng quyết tâm giữ gìn từng tấc đất, giọt biển thấm đẫm xương máu của cha ông:


Hoàng Sa ơi! Bắc Hải ơi!
Cháu con muôn thuở tiếp lời cha ông
Còn trong tim giọt máu hồng
Xin thề giữ vẹn non sông giống nòi!

Tháng hai nắng gió mặn mòi
Ai về Lý đảo mà coi khao lề
Bao la mây nước bốn bề
Hình nhân thế lính chẳng hề nguôi quên…
(Ai về Lý đảo mà coi – Nguyễn Ngọc Hưng)


Đất nước bước sang thời kì hòa bình, nhưng hậu quả, dư âm của nó vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống của mỗi con người. Sự khốc liệt của chiến tranh và hình tượng người lính vẫn là niềm cảm hứng của nhiều nhà thơ, đặc biệt là những người mặc áo lính. Hình tượng sử thi lúc này là hình tượng người chiến sĩ và hình tượng nhân dân. Người lính được soi sáng dưới ý thức tự nguyện, tự giác gắn bó với vận mệnh dân tộc. Âm thầm mà mãnh liệt, bền bĩ mà dẻo dai, mỗi người lính đứng trong hàng ngũ đều ý thức được họ chỉ là giọt nước trong biển người tranh đấu. Vẻ đẹp của thế hệ cầm súng được thể hiện qua tâm thế dấn thân, nhập cuộc:


Vẫn còn khói lửa biên cương
Hẹn nhau ra chốn chiến trường tìm nhau!
(Ra viện – Đỗ Văn Luyến)


Cũng là trách nhiệm đối với đất nước khi có giặc ngoại xâm nhưng ý thức của thế hệ lúc này nghiêng về suy nghĩ, phân tích, lý giải và đánh giá. Người lính hiện diện với tư cách người nhập cuộc chứ không phải là người ngợi ca lý tưởng. Chân dung anh bộ đội Cụ Hồ hiện lên với nếp sống, sinh hoạt đơn sơ, mộc mạc, thiếu thốn nhưng tấm lòng yêu nước, đời sống tình cảm, ý chí nghị lực luôn sâu sắc, phi thường. Họ nếm trải những khó khăn gian khổ bằng ý thức làm cho sự “không bình thường” của chiến tranh trở nên bình thường trong tâm thế dấn thân, nhập cuộc. Đó là những con người cả đời ăn măng củ thay cơm, lăn lộn từ Việt Bắc đến Trường Sơn để giành lại bình yên cho Tổ quốc:


Ở đây có những con người
nửa đời Việt Bắc nửa đời Trường Sơn
đã từng măng củ thay cơm
bây giờ rau dớn rau môn lại từng.
(Một người cha – Nguyễn Duy)


Nhân vật sử thi không chỉ được lý giải ở bình diện nghĩa vụ, ý chí mà còn mở rộng sang những trải nghiệm, những điều đúc kết rất giản dị, chân thật từ trong chiến tranh mà không hề bị “sử thi hóa” như trong giai đoạn trước:


Đã qua hai cuộc chiến tranh
Vẫn còn chiếc mũ nguyên lành là may.
(Vô tình – Triệu Nguyễn)


Không chỉ sâu sắc trong tình yêu Tổ quốc, nặng lòng với tình cảm quê hương, đời sống tinh thần của người lính còn được thể hiện qua tình đồng đội. Đó là sự ngợi ca tình cảm chân thành, yêu thương mà những người lính dành cho nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách trong suốt cuộc trường chinh gian khổ:


Chuyện riêng đồng đội cùng nghe
Bao nhiêu tâm sự vỗ về sang nhau
Bài ca chiến trận dài lâu
Đã thương áo lính bạc màu vẫn thương.
(Một thời áo lính – Ngọc Bái)


Trong giây phút chiến thắng, họ vẫn không quên tình cảm dành cho đồng đội của mình - những người đã nằm xuống vì quê hương, đất nước. Bùi Nguyên Ngọc cất lên Lời ru hài cốt ngủ trên lưng, Hoàng Hữu Cát cũng mượn thơ lục bát để Nhớ đồng đội:


Dù đi cuối đất, cùng trời
Không sao quên được một thời chiến tranh
Tôi về viếng mộ. Thăm anh
Anh còn sống mãi đâu thành người xưa...
(Nhớ đồng đội – Hoàng Hữu Cát)


Gắn bó máu thịt với người lính là những căn hầm, mái tăng, chiếc võng... Chúng đã cùng họ từng phút, từng ngày chiến đấu giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Sự khắc nghiệt của chiến tranh khiến nhiều người ra đi vĩnh viễn không về, để lại sau lưng những thứ đã từng gắn bó sâu sắc với mình và sự ngậm ngùi, tiếc thương của đồng đội:


Sốt cơn ác tính chín da
chiều hôm sau bạn tôi qua đời rồi
đung đưa cánh võng không người
treo trong không khí một lời dở dang.
(Người đang yêu – Nguyễn Duy)


Thế nhưng, trong mưa bom lửa đạn, trong mịt mù khói lửa chiến tranh, người lính vẫn dạt dào rung cảm trước những nét đẹp của cuộc sống. Tâm hồn những con người ấy vẫn lộng gió, vẫn mở rộng để hòa mình vào thiên nhiên với trăng, sao, gió, cây rừng... Họ yêu quý từng chiếc lá, từng con sông, từng tấc đất, giọt biển của cha ông:


Lá mang mảnh vỡ trăng rằm
dịu lòng lính tráng tháng năm xa nhà
đâu nào chú cuội gốc đa
nhìn nhau bát ngát lính ta và rừng.
(Trăng – Nguyễn Duy)


Thời điểm sau chiến tranh, người lính không chỉ được đánh giá qua ý thức trách nhiệm, sự hiên ngang, kiên dũng, mà thơ lục bát còn khai thác ở họ đời sống tình cảm tinh tế, sâu sắc. Họ yêu Tổ quốc bằng tình yêu mang đậm màu sắc thế hệ, gắn liền với nhân dân, quê hương, gia đình và bản thân. Thơ lục bát – bằng chất giọng ngọt ngào, sâu lắng đã nói lên được những rung cảm chân thành, tha thiết mà ít có thể thơ nào khai thác trọn vẹn. Trải qua quá trình chung lưng chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, tình đoàn kết làng xóm, đồng đội, đồng bào ngày càng được thắt chặt thêm. Tình cảm quân dân đậm đà thắm thiết cũng được phản ánh trong thơ lục bát:


Cửa nhà bom dội trắng tay
chỉ còn mấy bắp ngô này con ơi
con về giữa buổi nắng nôi
quà đồng chỉ có thể thôi, gọi là...

nghẹn ngào mẹ nói chẳng ra
nghẹn ngào chiến sĩ nhận quà ngô non.
(Bát nước ngô – Nguyễn Duy)


Hình ảnh đích thực về số phận nhân dân tập trung ở người phụ nữ. “Trong một đất nước nghèo, người phụ nữ khổ nhất; trong một ngôi nhà nghèo, người phụ nữ nghèo nhất” (Đoàn Công Lê Huy). Đó là những người mẹ, người chị, người vợ gánh chịu tất cả những nỗi đau trong âm thầm, lặng lẽ. Hình tượng người mẹ trở thành trung tâm của mọi suy nghĩ, hành động, nỗi nhớ niềm thương. Lục bát đã đưa những người mẹ Việt Nam hòa nhập làm một và trở thành người mẹ chung: người mẹ của nhân dân, đất nước. Nỗi đau của mẹ cũng là nỗi đau chung của cả dân tộc:


Tình sâu hóa vết thương sâu
Bàn thờ - mẹ vẫn một đầu chiến tranh.
(Thơ ngày giỗ cha – Đỗ Trọng Khơi)


Miền trung cát trắng nắng thiêu
Má quỳ như tạc vào chiều Trường Sơn.
(Chiều nghĩa trang – Phạm Xuân Trường)


Đồng Đức Bốn nâng hình tượng người mẹ lên tầm cao hơn, thể hiện sâu sắc triết lý về nguồn:


Trở về với mẹ ta thôi
Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
(Trở về với mẹ ta thôi – Đồng Đức Bốn)


Bên cạnh đó là những người chị, người vợ luôn úp mặt vào trong, nghẹn ngào nuốt nước mắt để gánh vác cả giang sơn và con cái trong im lặng, mỏi mòn:


Người đi nhẹ bước thiên bồng
Để bao thương nhớ chất chồng lên ai
Chị tôi sóng gió hôm mai
Một mình gánh cả hai vai bão bùng.
(Chị tôi – Đặng Cương Lăng)


Cùng với hình ảnh người mẹ, người chị, lục bát còn vẽ nên hình ảnh người thương. Tình yêu của những người lính được thể hiện và nhìn nhận với trái tim đầy cảm thông, chia sẻ:


Anh về từ chiến trường xa
Con tem quân đội làm quà trao em
Tay em năm ngón dẫu mềm
Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm.
(Con tem quân đội – Đinh Thị Thu Vân)


Nhìn chung, sau 1975, thơ lục bát vẫn thể hiện cảm hứng sử thi như một quán tính nghệ thuật, mở ra những bình diện mới trong việc lý giải, khắc họa hình ảnh người lính. Thơ lục bát lúc này, bằng chất giọng êm dịu, ngọt ngào đã thể hiện tầm khái quát của thời đại thông qua số phận, tâm trạng của những người lính với cảm xúc vui buồn, yêu thương, với những gian khổ, mất mát một cách chân thực, nhẹ nhàng. Ở nội dung sử thi, lục bát vẫn phát huy thế mạnh của mình. Dư âm sử thi vang vọng trong những bài thơ lục bát tạo thành những lời hát ru, những tiếng lòng tha thiết về tình yêu quê hương, đất nước, về niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó là hình tượng người lính và nhân dân anh dũng, quật cường trong kháng chiến. Hình tượng ấy không còn được bao bọc bởi những ánh hào quang mà trở nên gần gũi hơn, chân thật hơn. Xen lẫn niềm vui là những nỗi buồn, những cay đắng, mất mát, đau thương, những góc khuất mà lục bát trước đây chưa đề cập tới. Thơ lục bát sau 1975 phóng khoáng hơn trong biểu đạt, phức tạp hơn trong tư duy và cảm xúc của tác giả. Chính vì vậy mà chất sử thi phai nhạt dần, tạo điều kiện cho nhà thơ “nói thẳng”, “nói thật” về nhiều vấn đề uẩn ức, nhiều sự thật đau lòng.


2. Sự nhạt dần của chất sử thi


Với một khoảng cách về thời gian, một độ lùi nhất định, ánh hào quang của một thời binh lửa đã tạm lắng xuống để nhà thơ có thể nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trần, nói lên tiếng nói của sự thật đau thương và mất mát. Họ có điều kiện để suy ngẫm, nhìn nhận con người một cách tỉnh táo, cụ thể với những góc khuất trong cuộc sống và tâm hồn. Nhà thơ đi từ “hiện thực nhìn thấy” trong chiến tranh đến “hiện thực tự cảm thấy” (Nguyễn Đăng Điệp). Cảm hứng sử thi không còn là khúc hoan ca mà nghiêng dần về sự chiêm nghiệm, suy tư. Những bi kịch trong chiến tranh được quan tâm như một nhu cầu cần bù đắp. Các nhà thơ dùng thể lục bát để tạo thành những khúc hát ru vừa da diết, vừa xa xót. Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, … là những nhà thơ có ý thức đổi mới lục bát trên nội dung sử thi quen thuộc. Cái chết không còn là sự hy sinh, dấn thân vì lý tưởng, vì sự nghiệp của đất nước, cũng không còn là thăng hoa, hồi sinh trong lòng đất mẹ. Lục bát giai đoạn này thể hiện sự mong manh giữa sống và chết, sự mong manh trong giấc mơ đoàn tụ của người lính (Vẫn là mong manh – Võ Thị Hồng Tơ). Đã có không biết bao nhiêu người nằm rải rác trên chiến trường, không biết bao nhiêu người chỉ được khắc trên bia mộ hai chữ “Vô danh”, không biết bao nhiêu người đã để máu xương hòa trộn vào lòng đất. Lục bát viết về sự hy sinh bằng tất cả những mất mát, đau thương khôn nguôi:


Chết không còn tuổi đã đành
Cái tên mẹ đặt cũng thành khói mây
Biết hồn xanh cỏ, xanh cây
“Vô danh” vẫn cứ đắng cay lòng mình.
(Ghi ở cõi Trường Sơn – Nguyễn Hữu Quý)


Trước năm 1975, vị trí người lính luôn đặt trong cảm hứng sử thi, trong hoàn cảnh của dân tộc nên tình cảm riêng tư tạm thời bị che lấp, hoặc nó chỉ thoảng qua để làm nền cho một tình yêu cao đẹp hơn, là tình yêu đất nước. Sau năm 1975, lục bát khai thác những chi tiết xúc động trong nỗi buồn về tình cảm riêng tư của người lính. Họ xót xa cho một phần cuộc đời đã trôi qua:


Bàng hoàng qua cuộc chiến tranh
Tuổi thơ mới đó đã thành ngày xưa.
(Nhớ trường xưa – Đỗ Văn Luyến)


Những cô gái thanh niên xung phong, xinh đẹp, trẻ trung một thời bây giờ vò võ một mình, thương nhớ tuổi xuân qua đi không bao giờ lấy lại được:


Vài ba năm… bốn năm năm
em tôi bảy tám mùa xuân rừng già
sốt nhiều mai mái nước da
cái thời con gái đi qua cánh rừng
(Người con gái – Nguyễn Duy)


Đó còn là nỗi buồn về cuộc tình dang dở bị chia cắt bởi chiến tranh:


Về quê gặp lại người xưa
Ba mươi chín tuổi vẫn chưa lấy chồng
Chuyện trò tếu táo bông lông
Mà trong đôi mắt mênh mông nỗi buồn.
(Chiến tranh – Đinh Thao)


Nhiều người mẹ, người vợ của những liệt sĩ phải gánh tiếp nỗi đau chiến tranh trọn cuộc đời mình:


Nén hương em thắp trong chiều
Nghĩa trang, anh một người yêu mãi nằm
Xa nhau đã trọn mười năm
Mười năm lặn lội em thăm cả mười.
(Lời người dưới mộ - Phạm Dũng)


Một trong những bi kịch lớn nhất mà chiến tranh để lại, hiện hữu không chỉ trên thể xác mà còn trong cả tâm hồn người Việt Nam chính là nỗi đau chất độc màu da cam. Đất nước được hòa bình, người lính trở về mang theo cơ thể không nguyên vẹn đã là một nỗi đau. Nhưng nỗi đau ấy còn nhân lên gấp mười, gấp trăm khi thế hệ sau cũng không được lành lặn, phải giành giật giữa sự sống và cái chết từng ngày. Lệ Bình đã mượn lục bát để cất lên tiếng ru tha thiết thay lời người mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam:


À ơi mẹ thức ru con
Hiện hình chất độc chết mòn cỏ cây

Cầu xin nước mắt thôi rơi
Bên con có mẹ cùng lời chim ca
Trở về từ chiến trường xa
Ước mơ người lính làm cha chòng chành .

Mẹ vay lục bát trời xanh
Ru con thay cả người thành khói mây
Con như trăng khuyết chẳng đầy
Mẹ gom nắng tắt cuối ngày – ru trăng!
(Lục bát ru trăng – Lệ Bình)


Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng khiến người đọc xúc động bằng những vần thơ lục bát mang nặng tâm tư:


Mỗi chiều nhặt một héo hon
Vẫn lo cho những mất còn hôm mai
Nhìn con không trọn hình hài
Quặn đau từ lúc phôi thai đến giờ
Đêm thầm nuôi những giấc mơ
Ngày mong con thoát ngu ngơ tật nguyền

Giấc mơ cứ muốn bay lên
Nỗi sầu lại vít xuống bên nỗi sầu
Côn trùng ri rỉ canh thâu
Oán chi bom đạn tã nhàu trần ai

Chị xuyên ngày ngắn đêm dài
Giấc mơ cũng mỏi theo hai cuộc đời.
(Giấc mơ cứ muốn bay lên – Nguyễn Thị Ngọc Hà)


Những người lính trở về từ chiến trường mang theo sự hụt hẫng giữa hiện thực và lý tưởng. Họ không còn ở tư thế hiên ngang, vời vợi mà lẫn vào trong cái bề bộn, gai góc của đời thường. Nỗi niềm của họ bộc lộ qua những dòng tâm sự dành cho đồng đội đã ngã xuống, cho những người còn sống và cả bản thân mình:


Lính già thắng trận về nhà
Bao nhiêu tội vạ tà tà chia nhau
Thằng còn mảnh đạn trong đầu
Bỗng dưng quẳng áo đi đâu khỏi làng.
(Thương nhớ - Nguyễn Hồng Hà)


Người lính không thể nào quên được những năm tháng ở chiến trường gian khổ. Trước cuộc sống nhiều ngang trái, họ muốn tìm quên, muốn hòa nhập, nhưng rồi tận sâu trong đáy lòng vẫn cứ đau đáu nỗi niềm:


Muốn nguôi quên những xót xa
Hát cùng trời đất bài ca thanh bình
Thế nhưng trong thịt xương mình
Mảnh kim loại vẫn khối tình vẹn nguyên

Dù cho vết sẹo ngày xưa
Đã chai lì với nắng mưa dãi dầu
Vẫn không chai được nỗi đau
Khi qua ngõ chợ, gầm cầu, bánh xe
Khi trên bàn tiệc hả hê
Người ta uống cả lời thề chiến tranh.
(Vẫn còn mảnh đạn – Phạm Doanh)


Bằng những vần thơ giản dị, lục bát vẫn hướng hồn ngưỡng vọng vào một thế hệ đã anh hùng dang tay cứu vớt vận mệnh non sông. Nội dung sử thi tuy nhạt dần nhưng không chối bỏ quá khứ. Những người lính vẫn nhìn về một thời binh lửa bằng niềm xúc động và xem đó là một thời đáng sống nhất, say mê nhất và ý nghĩa nhất. Niềm vui hiện tại của những người lính được hình thành qua kí ức nhớ mong một thời bom đạn gian khổ:


Cõng ba lô cóc trên lưng
Thèm nghe tiếng trẻ giữa trời đạn bom
Bông hoa lại mặt trời còn
Cha đi đánh giặc trèo non lội sình

Hai mươi năm nhớ mái đình
Hai mươi năm nhớ tiếng “mình” xa xôi
Và giờ cha tuổi bốn mươi
Lời ru nghiêng những khoảng trời khác nhau.
(Lời ru của người đứng tuổi – Nguyễn Trọng Tạo)


Những giây phút chiến đấu quên mình, những vật dụng thân thương theo chân người lính trên suốt cuộc trường chinh chiến đấu luôn được họ nâng niu, trân trọng và giữ gìn như những thứ quý giá nhất của cuộc đời:


Đạn bom rung mấy chiến trường
Xe tăng, đại bác trăm đường bủa vây
Bên hông vẫn chiếc điếu cày
Vào Dinh Độc Lập ngồi say thuốc lào
Huân chương hạng thấp, hạng cao
Cho quên trên vách qua bao tháng ngày…
Khi đi xa thế gian này
Gia tài … một chiếc điếu cày theo cha!
(Chiếc điếu cày – Nguyễn Minh Khiên)


Nhìn chung, lục bát sau 1975 vẫn tiếp nối cảm hứng sử thi truyền thống nhưng đã có sự vận động, đổi mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại, góp phần quan trọng trong tiến trình chung của thơ ca Việt Nam hiện đại. Đời sống dân tộc trong kháng chiến cũng được thể hiện trong thơ lục bát sau 1975 nhưng không mạnh mẽ và quyết liệt như trong giai đoạn 1945 – 1975. Lục bát sau 1975 chủ yếu mang tính chất tổng kết, suy ngẫm về chiến tranh, thể hiện những đau thương, mất mát mà con người phải gánh chịu. Cảm hứng sử thi lúc này đa giọng điệu, đa sắc thái tình cảm, không chỉ đơn giản là giọng hào hùng ca ngợi mà đã có giọng trầm buồn khi nói về những đau thương, mất mát của dân tộc trong chiến tranh. Hình tượng sử thi được phản ánh một cách chân thật hơn. Người lính không chỉ là anh hùng của dân tộc mà trở thành một người bình thường, cũng khao khát hạnh phúc, khao khát yêu thương và cũng gánh chịu những nỗi đau riêng, những nỗi niềm thầm kín. Lục bát đi sâu vào phản ánh mặt sau của cuộc chiến để phát hiện ra những vấn đề bỏ ngỏ mà giai đoạn trước chưa kịp nói đến. Số phận đất nước lúc này được đo ướm bởi số phận cá nhân. Thơ lục bát thích hợp trong việc thể hiện bi kịch của con người sau chiến tranh bởi giọng điệu tha thiết, trầm buồn. Với lục bát, thơ được trở về với sắc thái đúng nghĩa là tiếng lòng, là tiếng nói của trái tim nên rất dễ tìm được sự đồng điệu ở người đọc. Không là tiếng kêu bàng hoàng, gay gắt, lục bát thấm vào lòng người bằng cơn đau của vết thương đã liền da nhưng thi thoảng vẫn nhói lên nhức buốt, tê lòng. Bằng những đặc trưng riêng biệt của thể loại, lục bát đã nói được tấm lòng chân thành của nhà thơ, lột tả được những mất mát đau thương âm ỉ trong mỗi cá nhân, mỗi cuộc đời. Theo đó, nội dung sử thi dần dần phai nhạt để nhường chỗ cho nội dung thế sự và đời tư, lục bát chuyển sang khai thác tâm hồn con người với “bao điều bão tố ở bên trong”.


(1) Lê Lưu Oanh (1998). Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội, tr. 82.

 

Phạm Kim Ngân

(Hiện là Học viên Cao học ngành Văn học Việt Nam tại trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: